Pages

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Vài góp ý về chỉnh đốn đảng

Xích Tử

Hội nghị lần thứ IV khoá XI của Đảng cộng sản Việt Nam lại đặt vấn đề chỉnh đốn đảng. Câu chuyện này không mới trong toàn bộ lịch sử hoạt động của đảng. Như đã thấy, ngay trong năm đầu thành lập, việc thay đổi định hướng của cương lĩnh chính trị cùng với đời Tổng bí thư thứ hai chứng tỏ quá trình chỉnh đốn đảng cho phù hợp với chiến lược, sách lược đấu tranh đã trở thành yêu cầu thường xuyên của chính đảng theo các nguyên tắc Lêninít. Trong giai đoạn 1936 – 1939, chính Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ cũng đã thực hiện việc chỉnh đốn đó bằng việc tự kiểm điểm trách nhiệm của trung ương đảng và của chính mình qua tác phẩm “Tự chỉ trích” (6/1939).
Trong giai đoạn đảng thực hiện công cuộc “đổi mới” từ 1986, công tác chỉnh đốn đảng được tiến hành thường xuyên trong từng nhiệm kỳ, kể cả trong hoạt động/ sinh hoạt của các cấp bộ đảng/đảng viên cũng như quá trình lãnh đạo tư tưởng chính trị, lãnh đạo về mặt tổ chức đảng thông qua việc ra các nghị quyết chuyên đề và tổ chức việc quán triệt các nghị quyết đó xuống cấp dưới.

Rõ ràng, mặc dù đã nhận thức và hành động chỉnh đốn một cách kiên trì như vậy, cùng với liều thuốc mới gia bổ thêm là học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cách làm đó tỏ ra không hiệu quả, lại tốn kém, phản tác dụng, gieo rắc những câu chuyện hài hước trong nhân dân. Những mục tiêu/nội dung/đối tượng cần chỉnh đốn trong đảng/đảng viên càng ngày càng thấy khó chỉnh hơn; lại nảy sinh hiện tượng nhờn thuốc và tình trạng dối trá có tính hệ thống. Chưa kể đến, thậm chí, hoạt động chỉnh đốn lại tạo điều kiện củng cố địa vị, tăng thêm quyền lực, thu nhập cho một số người.
Do vậy, theo tôi, trong đợt chỉnh đốn này, đảng cần phải thay đổi cách đặt vấn đề và triển khai vấn đề trong khuôn khổ những chương trình hành động, kế hoạch cụ thể có thời hiệu ngắn hạn cũng như lâu dài để bảm đảm tính bền vững của sự chỉnh đốn, tránh “đánh trống bỏ dùi”, “phát mà không động”; tránh cách làm hình thức, phong trào như trước đây cũng như hiện nay (việc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, những phong trào thi đua, phong trào trong ngành giáo dục v.v..). Theo đó, những phương châm “tinh thần tích cực, kiên quyết, mạnh mẽ, đồng bộ, triệt để, tạo ra một bước chuyển biến mới” v.v… như trong nghị quyết vừa rồi đã trở nên cũ mòn, nhàm chán. Với đa số người dân và đảng viên cấp dưới (không cần dùng phương tiện ngôn ngữ để lừa mị ai), đây là những từ ngữ rỗng tuếch, vô nghĩa, vô hồn, và vô hiệu, cứ lặp đi lặp lại như những phù chú đồng bóng.
Những diễn biến chính trị thế giới, các phương tiện thông tin hiện đại, trình độ dân trí đã được nâng tầm chút ít đòi hỏi đảng phải đặt vấn đề, diễn đạt và thực thi vấn đề đó một cách trí tuệ, thành thật và hiện đại hơn. Trước hết, về triết lý chính trị, cần làm cho mọi người thấy rằng việc chỉnh đốn không phải là hoạt động tự vệ, nhằm tự bảo vệ sự tồn tại, vị trí lãnh đạo của đảng với bất cứ giá nào. Cách nói nếu đảng không chỉnh đốn thì “không đứng vững”, “không đủ sức lãnh đạo đất nước”… cùng với việc gắn việc chỉnh đốn với việc chống lại sự tấn công của các thế lực thù địch, của diễn biến hoà bình, của quá trình tự diễn biến tạo ra sự suy luận tất yếu như vậy. Ai cũng biết rằng, nếu với một cơ thể chính trị cường tráng, hợp lòng dân, được dân tin yêu và ủng hộ thì sẽ có sức đề kháng tốt với bất cứ với bất cứ sự nhiễm trùng nào từ bên ngoài cũng như những mầm bệnh nảy sinh từ bên trong. Mấy mươi năm đảng luôn tuyên truyền và tự huyễn tưởng rằng nhân dân hoàn toàn tin đảng, một lòng đi theo con đường xây dựng xã hội mà đảng đã chọn, đã chấp nhận vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng bằng Điều 4 Hiến pháp, song lại tăng cường vô hạn sức mạnh của bộ máy cai trị (cả đảng, nhà nước, mặt trận…), trong đó có các công cụ bạo lực; số lượng nhân sự, bộ máy và phương tiện hoạt động của công an vô cùng lớn và tiêu tốn một lượng khổng lồ ngân sách quốc gia. Công an chốt giữa 24/24 các cơ quan đảng, nhà nước, đài phát thanh truyền hình; được điều động để phục vụ cưỡng chế thu hồi đất của nông dân chuyển cho giối tư bản; bộ đội cũng được điều động để giải quyết những tranh chấp rất dân sự, thuộc chức năng của các ngành thực thi pháp luật và quản lý an ninh nội địa. Trong thiên la địa võng an ninh xã hội chủ nghĩa, để đảng được cho là sống trong lòng nhân dân, cũng cần phải kể đến hệ thống tổ an ninh nhân dân, dân phòng, dân quân tự vệ, lực lượng dư bị động viên, quần chúng tự phát cùng những phương tiện quản lý đặc thù khác như chế độ hộ khẩu, tạm trú tạm vắng, các hòm thư tố giác tội phạm v.v..; không thiếu gì cả. Đó là một nghịch lý và chính từ nghịch lý đó, người ta thấy rằng việc tuyên truyền với nội dung nêu trên là không thật; đảng không tin nhân dân, vẫn xem nhân dân (cá nhân, nhóm và toàn thể) là lực lượng chống đối tiềm tàng, và rằng, nói như Z. Brzezinski, đảng “ở vào tư thế sẵn sàng về tâm lý và chính trị cho một cuộc đối đầu toàn diện với xã hội” , đảng “tấn công vào xã hội nhằm tái tạo nó theo hình ảnh của bản thân hệ thống chính trị”, “nhằm thúc đẩy sự tiêu vong không phải của nhà nước, mà là toàn xã hội”. Hay nói như Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, nhà văn Võ Thị Hảo, đảng xem nhân dân là kẻ thù (tiềm ẩn).
Chỉnh đốn đảng, trước hết là phải giải thích và phá bỏ cái nghịch lý đó, cũng tức là phá bỏ sự giả dối, đặt đảng vào đúng cái niềm tin yêu thật (nếu có và còn) của nhân dân, rằng nhân dân tự nguyện, đồng thuận một cách hợp hiến hợp pháp đi theo đảng, chọn đảng làm người lãnh đạo duy nhất của mình. Qua 26 năm đổi mới, tình hình xã hội đã có những biến động nội bộ rất lớn trong vô số những mâu thuẫn có tính vĩ mô, là hệ lụy của đường lối kinh tế thị trường nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa, của đổi mới chính trị không song hành và đáp ứng đổi mới (tức là trở về tự nhiên) kinh tế, của đa nguyên kinh tế không phù hợp với đơn nguyên, độc tài chính trị theo kiểu một đảng, của phát triển kinh tế bằng tăng trưởng chỉ số GDP mà không tính đến các yêu cầu bền vững khác v.v.., dẫn đến sự đối lập gay gắt giữa quyền, lợi ích của đại bộ phận dân nghèo, nông dân với hệ thống nhà nước và các nhóm lợi ích được nó nuôi dưỡng, khai thác, liên kết, đây chính là là dịp đảng cần sữa chữa một cách gốc rễ, hệ thống với thái độ thành thật của mình.
Theo đó, đảng phải chấp nhận những cơn oằn mình đau xót để thử lại lòng tin của dân, như Liên Xô đã trải qua thời glasnost và perestroika và chấp nhận những giải pháp có thể mất mát lợi quyền nếu phép thử đó thất bại. Trước hết, đảng cần trưng cầu ý dân về Điều 4 Hiến pháp hiện hành, trưng cầu ý dân về Hiến pháp sửa đổi (dự thảo) và trao cho dân quyền phúc quyết bản Hiến pháp sửa đổi sắp đến. Trong lần sửa đổi này, thể theo ý dân (nếu được trưng cầu khách quan), đảng cần làm cho rành mạch hơn, lành mạnh hơn, văn minh hơn mối quan hệ được luật hóa giữa đảng và nhà nước, mặt trận, quan hệ giữa các bộ phận cấu thành nhà nước.
Mặt khác, đảng cũng cần thể hiện bản lĩnh, sự dũng cảm chính trị trong sự thành thật với dân. Trong yêu cầu đó, đảng có thể từng bước công khai hồ sơ về những sai lầm của lịch sử; trước hết, chẳng hạn toàn bộ hồ sơ về cải cách ruộng đất, từ các văn kiện pháp lý, các chủ trương, kế hoạch thực hiện, danh sách nhân sự tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi trong hệ thống từ trung ương đến địa phương cùng toàn bộ danh sách đối tượng bị xử, cả oan và không oan cùng các hình thức xử lý đối với họ.
Cùng với việc nhìn nhận lại một cách đầy đủ, thành khẩn sai lầm (chứ không phải hình thức chung chung, mị dân như năm 1956) của chính sách đất đai trong lịch sử đó, nên chăng đảng cũng thừa nhận sai lầm về đường lối, mô hình công hữu hóa toàn bộ tài sản của công dân và xóa bỏ một cách căn bản chế độ tư hữu, quyền tư hữu tài sản để xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó phần lớn nhất là đất đai của nông dân; thừa nhận sai lầm trong việc tạo ra sự bất công khi đã trả lại tư liệu sản xuất cho giới công thương nhưng vẫn khư khư giữa lấy đất của nông dân khi tiến hành “đổi mới”; thừa nhận sai lầm trong sự cố ý giữ khư khư đó để trục lợi cho hệ thống/ nhóm của mình và tạo điều kiện phát triển cho lớp tư bản, địa chủ mới.
Trong hoạt động hiện hành, đảng “thử” công khai về toàn bộ tài chính đảng, từ nguồn ngân sách quốc gia, từ đảng phí và từ các cơ sở kinh tế của đảng; “thử” tổ chức việc kiểm toán khách quan, công khai hoạt động kinh doanh của hệ thống này.
Về công tác tư tưởng, lý luận, tuyên truyền…, đảng cũng cần phải giảm bớt liều lượng chiếm dụng đời sống tinh thần của xã hội, giảm bớt bộ máy và thay đổi phương pháp, cách thức để vừa giảm tốn kém vô ích, vừa giải độc cho những liều thuốc dùng sai, sinh nghi ngờ, phản tác dụng, khinh nhờn trong nhân dân. Chẳng hạn, suốt cả 20 năm qua, tất cả đánh giá với công tác lý luận, đánh giá chất lượng hoạt động của Hội đồng lý luận trung ương, đảng đều cho rằng công tác lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chưa theo kịp thực tiễn, chưa giải đáp được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Vậy trong 20 năm ấy, xã hội Việt Nam đi theo lý luận gì mà vẫn tồn tại, phát triển, được đảng đánh giá là to lớn, ngoạn mục ? Và nếu cuộc sống vẫn vận động trong tình trạng lý luận lẽo đẽo phía sau thì có cần công tác lý luận và hệ thống đông đảo, ngốn ngân sách rất nhiều để làm công tác lý luận nữa không ? Câu trả lời này, với những não trạng bình thường là rất dễ, vì trừ Việt Nam và một vài nước khác ra, những quốc gia còn lại không có cái quái thể này.
Về lĩnh vực lãnh đạo chính trị, nhất là việc xây dựng các nghị quyết thường kỳ để đánh giá tình hình năm/nhiệm kỳ/giai đoạn, đảng cũng cần phải dũng cảm, thành thật hơn. Cụ thể, thường trong phần đánh giá nguyên nhân thành công, đảng xem yếu tố lãnh đạo của đảng là nguyên nhân quan trọng; song khi đánh giá hạn chế, sai lầm, thất bại, đảng lại đổ cho khách quan, đến mức người dân đã có câu ca dao mới “Mất mùa thì tại thiên tai; được mùa do bởi thiên tài đảng ta” mà chắc ngay cả những vị lãnh đạo cao nhất hiện nay đều đã thuộc lòng từ thời đi học. Chẳng hạn, trong vài ba năm gần đây, các văn kiện của đảng cứ lặp đi lặp lại những nguyên nhân như tình hình thế giới biến động phức tạp, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế v.v…Tôi nghĩ rằng phương pháp đánh giá đó đã nhàm, không thuyết phục được ai và khiến cho người ta thấy đảng quá nhát, cố tình né tránh sự thật. Sự thật ấy đòi hỏi đảng phải chịu trách nhiệm do sự lãnh đạo duy nhất, toàn diện, và trí tuệ một cách hết sức cao ngạo của mình; đảng loại bỏ rất nhiều ý kiến phản biện, xem thường phản ứng và tâm tư nguyện vọng nhân dân và tin tưởng vào việc sử dụng bạo lực chuyên chính để kiểm soát và dập tắt những phản ứng, tâm tư đó. Do vậy, khi nói về thất bại, đảng phải dũng cảm nhận khuyết điểm, xem đó là nguyên nhân của thất bại; trong nghị quyết, đảng phải đặt chính mình là nguyên nhân của sự thất bại, rằng đảng chưa đủ sức nhận thức được hết các nguyên nhân khách quan, chưa lãnh đạo được hoặc lãnh đạo sai quá trình diễn ra các nguyên nhân khách quan đó.
Cứ cho là đến lúc này, đảng đã quyết tâm chỉnh đốn, bài viết mạo muội đề xuất một số vấn đề cần phải chỉnh ở cấp độ vĩ mô, toàn đảng, đặt đảng trong quan hệ với toàn bộ lịch sử đất nước, dân tộc, nhân dân, đời sống xã hội, trong quan hệ với hệ thống nhà nước, với xã hội dân sự. Có làm được như thế, mỗi đảng viên mới có được bối cảnh tinh thần, văn hóa, tâm thế đối trọng trách nhiệm với nhân dân, nễ trọng và sợ dân để sửa mình, tu tĩnh sau bao nhiêu năm kiêu ngạo. Để kết thúc, không gì bằng trích nhắc lại một đoạn trong tác phẩm thượng dẫn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ:
“Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ. Làm như thế, không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu đóng cửa “bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong thì hổ lốn một cục đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa, hơn nữa đó tỏ ra không phải là một đảng tiên phong cách mạng mà là một đảng hoạt đầu cải lương…”.
Xích Tử
Theo: danluan

Không có nhận xét nào: