Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Việt Nam 'cần hiện đại hóa cả chính trị'

LS Vũ Đức Khanh
Gửi tới BBC từ Ottawa, Canada
 
Cờ Đảng ở Hà Nội là biểu tượng của hệ thống chính trị có tuổi
Để chuẩn bị cho tương lai, Việt Nam cần phải thay đổi hệ thống chính trị và cho phép cải cách và hiện đại hoá cơ chế, tổ chức nhà nước và phương thức làm việc.

Nước Việt Nam mới cần phải tập trung vào tương lai và không nên bị sa lầy bởi chính trị có từ thời đại khác.
 
Bước vào tháng thứ 2/2012, tôi nhìn về phía trước tiên liệu trong năm nay có thể mang lại những gì.
Tôi không bàn về Thế Vận Hội mùa hè năm nay ở Luân Đôn hoặc ngày tận thế giả định theo lịch của người Maya. Tôi không nói về những sự kiện đã được lên kế hoạch như "sự kết thúc của thế giới" chắc chắn sẽ được thảo luận khi tháng 12 tới gần hơn, đúng hơn, tôi đang muốn nói về những sự kiện không nằm trong kế hoạch mà có ý nghĩa lớn.

Thời gian gần đây, tình hình chính trị Việt Nam ngày càng rối răm và liên tục nóng lên. Bên trong nước, ngày càng có nhiều tiếng nói bất đồng quan điểm với chính quyền được vang vọng lên từ mọi nơi, mọi phía và xuất hiện ở mọi tầng lớp nhân dân.
Từ những vụ tuần hành yêu nước cuối tuần để phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông đến những tiếng nói phản biện của trí thức trước các vấn nạn lớn của xã hội qua những vụ đình công rầm rộ của công nhân đòi tăng lương, bảo vệ quyền lợi lao động, sự bất mãn cao độ của quần chúng trước sự quản lý, điều hành yếu kém của chính phủ trong các chính sách vĩ mô.
Và đặc biệt gần đây nhất vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền địa phương và người dân ở Tiên Lãng như những hồi chuông cảnh báo chế độ.
Tương tự ở thế giới bên ngoài, năm ngoái chúng ta đã chứng kiến “Mùa Xuân Ả-Rập” nơi mà những công dân trên khắp Bắc Phi và Trung Đông đã anh dũng vùng lên chiến đấu để lật đổ các nhà lãnh đạo độc tài, tham nhũng của họ.
Bước về phía trước
Năm nay chắc chắn “Mùa Xuân” đó xuất hiện một cái gì đó có thể xảy ra ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng chính xác là gì? Có lẽ, như tôi đã hy vọng với mỗi năm trôi qua, chúng ta sẽ chứng kiến một sự thay đổi của tầng lớp cầm quyền tại Việt Nam.
Tôi không có ý nói về một nhóm người mới trong nội bộ của Đảng Cộng Sản, đảng cầm quyền. Ý tôi muốn nói đến một sự thay đổi thực sự thông qua cải cách chính trị và dân chủ hóa Việt Nam.
"Việt Nam cần phải thay đổi, Việt Nam nhất định phải đổi mới lần hai"
Và dường như thay đổi đang lãng vãng đâu đó trong bầu không khí quanh ta, nhưng tôi chỉ có thể hy vọng rằng nó sẽ là sự thay đổi thực sự mà Việt Nam cần.
Vậy, chính xác những thay đổi này là gì? Chúng ta có thể bắt đầu từ trên thượng tầng: cải cách chính trị kết hợp với cải cách hiến pháp. Sẽ là không đủ khi chỉ nói suông và chung chung về nhân quyền. Chính phủ cần phải thực sự tôn trọng nhân quyền. Và vẫn chưa đủ khi nói rằng tự do ngôn luận hiện hữu, nhưng liền sau đó lại tiếp tục phỉ báng nó khi có cá nhân nào đó lên tiếng chỉ trích nhà nước.
Cải cách chính trị lần này phải thay đổi dứt khoát cách thức chính phủ suy nghĩ và cư xử. Những gì tôi đề xuất không phải là một giải pháp nhất thời kiểu “mì ăn liền”, nhưng là một phương cách mới để quản lý và điều hành quốc gia điều mà Việt Nam đang quan tâm.
Cải cách chính trị không phải là một cái gì đó chưa từng nghe thấy, nhưng đó là những gì Việt Nam đang rất cần.
Sự thành công của cải cách này đòi hỏi chính phủ phải từ bỏ rất nhiều quyền lực của mình. Điều này không ngụ ý rằng chính phủ phải buông thả tất cả để quốc gia bị rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô tổ chức, nhưng chắc chắn một điều là chính phủ buộc phải bị giới hạn trong khả năng đơn phương hành động của mình. Và đó, tôi tin rằng thay đổi thực sự sẽ từ từ đến với Việt Nam.
Để đạt được điều đó, người dân nhất quyết phải có tiếng nói trong công việc của đất nước mình, vì tất cả họ đều là công dân. Họ cùng chung sống trong một quốc gia và cùng hít thở chung một bầu không khí, mọi người nhất định phải có quyền quyết định số phận của chính mình và đất nước mình - không ai có thể để quyền đó rơi vào tay của một nhóm thiểu số thiếu dân chủ.
Người dân Libya kỷ niệm một năm Cách mạng 17/2/2011-2012
Giờ đây, liệu điều này có nghĩa là Đảng Cộng sản phải bị giải tán và bị cấm không được tham chính? Vâng, nhưng không hẳn là thế, nó chỉ có nghĩa là phải có chỗ cho phe đối lập, và rằng không có đảng chính trị nào có thể cai trị mà không có sự tín nhiệm của công dân của mình.
Một nhà nước độc đảng về cơ bản là trái ngược với loại hình chính thể đại nghị - nó thực sự không đại diện ý chí của người dân. Một hệ tư tưởng nhất nguyên không chấp nhận tính đa dạng chắc chắn sẽ có mâu thuẫn và xung đột với những niềm tin, suy nghĩ phong phú của người dân.
Ngoài những ngôn từ thông thường cổ vũ cho sự thay đổi như tự do, dân chủ và nhân quyền, có những lý do khác cũng quan trọng không kém. Cũng giống như cách các doanh nghiệp cần phải đánh giá lại chiến lược của họ để tồn tại và có lợi nhuận, các chính phủ cũng phải làm tương tự.
Một nhà nước độc đảng có thể có hiệu quả trong việc đưa ra quyết định, nhưng nó vô cùng cồng kềnh, soi mói từng chi tiết ở cấp cơ sở.
Chính quyền trung ương lớn, bao gồm tất cả, có thể hành động một cách nhanh chóng, nhưng liệu nó có thể hoạt động hiệu quả? Dân chủ không nhất thiết phải luôn “hiệu quả hoặc trong sạch” nhưng nó là hình thức của một chính phủ công bằng nhất mà chúng ta biết.
Giả sử tất cả những gì nói trên đã xảy ra. Chúng ta hãy giả định rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong cải cách hiến pháp và chính trị, thả các tù nhân lương tâm, các nhà tranh đấu cho nhân quyền và những người bất đồng chính kiến.
Các cuộc bầu cử đã được tổ chức ở mọi cấp của chính quyền, và bên được bầu đã phát động kế hoạch tiếp tục hiện đại hóa và dân chủ hóa Việt Nam.
"Một hệ tư tưởng nhất nguyên không chấp nhận tính đa dạng chắc chắn sẽ có mâu thuẫn với nhân dân"
Ủy ban ánh sáng sự thật
Giả sử tất cả những điều này đã xảy ra. Thật khó để tưởng tượng rằng một số người dân và có lẽ sẽ có nhiều người sẽ không cảm thấy không khinh bỉ và chống lại người của chế độ cũ. Thật khó để tưởng tượng rằng dĩ vãng là dĩ vãng, và tất cả sẽ được tha thứ.
Sẽ có những cá nhân cảm thấy rằng các nhà lãnh đạo trước đó phải trả lời cho những tội lỗi của họ đã gây ra và họ phải bị như thế. Nhưng liệu kiểu “công lý nhân dân” đó có thể được chấp nhận chăng?
Đối với Việt Nam để thực sự hướng về tương lai chúng ta cần phải làm hòa với quá khứ. Trong khi chính trị và lịch sử khác nhau, tôi muốn gợi ý tham khảo về Ủy ban Hòa giải và Sự thật của Nam Phi, đã được thành lập sau khi chấm dứt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Một lần nữa, sự khác biệt giữa Việt Nam và Nam Phi vừa xa vừa rộng, nhưng một ủy ban như vậy có thể giúp chữa lành vết thương cũ.
Nelson Mandela, từ tù nhân trở thành tổng thống
Ủy ban Hòa giải đã giúp Nam Phi khép lại quá khứ, chào đón tương lai
Ủy ban này sẽ không truy ra pháp đình những tội phạm trong quá khứ, nhưng nó có thể mang lại ánh sáng sự thật cho những hành động như vậy. Tối thiểu, nó có thể giúp đưa ra sự minh bạch mà trước đây không có.
Không chắc rằng ủy ban này sẽ được chào đón bởi tất cả mọi người, nhưng cứ khư khư ôm chặt quá khứ sẽ chẳng giúp được gì cho một Việt Nam mới đang tập trung vào xây dựng lại cho tương lai.
Và đó là lý do chính vì sao sự thay đổi này là cần thiết. Việt Nam, như nó đang hiện hữu, chưa sẵn sàng để đối mặt với tương lai.
Phương cách làm việc của chính phủ đã bị ăn sâu tận trong gốc rễ của nền chính trị cũ, dù những lãnh đạo bảo thủ nhất của đảng cộng sản đã rời chính trường từ lâu.
Chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay vẫn là lỗi thời, bảo thủ, cố hữu, cứ cố bám chặt vào quyền lực và quyền lợi mà họ đang có. Nhưng họ cũng cần phải sớm nhận ra rằng họ đang bị bỏ rơi vì thế giới chung quanh đã thay đổi để thích nghi với thời đại.
Việt Nam đã nỗ lực để hiện đại hóa, nhưng họ đang bị vượt qua bởi những quốc gia đã có những bước đi căn bản nhưng cần thiết.
Nếu Việt Nam muốn đóng bất kỳ vai trò quan trọng nào trong thế kỷ 21, việc đầu tiên phải làm là tham gia thực sự tích cực vào thế kỷ 21 bằng cách từ bỏ hoặc hiện đại hóa các phương thức hoạt động và cách cư xử cũ rích của mình.
Nhưng điều này không thể xảy ra mà không có sự thay đổi thực sự, thay đổi cấu trúc của toàn bộ hệ thống chính trị. Đây là những thay đổi phải bắt đầu từ thượng tầng kiến trúc để có hiệu lực tại hạ tầng cơ sở.
Nếu năm 2012 là năm thay đổi của Việt Nam, tôi hy vọng chúng ta thấy sự thay đổi thực sự.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada. Quý vị có ý kiến đồng ý hoặc phản biện lại chính bài này xin chia sẻ với Diễn đàn BBC hoặc trang Bấm Facebook của bbcvietnamese.

Không có nhận xét nào: