Pages

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

BIẾT RÕ BỆNH RỒI, CẦN GÌ BẮT MẠCH?



Trong báo Pháp luật T.p Hồ Chí Minh hôm nay (2-5) có đăng bài: “Đột phá trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về chỉnh đồn Đảng: Phải có cách bắt “bệnh” cho đúng”. Qua bài phỏng vấn của phóng viên bản báo này với ông Nguyễn Sỹ Nồng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP. HCM, người đọc thấy chủ yếu là ông Nồng đề cập đến hai thứ bệnh: giàu bất thường và chạy chức chạy quyền. Trả lời câu hỏi của nhà báo: “Nếu bắt mạch “bệnh giàu bất thường” ở cán bộ lãnh đạo thì phải điều tra ở những khía cạnh nào?”, ông Nồng nói:

- Thứ nhất, cần phải xem dư luận xã hội hiện nay đang nói gì về cán bộ lãnh đạo giàu bất thường của chúng ta. Phải nghe dân mình nói gì về chuyện ông quan nào có đất đai ở dự án này, dự án kia; biệt thự này, biệt thự kia và các sân sau của họ như thế nào… Sau đó phải kiểm tra mối quan hệ giữa quan chức cấp cao và các đại gia kinh tế đang có dư luận. Không chỉ là quan hệ với các đại gia trong nước mà còn với các đại gia nước ngoài…


Những chỉ giáo của ông nguyên Hiệu phó trường cán bộ Đảng không sai, đúng đường lối, và cũng y hệt như biết bao lần Đảng ta đã nêu trong các nghị quyết. Có điều, cái sách đó, cái gọi là biện pháp, cách thức đó để coi là “đột phá” thì nay đã bị coi là giáo điều, là hình thức, là “mị dân”, không mang lại gì đâu. Bởi vì phải cần đến người dân chỉ ra một cách mạnh dạn, thẳng thắn mới biết bệnh? Bà con ta đã nói: “Biết hết rồi, còn hỏi làm gì, nói ra các ông có chịu nghe đâu, có chịu sửa sai đâu, mất công. Các ông đang lo giấu bệnh và rất sợ điều trị, có nói cũng chẳng mang lại gì. Nay giá cả tăng vọt, túi tiền lép kẹp, để cho dân lo làm ăn, đừng bắt họp nhiều vào những chuyện đó, mất công!”.

Thế nên, trong hiện trạng nhiều thứ bệnh “tứ chứng nan y” của Đảng ta hiện nay, cần gì phải nêu ra cách bắt mạch để phát hiện bệnh, để biết ai bệnh gì? Khỏi tìm, vì nay cái công đoạn xem có bệnh hay không, bệnh gì đã không cần thiết. Xem bệnh theo chu trình “vọng, văn, vấn, thiết” đã không cần nữa. Vọng, là quan sát xem gương mặt, màu da, sắc thái để đoán bệnh. Văn, là nghe lời nói (của bệnh nhân) để đoán bệnh. Vấn, là hỏi người bệnh, hỏi người liên quan để đoán bện. Thiết là bắt mạch, nghe mạch xem “hoạt, trầm, trì, tế, sác” để đoán bệnh. Bắt mạch cũng chỉ là một trong phép “tứ chẩn” của thầy thuốc. Nay đâu còn phải băn khoăn trong Đảng ta, và trong cơ thể nào mắc bệnh gì mà phải bắt mạch? Nhiều thứ “thuốc” với đủ phác đồ điều trị nay cũng bó tay rồi.

Nhờ vào dân, tin ở dân, xin ý kiến âan để xây dựng Đảng ư? Đó là cách của thời dân chủ rộng rãi, thực sự dân chủ theo đúng nghĩa của từ này. Còn nay, họp dân xin ý kiến, dù ai đó có dũng khí nói thẳng, nói trắng ra hết chắc cũng khó đem lại kết quả gì gọi là khả quan. Nếu như từ 20-30 năm trước, Đảng ta thấy biện pháp “lấy dân làm gốc, nhờ dân đóng góp” là cần thiết, tôn trọng dân và muốn dựa vào dân, chủ động và biết cách làm như vậy may ra còn có hiệu quả. Nay thực tế chỉ ra rằng cái cách tưởng như “quan trọng” ấy đã quá muộn rồi.

Dựa vào dân theo cách mà ông Nguyễn Sỹ Nồng đã nêu ra nay không còn được coi là phần mềm hữu hiệu để sửa chữa có hiệu quả những “lỗi hệ thống” đã quá năng, từ chuyên môn vi tính gọi là hỏng phần cứng, ổ cứng. Nạn “quan tham lại nhũng” hiện nay lại rơi vào “bộ phận không ít cán bộ đảng viên có chức có quyền”, vậy đâu đơn giản với những bài cũ đã được coi là kinh nghiệm xây dựng Đảng? Dân bây giờ không cần góp ý nữa, “các ổng biết hết rồi”, mà chỉ còn trông chờ xem Đảng làm những gì. Thực chất, các “thế lực thù địch” với dân với nước hiện nay bị nhận diện rõ nhất, dễ thấy nhất lại chính là những cán bộ, đảng viên có chức có quyền bị hư hỏng, bị mất hết uy tín với dân theo những kiểu đó. Họ đâu cần đến dân chủ, vì càng dân chủ càng có nguy cơ rung đe sự bất ổn cho cái ghế của họ, cái ghế đang hàng ngày đẻ ra “cơm áo gạo tiền”, đẻ ra những món lợi kếch sù làm vinh thân phì gia cho họ. Người dân nào mà vớ vẩn trái ý, đụng đến “sự nghiệp” hoặc miếng ăn của họ thì lập tức sẽ bị công an truy dẹp ngay, chết liền!

Bài báo cũng dẫn một số loại “bệnh” đã được Bác Hồ và Đảng cảnh báo từ rất sớm. Đó là: bệnh ba hoa, địa phương, ham danh vị, thiếu kỷ luật, cẩu thả, xa rời quần chúng, chủ quan, hình thức, ích kỷ, lười biếng, tham lam; bệnh tự cao tự đại, ưa người ta nịnh mình; bệnh hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, bệnh quan liêu, hống hách, độc đoán chuyên quyền…


“Bệnh” của Đảng bị nhiễm, bội nhiễm, có biểu hiện ra ngoài về triệu chứng, biến chứng và trở nên trầm trọng như thế nào thì ai cũng biết. Lãnh đạo cấp càng cao, biết thực trạng đó càng nhiều. Nhưng nếu như người bệnh nặng lại đi lo điều trị, đem thuốc cho người bệnh nhẹ, hoặc mới có biểu hiện nhiễm bệnh, thì quả là chuyện ngược cách và không thể có được. Trái lại, đã có những trường hợp người bị bệnh cứ hô lên là rất khỏe, thậm chí lại tìm cách nhét thuốc vào miệng người khỏe, bắt uống, rồi tung hô là người đó bị bệnh nặng, cần cho nghỉ việc, cần cấp cứu, cần đưa vào viện điều trị, cần tach skhoir cộng đồng để an toàn… (!?). Cho nên, vấn đề là họ tự biết mình có bệnh, nhưng không muốn cho ai biết đến những căn bệnh của mình, cũng như không muốn điều trị, sợ điều trị. Có khi, bệnh càng nặng, họ càng coi đó là sự thành công và đáng tự hào, giấu nhẹm được bệnh, cứ thế thăng tiến vèo vèo, “hạ cánh an toàn” vẫn coi như mình khỏe, rất khỏe.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói với ý là Đảng ta đã đến mức bị bệnh ung thư, thậm chí ung thư giai đoạn cuối. Điều đó đã hiển nhien từ lâu rồi, không nói ai cũng biết. Nhưng ngay khi đồng chí Lê Khả Phiêu đương nhiệm chức Tổng Bí thư đã thấy căn bệnh đó không ít, biết rất rõ “rận trong chăn” là gì rồi. Nhưng, như có lần ông đã công khai, thẳng thừng trả lời trên công luận rằng chính bản thân ông với hơn ba năm quyền lực cỡ đó mà cũng đành phải bó tay, bất lực, vì nhiều bệnh quá, con bệnh cũng đã nhiều, phức tạp lắm… Nay ông nhắc lại là bệnh đến mức trầm trọng, như một thứ dịch rồi. Khi đã nghỉ hưu, nguyên TBT Lê Khả Phiêu cũng rất quan tâm chính sự và vấn đề dân chủ, tham gia phát biểu, dự hội nghị, trả lời phỏng vấn về hiện tình đất nước, thực trạng trong Đảng. Bất kỳ một cán bộ lãnh đạo hoặc một người dân nào cũng không ai có điều kiện tiếp xúc, trực tiếp trao đổi với các vị lãnh đạo cao nhất đương chức đương quyền bề thế như cựu TBT Lê Khả Phiêu. Nói nhiều rồi đấy, chỉ thẳng bệnh rồi đấy, nhưng có ai chịu chữa bệnh đâu. Và cũng chưa thấy ai nói là mình bị bệnh, làm việc mất uy tín rồi, hiệu quả thấp, nay tự giác xin nghỉ việc (nghĩa là từ chức khi có vụ việc nghiêm trọng và từ chức khi thấy mình không xứng đáng).

Trở lại bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Sỹ Nồng trên đây: “Cần phải xem dư luận xã hội hiện nay đang nói gì về cán bộ lãnh đạo giàu bất thường của chúng ta…”. Vậy ai cần phải xem? Chẳng ai lạ gì mà cần phải xem cả. Dân thì biết hết rồi. Và cũng không cần phải làm mất công cho người dân trong lúc này. Những cán bộ lãnh đạo đương chức đương quyền, những cơ quan chuyên trách như thanh tra, kiểm tra đảng, công an, viện kiểm sát, tòa án cũng biết rất rõ, và biết hơn dân, hiểu sâu xa tận cái “ổ tò vò” các loại bệnh. Biết rồi, cần gì giả bộ đi hỏi dân?

Tình hình đã lâm bệnh trầm kha với nhiều thứ bệnh trong Đảng, “tứ chứng nan y” rồi, nếu cứ hô hào họp dân để nghe dân góp ý, xây dựng chỉ mất công, không mang lại gì, trở thành thứ hình thức, không khéo lại bị mang tiếng là “mị dân”. Bởi vì, cái gốc vấn đề không phải ở chỗ nhờ dân chỉ ra bệnh, mà là cấp ủy, tổ chức Đảng, người lãnh đạo chân chính biết hết rồi, nay có dám kiên quyết hay không? Kiên quyết vạch rõ căn bệnh của từng đảng viên ở cương vị lãnh đạo, chỉ rõ sự nguy hại của bệnh cho xã hội đã đến mức nào, kiên quyết bắt bệnh nhân phải nghỉ việc, không cho làm nữa, và dứt khoát phải đưa ngay con bệnh đến các “trung tâm điều trị”. Nhưng dấu hỏi lớn vẫn là ai làm? Ai có đủ uy quyền và thế lực để làm được điều đó?

Đây là thứ dịch nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm lớn, để ở ngoài xã hội mức độ lây lan mỗi ngày càng nguy hại, gây họa lớn. Ngày xưa, khi phát hiện có dịch bệnh lây lan người ta phải kiên quyết bắt những người bênh tách riêng một chỗ, cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng. Dù không muốn đi, bắt phải đi, không đi sẽ bị phạt nặng, bị làng xóm chửi rủa rồi cuối cùng cũng phải đi. Ngay như đàn gia súc, gia cầm nhiễm bệnh nặng dịch bệnh nguy hiểm cũng không được nuôi tiếp, không được sử dụng, phải tiêu hủy ngay. Nhưng ai đứng ra làm việc này, hầu như chưa tìm ra ai, cũng chưa biết phải nhờ cậy ai. Vì, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rất thẳng thắn tại Hội nghị T.U 4 là sự mắc bệnh nặng đã thấy rõ ở “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền”. Vậy là càng khó điều trị, có nói rõ họ bị bệnh gì cũng bị họ chối bay ngay, nói là mình còn rất khỏe, và có khi dọa “thằng nào dám nói tao bệnh, liệu chừng!”, bệnh nếu có chắc là ông kia, ông nọ (!?). Mà họ đương chức trọng quyền cao, nói họ có bệnh không khéo mang vạ vào thân.

Mới đây, cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Minh Tánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, cũng nói: “Phải thực sự lắng nghe dân, tin dân; tạo sự thống nhất, trên dưới một lòng để vượt qua khó khăn và bước tới”. Nhưng khi trong tâm lý đã giấu giếm cái gì đó, kể cả giấu bệnh, che khuyết điểm, giấu của ăn cắp, thì họ rất ngại nhiều người biết đến mình, rất ngại người ta nói về mình, tránh tiếp xúc, nhất là người trung, ngán sợ lời nói thẳng, thì làm sao có “thực sự lắng nghe dân nói”? Trên thì tham nhũng, lộng quyền, lại giàu sang, có quyền và lực đè nén, áp bức dân, dưới thì dân nghèo, “thấp cổ bé họng”, chăng có quyền gì, làm sao mà có thể “trên-dưới một lòng” như ông Phan Minh Tánh mong đợi? Trên thì đúng đấy, nhưng trên phải là ai thì mới đồng lòng với dân được?

“Phải thực sự lắng nghe, phải dựa vào dân…”. Thì quá rõ là “phải” như vậy đấy, nhưng lâu nay mấy ai làm được thế đâu? Và những vị lãnh đạo dính tham nhũng, tham nhũng lớn rất kị, rất cảnh giác, rất ghét cái từ “phải” ấy, nó nặng nề lắm. Những con bệnh bây giờ đang rất ngại người dân hoặc ai đó công khai hóa, chỉ bệnh của mình ra, đang rất ngại tiếp xúc với dân (suy cho cùng vậy cũng đỡ, dân cũng đỡ lo bị lây nhiễm bệnh, dân đang tránh xa những “con bệnh” kiểu này đấy!). Ngày xưa cũng có vị quan ngự y, vị “đại phu” bị quy tội oan, bị bắt giam vì dám nói thẳng, chỉ đích danh đúng cái bệnh nguy hại trong cơ thể vị quan lớn!

Mặc dù trả lời những ý, những câu rất khẩu hiệu quen thuộc trến đây của ông Phan Minh Tánh cũng chưa ăn nhằm gì, nhưng trước thực trạng hiện nay, ông cũng phát biểu với các nhà báo:


- Một điều lưu ý khác là cần hạn chế việc nói nhiều hơn làm, còn duy trì tình trạng ấy thì hiệu quả dân vận sẽ không cao… Cái cần giải quyết nhất bây giờ để cho yên lòng dân và dân ủng hộ Đảng là phải chống được tham nhũng. Có chống được tham nhũng thì dân mới ủng hộ, tin tưởng. Mặt khác, chống được tham nhũng thì trong nội bộ chúng ta cũng được công bằng, không có sự phân hóa giàu nghèo. Thử hỏi ngay trong nội bộ mà đã có sự phân hóa giàu nghèo thì làm sao tạo được niềm tin. Cái này là sống còn đây! Nếu không muốn “quốc nạn” đến thì ta phải kiên quyết tới cùng trong chuyện này. Tôi tin rằng với chống tham nhũng, dân chúng và hầu hết các thành phần khác trong xã hội đều ủng hộ. Vậy thì sao ta làm không được? Hãy đồng lòng, quyết liệt làm đi, nhất là cấp trên phải nêu gương trước.

Và ông Tánh nhấn mạnh: “Cương quyết trong phòng, chống được tham nhũng sẽ mang lại niềm tin cho dân, tạo được đồng thuận xã hội. Bức xúc thứ hai cần lưu tâm là nâng chất cho đời sống của người dân. Dù ta đã có nhiều chính sách, biện pháp nhưng đời sống của nhiều bộ phận bà con còn vất vả lắm. Công nhân chưa thể sống được với đồng lương của mình; nông dân còn khó khăn, thu nhập thấp lắm. Phải có chính sách cho thật hợp lý để giải quyết vấn đề này thực chất hơn. Điều quan trọng hơn là người dân cần được thụ hưởng một cách công bằng trên sự tăng trưởng kinh tế mà ta vẫn báo cáo, tuyên truyền cho dân và cả thế giới.

Ông Phan Minh Tánh cũng đề cập đến một vấn đề mà nhân dân cả nước đang rất bức xúc. Theo ông: Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông hiện nay là cực kỳ phức tạp. Đảng, Nhà nước đã có những đường hướng giải quyết vấn đề này”. Và ông cũng cảnh báo là khi dân bức xúc vấn đề gì thì nhà lãnh đạo phải bình tĩnh, thận trọng, xem xét chu đáo, nghe ngóng nhiều chiều, phân tích, có chiều sâu bản chất, tránh dùng các biện pháp nặng, tránh dùng các thứ quyền hành và quyền lực để đàn áp nhân dân, gây bất bình, mất dân chủ, chỉ nóng vội cốt sao cho nhanh xong việc là không nên, mà có xong được không? Nếu như làm không khéo, vụ việc sẽ trở nên phức tạp, trầm trọng hơn. Ta đã nói sự nghiệp này là của nhân dân, vì thế với dân phải ứng xử cho thật khéo léo. Vừa qua, giữa dân và lãnh đạo có một số khoảng cách trong vấn đề này, gây ra ít nhiều bức xúc trong xã hội. Với vấn đề bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chúng ta đã có những kinh nghiệm trong lịch sử; các diễn biến hiện tại cũng cho ta nhiều bài học; dự báo tương lai của chuyện này chắc cũng đã rõ. Thế nhưng những thông tin này cũng như quan điểm của Nhà nước ta không được đưa đến người dân đầy đủ, kịp thời và còn nhiều điều chưa rõ; mà làm cho dân không rõ là chưa được. Phải đối xử với các bức xúc này hợp lý hơn: Phải nói cho rõ, kịp thời, thống nhất quan điểm để dân theo dõi, dân tin và có trách nhiệm với đất nước. Còn với tinh thần yêu nước chính đáng của nhân dân thì phải ứng xử sao cho khéo léo hơn. Làm chuyện gì, dù có nhỏ mà đối xử không khéo là gây ức chế cho xã hội.

Cho nên, nay biết rõ, và hầu như biết bệnh rồi. Vấn đề là phân loại bệnh, xác định chuyên khoa, xác định hình tuyến, lo điều trị cho nhanh, kiến quyết cho bệnh nhân nghỉ việc để “đi viện”, và bằng mọi cách phải dẹp trừ dịch, chống lây lan ra diện rộng, tránh gây nhiễm, bảo vệ cộng đồng, cách ly bệnh nhân khỏi cộng đồng… Bây giờ còn nói đến “bắt mạch” để biết bệnh, chắc là ông “đại phu” nào đó còn kém tay nghề và muốn giải thoát, chiều lòng, thỏa ý bệnh nhân chăng? Như thế, càng chậm trễ và nguy hại hơn.

Không có nhận xét nào: