Pages

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Quyền hạn, trách nhiệm, dân chủ và đa ngành

http://www.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/71337/129e6_53_1.jpg
Kẹt xe trên cầu Sài Gòn. Để giải quyết vấn nạn kẹt xe
ngày càng trầm trọng hiện nay, cần có sự phối hợp
hành động giữa các sở, ban, ngành có liên quan
theo một chiến lược thống nhất. Ảnh: THANH TAO.
TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn – Thoibaokinhtesaigon


Đổi mới cơ cấu chính quyền đô thị đang là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay, đặc biệt tại các đô thị lớn, phát triển nhanh như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM…

Tạo điều kiện cho việc thực thi trách nhiệm cá nhân của các nhà lãnh đạo

Bộ máy chính quyền địa phương hiện theo cơ chế HĐND-UBND, mang tính tập thể cao và có những ưu khuyết điểm riêng. Vì vậy, giả dụ trước một sự việc nghiêm trọng xảy ra, việc thực thi văn hóa từ chức là không khả thi khi các nhà lãnh đạo then chốt (chủ tịch và phó chủ tịch UBND, giám đốc và phó giám đốc các sở và ban ngành) không có quyền hạn tương xứng với trách nhiệm của họ vì vẫn phải tuân theo cơ cấu trách nhiệm tập thể của UBND hiện nay.


Người ta nói nhiều đến việc thiếu nhạc trưởng điều hành sự phối hợp giữa các sở, ban ngành có liên quan trong việc phát triển đô thị. Thực ra trong bộ máy đã có người thực hiện công việc này từ lâu với chức danh phó chủ tịch UBND, chịu trách nhiệm lãnh đạo một hội đồng về phát triển đô thị và môi trường gồm có các sở xây dựng, sở quy hoạch kiến trúc, sở giao thông vận tải, sở tài nguyên môi trường… Điều cần làm rõ là trao quyền hạn tương ứng với trách nhiệm cá nhân của chức danh này.

Người ta thường quá chú trọng đến vai trò của nhạc trưởng mà quên đi vai trò rất quan trọng của nhạc sĩ hòa âm-phối khí, tạo nên bản tổng phổ cho dàn nhạc giao hưởng. Trong cơ cấu lãnh đạo thành phố, đó là người chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo và vạch ra chiến lược phát triển về mọi mặt của thành phố. Trách nhiệm chính này không nên mang tính tập thể hoàn toàn, mà nên giao cho cá nhân chủ tịch UBND, hay thị trưởng. Theo cơ chế hiện nay, UBND làm việc theo chế độ tập thể, cho nên chủ tịch UBND cũng thế. Nên xem xét việc tổ chức tranh cử cho vị trí chủ tịch UBND hay thị trưởng, trong đó người ra ứng cử phải nêu được chương trình hành động và các mục tiêu đặt ra của mình trong nhiệm kỳ, phải có quyền bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm các nhân sự quan trọng trong ê kíp (các phó chủ tịch UBND, các giám đốc sở) để thực hiện chương trình đó, và phải báo cáo thành tựu đạt được vào cuối nhiệm kỳ.

Không nên ngại việc giao nhiều quyền hạn cho một vài cá nhân lãnh đạo nếu việc giao quyền đó tương xứng với trách nhiệm to lớn mà nhà lãnh đạo đó nhận lãnh. Bên cạnh đó, còn có HĐND thành phố, có thể truy cứu trách nhiệm và trưng cầu ý kiến tín nhiệm chủ tịch UBND và các nhân sự chính có liên quan khi cần thiết.

Dân làm chủ

Các chức vụ then chốt của chính quyền đô thị (chủ tịch UBND thành phố và chủ tịch quận, đại biểu HĐND) phải thông qua bầu cử chứ không thể được bổ nhiệm, vì chủ tịch UBND thành phố là người chịu trách nhiệm trực tiếp việc đảm bảo chất lượng sống của người dân, đảm bảo sự phối hợp các sở, ban ngành trong việc xây dựng và thực thi chiến lược phát triển đô thị, giải quyết các vấn đề bức xúc của đô thị. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, chủ tịch UBND quận có thể chịu trách nhiệm với số dân tương đương một thành phố nhỏ. Chủ tịch quận tuy chỉ là một cấp thừa hành nhưng là người trực tiếp làm việc hàng ngày và cần phải gắn bó với dân, do đó cần được bầu thay vì bổ nhiệm.

Nếu việc bãi bỏ HĐND cấp phường và quận được thực hiện, mỗi quận phải có số lượng đại biểu HĐND thành phố tương ứng với quy mô dân số và ít nhất là một người, và người đó buộc phải là người cư trú hoặc làm việc hàng ngày tại địa bàn quận mà họ đại diện.

Tư duy chiến lược đa ngành

Quan sát tình trạng bức xúc về nhiều mặt hiện nay trong đô thị, có thể thấy rõ sự bất cập của cơ chế cũ (quản lý tập quyền trung ương, quản lý mang nặng tính đơn ngành) không phù hợp với cơ cấu kinh tế thị trường. Cơ cấu chính quyền đô thị mới nên được tổ chức lại theo hướng tư duy chiến lược đa ngành – phối hợp đa ngành, thay cho tư duy quản lý đơn ngành.

Chỉ đơn cử việc ách tắc giao thông, một mình sở giao thông vận tải không thể giải quyết tình trạng này mà phải phối hợp hành động với các sở, ban ngành có liên quan (quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài nguyên môi trường, kinh tế…) theo một chiến lược thống nhất. Do đó cần có sự lãnh đạo và chịu trách nhiệm trực tiếp của cấp chủ tịch và phó chủ tịch UBND thành phố, cấp cao hơn cấp sở, trên cơ sở tư duy chiến lược đa ngành và phối hợp đa ngành.

Không có nhận xét nào: