Pages

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Tại sao lại nhất thiết phải “đổi đất lấy hạ tầng”?

Đào Tiến Thi

Trên các phương tiện truyền thông ta đã thấy, suốt từ đầu tháng 4, bà con ở Văn Giang đã đi gõ khắp các cửa, từ huyện, tỉnh đến trung ương.
Bà con không nhất trí với giá đền bù, do đó không chấp nhận quyết định cưỡng chế và đã làm tất cả những gì trong vòng pháp luật và ôn hòa để giữ đất. Ngày 24.4.2012, chính quyền huyện Văn Giang đã tổ chức cưỡng chế diện tích đất mà theo ông Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, là 5,8 ha còn lại (trong số 72ha) thuộc 166 hộ không nhận tiền đền bù hỗ trợ.[...]
Luật đất đai 2003, điều 38 quy định về mục đích thu hồi đất bao gồm “quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”.

Về loại đất bị thu hồi gồm đất nhà nước giao cho tổ chức (của nhà nước) khi bị giải thể, phá sản, chuyển đi; đất sử dụng không đúng mục đích, không có hiệu quả; đất bị lấn chiếm; đất không có người thừa kế; đất giao hết thời hạn; đất trồng cây bị bỏ hoang quá thời hạn quy định v.v.. có tất cả 12 loại đất có thể bị thu hồi nhưng không có một điều khoản nào nói thu hồi giao cho chủ đầu tư vì mục đích kinh doanh. Trong các mục đích thu hồi nói trên ta thấy có mục đích “phát triển kinh tế”. Cái tên “Dự án khu đô thị thương mại – du lịch Văn Giang” (Ecopark) đã cho thấy nó thuộc mục đích kinh doanh. “Kinh doanh” khác “kinh tế”. Hơn nữa Điều 40 mục 1 giải thích nội dung “phát triển kinh tế” như sau:
Điều 40. Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế
1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ.
Cụm từ “và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ” mang nghĩa chung chung dễ làm một số người hiểu rằng cứ dự án nào được cấp chính phủ ký là thuộc loại này. Tôi không nghĩ thế. Với chữ “lớn” ta hiểu đó là những dự án có tính chất chiến lược, do nhà nước trực tiếp đầu tư (hoặc nhà nước đầu tư là chủ yếu), và là những công trình mang tính hạ tầng, không phải kinh doanh. Nếu không phải thế, nếu nó bao gồm cả loại kinh doanh thì mục 2 của điều sau đây sẽ là thừa:
2. Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Mục 2 trên của Điều 40 chính là để dành cho loại kinh doanh như Ecopark. Ecopark “được nhận quyền chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất,…”. Với các hình thức “chuyển nhượng”, “thuê”, “góp vốn” thì chỉ có bằng con đường THỎA THUẬN. Và Luật cũng nói rõ “không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”.
Trên Tuổi trẻ online ngày 26-4-2012, Luật sư Lê Đức Tiết nói: “Liên quan đến các dự án kinh tế thì phải đảm bảo nguyên tắc cao nhất là thỏa thuận giữa người có đất với chủ dự án, với doanh nghiệp theo cơ chế thị trường”.
Chắc đã bị người dân chất vấn, đấu tranh nhiều về chỗ này cho nên ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên đã trả lời báo rằng:
“Đây là dự án đổi đất lấy hạ tầng chứ không phải là dự án phát triển kinh tế của chủ đầu tư. Trong toàn bộ diện tích giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án, chỉ có 30% diện tích được phục vụ vào mục đích kinh doanh, tức là chủ đầu tư làm nhà để bán, còn lại là diện tích đất dành cho phát triển giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh”. (Tuổi trẻ online ngày 26-4-2012)
Cái “hạ tầng” được ông Thanh giải thích được hiểu là phần “chủ đầu tư đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng để làm đường bộ liên tỉnh từ cầu Thanh Trì (Hà Nội) đi TP Hưng Yên, hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng khu đô thị và hạ tầng thuộc huyện Văn Giang, (Tuổi trẻ online ngày 26-4-2012).
Ta thấy gì qua lý lẽ trên?
1. “30% diện tích được phục vụ vào mục đích kinh doanh” được giải thích là phần “làm nhà để bán”, còn lại “diện tích đất dành cho phát triển giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh” là ngoài phạm vi “nhà”. Cái lý luận này không lừa được cả trẻ con. Nhà bình thường mà không có đường vào thì cũng chẳng ai mua huống chi đây là nhà cao cấp. Đường đi, công trình phúc lợi, cây xanh, tất cả cùng với nhà mới thành một hệ thống, mới trở thành chỗ ở, nếu không thì ai mua? Cho nên làm sao có thể tách 30% đất nhà với các phần còn lại không thể thiếu được cho một cái công trình gọi là “nhà”?
2. Cứ tạm cho rằng chỉ có 30% để kinh doanh, còn lại là xây hạ tầng phục vụ chung cho cả khu vực, nhưng giả sử không có 30% kinh doanh kia liệu nhà tư bản có làm hạ tầng không? Chắc chắn là không. Miếng mồi ngon cho nhà tư bản là ở chỗ ấy. Chính quyền cưỡng chế quyết liệt cũng chỉ vì chỗ ấy.
Cho nên 30% chứ 3% thì nó vẫn thuộc về cái mục đích mà nhà đầu tư hướng tới để tìm kiếm lợi nhuận. Mà đã là lợi nhuận thì phải thỏa thuận theo luật đất đai và cũng là theo quy luật kinh tế thông thường.
Vả lại vấn đề không phải số phần trăm nhỏ thì số đất là nhỏ. Diện tích lớn thì vài phần trăm của nó cũng sẽ rất lớn và số người bị mất đất sinh sống cũng rất lớn, chứ đâu phụ thuộc số phần trăm, thưa ông Thanh.
3. Tại sao lại nhất thiết phải “đổi đất lấy hạ tầng”? Thiết nghĩ cái gì nhà nước xây được thì xây, cái gì chưa thì sau này xây chứ sao lại xẻo mãi bờ xôi ruộng mật để bán? Chỗ này nhờ các nhà kinh tế phân tích rõ. Tôi thì nhìn vấn đề một cách trực cảm đã thấy bất ổn. Nó giống như hiện tượng người nông dân bán đất nông nghiệp để mua xe máy, để xây nhà lầu, để rồi rơi vào thất nghiệp và nghèo đói như báo chí thường nêu. Cứ lý lẽ “đổi đất lấy hạ tầng” thì cuối cùng bán hết quốc gia công thổ hay sao?

Không có nhận xét nào: