Pages

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Biển Đông: Trung Quốc cảnh báo Mỹ giữ trung lập




Tàu chiến Mỹ ở Biển Đông

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (28/5) đã cảnh báo Mỹ không được thổi bùng căng thẳng trong các cuộc tranh chấp lãnh hải hiện nay ở Biển Đông. Lời cảnh cáo này được đưa ra sau khi Mỹ bày tỏ mong muốn được gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Theo Ngoại trưởng Hillary Clinton, việc gia nhập UNCLOS sẽ giúp Washington có được các quyền về hàng hải. Ngoài ra, UNCLOS còn đem lại cho Mỹ “khả năng thách thức hành vi của các nước khác dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc nhất và thuyết phục nhất ở những vùng biển quan trọng như Biển Đông”.
Phát biểu tại một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, bà Hillary cho biết, mặc dù Mỹ không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng “chúng tôi có lợi ích sống còn ở đây”. “Một khi chúng tôi ký vào bản UNCLOS, chúng tôi sẽ có sự tín nhiệm lớn hơn và khả năng lớn hơn để buộc các nước thực thi nghiêm chỉnh các quy định của công ước này”, nữ Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.

Phản ứng trước những phát biểu trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Hồng Lỗi, nhấn mạnh, vấn đề Biển Đông chỉ liên quan đến Trung Quốc và các thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là những nước đã ký vào Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Các nước ASEAN gồm Philippines, Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
“Theo tôi biết, các nước không phải là thành viên của ASEAN và các nước bên ngoài khu vực phải giữ lập trường không can thiệp vào những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”, phát ngôn viên Hồng Lỗi cho biết trong một tuyên bố gửi đến báo chí ngày hôm qua. Ngoài cảnh cáo Mỹ không can thiệp vào tình hình Biển Đông, Bắc Kinh còn bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước một phát biểu của Ngoại trưởng Hillary về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Bà Hillary trước đó đã nói rằng, Trung Quốc đang đòi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông vượt quá những quy định được đưa ra trong UNCLOS.
Theo quy định của UNCLOS, khu vực biển nằm cách bờ biển của một nước trong vòng 200 hải lý (370km) là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước đó. Các nước có quyền khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc và Philippine đang tranh chấp bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km (tức là trong phạm vi 200 hải lý được quy định trong UNCLOS). Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.

Trung Quốc nghi ngờ ý định tham gia UNCLOS của Mỹ

Trong một bài xã luận được đăng tải trên tờ Tân Hoa xã gần đây, Trung Quốc đã tỏ ý nghi ngờ ý đồ của Mỹ trong việc muốn tham gia vào UNCLOS trong thời điểm nhạy cảm hiện nay. Theo Bắc Kinh, đây là một nỗ lực của Washington nhằm tìm cách can thiệp vào tình hình Biển Đông. Trung Quốc “tố” rằng, động thái này của Washington đã làm lộ “những ý định ích kỷ” của cường quốc số 1 thế giới ở Biển Đông.
“Khi Mỹ đang tìm cách quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương, họ muốn dùng UNCLOS làm phương tiện pháp lý để công khai can thiệp vào các vấn đề ở Biển Đông và ở những nơi khác. Từ đó, họ sẽ tối đa hóa được lợi ích chiến lược của mình cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự trên khắp thế giới”, Bắc Kinh cho biết.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng “tấn công” vào những phát biểu của Thượng nghị sĩ John Kerry – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, về việc Trung Quốc “đang đòi chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông và các nơi khác”. Theo Bắc Kinh, lý do Mỹ từng từ chối tham gia UNCLOS là vì, nước này sợ bị hạn chế quyền tự do hàng hải của các tàu chiến Mỹ ở những vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Tuy nhiên, giờ đây, thái độ của Mỹ đã thay đổi.
Trung Quốc cho rằng, bản thân UNCLOS không thể giúp giải quyết các tranh chấp trong khu vực. “Vì thế, việc một số chính khách Mỹ có những phát biểu và động thái thể hiện sự can thiệp ngày một sâu vào tranh chấp ở Biển Đông là rất nguy hiểm. Điều đó có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trong khu vực và không giúp giải quyết các tranh chấp hiện nay”, bài báo trên Tân Hoa xã đã viết như vậy. Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với 4 thành viên của ASEAN gồm Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Kiệt Linh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: