Thông tin một nhóm đảng viên lão thành ở tỉnh
Vân Nam viết thư ngỏ đòi cách chức ủy viên thường vụ Bộ Chính trị
Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang gây chú ý không chỉ vì liên
quan giữa ông Chu và cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Đằng sau nó là các đồn đoán đang nổi lên về cuộc đấu tranh nội bộ
trong ban lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản, trước khi đảng này tổ
chức đại hội vào cuối năm.Chu Vĩnh Khang, người từng giữ chức Bộ trưởng Công an, nay đứng đầu Ủy ban Chính pháp của Trung ương Đảng, là nhân vật đứng thứ chín trong bộ máy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Diễn biến mới nhất mà báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng tung ra hôm thứ Năm 17/5 là nhóm 16 đảng viên đòi cách chức và kỷ luật ông Chu nay đang bị thẩm vấn điều tra.
Điều đó cũng có nghĩa, hiện chưa có xử lý dứt điểm các tố cáo liên quan Chu Vĩnh Khang và đồn đại vẫn chỉ là đồn đại.
Một luồng thông tin, được tờ Financial Times ở Anh đầu tiên đăng tải nói rằng ông Chu tuy vẫn còn chức danh nhưng đã phải trao quyền lãnh đạo bộ máy an ninh cho người khác, đồng thời phải ra kiểm điểm trước Bộ Chính trị.
Một luồng khác thì lại chỉ ra rằng Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, vừa đăng trọn bài phát biểu của Chu Vĩnh Khang tại một trường đại học ở Bắc Kinh hồi tuần trước, điều không thể xảy ra nếu ông Chu thất sủng.
'Cách mạng văn hóa'
Tuy mục tiêu của ông Bạc Hy Lai có thể chỉ là giành một vị trí cao trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng, nguy cơ Cách mạng Văn hóa trỗi dậy đã gây lo lắng tới mức hôm 14/3, tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phải lên tiếng cảnh báo về điều này.
Song song, Trung Quốc đang hết sức cố gắng xua tan các tin đồn về mâu thuẫn nội bộ, và báo chí dường như được lệnh đăng tải nhiều thông tin về hoạt động của ông Chu Vĩnh Khang.
Hôm 13/5, Tân Hoa Xã đưa tin ông khánh thành dự án cấp điện ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương.
Ngày 15/5, Nhân dân Nhật báo và bốn tờ báo lớn khác đăng bài phát biểu của ông Chu Vĩnh Khang tại Đại học Chính Luật Bắc Kinh.
Các tin đồn về ông Chu với từ khóa là tên ông bị chặn trên Weibo và các mạng xã hội khác ở Trung Quốc.
Giới bình luận cho rằng, nếu như sự xuống dốc của ông Chu Vĩnh Khang là có thật, thì nó cũng đang xảy ra một cách từ từ và có thể ông sẽ được về hưu một cách êm thấm vào mùa thu này chứ không bị cách chức.
Ông trùm an ninh
Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942 tại tỉnh Giang Tô, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1964 khi mới 22 tuổi.Ông tốt nghiệp chuyên ngành Thăm dò vật lý Trái Đất, khoa Thăm dò, Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh.
Ông từng kinh qua các chức vụ Tổng giám đốc, Bí thư Đảng đoàn Tổng Công ty dầu khí Trung Quốc; Bộ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Tài nguyên và Lãnh thổ đất nước trước khi trở thành Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên nhiệm kỳ 1999-2002.
Năm 2002, ông vào Bộ Chính trị và làm Phó Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, kiêm nhiệm chức Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Công an. Tới 2007, ông mới thôi chức Bộ trưởng Công an.
Trong thời gian đó, theo hãng thông tấn Pháp AFP, ông Chu nắm trong tay ngân sách tới 111,6 tỷ đôla, cao hơn cả ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Ông nổi tiếng là cứng rắn, không ngần ngại sử dụng vũ lực để trấn áp bất đồng.
Chu Vĩnh Khang đã chỉ đạo giải quyết các vụ bạo động ở Tây Tạng năm 2008, và ở Tân Cương năm 2009, cũng như nhiều hoạt động đàn áp người bất đồng chính kiến và đấu tranh dân chủ.
Các nhà hoạt động xã hội Trung Quốc từng cáo buộc ông Chu là lạm dụng hệ thống luật pháp và bộ máy công an để giúp Bạc Hy Lai thẳng tay dẹp các băng đảng tại Trùng Khánh.
Ông Chu cũng bị tố cáo là tham gia các vụ bắt Trần Quang Thành, luật sư khiếm thị đang đình đám sau khi được Đại sứ quán Mỹ cho tạm trú, cũng như trước đó là Lưu Hiểu Ba và Cao Trí Thịnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét