Pages

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Bắt đầu được cởi trói, công nhân Miến Điện tập sự đấu tranh đòi quyền lợi

Công nhân bốc vác chuyển hàng từ tàu lên bờ tại Dala, Miến Điện ngày 18/04/2012.
Công nhân bốc vác chuyển hàng từ tàu lên bờ tại Dala, Miến Điện ngày 18/04/2012.
REUTERS/Soe Zeya Tun
Trọng Nghĩa
 
Trong tuần này, hàng trăm công nhân dệt may tại Rangoon đã đình công đòi tăng lương, vào đầu tháng 300 công nhân tại một cơ sở làm tóc giả cũng có hành động tương tự… Trong thời gian gần đây, những vụ đình công - rất hiếm thấy thời chế độ quân sự trước đây - mỗi lúc mỗi nhiều thêm tại Miến Điện.
Thực tế này cho thấy, giới lao động nước này ngày càng bạo dạn hơn trong việc đấu tranh, nhất là khi được luật pháp quan tâm hơn trước.

Về cuộc đấu tranh công nhân thuộc ba nhà máy dệt may tại khu công nghiệp Hlaing Thar Yar ở Rangoon, hãng tin Pháp AFP ghi nhận rằng yêu sách của họ là đòi cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương. Một nữ công nhân 26 tuổi, xin giấu tên, xác định với AFP là là cô không sợ bị mất việc, vì nếu ban giám đốc muốn sa thải cô, thì họ phải sa thải cả 800 công nhân trong nhà máy của cô.Những người đình công cho biết là nếu giới chủ không chấp nhận tăng lương, họ sẽ tiếp tục đình công.
Theo hãng AFP, cảnh công nhân biểu tình, đình công còn là một điều không tưởng tại Miến Điện cách nay không lâu, khi còn tồn tại một đạo luật khắc nghiệt có từ năm 1962.
Thế nhưng mới đây, song song với công cuộc mở cửa chính trị, Tổng thống dân sự Thein Sein đã ban hành một bộ luật mới về quyền tự do hội họp, được soạn thảo trong sự kết hợp chặt chẽ với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Được đánh giá là một trong những bộ luật tiến bộ nhất trong khu vực, văn kiện mới bảo đảm quyền đình công và quyền thành lập công đoàn. Một cách cụ thể, người lao động Miến Điện có quyền đình công sau khi báo trước cho chủ nhân, và có thể thành lập công đoàn miễn là hội đủ ít nhất 30 thành viên.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, các quy định mới đã trở thành một thách thức đối với cả người lao động lẫn giới chủ nhân trên một đất nước mà trong gần nửa thế kỷ qua, những thành phần bất đồng chính kiến ​​thường xuyên bị chế độ quân sự đàn áp.
Đối với ông Steve Marshall, đại diện của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Miến Điện, nước này như đang ở vào «thời kỳ sơ khai của một trường công nghiệp mới. Mọi người đang tìm cách thích nghi với môi trường này, tìm hiểu về những quyền hạn cũng như trách nhiệm mới của mình».
Chuyên gia này nêu bật một ví dụ : Người lao động Miến Điện có thể là đã nhận thức được là họ có quyền đình công. Nhưng họ chưa biết được là đi theo các thủ tục nào để đình công. Bản thân chủ nhân cũng bỡ ngỡ trong việc thích ứng với luật lệ mới. Tình trạng đó có thể gây ra một số trở ngại trong công cuộc sản xuất, nhưng đó là một phần của tiến trình học tập.
Một nhà ngoại giao nước ngoài thì công nhận là khuôn khổ luật lệ lao động tại Miến Điện có thể là tốt nhất châu Á, nhưng : "Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thực thi luật này trong bối cảnh mà xã hội Miến Điện chưa hẳn là đã sẵn sàng áp dụng khung luật lệ đó."
Giữa chủ nhân và người lao động hiện nay, theo AFP văn hóa đối thoại, đàm phán với nhau chưa có. Trong trường hợp các công nhân dệt may ở Rangoon hiện nay, những người biểu tình đòi được phụ cấp khoảng 37 đô la một tháng, giới chủ chỉ đồng ý tăng 12 đô la. Các công nhân không chịu thì bị giới chủ đe dọa sa thải.
Đối với AFP, không thể nào coi những trao đổi trên đây là một cuộc thương thảo đúng nghĩa. Theo một luật sư chuyên bảo vệ những người lao động, ngày nào mà các định chế thích hợp chưa được thành lập để giúp áp dụng luật lệ một cách đúng đắn, ngày đó công nhân sẽ còn phải đình công để thúc đẩy đòi hỏi của mình.

Không có nhận xét nào: