Phản biện xã hội là sự “phản tỉnh”
của các lực lượng XH
Phạm Quang Tú & Đặng Hoàng Giang
Phản biện xã hội góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng, phát triển ý thức về quyền và nghĩa vụ của người công dân, qua đó từng bước hình thành môi trường xã hội dân chủ, tiến bộ.
LTS: Cách đây không lâu, trên các trang mạng xã hội sôi nổi bàn luận về trí thức và sự phản biện. Mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết, với chủ đề về phản biện xã hội. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết. Và mong mỏi nhận được nhiều ý kiến về chủ đề này
Xã hội đã thiếu một cơ chế đối thoại?
Phản biện xã hội là sự “phản tỉnh” của các lực lượng xã hội đối với những kiến tạo chính sách, thể chế… trực tiếp liên quan đến quyền lợi của các thành viên trong cộng đồng, từ đó giúp các cơ quan hữu quan điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Như vậy, về bản chất, phản biện xã hội là sự tương tác, giao thoa về quan điểm, tư tưởng giữa các lực lượng (chính trị, kinh tế, xã hội) trong một cộng đồng. Do đó, thực tiễn và chất lượng của hoạt động phản biện nói lên tính chất tiến bộ, trình độ dân chủ, văn minh của cộng đồng ấy.
Xã hội là một tập hợp của nhiều nhóm lợi ích. Trong quá trình phát triển, các nhóm có nguy cơ mâu thuẫn về quyền lợi, dẫn đến những ẩn ức, ức chế xã hội (trong trường hợp không được giải tỏa). Cao hơn, có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng xã hội thường trực, thậm chí là tiền đề cho các cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội trên diện rộng.
Sở dĩ có tình trạng như vậy là bởi xã hội đã thiếu đi một cơ chế đối thoại. Do đó, phản biện xã hội nảy sinh, ở một góc độ nào đó, là để điều hòa mâu thuẫn, cân đối lợi ích giữa các nhóm liên quan. Nếu chúng ta xem xã hội như một chỉnh thể toàn vẹn thì vận động xã hội là quá trình “trao đổi chất” giữa các lực lượng xã hội.
Mâu thuẫn/xung đột xã hội sẽ làm gián đoạn phương thức trao đổi này cho đến khi cơ chế đối thoại, phản biện xã hội xuất hiện. Phản biện xã hội góp phần tái tạo, phục hồi trạng thái cân bằng vốn đã bị phá vỡ trước đó, mở đường cho trạng thái đồng thuận xã hội xuất hiện.
Khi một xã hội trở nên đồng thuận, bản thân nó đã tự tạo cho mình những tiền đề phát triển mới. Vì đồng thuận xã hội là điều kiện cần để phát triển các nguồn vốn cộng đồng, mở rộng mạng lưới xã hội mà ở đó, các thành viên dễ dàng tương tác với nhau nhờ cùng chia sẻ những niềm tin và giá trị chung.
Phản biện xã hội góp phần khắc phục những khiếm khuyết của các kiến tạo chính sách – thể chế, qua đó nâng cao chất lượng quản trị của bộ máy Nhà nước
Khi hoạt động phản biện diễn ra, người ta hiểu rằng, trước đó, đã tồn tại một số vấn đề nhất định trong sự kiến tạo chính sách của cơ quan Nhà nước chuyên trách công việc này. Khiếm khuyết ấy có thể làm cho bản thân chính sách, quyết định đó trở nên bất khả thi khi áp dụng vào điều kiện thực tế.
Cho nên, phản biện xã hội thực chất là đưa ra một cách nhìn khác của cộng đồng đối với chất lượng và triển vọng của chính sách vừa được ban hành- một cách nhìn mang tính ngoại thể so với cách nhìn mang tính nội thể của người trong cuộc.
Trong ý nghĩa tích cực của nó, phản biện xã hội không có mục đích phủ định sạch trơn hay tìm cách đánh đổ kiến tạo chính sách của cơ quan công quyền. Ngược lại, nó giúp cơ quan kiến tạo chính sách nhận ra những vết rạn hay lỗ hổng của bản thân chính sách, kể cả việc đề xuất các hướng đi hay giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế ấy.
Rõ ràng, việc bổ sung cách nhìn ngoại thể đưa đến một tác động kép: Một mặt, nó trực tiếp nâng cao tính hiệu quả của quá trình lập định chính sách. Mặt khác, từng bước thay đổi tư duy kiến tạo chính sách, kể cả tư duy quản lí của giới kĩ trị theo hướng bám sát thực tiễn hơn.
Phản biện xã hội góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng, phát triển ý thức về quyền và nghĩa vụ của người công dân, qua đó từng bước hình thành môi trường xã hội dân chủ, tiến bộ.
Do bản chất xã hội của nó, các hoạt động phản biện thường gây ảnh hưởng đáng kể lên đời sống cộng đồng. Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, vai trò tích cực của cộng đồng truyền thông càng giúp đẩy mạnh quá trình xã hội hóa các hoạt động phản biện.
Thông qua quá trình này, cộng đồng dần nắm bắt được căn nguyên xuất hiện của hoạt động phản biện, từ đó dấy lên nhu cầu quan tâm, nhận thức vấn đề đang được đặt ra.
Bằng cách này hay cách khác, hoạt động phản biện luôn ủ sẵn khả năng tạo ra một trường tương tác xã hội (social interaction sphere) giữa cộng đồng trí thức (phát hiện và lí giải vấn đề), cộng đồng truyền thông (phổ quát thông tin) và cộng đồng xã hội (hưởng ứng thông tin và hình thành dư luận).
Quá trình tương tác ấy phá vỡ ốc đảo khép kín của đời sống cá thể, nối kết cá thể với cộng đồng rộng lớn bên ngoài. Từ đó giúp họ hình thành nên tính năng động xã hội- một phẩm chất không thể thiếu của người công dân hiện đại.
Nền tảng để hình thành phản biện xã hội
Hệ thống thể chế minh bạch, dân chủ, tiến bộ: Kinh nghiệm quốc tế và trong nước ngày càng cho thấy rằng, hệ thống thể chế có vai trò đòn bẩy đối với tốc độ và chất lượng phát triển của toàn xã hội.
Thể chế không chỉ tạo cơ sở pháp lý mà còn kích thích và định hình chiều hướng vận động của các nguồn lực xã hội. Ở các quốc gia phát triển, với sự tồn tại của một nhà nước pháp quyền dân chủ và một nền kinh tế thị trường lành mạnh, phản biện xã hội diễn ra như một hiện tượng tất yếu, tự nhiên của đời sống dân sự.
Sự tương tác qua lại thường xuyên giữa nhà nước – thị trường – xã hội dân sự thông qua cơ chế phản biện xã hội đã giúp các quốc gia này giảm thiểu được xung đột, căng thẳng xã hội, điều chỉnh năng lực quản trị của bộ máy nhà nước, cũng như phát triển trách nhiệm xã hội, ý thức cộng đồng ở từng cá thể công dân lẫn các tập đoàn doanh nghiệp.
Rõ ràng, trong điều kiện lí tưởng của trạng thái phát triển, phản biện xã hội trở thành cơ chế đảm bảo cho quá trình cộng thông liên tục giữa các lực lượng xã hội, nhờ vậy, đảm bảo tính bền vững cho lộ trình phát triển nói chung.
Sự hiện diện của xã hội dân sự ::Giữa xã hội dân sự và phản biện xã hội tồn tại một mối quan hệ mang tính nhân quả. Nói cách khác, sự hiện diện của xã hội dân sự là một đảm bảo tiên quyết để hoạt động phản biện xã hội được diễn ra. Về bản chất, xã hội dân sự là lực lượng trung gian đứng giữa nhà nước và thị trường, được hình thành trên nền tảng của một môi trường xã hội dân chủ và tiến bộ.
Chủ thể của nền tảng ấy là những người công dân đã biết tổ chức ra các đoàn thể, hiệp hội để thông qua các tổ chức đại diện ấy thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của họ dưới rất nhiều cách thức, mà phản biện xã hội là một trong số đó.
Điều này nói lên rằng, phản biện xã hội chính là chức năng cơ bản nhất của xã hội dân sự. Các lực lượng dân sự sử dụng cơ chế phản biện để bày tỏ quan điểm, thái độ của họ đối với các kiến tạo chính sách, thể chế, định chế … của nhà nước.
Trong một chừng mực nhất định, có thể diễn đạt rằng, phản biện xã hội là sự cụ thể hóa năng lực và phẩm chất của xã hội dân sự trước những vấn đề mà thực tiễn đặt ra cho bản thân nó.
Năng lực và trách nhiệm xã hội của giới trí thức: Karl Marx từng nhấn mạnh đến một chức năng rất cơ bản của người trí thức: Chức năng phê phán hay phản biện xã hội [1].
Thực ra, công tác phản biện xã hội thuộc về trách nhiệm của toàn cộng đồng. Tuy nhiên, với ưu thế đặc biệt về năng lực và do sự thôi thúc lương tâm, người trí thức luôn nhận lãnh trách nhiệm của người tiên phong.
Họ thường nhạy cảm phát hiện ra các vấn đề mới của cuộc sống, đặt chúng trong một hệ qui chiếu rộng lớn của đời sống cộng đồng. Từ đó đánh giá những tác động lợi- hại của chúng đối với lợi ích trước mắt và lâu dài của xã hội.
Trong điều kiện đã tồn tại xã hội dân sự, hoạt động phản biện do giới trí thức khởi xướng sẽ hình thành nên một không gian công cộng (public sphere), mà những sinh hoạt gắn liền với nó được qui về cái gọi là nền văn hóa công luận (public culture).
Về mặt lịch sử, sự ra đời của không gian công cộng là một nỗ lực nhằm ngăn ngừa tính độc đoán, áp đặt của các hệ thống chính trị và các phong trào xã hội có nguy cơ bị chính trị hóa.
Trình độ dân trí của cộng đồng: Tác động của trình độ dân trí đối với phản biện xã hội được biểu hiện dưới hai khía cạnh cụ thể sau đây: Thứ nhất, trong một xã hội có nền dân trí cao, người dân nhận thức rất rõ về quyền lợi và trách nhiệm công dân của họ. Con người tìm thấy hạnh phúc trong sự gắn nối tự nguyện với không gian bên ngoài.
Không thể gọi là hạnh phúc, mà không tham gia vào công việc công cộng. Không thể gọi là tự do nếu không thể nghiệm thế nào là tự do công cộng. Không thể là tự do hay hạnh phúc mà không có chút quyền hành nào trong quyền lực công cộng [2].
Những người công dân năng động này rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến quyền lợi của cộng đồng, chẳng hạn việc ban hành một chính sách, quy định, nghị định … nào đó của các tổ chức/cơ quan Nhà nước.
Hệ quả, họ đủ khả năng tự nhận ra những hệ lụy mà mình đang hoặc chuẩn bị đối mặt, hoặc dễ dàng đồng cảm với những phát hiện và cảnh báo của giới trí thức – tầng lớp hoa tiêu của xã hội. Từ đây, dư luận xã hội sẽ hình thành để vừa trực tiếp tác động tới thái độ của cơ quan công quyền, vừa hậu thuẫn đắc lực cho tiếng nói của những người trực tiếp tham gia vào công tác phản biện.
Thứ hai, nền dân trí cao là điều kiện nền tảng để hình thành nên một đội ngũ trí thức cho cộng đồng – đội ngũ mà về sau sẽ đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong công tác phản biện xã hội.
Một lô-gic mang tính phổ quát được vạch ra: Trên một mặt bằng dân trí cao, tầng lớp trí thức phát triển thành một lực lượng xã hội độc lập, cầm trịch nền văn hóa công luận và không gian công cộng để đảm trách công việc khai sáng cộng đồng, phê phán/phản biện xã hội.
***
Là sự “phản tỉnh” của các lực lượng xã hội đối với những kiến tạo chính sách, thể chế… trực tiếp liên quan đến quyền lợi của các thành viên trong cộng đồng, phản biện xã hội đã trở thành một cơ chế động năng cho quá trình vận động, đổi mới của xã hội.
Tuy nhiên, để hóa thân thành hiện thực, phản biện xã hội cần đến những điều kiện cơ bản, trong đó quan trọng nhất là tính chất dân chủ của hệ thống thể chế, sự hiện diện của xã hội dân sự, năng lực – trách nhiệm của giới trí thức và nền tảng dân trí của cộng đồng.
Trong bối cảnh Việt Nam, để cụ thể hóa các nội dung của Báo cáo chính trị Đại hội X của Đảng về công tác phản biện xã hội, việc xác lập và phát triển các điều kiện vừa nêu là những nhu cầu bức thiết đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm và lương tri của toàn thể các lực lượng xã hội.
—–
[1] Dẫn theo Paul Alexandre Baran (1961), Thế nào là người trí thức
[2] Dẫn theo Bùi Văn Nam Sơn (2011), Văn hóa và văn hóa chính trị,
Phạm Quang Tú & Đặng Hoàng Giang
Theo: Tuần Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét