Trong một luận án tiến sĩ đại học Yale, phân tích
lịch sử truyền đạo Công Giáo vào Việt Nam, tớ đọc được một chuyện về một vụ đất
đai. Một vụ vừa có chuyện cưỡng chế, vừa có chuyện không cưỡng chế trong đó. Tớ
kể chuyện này ở đây, bạn nào suy diễn linh tinh là chuyện riêng của bạn.
Chuyện xảy ra năm 1937, vào thời cực thịnh của
thực dân Pháp tại Đông Dương, khi mà tất cả các phong trào kháng chiến đều bị
dẹp hết, một thế hệ công chức bản xứ đã có mặt để thực hiện tất cả những chính
sách gì mà Pháp cần. Hầu hết cơ sở hạ tầng đều đã hiện diện – trường học, nhà
thương, đường sắt, v.v.
Năm đó, chính quyền thành phố Hà Nội ra quyết
định dời một nghĩa trang Công Giáo. Một lý do được nhà cầm quyền ghi là “nằm
bên cạnh một con đường cái dẫn tới thủ đô, nó gây cảm giác chết chóc trên đường
đi.”
Họ định dọn qua một địa điểm khác, thì địa điểm
này lại nằm cạnh một ngôi đình thờ Hai Bà Trưng.
Ông Phạm Huy Lục, lúc
đó là Chủ tịch Viện Dân biểu Bắc Kỳ, phản đối. Ông nói dọn nghĩa trang vào giữa
thành phố là vi phạm phép vệ sinh. Nhưng phía Pháp không nghe.
Thấy vậy, ông Lục đổi chiến thuật, ông mang Hai
Bà ra dọa, ông nói địa điểm này xúc phạm một “đền thờ quốc gia” vì tính linh
thiêng của Hai Bà v.v.
Trong một bức thư trả lời, người giám đốc sở Công
chánh của Hà Nội phản bác là ngôi đình này chỉ mới xây có 200 năm, chỉ là một
trong hàng ngàn đình làng, không phải là đình cổ từ thời xưa, không nằm trong
danh sách di tích lịch sử của trường Viễn Đông Bác Cổ.
Nói vậy nhưng ông Pháp này cũng nhịn ông Lục. Ông
này đề nghị một địa điểm khác.
Thì ở địa điểm này, người chủ miếng đất bên cạnh
lên tiếng phản đối. Lúc đầu, ông này cũng nêu lý do vệ sinh này nọ. Sở Công
chánh không nghe.
Ông chủ đất lại bèn đem tôn giáo ra dọa. Ông nói
bên cạnh chỗ đề nghị làm nghĩa trang này là một cái đền của đạo
Lão, thờ Tú Uyên – Giáng Kiều.
Ông chủ tỉnh Hà Nội viết một bức thư lên quan
Toàn Quyền, càm ràm là cái đền này chả dính dáng gì
tới dự án nghĩa trang này cả.
Nhưng cũng nhịn, bỏ ý định dời nghĩa trang.
Tóm lại là trong vụ này có những chuyện như
sau:
* Thực dân Pháp di dời một nghĩa trang của người
Công Giáo – là những người mà giới trí thức cộng sản hay đồng hóa với chế độ
thực dân.
* Một ông bản xứ, trong cái Viện Dân biểu Bắc Kỳ
mà sử gia cộng sản hay dựng lên hình ảnh là nghị gật tay sai, ông này lên tiếng
phản đối nhà cầm quyền, và phản đối thành công. Không cưỡng chế miếng đất gần
đình nữa.
* Một ông chủ đất bản xứ, tức là kẻ bị cai trị
trong chế độ thuộc địa, cũng phản đối thành công, chống được quyết định cưỡng
chế miếng đất gần nhà ông, gần một đền thờ Tiên.
Như đã nói, tớ chỉ kể chuyện thời xưa, thời mà
dân ta bị áp bức bóc lột dưới chế độ thực dân. Tớ không kể chuyện thời nay, bạn
nào suy diễn linh tinh, bị thất vọng hay gì đấy, ráng chịu.
______________________
Luận án này là “Catholic Vietnam: Church,
Colonialism and Revolution, 1887-1945,” đại học Yale University, năm 2008,
tác giả Charles Patrick Keith. Ông lục lọi văn khố ở
Hà Nội, Sài Gòn, Paris, Aix-en-Provence, cũng như trong thư viện Việt Nam tại
đại học Cornell.
Tiến
sĩ Keith hiện dạy
sử Đông Nam Á tại Michigan State University. Luận án này đoạt giải Henry A.
Turner Dissertation Prize, và sắp tới sẽ được xuất bản dưới dạng sách, tựa
“Catholic Vietnam: A Church from Empire to Nation, 1862-1954,” NXB
University of California Press (thuộc đại học UC, quen gọi là Berkeley).
Talawas đã từng dịch một bài viết của TS Keith,
ở
đây.
Theo
vqhn
blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét