Chính phủ Đài Loan đã bác bỏ đề nghị bố trí phi đạn phòng không tầm ngắn trên
những hòn đảo ở quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền. Quyết định này
được Thứ trưởng Quốc phòng Triệu Thế Chương loan báo tại Viện Lập pháp ở Đài Bắc
hôm thứ năm (ngày 3 tháng 5, 2012), một ngày sau khi Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm về
vai trò của Đài Loan ở Biển Đông. Mời quí thính giả nghe Duy Aí trình bày thêm
chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Duy Ái - VOA | Washington
DC
Bộ quốc phòng Đài Loan mới đây
đã bác bỏ đề nghị tái bố trí phi đạn địa đối không ở khu vực có tranh chấp ở
Biển Đông sau khi Hoa Kỳ bày tỏ “quan tâm” đối với kế hoạch này.
Theo
báo chí Đài Loan, Thứ trưởng Quốc phòng Triệu Thế Chương hôm thứ năm nói với các
nhà lập pháp ở Đài Bắc rằng không nên bố trí phi đạn trên đảo Pratas (Đài Loan
gọi là đảo Đông Sa) và đảo Itu Aba (Đài Loan gọi là đảo Thái Bình, Việt Nam gọi
là đảo Ba Bình).
Ông Triệu nói rằng hành động như vậy có thể làm bùng ra
những vụ tranh cãi chính trị và ảnh hưởng tới những hoạt động tuần tiểu thường
lệ trong khu vực này. Ông Triệu nói thêm rằng vấn đề hậu cần của các lực lượng
phòng vệ ở đảo Đông Sa và đảo Thái Bình cũng sẽ bị tác động tiêu cực bởi việc bố
trí phi đạn, cho nên vấn đề bố trí vũ khí ở đó nên giữ nguyên tình trạng hiện
nay.
Quyết định của Bộ Quốc phòng Đài Loan được loan báo một ngày sau khi
các giới chức Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm về việc Đài Loan dự định gia tăng sự hiện
diện quân sự ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng trong khu vực này đang mỗi ngày một
tăng.
Phát ngôn viên Christopher Kavanagh của Văn phòng Đại diện Hoa Kỳ
tại Đài Bắc nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ cho một tiến trình ngoại giao có tính chất
hợp tác của tất cả các bên liên hệ để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông mà không
sử dụng tới sự cưỡng ép.
Ông Lâm Úc Phương, đại biểu quốc hội thuộc Quốc
Dân Đảng đương quyền, hôm 30 tháng tư vừa qua đã cầm đầu một phái đoàn cấp cao
đến thăm đảo Itu Aba và đề nghị chính phủ tăng cường khả năng phòng thủ ở hòn
đảo nằm cách cảng Cao Hùng của Đài Loan gần 1.400 kilo mét về hướng nam.
Ông Lâm cho đài VOA biết rằng Văn phòng Đại diện Hoa Kỳ tại Đài Bắc đã
tiếp xúc với ông, và tuy không gây áp lực, nhưng phía Hoa Kỳ đã bày tỏ sự quan
tâm mà ông mô tả là ôn hòa đối với việc bố trí phi đạn.
Ông nói rằng đó
là một trong những lý do khiến Đài Loan tạm gác qua một bên kế hoạch bố trí phi
đạn.
Ông Lâm Úc Phương cho biết ông cảm thấy hài lòng đối với công tác
phòng thủ trên đảo Itu Aba khi đến thị sát đảo này:
"Trước đây tôi cứ
nghĩ là khả năng phòng thủ trên đảo không được tốt, nhưng giờ đây tôi nhận thấy
là hoạt động phòng thủ trên thực tế không tệ lắm. Súng ống và các công sự đều
rất tốt, rất kiên cố. Tinh thần của binh sĩ ở đó cũng rất cao."
Ông Lâm
Úc Phương cho rằng tăng cường khả năng phòng vệ của Đài Loan là một việc cần
thiết trong bối cảnh Biển Đông đang có nhiều sóng gió.
Tuy nhiên, ông
cho biết ông hoàn toàn tán thành chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện
pháp hòa bình. Ông nói thêm như sau:
"Hoa lục đã tiến hành hai trận hải
chiến với Việt Nam, và kết quả là Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á liên kết với
nhau chặt chẽ hơn. Vả lại, bất kỳ một cuộc chiến tranh nào cũng đều gieo mầm cho
cuộc chiến tranh kế tiếp."
Ông Vương Cao Thành, giáo sư môn quan hệ quốc
tế của Đại học Đạm Giang ở Đài Bắc, tán đồng quan điểm vừa kể. Ông nói rằng giải
quyết tranh chấp một cách hòa bình là phương cách duy nhất, vì trong thế kỷ 21,
khi các nước có những mối quan hệ kinh tế thương mại vô cùng mật thiết với nhau,
việc sử dụng vũ lực là lợi bất cập hại vì chắc chắn cả hai bên đều bị tổn
thương.
"Trước khi có được một nhận thức chung hay qui tắc chung, các bên
đều đơn phương thực hiện những hành động phòng vệ. Nhưng tôi nghĩ rằng tất cả
các bên đều phải cố gắng để tránh xung đột và nên ngồi lại với nhau để thương
lượng, thỏa hiệp và tìm ra một phương cách để giải quyết."
Nhà làm luật
Lâm Úc Phương cho biết ông đã được các viên chỉ huy trên đảo Thái Bình báo cáo
về những nguồn tin liên quan tới những vụ đối đầu hồi gần đây giữa các tàu tuần
của Đài Loan và Việt Nam trong vùng biển này.
Ông nói rằng báo chí đã
thổi phồng sự việc ngày 22 tháng 3 khi nói rằng tàu Việt Nam đã nổ súng và làm
cho binh lính trên tàu Đài Loan “hồn vía lên mây”.
Ông cho biết ngày đó
tàu Việt Nam và tàu Đài Loan có chạy gần nhau, nhưng không hề xảy ra vấn đề đối
đầu hay xung đột nào cả. Ông cũng cho biết Đài Loan với Việt Nam và Philippines
lâu nay có những kênh tiếp xúc khá tốt đẹp và tình hình trong vùng biển do Đài
Loan kiểm soát hiện nay khá yên tĩnh.
Ngoài việc đề nghị tăng cường sự
hiện diện quân sự, nhà lập pháp Lâm Úc Phương cũng yêu cầu chính phủ ra lệnh cho
công ty dầu khí quốc doanh tiến hành ngay những hoạt động thăm dò dầu khí tại
các vùng biển đang nằm dưới quyền kiểm soát của Đài Loan. Ông giải thích như
sau:
"Theo tôi, đối với việc khai thác dầu khí ở khu vực đó các bên nên
giàn xếp với nhau thông qua đàm phán hòa bình. Và trước mắt thì các nước có thể
tiến hành hoạt động thăm dò ở vùng biển đang nằm dưới sự kiểm soát của
mình."
Đề nghị vừa kể gặp phải sự chống đối của một số người ở Đài Loan
vì họ e rằng hành động như vậy có thể làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng
thêm nữa trong lúc cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn
Scarborough vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc sau khi bùng ra hồi đầu tháng tư.
Tuy nhiên, ông Trương Quốc Thành, cựu thứ trưởng quốc phòng Đài Loan,
cho đài VOA biết rằng đây là một việc nên làm và sẽ không gây ra ảnh hưởng tiêu
cực nào.
Ông nói rằng Đài Loan sẽ lâm vào thế bị động nếu không tiến
hành những hoạt động kinh tế hay quân sự trong vùng biển do Đài Loan kiểm soát,
trong khi các nước khác đòi chủ quyền ở Biển Đông đều làm như vậy từ nhiều năm
qua.
Mặt khác, các giới chức chính phủ Đài Loan cũng chính thức bác bỏ
những ý kiến cho rằng Đài Bắc nên hợp tác với Bắc Kinh để bảo vệ điều mà một số
người Trung Quốc gọi “di sản chung của dân tộc Trung Hoa ở Biển Đông” trước sự
chiếm đoạt của các nước vùng Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines.
Trong cuộc điều trần tại Viện Lập Pháp Đài Loan hồi hạ tuần tháng tư, bà
Lại Hạnh Viên, Chủ tịch Uûy ban Quan hệ với Hoa Lục, cho biết như sau:
"Các chính phủ ở hai bờ của eo biển Đài Loan lâu nay vẫn có tranh chấp
chủ quyền với nhau. Đài Loan có thái độ kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền
của mình. Đối với vấn đề chủ quyền của những hòn đảo ở Nam hải, chính phủ Đài
Loan sẽ tự xử lý và không hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề này."
Các
giới chức khác của Ủy ban Quan hệ với Hoa Lục hôm thứ Năm vừa qua cũng tái khẳng
định các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ bất khả phân của Đài Loan và sẽ không có sự
hợp tác nào giữa Đài Loan với Trung Quốc trong khu vực này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét