Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Lạm phát tháng 4 thấp – Tín hiệu không bình thường


Một sạp bán rau tại chợ Hoàng
Hoa Thám ở TPHCM

Vũ Hoàng
Với báo cáo mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy lạm phát quý 1 nói chung và của tháng 4 năm nay ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Liệu đó có phải là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế hay đây chỉ là biểu hiện của nền kinh tế đang kém sôi động? Vũ Hoàng có bài trình bày sau đây.
Dấu hiệu suy thoái

Ngay sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 được công bố, mức tăng chỉ 0,05% so với tháng trước, là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều người tỏ ra phần nào lạc quan vì thấy sự ổn định của giá cả hàng hóa và dường như mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới hai con số trong năm nay của Chính phủ đang đi đúng đường. Thế nhưng, ẩn chứa đằng sau con số biết nói kia, giới phân tích lại quan ngại đó có thể là dấu hiệu của sự suy giảm kinh tế và đây là dấu hiệu bất thường.

Dấu hiệu bất thường chính là nguyên nhân giá cả hàng hóa không thay đổi, sức mua của người dân sụt giảm, khiến người bán thậm chí phải hạ giá để tìm cách bán hàng, nhưng vẫn ế ẩm, thị trường tiêu thụ thiếu sức sống. Ở tầm vĩ mô, giới phân tích gọi đó là tổng cầu sụt giảm, là mối lo ngại của toàn nền kinh tế.
Một kiểu mời khách của siêu thị. AFP
Một kiểu mời khách của siêu thị. AFP
Nhìn từ các con số thống kê có thể thấy rõ, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cả năm 2011 chỉ tăng chưa đến 5%, còn trong quí 1 năm nay cũng dừng lại ở mức đúng 5%. Trong cuộc họp chiều 2/5, báo cáo của Bộ Công thương cho thấy nhiều ngành công nghiệp quan trọng có chỉ số sản xuất giảm, chẳng hạn như dệt may, da dày, sắt thép, xi măng và đặc biệt là công nghiệp chế biến. Lượng hàng tồn kho lên đến mức 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở góc độ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của 4 tháng đầu năm giảm khoảng 82 triệu đô la so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cũng giảm gần 12% chủ yếu với những nguyên liệu phục vụ sản xuất nội địa, điều này cho thấy nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Mặc dù lạm phát vẫn đang được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhưng những diễn biến đang xảy ra trên thị trường rất có thể là dấu hiệu của suy giảm, đặc biệt nhất là giá cả mặt hàng quan trọng như xăng dầu liên tục tăng thì chỉ số giá CPI toàn nền kinh tế lại gần như đứng yên tại chỗ. Thậm chí, trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không ngần ngại cho rằng nếu lạm phát tiếp tục ở mức dưới 0,1% như tháng 4 thì không ai làm ăn được gì cả và nếu xuống thấp hơn nữa thì sẽ mất cân đối cung cầu hàng hóa.
Vì thế chỉ số giá tiêu dùng xuống đột biến, đó không phải là một hiện tượng gì đáng mừng mà phải thận trọng để nghiên cứu.
Ô. Bùi Kiến Thành
Quan ngại với những dấu hiệu tiềm ẩn này, chuyên gia tư vấn tài chính cấp cao Bùi Kiến Thành cho chúng tôi biết:
“Chúng ta thấy rằng qua bao nhiêu chính sách của năm rồi, quí 1 của 2012 đưa đến một tình trạng là trong quí 1 này lạm phát xuống rất là nhanh, nó biểu hiện gì và vì sao chỉ số giá tiêu dùng xuống nhanh đến như vậy?
Thứ nhất chúng ta thấy rằng có đến 79,000 doanh nghiệp bị phá sản trong năm rồi, như vậy có hàng triệu người bị thất nghiệp, mất mãi lực mua bán và các doanh nghiệp bị tồn kho rất nhiều, bán hàng không được, tung ra bán không ai mua, bán một mua một cũng không ai mua bởi vì dân chúng không còn tiền nữa.
Vì thế chỉ số giá tiêu dùng xuống đột biến, đó không phải là một hiện tượng gì đáng mừng mà phải thận trọng để nghiên cứu. Đi đôi với cái đó là chỉ số tăng trưởng GDP, tổng sản lượng quốc nội trong quí 1 chỉ còn 4% thôi, không đạt được chỉ tiêu như quốc hội đề ra là 6%.”
Doanh nghiệp kiệt sức
cong-trinh-bat-dong-san-250.jpg
Một công trình xây dựng của một công ty bất động sản tại Hà Nội hôm 11-07-2011. RFA photo.
Với con số tăng trưởng GDP quí 1 chỉ ở mức 4% như chuyên gia Bùi Kiến Thành vừa nêu lên, thì mức tăng trưởng này cũng được xem là mức thấp nhất trong nhiều năm qua và chỉ bằng một nửa so với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cảnh báo nếu GDP tăng trưởng dưới 5,5% trong năm nay sẽ kéo theo hệ lụy là tình trạng thất nghiệp tăng cao và không bảo đảm an sinh xã hội.
Nguyên nhân trực tiếp khiến mức GDP này thấp chính là tình trạng doanh nghiệp suy yếu, phá sản. Nếu như năm 2011, đạt “kỷ lục” có hơn 50,000 doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc ngừng nộp thuế, thì ngay trong quí một năm nay, con số này đã lên hơn 20,000, trong số này, doanh nghiệp giải thể tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm hơn 26%, công nghiệp khai khoáng gần 15%, xây dựng và bất động sản hơn 10%.
Trao đổi với chúng tôi, chủ một doanh nghiệp tư nhân bán lẻ thép xây dựng không giấu nổi thất vọng:
“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn từ cuối năm ngoái do tình hình bất động sản toàn thị trường đứng cho nên vấn đề sắt thép, vật liệu xây dựng, xi măng nói chung chúng tôi gặp rất khó khăn. Hàng hóa hàng ngày tại cửa hàng hoạt động rất chậm chạp do vậy hàng tồn kho của chúng tôi ứ đọng, ngoài chuyện trả tiền thuê mặt bằng, trả nhân công, hiện nay hàng tồn kho nhiều, đầu ra không thể lưu thông được.
Là một doanh nghiệp chúng tôi cũng phải vay lãi của ngân hàng, gần đây, chủ trương Nhà nước có hạ thấp lãi suất khoảng 1% như thế này thì thật ra cũng không thể giải quyết những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp chúng tôi, hàng tồn kho thì rất nhiều. Chúng tôi không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, mà lãi suất ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả đều, với khả năng này, chúng tôi nghĩ là có khả năng phải phá sản mất thôi.”
Chúng tôi không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, mà lãi suất ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả đều, với khả năng này, chúng tôi nghĩ là có khả năng phải phá sản mất thôi.
Một doanh nghiệp tư nhân bán lẻ
Sự thất vọng của người chủ tư nhân doanh nghiệp vật liệu xây dựng trên có lẽ cũng là nỗi bức xúc của nhiều doanh nghiệp khác đang bắt đầu bước vào vòng xoáy mà TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gọi là “đình lạm” – lạm phát cao song hành với tăng trưởng đình đốn. Ngoài ra, T.S Thiên còn cho rằng chi phí tài chính cao không những làm suy giảm lợi nhuận mà còn làm giảm khả năng hồi phục của khu vực doanh nghiệp.
Ông lưu ý rằng một đặc điểm rất nổi bật của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng dựa mạnh vào vốn, nghĩa là nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương châm “tay không bắt giặc”, kinh doanh dựa chủ yếu vào vốn vay ngân hàng. Phương thức hoạt động theo kiểu này trở nên rất rủi ro khi nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay.
Tiếp tục phân tích về những bất lợi mà các doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải nhất là vấn đề vốn tín dụng khi mức tăng này trong quí 1 là âm gần 2%, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận xét:
“Trong suốt cả năm qua, lãi suất của ngân hàng lên mức 20% hoặc 30% thì doanh nghiệp không thể hoạt động được, vì thế họ phải ngưng hoạt động để bảo vệ năng lực của mình về sau. Những doanh nghiệp nào gồng lên đi vay với lãi suất cao như thế thì sẽ đi đến chỗ đình đốn và phá sản.
Theo các doanh nghiệp phát biểu ý kiến thì lãi suất đó không thể quá 10% được. Vì trong khu vực từ Malaysia cho tới Đài Loan, người ta chỉ hoạt động với lãi suất 4-7% thôi, thì doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với lãi suất quá cao, đó là một trong những giải pháp cần phải giải quyết ngay.”
Một công ty sản xuất đế giày phải đóng cửa, may móc để phơi nắng phơi mưa. Photo Nam Duong
Một công ty sản xuất đế giày phải đóng cửa, máy móc để phơi nắng phơi mưa. Photo Nam Duong.
Mặc dù, nhiều chuyên gia bi quan về vòng xoáy suy thoái kinh tế bắt đầu chớm nở, thì ở một góc khác, phân tích về hiện tượng sụt giảm chỉ số CPI tháng 4 này, Vụ trưởng Vụ Giá, Tổng cục Thống kê, Nguyễn Đức Thắng cho rằng đây chưa phải là dấu hiệu thiểu phát. Ông giải thích do tháng 4 bắt đầu bước vào hè nên nhu cầu tiêu dùng giảm, sức mua yếu, đặc biệt là Hà Nội thành phố đông dân có CPI âm, góp phần kéo lùi tốc độ tăng giá chung. Ngoài ra theo dự báo, trong tháng 5, CPI sẽ vẫn tăng nhẹ và cao hơn tháng 4.
Vẫn biết, kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam theo hướng ổn định bền vững kinh tế xã hội, nhưng với những dấu hiệu được gọi là “bất thường” hay “đình lạm” thì Việt Nam cần phải “bắt mạch, kê đơn mạnh hơn nữa” chứ không chỉ dừng lại ở Nghị quyết 11 của Chính phủ, theo lời TS Thiên. Những giải pháp cấp cứu như giảm thuế, giãn thuế cho các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị mặc dù đây chỉ là tạm thời, tuy muộn có lẽ còn hơn không.
Theo: RFA

Không có nhận xét nào: