|
(VnMedia) - Những ngày gần đây, khi sóng gió Biển Đông nổi lên người ta có dịp nhìn rõ hơn mâu thuẫn giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới Mỹ-Trung. Dường như, mọi mâu thuẫn giữa hai nước này đều xoay quanh vị trí bá chủ thế giới.
Từ Biển Đông...
Sóng gió Biển Đông bắt đầu nổi lên hôm 8/4 sau vụ hai tàu hải giám Trung Quốc ngăn không cho tàu chiến Philippine bắt giữ các ngư dân của họ ở bãi cạn Scarborough – một khu vực đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Dù đây là cuộc đối đầu giữa Philippine và Trung Quốc nhưng có vẻ như người ta lại chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ-Trung bởi Mỹ đang đóng vai trò là một tác nhân khiến cho “cơn bão” ở Biển Đông thêm đáng sợ hơn.
Với tư cách là một đồng minh thân thiết có ràng buộc với Philippine bằng một hiệp ước phòng thủ chung, Mỹ dường như đang can thiệp ngày một sâu và ngày một trực tiếp hơn vào cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh.
Lầu đầu tiên, người ta thấy một vị tướng cấp cao của Mỹ công khai tuyên bố sẽ bảo vệ Philippine trong tranh chấp Biển Đông. Cũng lần đầu tiên, Mỹ và Philippine “chọn” đúng thời điểm căng thẳng Biển Đông leo thang để tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung với những bài tập khiến Bắc Kinh phải “giật mình” như diễn tập tái chiếm lại đảo, tái chiếm lại dàn khoan.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng tuyên bố sẽ giúp Philippine củng cố sức mạnh cho Lực lượng Hải quân đồng thời tăng viện trợ quân sự cho nước này lên gần gấp 3 lần so với hồi năm ngoái.
Những diễn biến trên cho thấy, Mỹ đã chọn cách đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ đồng minh Philippine bằng các biện pháp cả trực tiếp và gián tiếp.
Rõ ràng, cuộc đối đầu mới nhất ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippine đã làm nổi rõ hơn mâu thuẫn giữa cường quốc số 1 và số 2 thế giới. Thay vì tập trung chú ý vào mối quan hệ Manila-Bắc Kinh, mọi con mắt lại đổ dồn vào phản ứng của Bắc Kinh và Washington.
Liệu có phải Mỹ can thiệp vào tình hình Biển Đông chỉ đơn thuần là để bảo vệ đồng minh Philippine hay còn mục tiêu gì đằng sau đó? Và liệu Trung Quốc khăng khăng đòi bảo vệ cái mà họ gọi là chủ quyền của nước này đối với các khu vực lãnh hải ở Biển Đông còn có ẩn ý gì khác không?
... đến vị trí bá chủ
Có thể nói, từ cuộc tranh chấp hiện nay ở Biển Đông, người ta bắt đầu chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dù là cặp quan hệ quan trọng hàng đầu của thế giới nhưng giữa Mỹ-Trung luôn tồn tại một sự nghi kỵ, thiếu tin tưởng lẫn nhau nên quan hệ giữa hai nước này không thể phát triển được như mong đợi. Điều này được cho là xuất phát từ vị trí bá chủ thế giới.
Mỹ đã giữ vị trí bá chủ thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, người ta thấy xuất hiện nhiều dấu hiệu chứng tỏ ảnh hưởng và sức mạnh của Mỹ đang giảm dần. Cùng với sự suy yếu của nền kinh tế, tiếng nói của Mỹ cũng không còn trọng lượng nhiều như trước. Washington trở nên khó khăn hơn trong việc thuyết phục các nước khác, thậm chí là cả đồng minh, nghe theo họ.
Trong khi đó, ở phía bên kia, sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng. Nước này vươn lên trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cùng với sự gia tăng của sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng theo đó tăng lên.
Nhiều nhà phân tích đã đưa ra dự báo, Mỹ sẽ mất vị trí bá chủ thế giới vào tay Trung Quốc trong vòng từ 15 đến 20 năm nữa. Đây thực sự là một dự báo khiến giới quan chức ở Washington phải “giật mình”.
Vì vậy, phản ứng tất yếu của Mỹ là phải ngăn chặn kịch bản xấu nói trên. Và người ta tin rằng, Mỹ đang tìm cách củng cố sức mạnh của bản thân và kiềm chế sự vươn lên của Trung Quốc.
Về phần mình, với sức mạnh kinh tế, quân sự, chính trị gia tăng, Bắc Kinh cũng ấp ủ tham vọng vươn lên là siêu cường hàng đầu thế giới dù nước này luôn miệng phủ nhận điều đó.
Để duy trì được thế độc tôn của mình, Mỹ tất nhiên cần đến Châu Á-Thái Bình Dương và để giành được vị trí bá chủ, Trung Quốc cũng không thể không có khu vực quan trọng này. Châu Á-Thái Bình Dương không chỉ là khu vực đông dân nhất thế giới mà còn là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển sôi động nhất và giàu tài nguyên nhất. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có rất nhiều lợi ích ở khu vực này.
Với Mỹ, nếu không giành được quyền kiểm soát Châu Á-Thái Bình Dương, Washington không chỉ bị mất rất nhiều lợi ích kinh tế mà còn mất đi rất nhiều ảnh hưởng đối với thế giới. Hơn nữa, không có được Châu Á, Mỹ sẽ không thể nào kiềm chế được sự nổi lên của Trung Quốc. Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh hiểu rõ hơn ai hết, nếu muốn vươn lên vị trí bá chủ thế giới, họ phải xuất phát từ chính khu vực “sân sau” của mình. Nếu để mất ảnh hưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thì ngay cả an ninh của bản thân, Trung Quốc còn không bảo đảm được chứ chưa nói đến vị trí bá chủ khu vực và xa hơn là bá chủ thế giới.
Tất cả những nguyên nhân trên lý giải cho việc tại sao Mỹ gần đây hối hả tuyên bố quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương sau nhiều năm ưu tiên hàng đầu cho khu vực Châu Âu, và cũng lý giải cho việc tại sao Trung Quốc lại phản ứng mạnh mẽ như vậy với chính sách quay trở lại Châu Á của Mỹ.
Để đạt được mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, Mỹ đã và đang thúc đẩy xây dựng một vành đai Thái Bình Dương mới chạy dài từ Nhật Bản tới Australia. Tất nhiên, Trung Quốc hiểu rõ điều này và với vị thế và sức mạnh ngày một tăng, Trung Quốc chắc chắn sẽ không chấp nhận sự kiềm chế của Mỹ. Với những tham vọng chính trị to lớn, Bắc Kinh đang chứa đầy quyết tâm cũng như sự quyết liệt để không cho Washington kìm kẹp họ. Và như vậy, cuộc đối đầu giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới được cho là sẽ còn kéo dài và sẽ rất gay cấn.
Việc Mỹ can thiệp vào tình hình Biển Đông thời gian này cũng nằm trong chiến lược giành quyền kiểm soát khu vực Châu Á của cường quốc này. Trong khi đó, Trung Quốc phản ứng mạnh với Mỹ và các nước láng giềng về vấn đề Biển Đông cũng là cách để nước này thể hiện sức mạnh cũng như vị trí của họ trong khu vực.
Quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc là cặp quan hệ quan trọng nhất thế giới. Mối quan hệ này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân hai nước mà còn với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn bộ thế giới. Quan hệ Mỹ-Trung thuận hay nghịch đều có tác động tích cực hay tiêu cực đến mỗi nước và đối với toàn bộ quan hệ quốc tế cũng như khu vực. Chính vì thế, người dân thế giới đang hướng những đôi mắt lo ngại về mối quan hệ đầy sóng gió này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét