Pages

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Nhiều đại biểu Quốc hội “chê” Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế


Lời bình: Việc các đại biểu Quốc hội Việt cộng cho điểm thấp đề án tái cơ cấu nền kinh tế cũng là gián tiếp cho rằng chính quyền Nguyễn Tấn Dũng, bất tài, không có khả năng đối phó với những thách thức kinh tế tại Việt nam hôm nay!
Chúng ta cần nhớ rằng các quan chức Việt cộng điều hành kinh tế tài chính hiện nay thuộc thế hệ mà lý lịch, thành phần cốt cán là giai cấp bần cố nông, hay nông dân, rồi được đi học về kinh tế ở Liên Xô, khối Đông Âu cũ, nghĩa là học về quản lý một nền kinh tế chỉ huy, mệnh lệnh (command economy), họ không biết gì về kinh tế thị trường. Đến giai đoạn đổi mới, đặc biệt là sau khi nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ, một số được đi tu nghiệp (học thêm), thường là 6 tháng đến 1 năm, ví dụ ở đại học Harvard. Nhưng trong thời gian ngắn ngủi đó, họ cũng chỉ được tiếp cận về lý thuyết kinh tế thị trường mà không có kinh nghiệm thực tế nào cả!

Do đó mà chúng ta thấy chính quyền Nguyễn Tấn Dũng lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế như lạm phát, tăng trưởng, đầu tư, tín dụng, v.v. và kết quả là tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” luôn xảy ra. Phải cần đến thế hệ của nhừng nhà kinh tế như TS Vũ Thành Tự Anh ở Chương Trình Dạy Kinh Tế Fulbright mới hy vọng có kiến thức từ đào tạo bài bản cộng thêm kinh nghiệm về chuyển đổi sang kinh tế thị trường từ một nền kinh tế tư bản man rợ mà các lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN đồng lõa với các nhóm lợi ích chỉ nhắm đến lợi dụng làm giàu cho bản thân và phe nhóm, mặc kệ tình trạng vô hiệu quả kinh tế đất nước, nợ nần cho con cháu!
Dân tộc Việt nam đang gánh chịu một đại họa, tai ương chưa từng có trong lịch sử, và nguy cơ mất nước ngày càng hiển hiện rõ ràng!
Mai Anh
——————————
(VOV) – Các đại biểu cho rằng đề án còn quá sơ sài, cần đầu tư thêm trước khi Quốc hội phê chuẩn.
Trong chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Đề án này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trước Quốc hội ngay trong ngày đầu tiên khai mạc kỳ họp (21/5).
Về đề án này, tại tổ TPHCM, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, đề án còn thiếu quá nhiều thứ cần thiết. Theo đó, cần có những chỉ tiêu định lượng để đo lường hiệu quả của tái cơ cấu (TCC). Đơn cử TCC thị trường tài chính mà trong đó NH phải đặt ra vốn phải đạt chỉ tiêu gì. Bởi vốn của DN chủ yếu lấy từ NH thì cơ cấu có dịch chuyển thay đổi hay không? Sau TCC thì số lượng NH còn lại bao nhiêu là hợp lý. Với 12 giải pháp trình bày ở đây, vừa là giải pháp lại vừa là mục tiêu có cái như tiêu đề chung chứ chưa nêu được cơ cấu ngành, cơ cấu vùng hay tái cơ cấu đầu tư của NN thông qua việc phân bổ nguồn lực liên quan đến phần vốn ngân sách, phương pháp QH xem xét, phê chuẩn NS hàng năm.
Còn TCC DNNN, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, nổi lên giải pháp quan trọng là thể chế của DNNN. Thể chế này phải xem cơ chế điều hành, kiểm tra giám sát và minh bạch thông tin ra sao, trách nhiệm người đứng đầu và cả thi tuyển ban Tổng giám đốc… những điều này chưa thấy rõ trong các giải pháp. “Đây là quá trình lớn và để làm được điều này cần ngân sách bao nhiêu vậy TCC cần bao nhiêu tiền và phân bổ trong vòng 3-5 năm tới như thế nào. Như vậy, theo tôi nên đầu tư thêm cho Đề án TCC trước khi QH phê chuẩn” – đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân thì nêu cảm nhận: “Đọc xong thấy đề án chỉ là nêu vấn đề như một gợi ý hay có thể gọi là dự án tiền khả thi mà thôi. Thời gian qua, kinh tế nước ta hướng về xuất khẩu dựa vào tài nguyên, lao động và vốn. Nợ công đến ngưỡng nguy hiểm. Vốn vay NH, dư nợ trên GDP chỉ chiếm 35% (độ sâu tài chính). Đến 2012 là 30% như vậy dư nợ phồng lên kéo theo bong bóng tài sản.
Quan điểm TCC ta cần làm rõ quan điểm phải bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong tổ chức thực hiện để khi Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này thì giám sát cho tốt. Xây dựng đề án phải xuất phát từ thực tiễn kinh tế-xã hội, điều kiện tài nguyên thiên nhiên và lợi thế của Việt Nam. Ta lợi thế nông nghiệp và bờ biển đẹp, dân số 88 triệu người với ưu thế hướng về nội địa thì ta lại chưa làm. Ngược lại thế giới lại hướng về thị trường 88 triệu dân của ta. “Vậy TCC phải dựa trên nguồn lực, tài nguyên, thế mạnh thì nguồn lực này mới khả thi” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì nhận xét: Nhiều đoạn thiếu số liệu và chỉ mang tính nguyên tắc. Đề án phải chi rõ giải pháp cho từng khu vực, từng ngành và từng nhóm sản phẩm.
Theo đại biểu Nghĩa, đề án phân tích chưa sâu nhiều vấn đề kinh tế-xã hội. Ví dụ như tham nhũng đã ăn mòn và để lại tàn dư gì. Vậy muốn TCC phải làm gì để xử lý tàn dư do tham nhũng đang để lại những món nợ lớn trong DN, NH, đất đai và tổ chức… Hiện nay để Việt Nam vượt thoát lên bẫy thu nhập trung bình thì vấn đề quản lý nhà nước là rất quan trọng. Ở Việt Nam, khả năng thực thi luật cực kém. Có luật rất hay nhưng không làm được hoặc làm méo mó đi. Vậy tới đây phải làm thế nào để phục vụ TCC.
Đại biểu nêu thực trạng: “Lâu nay nhiều địa phương chỉ khai thác tài nguyên và thu thuế để đóng góp GDP nay phải thực thi chuyển đổi thì thực hiện như thế nào? 10 năm chúng ta làm công nghiệp ô tô nhưng đến nay ta chẳng có gì. Điện tử nước ngoài vào hàng chục năm rút rồi ta vẫn chẳng có gì ngoài nhân lực lắp ráp”. Và đưa ra cảnh báo: “Nếu lần này Việt Nam không chuyển đổi được mô hình tăng trưởng thì không thể cất cánh. Nhưng muốn cất cánh lại bị đè nặng bởi nhiều thứ, không cởi bỏ được sẽ không thể TCC và sẽ mắc trong bẫy thu nhập trung bình có nguy cơ rơi xuống nước nghèo và ngập trong nợ công”.
Nội dung Đề án tái cơ cấu nền kinh tế cũng được thảo luận khá sôi nổi tại đoàn Hà Nội. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng: cần xem xét, làm rõ mục đích, yêu cầu của đề án là gì. Vấn đề đã trình ra Quốc hội là để Quốc hội thể hiện chính kiến của mình đối với một vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội không phải là cơ quan tham mưu của Chính phủ. Nếu là vấn đề quan trọng của đất nước thì các ban của QH phải thẩm tra.
Bất cứ tiêu một đồng của dân Quốc hội cũng phải quyết định. Một đề án tiêu đến hàng nghìn tỉ của dân mà chỉ trình Quốc hội góp ý, cho ý kiến là không đúng vì đây là một vấn đề vĩ mô hết sức hệ trọng, tiêu tốn nhiều ngân sách của nhân dân và ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của nhân dân.
Cho rằng đề án chuẩn bị sơ sài, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói: “Đề án cần đánh giá được những tác động về mặt xã hội, con người, bao nhiêu DN phá sản khi thực hiện TCC, bao nhiêu luật phải chính sửa, các bước đi trong quá trình thực hiện… Đề án phải mang tính định lượng và đánh giá tác động những cái được, mất khi thực hiện… nhưng đề án hiện nay chưa có”.
Cùng chung quan điểm của đại biểu Nguyễn Đình Quyền, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: Đề án mới đề cập phần ngọn những bất cập của các tổng công ty hiện nay. TCC cần có mục tiêu, giải pháp cụ thể để giải quyết tận gốc các vấn đề kinh tế. Đề án cần xác định là xây dựng nền kinh tế sản xuất vững mạnh, tạo thị trường tiêu dùng, giúp luân chuyển thị trường tiền tệ”.
Ngày mai (25/5), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường./.
Vũ Hạnh/ VOV online

Không có nhận xét nào: