Gia Minh, biên tập viên RFA
Vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhằm giúp đáp ứng nhu cầu điện năng tại Việt Nam trong tương lai tiếp tục là đề tài gây tranh luận tại Việt Nam.
Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, mời quí thính giả nghe trình bày những thông tin cập nhật về dự án gây tranh cãi đó.
Theo kế hoạch của chính phủ Việt Nam thì đến năm 2014 sẽ cho tiến hành dự án điện hạt nhân với tổng công suất 4000MW. Phía các cơ quan chức năng Việt Nam đang triển khai nghiên cứu khả thi cho nhà máy.
Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho biết những công tác mà viện của ông tham gia cũng như của các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực này:
“Về chuẩn bị theo tôi biết từ cuối năm vừa rồi đến nay cả Nga và Nhật đang làm công tác đánh giá địa điểm như khoan mẫu đất đế đánh giá khả thi cả địa điểm tại Ninh Thuận. Viện Hạt nhân của chúng tôi cũng có tham gia một phần theo lời mời của họ. Còn liên quan đến các qui định, luật lệ thì hiện Cơ quan An toàn Bức xạ Hạt nhân là cơ quan quản lý Nhà Nước về an toàn hạt nhân đang xây dựng các thông tư, nghị định, qui chuẩn; kể cả qui chuẩn về địa điểm, qui chuẩn công nghệ để sau đó cấp phép. Bộ Giáo dục và các ngành khác đang lo chuyện lớn nhất là đào tạo cán bộ. Kể cả Tổng công ty Điện lực EVN cũng đào tạo cán bộ. Còn các cơ quan nghiên cứu như chúng tôi đang nghiên cứu tìm hiểu công nghệ, mà chủ yếu là công nghệ BVR1000.”
Còn nhiều hạn chế
Thế rồi vấn đề kinh phí của Việt Nam. Theo nhiều người thì đây là điều quan trọng bởi Việt Nam là một nước còn nghèo, nhiều vấn đề khác cần đầu tư hơn là xây nhà máy điện nguyên tử. Đây là loại công nghệ đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều tiền. Những khoản vay để làm điện hạt nhân như thế sau này các thế hệ con cháu phải gánh vác.
Một lý do khác được nêu ra là vì nguồn nhân lực để có thể triển khai, vận hành điện nguyên tử tại Việt Nam còn rất hạn chế, việc đào tạo chưa thể đáp ứng cho thời gian sắp đến khi nhà máy đi vào hoạt động.
Một số chuyên gia thì cho rằng không thể không khai thác nguồn điện năng nguyên tử, vì không thể có nguồn nào đủ để giúp đáp ứng cho như cầu phát triển trong tương lai như điện hạt nhân.
Do đó vấn đề người Việt Nam không có đủ trình độ và không hiểu biết nhiều sẽ làm nhà máy ngưng chạy và không sản xuất điện được nữa.TS Phùng Liên Đoàn
Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, một trong những chuyên gia nghiên cứu về an toàn và kinh tế nguyên tử tại Hoa Kỳ, cho biết công nghệ hiện nay có thể giúp giải quyết quan ngại về an toàn của các nhà máy:
“Một nhà máy nguyên tử hiện nay có rất nhiều bộ phận an toàn để ngưng lại, không hoạt động nếu làm ẩu. Do đó vấn đề người Việt Nam không có đủ trình độ và không hiểu biết nhiều sẽ làm nhà máy ngưng chạy và không sản xuất điện được nữa.”
Mặc dù là người vừa có bài viết đăng trên trang mạng Bauxite Vietnam nêu ra tám điểm Việt Nam sẽ có lợi khi chính phủ hoãn chưa xây nhà máy điện nguyên tử, tiến sĩ Phùng Liên Đoàn đưa ra một giải pháp cho Việt Nam là nên tận dụng lợi thế địa hình ven biển của đất nước để xây dựng những nhà máy điện nguyên tử nổi mà hiện nay Nga đang triển khai. Ông trình bày về giải pháp này với những lợi điểm của nó như sau:
“Chuyện nhà máy điện hạt nhân nổi đã có từ lâu rồi, bởi vì cả Mỹ và Nga đều có tàu ngầm nguyên tử cả. Hàng không mẫu hạm Enterprise của Mỹ còn có 6 lò nguyên tử trên đó. Thành ra làm lò nguyên tử trên tàu là có kinh nghiệm rồi. Nhưng những nhà máy đó nhỏ hơn những nhà máy mà chúng ta đang tính bây giờ.
Hầu hết những nhà máy điện nguyên tử nổi đó chỉ chừng 100- 200MW, chứ không phải từ 1000-2000MW như những nhà máy xây trên cạn. Khi xây dựng những nhà máy nhỏ như thế và theo kinh nghiệm của Hải quân thì ở Mỹ những máy máy đó đòi hỏi độ an toàn phải gấp 100-200% so với nhà máy trên cạn. Lý do vì dưới tàu không có đủ chỗ. Vị cha đẻ của tàu ngầm nguyên tử Hoa Kỳ là ông Đô đốc Richover, người đã chết, đòi hỏi độ an toàn của tàu ngầm nguyên tử phải gấp đôi, gấp ba mới được chứ không phải chỉ 105-110% thôi.
Những nhà máy nguyên tử trên ‘bè nổi’ như thế tính theo kilowatt giờ thì đắt hơn; thế nhưng khi xây nhiều thì sẽ rẻ hơn nhiều. Ví dụ nếu làm một chiếc xe Mercedes thì đắt, nhưng làm 1000 chiếc thì rẻ hơn nhiều. Thành ra thay vì xây một nhà máy Ninh Thuận, chúng ta xây 10 nhà máy trên ‘bè’; chắc chắn sẽ không đắt hơn nhiều. Và điểm rất lợi ở chỗ nếu một nhà máy bị ‘chết’, chín nhà máy kia còn đang chạy giúp luôn có điện khi đang sửa nhà máy ‘chết’; thay vì nhà máy ‘chết’ không có điện để dùng. Một lợi điểm nữa là nhà máy trên ‘bè’, tức trên một chiếc tàu thì nước bên dưới có tác dụng như một lò xo, giúp các ống nước của lò không thể vỡ một cách bất thường khi có động đất.
Lợi điểm nữa là có thể kéo đi đến bất cứ nơi nào cần điện. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì đâu cần nhà máy cả 1000MW, chỉ cần nhà máy 100MW trên sông là có thể cung cấp điện cho một tỉnh như Cần Thơ, An Giang…
Vấn đề còn phải tìm công ăn việc làm cho người dân, phải biết lợi dụng công nghệ đóng tàu của mình và lúc Nga đang có nhà máy nguyên tử nổi mà chưa bán cho ai, thì Việt Nam nên tiến vào bằng cách mua nhà máy, còn tàu thì mình tự đóng để tạo công ăn việc làm cho người dân…”
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền thì cho rằng công nghệ nhà máy điện nguyên tử nổi còn quá mới đối với Việt Nam và như thế khó có thể triển khai. Ông lý giải:
“Đó mới chỉ là ý tưởng thôi chứ họ chưa làm, chẳng nhẽ Việt Nam thực hiện đầu tiên. Đó chỉ là ý tưởng của các nhà khoa học, còn hiện nay chỉ có tàu ngầm ‘nổi hoặc chìm’ trên biển, dạng như thế. Tàu ngầm nguyên tử có cái chìm hẳn, có cái nổi để phá băng. Nhưng nhà máy sản xuất điện phải nằm yên chứ không thể đi như tàu ngầm, và công suất không thể lớn…”
Nhu cầu điện năng
Việt Nam đang trong trường hợp là tưởng cần rất nhiều điện cứ vẽ bừa một đường cong lũy thừa lên nói rằng sau này mình dùng nhiều điện mà không nghĩ rằng, càng dùng nhiều điện, thì càng đắt tiền và phải tìm cách để dè sẻn xuống mà thôi.TS Phùng Liên Đoàn
Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn có ý kiến tương tự như của giáo sư Phạm Duy Hiển:
“Việt Nam đang trong trường hợp là tưởng cần rất nhiều điện cứ vẽ bừa một đường cong lũy thừa lên nói rằng sau này mình dùng nhiều điện mà không nghĩ rằng, càng dùng nhiều điện, thì càng đắt tiền và phải tìm cách để dè sẻn xuống mà thôi. Thành ra sẽ không dùng nhiều điện giống như mình tưởng.”
Về mặt kinh phí, giáo sư Phạm Duy Hiển cũng chỉ ra là theo tính toán trong tờ trình của Bộ Công Thương Việt Nam hồi tháng 11 năm 2009, một tổ máy công suất 1000MW giá 2 tỷ 700 triệu đô la; trong khi đó suất đầu tư cho điện hạt nhân cao hơn nhiều. Mỹ phải dự chi 8 tỷ đô la cho một tổ máy.
Tính toán thiệt hơn là nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Làm thế nào đáp ứng được nhu cầu điện năng của đất nước, vừa tiết kiệm được ngân sách, đồng thời giúp phát triển bền vững là nhiệm vụ của những nhà quản trị xã hội trong vấn đề phát triển điện hạt nhân đang được bàn cải hiện nay.
Mục Khoa học Môi trường tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Gia Minh chào tạm biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét