Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

TT Barack Obama gặp PCT Tập Cận Bình cả hai đều trong tư thế chông chênh

Lý Đại Nguyên

Thế tử Tầu đỏ, Tập Cận Bình, người sẽ lên thừa kế ngôi vị Hồ Cẩm Đào làm lãnh tụ đảng cộng sản Trung Hoa vào cuối năm nay, và ngồi vào ghế chủ tịch Hoalục tháng 3 sang năm. Trước kia hồi tháng 04/2002, Hồ Cẩm Đào còn ở ngôi vị thế tử của Giang Trạch Dân cũng đã sang Washington để diện kiến tổng thống Mỹ, George W. Bush để làm quen với nhà lãnh đạo siêu cường duy nhất trên thế giới. Thời đó, Mỹ đang cần Tầu hợp tác trong phong trào chống khủng bố toàn cầu. Tầu cũng phải dựa vào Mỹ để mau chóng phục hồi kinh tế. Nhân đó, ghép tộc Uighur Hồigiáo nổi dậy ở Tân Cương vào tội khủng bố để triệt tiêu, và thẳng tay đàn áp sự chống đối việc Hánhóa của người Tây Tạng, cũng như các nhà đấu tranh đòi tự do dân chủ tại Hoalục. Nhưng nay, dưới thời tổng thống Mỹ, Obama, với chiến lược toàn cầu mới của Hoakỳ là “Trở Lại Á Châu” bằng việc “đặt tương lai Hoakỳ ở Áchâu – Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương”. “Dù phải bị cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng Mỹ vẫn tăng cường sức mạnh hải quân, không quân, kỹ thuật cao”. Để hình thành một phòng tuyến liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, nhằm hỗ trợ các nước trong vùng Đông Nam Á dân chủ hóa chế độ, phát triển kinh tế tự do, đủ sức tự phòng vệ, ngăn bành trướng Bắckinh.

Chính vì vậy, trước khi lên đường tới Hoa Thịnh Đốn, Tập Cận Bình đã trả lời phỏng vấn báo Washington Post rằng: “Kinh tế hai nước đã tùy thuộc lẫn nhau một cách chặt chẽ. Mối quan hệ này không thể phát triển một cách lâu dài và nhanh chóng, nếu không đặt trên nền tảng phúc lợi cho đôi bên, và nếu không đem lại lợi ích to lớn cho Hoakỳ”. Ông hứa: “Bắckinh sẽ cải cách tiến trình ấn định tỷ suất hối đoái và đề nghị một môi trường đầu tư dựa trên luật pháp minh bạch”. Đổi lại ông hy vọng: “Washington nới lỏng giới hạn xuất khẩu công nghệ tối tân sang Hoalục”. “Ngoài thương mại Washington và Bắckinh còn xung khắc trên các vấn đề ngoại giao và địa lý chiến lược, đặc biệt là kế hoạch định vị của Mỹ tại Châu Á, củng cố liên minh chiến lược từ Đông Bắc Á kéo dài đến Châu Đại Dương”. Tập Cận Bình cho là: “Các biện pháp tăng cường quân sự này làm nhiều nước trong vùng lo ngại một cách chính đáng”. Đây là ngôn từ phản ảnh đúng chủ trương và ngôn ngữ tuyên truyền của cộng đảng Tầu.
Thực ra thì tất cả các nước trong vùng, chẳng nước nào lo ngại biện pháp tăng cường quân sự của Mỹ ở đây, trái lại họ còn vững tâm không sợ bị nước Tầu thôn tính. Năm 2011 ngân sách quốc phòng Hoalục ở mức 119.8 tỷ đôla. Từ nay đến năm 2015 sẽ tăng tốc độ thường niên là 18,75% để đạt tới 238.2 tỷ đôla. Vượt quá chi phí quốc phòng của 12 nước khác trong khu vực, gấp 4 lần ngân sách quốc phòng của Nhật. Việc Hoalục tăng cường sức mạnh quân sự, nhất là hải quân để làm chủ Biển Đông, đang thực sự đe dọa hoà bình châu Á và toàn thế giới, mà Hoakỳ với vị thế siêu cường đại dương không thể để mặc cho Tầu khống chế các tuyến đường hàng hải quốc tế. Chính vì vậy mà tổng thống Barack Obama trong chuyến công du châu Á vào tháng 11/2011,đã nhiều lần khẳng định: “Hoakỳ cam kết sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong vùng”.
Chuyến thăm của ông Tập Cân Bình tạo cho tổng thống Obama có cơ hội nêu lên những vấn đề quen thuộc với Tầu, gồm nhân quyền, tình hình bất ổn tại Tây Tạng và mất quân bình trong cán cân thương mại giữa Mỹ và Tầu. Tiếp kiến phó chủ tịch nước Tầu, Tập Cận Bình hôm 14/02/12 tại phòng Bầu Dục ở tòa Bạch Ốc, tổng thống Mỹ, Barack Obama đã bảo đảm với ông Tập Cận Bình là Hoakỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của nước Tầu trên trường quốc tế, nhưng tất cả mọi quốc gia đều phải tuân thủ cùng những luật lệ về kinh tế và nhân quyền. Tổng thống Obama nói: “Sự phát triển vượt mức của nước Tầu trong hơn 2 thập niên qua đã củng cố sức mạnh và đem lại thịnh vượng cho nước này, nhưng nó cũng gia tăng trách nhiệm mà China cần phải gánh vác”. “ Chúng tôi muốn làm việc với China để bảo đảm rằng mọi người đều phải tuân thủ cùng những luật lệ như nhau trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Và rằng điều này bao gồm cả bảo đảm là mức giao thương phải cân bằng, không chỉ giữa Hoakỳ và China, mà trên toàn thế giới nữa. Điều này cũng có nghĩa là những vấn đề hệ trọng như nhân quyền, chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh đến điều chúng tôi hằng tin vào tầm quan trọng trong việc công nhận những khát vọng và quyền của tất cả mọi người”. Đáp lại Tập Cận Bình nói: “Chính phủ của chúng tôi luôn luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, coi trọng nguyện vọng và đòi hỏi của nhân dân. Trong khả năng của các điều kiện quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi những chính sách và biện pháp để thăng tiến công bằng xã hội, công lý và hài hoà xã hộì và đẩy mạnh nguyên tắc nhân quyền”. Đúng là nói láo trước mặt tổng thống Mỹ và dư luận quốc tế mà không biết ngượng. Từ trước tới nay Tầucộng chỉ biết đặt quyền lợi của Đảng lên trên hết, coi rẻ nguyện vọng người dân, khủng bố, bỏ tù những người đòi hỏi công bằng xã hội, tự do công lý hài hòa xã hội và tôn trọng nhân quyền là điều hiển nhiên phổ quát.
Nhưng dù sao cũng hy vọng ông Tập Cận Bình và người cha đã qua đời của ông, từng là nạn nhân của cuộc Cách Mạng Văn Hóa do Mao Trạch Đông phát động, và cũng giống như nhiều lãnh tụ Tầu khác, đã cho con gái đi du học ở Mỹ, tại trường đại học danh tiếng Havard, thì ít ra trong đầu ông cũng đã có sự chuyển biến đáng kể. Liệu khi ngồi vào địa vị cao nhất, ông còn đủ can đảm và sáng suốt, bắt tay với giới lãnh đạo Mỹ, để Dân Chủ Hóa nước Tầu, trở thành một cường quốc có trách nhiệm với thế giới như ông Obama mong đợi, hay vẫn chứng nào tật đó, luôn luôn duy trì độc tài toàn trị dân chúng Hoalục, nuôi tham vọng Hán hóa các nước chung quanh, thống trị các nước nhỏ trong vùng và làm bá chủ thế giới, để rồi phải nhận hậu quả như Phátxít và Liênxô trước đây. Thật ra, cuộc gặp gỡ giữa Barack Obama với Tập Cận Bình lần này giữa lúc mùa bầu cử tổng thống Mỹ mới bắt đầu, chiếc ghế tổng thống của ông Obama cũng khá chênh vênh. Còn ông Tập Cận Bình tuy đã là ‘thế tử’, việc lên ngôi lãnh tụ Tầu trong tầm tay, nhưng để củng cố quyền lực, cũng còn rất chông chênh, đầy bất trắc, mà nước Tầu thì luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng bùng nổ. Nên dù hai ông có thiện cảm với nhau, hoặc đạt được những cam kết căn bản nào đó thì nó cũng chẳng thể có hiệu lực ngay lập tức. Mà đây chỉ là cơ hội để nói lên chủ trương căn bản của chính phủ mình mà thôi. Nhưng qua những lời phát biểu của Tập Cận Bình về Nhân Quyền và Công Lý Xã Hội thì cũng thấy rằng, người Tầu, giới lãnh đạo Tầu đã không còn coi việc Mỹ đặt vấn đề nhân quyền ra với Tầu là can thiệp vào chủ quyền của nước Tầu nữa. Đến đây, Việtcộng cũng đừng hy vọng dựa vào Tầu để chống lại đòi hỏi nhân quyền của toàn dân Việt, của chính phủ Mỹ và của thế giới được nữa.
LÝ ĐẠI NGUYÊN
Little Saigon ngày 14/02/2012

Không có nhận xét nào: