Pages

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Phát điên vì chính sách!

PhapluattpTuần qua, khi người ngoại tỉnh trở về Hà Nội sau tết, dân chúng đã trải nghiệm những kết quả thực sự của chính sách đổi giờ làm việc mà Bộ Giao thông vận tải là nơi khởi phát.
Không có thông tin nào đủ để cho phép nhận định rằng tình trạng ùn tắc đã được cải thiện đáng kể. Trái lại, người tham gia giao thông vẫn tiếp tục bị rút đi sức khỏe sau hàng giờ đồng hồ chen chúc, luồn lách trên những con đường đầy khói bụi. Một độc giả ký tên Nguyễn Ngọc Hà đã than thở trên Vietnamnet: “Đổi giờ học làm gia đình tôi phát điên lên!”.

Trước khi áp dụng chính sách đổi giờ, các cuộc tranh luận gay gắt đã nổi lên trong dư luận. Bộ trưởng Đinh La Thăng kiên quyết bảo vệ ý tưởng này và tỏ ra quyết liệt với tinh thần “thà hành động còn hơn ngồi kể khổ”! Rất nhiều người cũng đã vì tinh thần này mà phấp phỏng rằng chính sách của ông sẽ phát huy hiệu quả.


Nhưng chính sách điều hành không thể được ban hành và thực thi với tinh thần “phải thử mới biết” của các doanh nhân. Bộ trưởng không phải dùng tài sản của mình để đảm bảo hiệu quả của chính sách như doanh nhân, mà mỗi việc làm của bộ trưởng lại ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của hàng triệu người. Thực tế cho thấy những tiết học mệt mỏi lúc trời tối, những cái dạ dày sôi sục vì quá giờ cơm bình thường đã chứng minh cho các hậu quả đã được dự báo trước của quyết định đổi giờ.

Trước đây người ta thường gay gắt phê phán những quan chức chây ỳ không chịu làm việc hoặc phản ứng quá chậm chạp trước đòi hỏi của cuộc sống. Nhưng giờ đây, ngành giao thông lại tỏ ra quá sốt sắng và vô hình trung lại trở thành một thái cực đối lập không hiệu quả. Mỗi chính sách được ban hành bao giờ cũng bao hàm khả năng làm biến dạng các đối tượng mà nó hướng tới, theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Do đó, sự chín chắn cần thiết đi kèm với tư duy khoa học trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp của xã hội, là tố chất cần thiết đối với bất cứ nhà quản lý nào. Bằng không, nhân dân sẽ còn tiếp tục phát điên với các chính sách được ban hành.


Những nhân tài thua lỗ

Giải thích cho mặt bằng lương quá cao trong khi bản thân thua lỗ nghiêm trọng, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho rằng: “EVN thua lỗ là do hạn hán, thủy điện thiếu nước, phải bù điện từ các nhà máy chạy dầu với giá thành cao. Còn lương cao để giữ chân người giỏi. Bởi nếu lương không đảm bảo, họ sẽ bỏ việc”.

Ở Việt Nam, người ta rất quen với một kiểu chống chế của các quan chức nhà nước: Thiên tai là nguyên nhân của mọi thất bại và cán bộ là yếu tố quyết định của mọi thắng lợi. EVN tiếp tục đổ lỗi cho thiên tai như một cách giải thích cho khoản thua lỗ lên đến 10.000 tỉ đồng của mình.

Điều rất nực cười là, ở EVN dường như có rất nhiều nhân tài. Đó là lý do của mặt bằng lương bất hợp lý mà họ đang hưởng. Thế nhưng bao nhiêu nhân tài đó cũng không đủ cho EVN giành được thắng lợi nào trong bài toán kinh doanh (bằng vốn của dân). Có hai cách giải thích cho nghịch lý này, một là các nhân tài của EVN đã bị lãng phí trong quá trình sử dụng, hai là ở EVN đang duy trì một định nghĩa thực sự khác biệt cho khái niệm “nhân tài”.

Không có nhận xét nào: