Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Tiên Lãng, những diễn tiến không thể tiên liệu


Cảnh sát bao vây ngôi nhà của Vươn sáng 5/1
Mặc Lâm
“Người cần phải đưa ra xử trước tiên để biểu tỏ sự nghiêm minh của Thủ tướng và nghiêm minh của pháp luật là cái ông đại tá Ca ấy.” – GS Tương Lai
Diễn tiến của Tiên Lãng ngày càng có chiều hướng dấn sâu hơn vào những câu hỏi vốn được xem là nhạy cảm: từ chính sách đất đai, tới thái độ xem thường dân chúng của chính quyền. Từ tòa án xét xử sai trái tới vấn đề xử dụng sức mạnh quân sự để khống chế người dân đang được xã hội đặt ra một cách công khai gay gắt.
Liệu Tiên Lãng có phải là viên gạch tốt để xây lại nền móng lòng tin hay chính Tiên Lãng sẽ làm đỗ vỡ thêm nếu chính quyền vẫn còn tự tin vào sức mạnh không gì lay chuyển nổi của mình? Mặc Lâm với bài viết sau đây:
Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra quyết định về vụ Tiên Lãng ngay lập tức đã tạo ra một nguồn dư luận tích cực trước sự chờ đợi của báo giới và người dân Tiên Lãng. Mọi người gần như có cùng một suy nghĩ: quyết định của Thủ tướng tuy chưa hoàn toàn tạo được làn sóng ủng hộ của mọi người nhưng trên tổng thể nó đã phản ánh được tối thiểu thái độ cần có của một chính phủ.

Sau những phấn khích…
doan-v-vuon-dantri-250.jpg
Ông Lê Văn Hiền(nay đã bị đình chỉ công tác): “Khi hết thời hạn thuê đất mà chủ đầm không trả thì cưỡng chế” (ngày 12/1/2012). Source dantri-online.
Vài ngày sau khi cơn phấn khích dịu xuống nhiều vấn đề mới lại nổi lên ngay từ ba điểm mấu chốt kết luận của Thủ tướng. Thứ nhất, Thủ tướng chỉ đạo các ban ngành có liên quan cần sớm xử lý, và xử lý triệt để những sai phạm trong vụ cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn. Thứ hai Thủ tướng kiến nghị chánh án TAND Tối cao theo thẩm quyền, xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND TP Hải Phòng và TAND huyện Tiên Lãng. Thứ ba Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP Hải Phòng chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.
Trong vụ Tiên Lãng, hai nhân vật được xem là cường hào mới là hai anh em ông Lê Văn Hiền và ông Lê Thanh Liêm, một người chủ tịch Huyện Tiên Lãng, một người chủ tịch xã Vinh Quang, nơi có miếng đất to lớn của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, hai người này đã cùng nhau dàn dựng và dẫn quân tới cưỡng chế miếng đất này. Người thứ ba bị dư luận lên án như một ác bá lại là giám đốc công an Đỗ Hữu Ca, người trực tiếp chỉ huy hơn 100 công an, bộ đội, dân phòng tấn công vào nơi mà gia đình ông Vươn đang lập nghiệp.
Những vai chính chưa rời vở diễn
do-huu-ca-250.jpg
Giám đốc CA Hải Phòng Đỗ Hữu Ca. Photo courtesy of Trần An Lộc/danlambaovn.blogspot.com.
Những vai chính trong vở kịch Tiên Lãng nếu được xử đúng theo luật pháp như yêu cầu của Thủ tướng thì họ không có cơ hội nào để còn ung dung ngoài vòng pháp luật như hiện nay. Hai anh em ông Hiền và Liêm bị thôi chức mà không bị giam giữ do tính chất nghiêm trọng mà họ đã làm. Riêng ông Đỗ Hữu Ca không những không có một động thái răn đe nào lại được cất nhắc làm một thành viên trong chính cái Ủy ban điều tra về Tiên Lãng.
Về nhân vật Đỗ Hữu Ca, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam cho biết nhận định của ông:
Người cần phải đưa ra xử trước tiên để biểu tỏ sự nghiêm minh của Thủ tướng và nghiêm minh của pháp luật là cái ông đại tá Ca ấy.
GS Tương Lai
“Người cần phải đưa ra xử trước tiên để biểu tỏ sự nghiêm minh của Thủ tướng và nghiêm minh của pháp luật là cái ông đại tá Ca ấy. Ông này là người trực tiếp chỉ huy vụ cướp đoạt, huy động đến 100 binh lính, gồm bộ đội biên phòng, công an đặc nhiệm để tấn công vào chỉ mấy người dân mà họ chỉ có cây súng bắn đạn hoa cải, một quả mìn tự tạo.
Ông đại tá Ca khoe rằng đây là một trận đánh phối hợp hiệp đồng tác chiến rất đẹp có thể viết thành sách được thì phải nói đây là một sự ngông cuồng. Đối với pháp luật nghiêm minh, muốn an lòng dân thì phải đưa ông này ra xử trước tiên trong hàng ngũ lãnh đạo Hải Phòng và sau đó phải cách chức những người lãnh đạo ở Hải Phòng bởi vì nếu không có họ duyệt phương án cưỡng chế thì làm sao Tiên Lãng có thể làm được?”
Không ai hài lòng về các quyết định mà UBND Thành phố Hải Phòng đưa ra. Bức tranh toàn cảnh cho thấy một sự miễn cưỡng lộ liễu đang diễn ra và người dân nghi ngờ rằng câu nói nổi tiếng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải “trên bảo dưới không nghe” đang được lập lại.

Có một quyết định nào khác?

chinhphu.vn-250.jpg
Lãnh đạo TP Hải Phòng tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì chiều 10/2 về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng.
Người ta cũng không loại trừ khả năng kết luận của Thủ tướng chỉ là kết quả của một quyết định chung từ Ban Bí Thư Trung ương Đảng, cơ quan quyền lực thật sự và duy nhất có quyền kỷ luật hay không đối với các đảng viên có tên trong danh sách Ủy viên Trung ương. Ông Giám đốc công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, một Ủy viên trung ương, có thể đã được che chắn bằng cách nào đó mặc dù hành động của ông có làm cho dư luận lên án gắt gao sau khi dùng vũ lực quá mức cần thiết để thi hành một lệnh cưỡng chế bất hợp pháp.
TS Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội cho biết nhận xét của ông về vấn đề này:
Thực ra thì sự liên hệ giữa Đảng và chính quyền thì họ vẫn có và nếu Thủ tướng truất quyền của ông này thì trên kia Ban Bí thư ra quyết định thôi, thậm chí đuổi ông ấy ra khỏi đảng.
TS Nguyễn Thanh Giang
“Vâng, tất nhiên Ban Bí thư thì có quyền cao hơn Thủ tướng nhưng tôi nghĩ rằng trong trường hợp ông Thủ tướng xử lý một người trong hệ thống chính quyền của ông ấy thì ông ấy có quyền làm bởi vì Thủ tướng cũng là Ủy viên Bộ Chính trị nữa, vì thế tôi nghĩ ông làm như thế thì mặc nhiên Ban Bí thư sẽ đồng tình mà xử lý ông Ủy viên Trung ương Đảng kia thôi.
Tôi nghĩ rằng là ông Thủ tướng ông ấy truất quyền là quyền của một ông trong chính quyền chứ không phải là một ông trong Ban Bí thư. Thực ra thì sự liên hệ giữa Đảng và chính quyền thì họ vẫn có và nếu Thủ tướng truất quyền của ông này thì trên kia Ban Bí thư ra quyết định thôi, thậm chí đuổi ông ấy ra khỏi đảng. Tôi nghĩ là họ sẽ làm được.”
Chính quyền Hải Phòng tới nay vẫn không dám trả lại đất cho ông Vươn ngay sau khi Thủ tướng xác định việc thu hồi đất nhà ông Vươn là sai lầm toàn bộ, từ lệnh tòa án tới thi hành án. Nếu việc trao trả đất được thực hiện thì ngay lập tức hàng ngàn đơn thư khiếu nại sẽ tràn ngập UBND thành phố Hải Phòng vì sự thật cho thấy trong hai ngày vừa qua hàng trăm hộ dân đã tập trung về khu đất gia đình ông Đoàn Văn Vươn để chia vui với họ và đồng thời ôm theo hàng ngàn đơn khiếu kiện đất đai lăm le chờ ngày khởi kiện.
Tiến thoái lưỡng nan
tien-lang-leu-bi-pha-250.jpg
Căn lều dựng tạm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị phá nát. Photo courtesy of Nguyễn Quang Vinh’s blog.
Cuối cùng là vấn đề mấu chốt nhất đang khiến cho Bộ Chính Trị lo lắng đến nỗi tiến thoái lưỡng nan, đó là: bản án nào sẽ dành cho gia đình ông Vươn, những người trực tiếp chống lại chính quyền cách mạng?
Nếu xử bốn can phạm trực tiếp bắn vào nhân viên thi hành án thì hợp với hiến pháp, với bộ luật hình sự nhưng di hại của bản án thật khó lường. Kết quả bản án này sẽ bị lên án rằng chính quyền mang danh là cách mạng nhưng hành xử với dân thua xa tòa án của chính quyền thực dân Pháp trong vụ án Nọc Nạn năm 1928.
Nếu bản án xử theo lương tri, căn cứ trên tinh thần chống ngoại xâm, áp bức của dân tộc thì cố nhiên những người bị áp bức đến nỗi phải nổ súng chống lại chính quyền sẽ được tha bổng. Kết quả này rõ ràng là được lòng dân nhưng chắc chắn kể từ đây chính sách đất đai của nhà nước sẽ liên tục bị phản ứng dây chuyền của nông dân, những người mất đất trên cả nước sẽ không ngại ngùng gì khi đứng lên đòi hỏi công lý cho họ nhất là vào năm 2013 khi trên danh nghĩa mọi hợp đồng thuê đất đều phải trao trả lại cho nhà nước.
Fact box
Vụ án Nọc Nạn
- là vụ án lớn về tranh chấp đất đai xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu,
- giữa gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và giới địa chủ và quan chức chính quyền thực dân Pháp.
- Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn ngày 17 tháng 8 năm 1928,
- tuyên án tha bổng và phạt nhẹ gia đình nông dân Biện Toại.
Cả hai vấn nạn trên là nguyên nhân khiến chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng suốt thời gian xảy ra vụ Tiên Lãng không hề lên tiếng một lời nào, cho dù ông là người nắm vận mệnh những đảng viên cao cấp.
Ngày 16 tháng 2 vừa qua đúng 84 năm kỷ niệm ngày vụ án Đồng Nọc Nạn. Báo chí ghi nhận để kỷ niệm ngày này tại địa phương Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu nơi xảy ra vụ án lịch sử đã có nhiều sinh hoạt tưởng nhớ. Trong khi đó một Nọc Nạn khác đang chờ xử tại Tiên Lãng khiến cả nước nín thở theo dõi và ngay cả Ban Bí Thư cũng không dễ chịu chút nào.
Cho dù thắng hay thua thì gia đình ông Đoàn Văn Vươn vẫn có chỗ đứng trong danh sách đấu tranh dài dằng dặc của dân tộc. Nếu ông và anh em tiếp tục bị giam để chính sách đất đai tiếp tục gây lợi nhuận cho các nhóm lợi ích nào đó thì xã hội sẽ có thêm động lực để đấu tranh. Ngược lại nếu ông thắng trong phiên tòa lịch sử sắp tới thì nhà nước sẽ gặp vô vàn khó khăn mới trong tiến trình giải tỏa nỗi oan cho dân chúng.
Thông tin mới nhất cho biết túp lều sơ sài bằng vải bạt được dựng lên cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn tạm trú đã bị đập phá, san thành bình địa vào ngày Thứ Bảy 18 tháng 2 khi vợ ông có việc đi vắng. Mọi vật dụng bị phá sạch, bàn thờ gia đình nhà ông Vươn bị quăng xuống hồ.
Trước đó có tin chính quyền xã Vinh Quang yêu cầu giữ nguyên hiện trạng của mảnh đất gia đình ông Đoàn Văn Vươn, có nghĩa là miếng đất này không thể xuất hiện căn lều che tạm. Hiện trạng được giữ nguyên chờ điều tra với hình ảnh căn lều bị đập tan nát như lần trước đã khiến người dân tại xã Vinh Quang vừa ngơ ngác vừa phẫn uất. Không biết chính quyền thật sự đang ở đâu lại để cho bọn côn đồ lộng hành như vậy?

Không có nhận xét nào: