Pages

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Việt Nam và Vatican thảo luận về bang giao

Courtesy Vietcatholic
Phái đoàn Toà thánh Vatican đến Hà Nội
hôm 27.02.2012.

Gia Minh, biên tập viên RFA

Nhóm làm việc hỗn hợp Việt Nam - Vatican hôm nay và ngày mai tiến hành cuộc gặp lần thứ ba. Hoạt động lần này được tiến hành tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam.
Theo kế hoạch tại lần làm việc thứ hai hồi tháng 6 năm 2010 tại Roma, thì vòng làm việc của ủy ban hỗn hợp Việt Nam- Vatican lần thứ ba dự trù diễn ra vào tháng 6 năm ngoái ở Hà Nội. Tuy nhiên đến nay vòng làm việc lần thứ ba mới được tiến hành.

Theo nhận định của nhiều người thì có lý do cho sự trì chậm vừa nêu: đó là những yêu cầu của phía Việt Nam mà Vatican cho là không hợp lý.

Những vấn đề được nhắc đến đó là tình hình khiếu kiện đòi lại những cơ sở của giáo hội Công giáo Việt Nam mà chính quyền trưng thu, mượn suốt từ những năm 1946 ở miền Bắc hay từ năm 1945 ở miền Nam mà đến nay bị chuyển mục đích sử dụng khiến cho các giáo hội, dòng tu ở những địa phương đó lên tiếng đòi lại. Những vụ việc đòi hỏi cơ sở tôn giáo với việc tham gia của nhiều giáo dân đã bị giải tán, thậm chí có những người bị bắt và truy tố ra tòa...

Rồi vụ việc của tổng giám mục Hà Nội, Ngô Quang Kiệt mà đến nay trong dư luận giáo dân, nhất là tại tổng giáo phận Hà Nội nơi ông phục vụ trước khi phải đi chữa bệnh và rồi từ chức, vẫn cho còn nhiều điều khuất tất, có sự can thiệp của chính quyền vào.

Và tiếp đến là tiến trình phong Thánh cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận, người từng bị Hà Nội giam tù 13 năm sau năm 1975, và phải sống lưu vong ở Roma, dù rằng Ngài là giám mục kế vị tại tổng giáo phận Sài Gòn trước đây.

Những diễn biến đáng chú ý

Hồi ngày 24 tháng 2 vừa qua, Văn phòng báo chí của Tòa Thánh loan báo cuộc làm việc chính thức lần ba giữa phái đoàn hỗn hợp Vatican- Việt Nam được tiến hành vào hai ngày 27 và 28 tháng 2 này chiếu theo quyết định được đề ra trong cuộc gặp lần 2 hồi ngày 23- 24 tháng 6 năm 2010 tại Roma.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh Vatican cho biết cụ thể là sau một số cuộc viếng thăm của vị đại diện không thường trú của Vatican đến Việt Nam trong thời gian qua, cuộc gặp lần ba nhằm đào sâu và phát triển các mối quan hệ giữa hai phía.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, hiện là Thủ tướng Việt Nam, đã đến thăm Vatican hồi tháng giêng năm 2007. Rồi chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết cũng có chuyến thăm chính thức Vatican hồi tháng 12 năm 2009.

Mới hôm ngày 18 tháng 2 năm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng, bổ nhiệm trung tướng Phạm Dũng, tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh II, tức cơ quan phụ trách về tình báo nội địa, làm trưởng ban tôn giáo chính phủ Việt Nam.

Phía Vatican cử vị đại diện thường trú, tổng giám mục Leopold Girellei hồi tháng giêng năm 2011. Trong hơn một năm qua, vị đại diện thường trú của Vatican đã có những chuyến đến viếng thăm các giáo phận tại Việt Nam. Và ông cũng là thành phần có mặt trong vòng làm việc lần thứ ba này giữa phía Vatican và Việt Nam.

Video: Nhà Trắng gặp gỡ người Việt về Nhân quyền VN

Tại vòng họp lần thứ ba này phía đại diện Vatican là thứ trưởng ngoại giao Ettero Balestrero và phía Việt Nam là ông thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Một giáo dân có những quan tâm đối với vấn đề giáo hội Công giáo Việt Nam, ông J.B. Nguyễn Hữu Vinh, đưa ra nhận định về lần họp này giữa Vatican và Hà Nội:

"Hiện nay cũng chưa có gì nhiều; bởi vì theo thông tin đưa ra từ những cuộc họp lần trước. Dù không chính thức, nhưng trên báo chí, người ta cũng đưa ra những trở ngại giữa hai bên, rồi có lúc đưa ra là có những tiến bộ. Chúng tôi cũng biết được những thông tin đến đó thôi. Bởi vì có những trở ngại nên hai bên gặp để giải quyết những vướng mắc, tồn tại để có quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Đó là mong muốn của Tòa thánh Vatican, của giáo dân cũng như của chính phủ Việt Nam."
Hai bên gặp để giải quyết những vướng mắc, tồn tại để có quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Đó là mong muốn của Tòa thánh Vatican, của giáo dân cũng như của chính phủ Việt Nam.
J.B. Nguyễn Hữu Vinh, Hà Nội

Tin tức cho biết một số vấn đề về nhân sự trong hàng giáo phẩm Việt Nam sẽ được nêu ra tại vòng làm việc lần này như việc từ chức của tổng giám mục Nguyễn Như Thể thuộc tổng giáo phận Huế, và trong năm tới tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn của Hà Nội hiện nay cũng đến tuổi hưu, cần có người thay thế. Ngoài ra có giáo phận Bùi Chu đang muốn có giám mục phó.

Chính quyền Hà Nội luôn cho rằng ở Việt Nam có đầy đủ mọi quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, mới hôm ngày 24 tháng 2, Tòa giám mục Kontum thông báo chính thức về vụ việc linh mục Nguyễn Quang Hòa, thuộc giáo xứ Kon Hring, huyện Đắc Hà, sau khi đi làm lễ an táng tại một làng về bị ba côn đồ đánh đến trọng thương.

Tại địa phương đó lâu nay, chỉ cho phép các linh mục dâng thánh lễ tại các trung tâm hay điểm được phép, còn cử hành các bí tích ở những nơi khác đều bị chính quyền địa phương cấm.

Kỳ vọng

Sự kiện cuộc gặp lần thứ ba của nhóm làm việc hỗn hợp Vatican- Việt Nam thu hút sự quan tâm của cộng đồng giáo dân Công giáo La Mã tại Việt Nam hiện nay ra sao?

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục giáo phận Kontum, người hiện được cho là một tiếng nói mạnh mẽ trong Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết mức độ quan tâm đến sự kiện đó cũng như mong muốn của ông đối với cuộc làm việc lần này giữa Vatican và Hà Nội:
Chúng tôi mong giữa Vatican và chính quyền Việt Nam dần dần hiểu nhau hơn để giải quyết những vấn đề chung liên hệ Giáo hội. Ai cũng mong những cuộc gặp như thế sẽ mở ra những điều tốt đẹp.
Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh

"Chúng tôi cũng mong giữa Vatican và chính quyền Việt Nam dần dần hiểu nhau hơn để giải quyết những vấn đề chung liên hệ Giáo hội. Ai cũng mong những cuộc gặp như thế sẽ mở ra những điều tốt đẹp. Thú thiệt tôi ở vùng sâu, vùng xa nên bận tâm trước tiên của tôi là ‘con cái’ được đi ăn học đến nơi đến chốn để có khả năng phục vụ mọi người thôi. Còn ‘chuyện đằng kia cao xa’, chúng tôi ít khi được tiếp cận nên cũng không mong gì lớn hơn đâu. Tôi rất mong thế hệ trẻ hiện nay sống cho ra sống; phải chăm lo cho chúng ăn học đến nơi đến chốn.

Vừa qua Đại diện không thường trú của Tòa Thánh có đến Kontum thì tôi đưa Ngài đến tận nơi những vùng sâu vùng xa, để Ngài thấy tận mắt. Ngài và chính quyền cũng nói sòng phẳng với nhau về quyền của con người, quyền sống Đạo cho đàng hoàng, tử tế, quyền của người Công giáo được đóng góp cho đất nước. Ngài trình bày sòng phẳng và chính quyền lắng nghe. Tôi hy vọng với thời gian sẽ có nhiều hiểu biết hơn, sẽ tốt đẹp hơn.
"
Quan hệgiữa hai bên sẽ có lợi cho đất nước, và người giáo dân có những tốt đẹp hơn; đặc biệt tình hình tôn giáo và đời sống giáo dân được tôn trọng hơn.
JB. Nguyễn Hữu Vinh

JB. Nguyễn Hữu Vinh cũng nói lên tâm tư nguyện vọng với tư cách một giáo dân:

"Tôi muốn có tiến bộ lớn trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican. Một quan hệ ngoại giao bình thường như đối với những nước khác. Quan hệ giữa hai bên sẽ có lợi cho đất nước, và người giáo dân có những tốt đẹp hơn; đặc biệt tình hình tôn giáo và đời sống giáo dân được tôn trọng hơn."

Tại Việt Nam hiện có chừng 6 triệu người theo Công giáo La Mã. Đây là nơi được đánh giá có số lượng giáo dân Công giáo La Mã đứng hàng thứ nhì tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Philippines.

Trước đây họ là thành phần từng bị phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo. Gần đây, tình hình có những diễn biến theo chiều tích cực; tuy nhiên giữa chính quyền và nhiều người theo Công giáo La Mã vẫn có bất đồng.

Hiến pháp Việt Nam qui định tự do cho người theo hay không theo một tôn giáo nào; nhưng những người cộng sản vẫn chủ trương vô thần, trong khi những người Công giáo La Mã và nhiều người có tín ngưỡng khác lại là người tin vào các đấng siêu nhiên mà chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn bác bỏ về mặt lý thuyết.

Không có nhận xét nào: