Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Có phải Obama đã phản bội một người hùng Trung Quốc?.




Số phận ông Thành và gia đình bây giờ nằm trong tay chính quyền Trung Quốc
Khi người mù bất đồng chính kiến Trung Quốc Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) tổ chức cuộc trốn thoát ly kỳ khỏi nơi bị bắt giữ, ông đã tìm sự bảo vệ của người Mỹ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh.

Sáu ngày sau đó, khi ông Chen rời toà đại sứ đến một bệnh viện địa phương, mọi việc tưởng như các viên chức Mỹ đã tìm được một giải pháp, như Bộ Ngoại giao nhận định, “phản ánh sự lựa chọn của ông ấy và giá trị của chúng tôi.”


Một viên chức tại Đại sứ quán Mỹ cho biết ông Chen đã rất biết ơn sự giúp đỡ của người Mỹ và ông đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton qua điện thoại, “Tôi muốn hôn bà.”

Nhưng tình thế đang bắt đầu thay đổi, có dấu hiệu cho thấy chính quyền Obama đã không bảo vệ ông Chen một cách hiệu quả.

Có phải Hoa Kỳ đã phản bội luật sư nhân quyền Trung Quốc?

Ông Trần Quang Thành tại Đại sứ quán Mỹ tại Beijing
Nguồn ảnh: Wikipedia.org
Hoa Kỳ cho biết một thỏa thuận với Trung Quốc là ông Chen sẽ được trả tự do, được phép di chuyển cùng với gia đình đến một vùng khác và được theo học tại trường đại học. Tuy nhiên, Chen đã nói với CNN rằng chính phủ Mỹ đã làm ông thất vọng. Hoa Kỳ khẳng định rằng người hoạt động nhân quyền tự ý muốn rời khỏi lãnh thổ ngoại giao và muốn ở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Chen cho biết ông lo ngại cho mạng sống của mình, và sự an toàn của vợ và muốn rời khỏi Trung Quốc. Đáng ngại hơn, ông tuyên bố rằng các quan chức Mỹ, thay vì tiếp tục sự bảo vệ của họ, đã áp buộc ông phải rời khỏi vùng an toàn ở Đại sứ quán.

Nếu điều này đúng thì đây là một vết nhơ đáng xấu hổ cho Hoa Kỳ. Cho đến nay, Tổng thống Obama đã có một hồ sơ lộn xộn về quyền con người. Đây là một thử nghiệm quan trọng cho một chính quyền ưa chuộng chủ nghĩa thực dụng hơn là phô trương những cảm xúc làm vừa ý.

Yêu cầu bất ngờ của ông Chen để tạm trú tại Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan dễ sợ cho Washington. Vài tháng trước đây, bà Clinton đã nói thay cho ông Trần Quang Thành, khi các nhóm nhân quyền cho rằng sự quản thúc ông tại nhà là hoàn toàn bất hợp pháp.

Tuy nhiên, Chen vượt thoát đến Đại sứ quán Mỹ vào thời điểm xấu nhất khi Ngoại trưởng Clinton đang đến Bắc Kinh để họp cấp cao về các vấn đề khác rất quan trọng.

Một cách nhẹ nhàng mà nói thì mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc rất phức tạp. Hoa Kỳ cần hợp tác của Bắc Kinh về vấn đề Iran và Bắc Hàn. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu và cũng là chủ nợ hàng đầu của Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc không thích bị lên lớp về nhân quyền, cho rằng đó là một cấu trúc đạo đức giả của phương Tây và được dùng cho các mục đích chính trị. Ngay cả khi vấn đề này có giá trị, Bắc Kinh nói, đó là một vấn đề nội bộ, không phải chuyện của Mỹ.

Chen, người đã bị mù từ khi còn nhỏ, là một luật sư tự học. Ông đã trở thành một người quyết liệt ủng hộ cho người nghèo và người khuyết tật và ông đã được chú ý khi ông phơi bày sự lộng hành trong chính sách một con của Trung Quốc, tố giác sự tàn bạo của cán bộ cấp dưới cưỡng bức hàng ngàn phụ nữ nghèo của Trung Quốc phải phá thai và triệt sản. Ban đầu, Bắc Kinh đã nghe lời tố cáo của ông và đã bắt giữ một số người phạm tội. Tuy nhiên, Chen cho biết hành động của Bắc Kinh chẳng đáng gì. Khi đã được quốc tế biết đến và ông lại càng cam kết tranh đấu cho dân quyền với chính phủ, chính quyền Trung Quốc đã quay lưng lại với ông.

Năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã cho ông Chen đi tù về tội làm gián đoạn giao thông và làm thiệt hại tài sản; ông Chen phủ nhận những cáo buộc này. Sau khi rời nhà tù bốn năm sau đó, ông và gia đình của ông đã được đặt dưới sự quản thúc khắc nghiệt tại nhà. Các nhóm vận động nhân quyền nói rằng gia đình ông đã chịu đựng đánh đập hàng ngày và sống với chế độ ăn uống chết đói.

Ngày 29 Tháng Tư, dưới màn đêm, Chen trèo qua tường đã được xây xung quanh ngôi nhà của ông. Vì mù lòa nên là bóng tối đã cho ông một lợi thế hơn các nhân viên an ninh đang canh giữ ông. Ông đã giả bị ốm khiến nhân viên an ninh bớt cảnh giác.


He Peirong, người lái xe 500 km đưa Trần Quang Thành đến "một nơi an toàn"
Nguồn ảnh: The Guardian

Sau khi trèo qua bức tường, một mạng lưới những người hoạt động đã giúp ông, một trong số họ là He Peirong, lái xe 300 dặm đến Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Bà He Peirong hiện đang bị giam giữ.

Khi Tổng thống Obama đã được hỏi về Chen, ông cho biết ông đã biết được tình hình nhưng từ chối để giải quyết vấn đề và chỉ nói, “Mỗi khi chúng ta hội họp với Trung Quốc là vấn đề nhân quyền lại trỗi dậy.”

Frida Ghitis. Nguồn: CNN
Obama đã làm những người hoạt động nhân quyền thất vọng ngay những ngày đầu lên cầm quyền của ông, ví dụ, ông chống lại việc hỗ trợ mạnh mẽ những người hoạt động ủng hộ dân chủ ở Iran, tuyên bố rằng “can thiệp” không có ích khi hàng trăm ngàn người đã xuống đường. Ông bị chỉ trích vì hủy bỏ một cuộc họp với Đạt Lai Lạt Ma, và cuối cùng TT Obama đã gặp Đạt Lai Lạt Ma nhưng phải tiễn khách về bằng cửa sau, hạ tầng quan trọng của cuộc họp, hầu vuốt ve Trung Quốc. Tiếp tục ủng hộ của ông (Obama) đối với một số chế độ độc tài và sự lãnh đạm, cùng chính sách bất nhất với các cuộc nổi dậy của khối Ả Rập cũng đã gây ra nhiều chỉ trích.

Đồng thời, chính sách ngoại giao thực dụng của ông dường như có kết quả, đặc biệt là ở Myanmar. Và những người hoạt động nhân quyền cho rằng Obama đã đi một chặng đường dài kể từ những bước đầu vụng về của ông.

Trường hợp của ông Chen, tuy nhiên, có thể trở thành biểu tượng. Nếu chính quyền Obama không thể giải thích những gì đã xảy ra không đúng, thì đây là cơ hội để các đối thủ đảng Cộng hòa và những người ủng hộ nhân quyền chỉ trích là ông (Obama) đã lóng ngóng quá tệ.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu một lời xin lỗi từ Washington vì đã giúp ông Trần Quang Thành và đã can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Nhưng chính quyền Obama, tuyên bố đã ứng xử đúng với các giá trị Hoa Kỳ trong trường hợp ông Chen, cần phải chứng minh rằng chính phủ này cũng có sức mạnh đạo đức để đứng lên bảo vệ cho các cá nhân can đảm đang tìm sự giúp đỡ của Mỹ.

Đây không phải là chỉ là vấn đề ông Trần Quang Thành. Đây là nguyên tắc phổ quát của quyền con người, và thực ra, đây là việc Hoa Kỳ sẵn sàng để bảo vệ nhân quyền trên sân khấu toàn cầu. Cả thế giới đang nhìn về Washington.

Ông Trần Quang Thành rời Đại sứ quán Mỹ vì vợ bị đe doạ

Chen Guangcheng (Trần Quang Thành), người mù bất đồng chính kiến Trung Quốc đã là tựa đề những bản tin quốc tế khi vào tạm trú ở Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, đã được Đại sứ Mỹ Gary Locke hộ tống khỏi lãnh thổ ngoại giao.

Tin cho hay ông Chen được điều trị tại Bệnh viện Chaoyang (Triều Dương) tại Bắc Kinh trong khi vợ và con gái của ông đang ời Sơn Đông để gia đình đoàn tụ. Có tin cho hay ông Trần Quang Thành, đã nói rằng ông không muốn rời khỏi Trung Quốc, sẽ được phép di chuyển đến một vùng khác ở Trung Quốc, không phải sống với quan chức ở Sơn Đông, những có trách nhiệm quản thúc tại gia người luật sư tự học 40 tuổi ở làng Dongshigu (Đông Thạch Cổ) của ông trong 20 tháng qua.



Gia đình ông Trần Quang Thành. Nguồn ảnh: www.ChinaAid.org/Reuters

Theo một báo cáo của Reuters, ông Chen sẽ được chuyển đến “một môi trường an toàn,” nơi ông có thể theo học đại học. “Đây là một trường hợp đặc biệt liên quan đến hoàn cảnh ngoại lệ, và chúng tôi không trông mong sẽ tái diễn,” một viên chức Mỹ nói với Reuters.

Ông Chen đến Đại sứ quán Mỹ sáu ngày trước, sau khi được một mạng lưới ngầm giúp tổ chức cuộc trốn thoát táo bạo vào ban đêm từ nơi bị giam lỏng và một đoạn đường 500 km đến Bắc Kinh. Số phận của ông Chen đã được đẩy lên hàng đầu của chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Bắc Kinh hôm thứ Ba cho một chuyến thăm đã định từ trước.

Trong khi ông Chen rời Đại sứ quán Mỹ dường như là kết quả của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh rõ ràng là không hài lòng với toàn bộ sự việc. Tân Hoa Xã phàn nàn rằng ông Chen đã đến Đại sứ quán Mỹ “bằng phương tiện bất thường” và cho biết Bộ Ngoại giao TQ đã yêu cầu Washington có một lời xin lỗi chính thức.

“Phía Mỹ đã can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc, và phía Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Liu Weimin nói.

Bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ đã giải quyết vụ việc “theo cách phản ánh sự lựa chọn của ông Chen và giá trị của chúng tôi,” và rất quan trọng để đảm bảo rằng Bắc Kinh giữ lời cam kết để ông ấy (Trần Quang Thành) không bị đàn áp nữa.

“Chính phủ Hoa Kỳ và người dân Mỹ cam kết sẽ liên lạc với ông Trần Quang Thành và gia đình của ông trong những ngày, tuần, và năm tới,” bà Clinton nói trong một tuyên bố sau khi ông Trần Quang Thành rời Đại sứ quán Mỹ.

Người ta đã thấy ông Chen trên một chiếc xe lăn bên trong Bệnh viện Triều Dương. Các viên chức đại sứ quán Mỹ cho biết ông đã bị thương ở chân trong cuộc trốn thoát từ làng Đông Thạch Cổ.

Một số bạn bất đồng chính kiến đã không ngờ ông Chen đột ngột rời Đại sứ quán Mỹ, và lo ngại về các chi tiết của những thoả thuận liên quan đến số phận của ông Trần Quang Thành. “Cả hai bên có lẽ đều đã phải chịu áp lực rất lớn,” hoạ sĩ Ai Weiwei (Ngải Vị Vị), người cũng đang sống dưới sự giám sát thường xuyên, cho biết qua điện thoại di động. “Không ai biết thỏa thuận là những gì.”

Ông Chen, người bị mù từ lúc bé, bắt đầu nổi tiếng - và làm quan chức chính phủ ở Trung Quốc nổi giận - như là một luật sư tự học tranh đấu cho người khuyết tật và nâng cao nhận thức trong quần chúng về việc cưỡng bức phá thai và triệt sản vì chính sách “ một con” khắc nghiệt của Trung Quốc.

Năm 2006, ông đã bị kết án bốn năm tù về tội “tụ tập đám đông làm cản trở giao thông”. Kể từ khi ông Thành ra khỏi tù, các nhà báo, nhà ngoại giao và những người hoạt động nhân quyền đã cố gắng đến thăm làng Đông Thạch Cổ. Tất cả đều bị đuổi về, một số còn bị hành hung. (Trong số những người nổi tiếng đã cố gắng và không đến thăm ông Chen được là diễn viên Christian Bale, người đã đi cùng với đoàn làm tin của CNN.

Sau khi trốn thoát, ông Thành đưa lời kêu gọi bằng YouTube tới Thủ tướng Ôn Gia Bảo để can thiệp trực tiếp vào vụ việc, một động thái xác định có sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng sản TQ về vấn đề đổi mới chính trị. (Ông Ôn Gia Bảo được xem là đảng viên cộng sản thâm niên nhất trong những người ủng hộ cho sự cởi mở hơn, không thành viên nào khác trong 9 người của Ban thường vụ Bộ Chính trị ủng hộ lời kêu gọi dân chủ của ông.)

“Trần Quang Thành đã phải chạy trốn [vào Đại sứ quán Hoa Kỳ] để có được sự chú ý của lãnh đạo cấp cao. Điều này cho thấy rằng TQ không phải là một xã hội hợp pháp, và có tự do,” ông Jiang Weiping (Khương Duy Bình), một nhà báo Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở Toronto nói. “Không có tương lai cho một chính phủ sợ một người mù.”

Cập nhật
Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã đảm bảo an toàn cho ông Chen, nhưng The Associated Press đưa tin rằng gia đình ông Trần Quang Thành đã bị đe dọa.

Phát biểu qua điện thoại từ phòng bệnh viện ở Bắc Kinh tối thứ Tư, trong lo âu, ông Chen cho biết một viên chức Mỹ nói với ông rằng chính quyền Trung Quốc đe dọa đánh vợ ông đến chết nếu ông không rời khỏi Đại sứ quán Mỹ.

Ông Chen, người đã chạy trốn vào Đại sứ quán sáu ngày trước, rời toà Đại sứ theo một thỏa thuận, trong đó ông sẽ nhận được sự săn sóc y tế và được đoàn tụ với gia đình và được cho phép đi học tại đại học ở một nơi an toàn. Ông nói rằng giờ đây anh lo ngại cho sự an toàn của ông và muốn đi.

Zeng Jinyan, một người bạn thân của người bất đồng chính kiến​​, đã nói trước đó bà đã nói chuyện qua điện thoại với vợ và ông Trần Quang Thành khi ông đang ở bệnh viện. Giọng ông có vẻ thất vọng và nói với bà ấy vợ ông đã bị đe dọa, bà Zeng Jinyan nói.

“Ông nói những gì ông muốn là hoàn toàn khác [với những gì đã thoả thuận], nhưng vì không ai có thể bảo vệ vợ và con” - ông đã phải chấp nhận, bà Zeng đã nói với AP qua Skype.

Washington Post đã không đề cập đến các mối đe dọa như vậy trong bản tin về một cuộc trò chuyện ngắn với ông Chen với một trong những nhân viên của Washington Post tại Trung Quốc. Phóng viên Keith Richburg đã viết rằng ông đã nhận được một cú phone từ Đại sứ Mỹ, và đưa điện thoại để ông Chen nói chuyện, “giọng như vui vẻ”, và cho biết ông bình yên và đang trên đường đến bệnh viện.

Chai Ling (Sài Linh), một trong những lãnh tụ sinh viên tại Thiên An Môn (1989), hiện đang sống tại Boston, cho rằng phản ứng của Hoa Kỳ là không thể chấp nhận được. Ngoại trưởng Hillary Clinton phải đạt được thoả hiệp với Trung Quốc để gia đình ông Trần Quang Thành rời khỏi Trung Quốc, bà Sài Linh tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với CBC News chiều nay, 2/5/2012.


Nguồn: DCVOnline

Không có nhận xét nào: