Đất nước hình cây đòn gánh oằn lưng đã đi qua chiến tranh gần bốn chục năm, dài
bằng cả một thế hệ. Tiếng bom gầm lộng óc và đạn réo đinh tai đã lùi vào dĩ vãng
từ lâu. Rất lâu. Các dấu tích xe pháo, khí tài giết người chỉ còn là những vật
trưng bày cũ kỹ ít gây cảm xúc cho lớp trẻ-những người may mắn không trải qua
một thời khói lửa đối mặt hàng giờ với chết chóc.
Những
người từng khoác áo lính ở hai chiến tuyến xưa từng chĩa súng vào nhau nay ngồi
cùng nhau bên mâm rượu. Họ không phải những nhà lãnh đạo ngồi chót vót trên đầu
dân chúng và an toàn trong các hầm ngầm kiên cố để hoạch định chiến tranh. Những
người lính bây giờ đã già. Bên nhau họ rưng rưng ôn lại ký ức chiến địa. Những
cánh đồng, khoảnh rừng sặc sụa khói bom, khét lẹt mùi vải cháy lẫn thịt người.
Đồng đội của họ, nhiều người đã được quy tập lại bên nhau trong các nghĩa trang
rải rác khắp ba miền mà du khách vô tình thường nhìn thấy suốt hành trình
Nam-Bắc. Nhiều người vĩnh viễn trở về tro bụi với đúng nghĩa đen của nó. Họ là
những thanh niên bỏ lại quê nhà, bỏ lại mẹ già, bỏ lại cô người yêu chưa kịp
trao nhau một nụ hôn tuổi trẻ đắm say. Trong đáy ba lô tìm được không hiếm lần
người ta tìm thấy những vuông vải phin trắng thêu hình chim bồ câu và hai chữ
cái lồng vào nhau-biểu tượng của tình yêu và ước mong cuộc sống hòa bình. Những
thanh niên thời đó còn hơn hớn mộng mơ chỉ trong phút chốc bỗng biến mất, cháy
đen, nát bấy. Những cái xác không nguyên vẹn hình hài, hàng đống chất chồng vùi
trong các hố chôn thây mà đồng đội hoặc cả những người bên kia chiến tuyến quăng
xuống. Phần còn lại, những người may mắn sống sót trở về nhà, trở về đồng ruộng.
Họ biết rằng họ may mắn hơn rất, rất nhiều đồng đội khác. Họ biết cái giá phải
trả cho những phút ngồi bên bờ ruộng nhả hơi thuốc lào ngắm cánh cò bay ngang
đồng xanh lúc hoàng hôn vàng rực buông xuống trên cánh đồng Văn giang. Họ không
ảo tưởng là đã làm nên kỳ tích gì. Tất cả thật vô nghĩa khi những người cùng máu
đỏ da vàng, nói tiếng Việt giết nhau tàn khốc trong chiến tranh.
Cả mớ huân huy
chương họ đựng trong ống bơ làm kỷ niệm nay đã đến lúc họ bỏ ra ngoài ngăn tủ
cho con cháu chơi. Bọn trẻ con xóc lên loảng xoảng tiếng kim loại. Những thứ đó
có lúc những tưởng là những vật chứng cho một thời hào sảng, cống hiến tuổi
thanh xuân cho đất nước. Đất nước không cần giết chóc, đất nước không bao giờ
cần đến một cuộc tàn sát dù nó vĩ đại dù nó trí tuệ đến đâu. Cái quan trọng là
máu người tưới đẫm từng mảnh đất, xương người vãi khắp đáy sông đã đem lại điều
gì cho hôm nay? Đối với người nông dân, thứ họ đem thân mình ra đánh đổi không
phải là lời ngợi ca, không phải các danh hiệu, không phải là những mảnh kim loại
màu vàng, mảnh vải đỏ tí teo đeo đầy ngực. Họ cần mảnh ruộng để cày, cần mảnh
vườn, ngôi nhà và một cuộc sống bình yên sau từng ấy năm lăn mình trong lửa đạn.
Với họ, có cuộc sống no đủ hơn, tươi đẹp hơn, công bằng hơn cho hôm nay thì máu
xương của họ mới không trở nên vô nghĩa. Họ đã trở về từ chiến hào. Họ dựng lên
ngôi nhà bằng chính bàn tay trước kia cầm súng. Đây là ngôi nhà hai tầng khang
trang dù chưa đủ tiện nghi thì cũng đã rất đầm ấm. Đây là mảnh vườn trồng cây ăn
trái và hoa tươi đem ra chợ. Ngoài đồng, họ có mảnh ruộng để cày và thu thóc về
nhà sau mỗi mùa gặt. Từ lúa, con họ được đến trường và cháu họ có manh áo
mới.
Nhưng họ bàng hoàng khi được chính quyền thông báo đi họp nhận tiền đền
bù để giải tỏa đất đai theo quy hoạch của nhà đầu tư nào đấy. Tất cả đất đai
vườn tược, nhà cửa của họ đã được nhắm tới, đã được đưa vào tầm ngắm từ năm
2003. Đất đai của họ, nhà cửa của cả gia đình họ đã được vẽ lên giấy, được đóng
dấu đỏ chót của chính quyền, chuẩn bị cho một cuộc dâu bể mới mà họ không hề hay
biết. Số phận của họ đã được định đoạt bởi những bộ óc chứa đầy trí tuệ đỉnh cao
từng đưa vào tay họ cây súng trong cuộc chiến năm xưa. Với người nông dân, họ
không rành những bài toán tích phân, vi phân nhưng họ biết tính nhẩm. Cái dự án
khủng Eco Park kia được rao bán 45 triệu/mét2 biệt thự, 20 triệu/m2 chung cư
nhưng chỉ đền bù cho họ một vài trăm nghìn/m2. Cái giá chênh lệch kia sẽ chui
qua các con dấu đỏ choét để nhập vào các tài khoản của những tên tư bản đỏ từng
chễm chệ trong hầm bê tông chỉ đạo cho cỗ máy chiến tranh xay thịt năm xưa.
Với nỗi thất vọng ê chề, nông dân kéo nhau đi khắp các cửa quan nộp đơn kêu
cứu. Họ vẫn ngây thơ như vài chục năm trước, họ hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ đoái
xét cho họ, xem xét nỗi oan khiên của họ, thấu hiểu nỗi thiệt thòi to lớn mà họ
sắp phải chịu đựng, tài sản ruộng đất của họ sắp được công an cảnh sát với nhà
đầu tư đeo cà vạt đỏ tràn đến “giải phóng” ào ạt giống như chính họ đã từng đứng
trong đội quân vào “giải phóng” miền Nam.
Họ đã ra đi. Họ đã trở về. Họ không
được ai đoái thương, họ không được ai cứu xét ngoài vẻ mặt lạnh lùng và câu trả
lời đanh thép: Cưỡng chế, cưỡng chế, cưỡng chế………..
Nông dân Văn giang đã
hiểu. Quyền lợi của họ không có chỗ đứng trong nhóm quyền lợi của nhà cầm quyền
và các nhà tư bản đeo cà vạt đỏ. Bọn chúng là một và gắn bó keo sơn với nhau bởi
mối quan hệ đồng tiền.
Chính vì tuyệt vọng nên
những nông dân xưa nay chân lấm tay bùn vốn nhìn thấy công an là lấm lét như
nhìn thấy hổ dữ trong rừng sâu nay bỗng vùng lên cầm gậy gỗ đối đầu với hàng
nghìn cảnh sát cơ động, công an vũ trang, côn đồ. Hãy nhìn xem trận chiến của họ
thật đau đớn biết bao. Áo vải gậy gỗ chống lại hàng rào lá chắn và khí tài chống
bạo động hiện đại được nhập từ nước ngoài bằng tiền thóc của họ. Những cảnh sát
cơ động hung hãn hàng ngày bưng bát cơm do họ vãi mồ hôi làm ra đang tấn công
họ. Những cảnh sát mặt sắt đâu hiểu điều đó, họ những tưởng đó là nhiệm vụ mà
đảng giao phó, đảng trả tiền nuôi họ. Không, đảng không làm gì ra tiền ra gạo,
đảng cũng được dân nuôi như những đứa con hư hỏng nay chĩa dao vào mẹ đòi tiền
mua ma túy.
Hãy xem các cuốn băng Video không thể ngụy tạo mà xem. Các anh
còn bị lừa mãi đến bao giờ? Hàng triệu người đã rơi nước mắt trước cảnh công an
vũ trang tấn công dân lành. Họ đấm, họ đạp, họ chọc dùi cui vào mạng sườn, họ
quật dùi cui xuống đầu người tay không. Hèn hạ vô cùng. Những tên công an nhẫn
tâm đánh đập người dân bị cướp đất có hiểu rằng họ đã đánh mất tính người khi
hành động như vậy. Vài năm nữa thôi, những đứa con của những công an này sẽ bị
thương tổn tâm lý vĩnh viễn khi biết bố mình đã hành động như con thú say mồi
đến vậy.
Hôm nay đi qua khu chiến địa giữa thời bình ngổn ngang đất đai bị
máy ủi cày xới bật cả xương khô mồ mả ở xã Xuân Quan Văn giang. Chỗ này còn
vương vãi các quả đạn cay, đạn khói cảnh sát bỏ lại. Nhưng tại khu văn phòng Eco
Park Người ta không khỏi sửng sốt khi nhìn thấy cái vẻ “sinh thái” mãn nguyện
đến kinh hoàng khi bị đóng đinh mắt vào những cái tên: Trương Vĩnh Trọng, Phạm
Quang Nghị, Phùng Quang Thanh được ghi tạc vào đá để lưu danh một thuở cùng
những cây xanh đại ngàn mà các vị mũ cao áo rộng này thân thiết tặng đại gia chủ
dự án ở đây.
Văn giang ơi, đất này với những cái tên Xuân Quan, Phụng
công…xưa đã từng là nơi tạm lánh thân trong cuộc lui quân đầy nước mắt của Hai
Bà Trưng khi Mê linh thất thủ trước giặc phương Bắc. Nay, những nông dân đất Văn
giang lại phải rút lui, vỡ đầu mẻ trán trước cuộc tấn công huy hoàng của công an
nhân dân vào những người nông dân mất nhà mất đất.
Văn giang không còn là
dòng sông thơ văn bình yên. Văn giang nay thành chiến địa.
Mai Xuân
Dũng
02-05-2012
Theo Blog Mai Xuân Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét