Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Ông Nguyễn Tấn Dũng: ‘Không dùng quân đội để cưỡng chế đất’

* 5 nông dân bị bắt ở Văn Giang đã được thả

HÀ NỘI (NV) - Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, nói trong cuộc họp về đối phó với dân chúng khiếu kiện đất đai là “không được dùng quân đội vào việc cưỡng chế đất”.



Dân Văn Giang tiếp tục từ quê nhà ra Hà Nội biểu tình ngồi ở Hà Nội. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)

Bản tin điện tử VietNamNet và một số báo khác nêu chi tiết này trong “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo” mà nhà cầm quyền trung ương tổ chức ở Hà Nội vào ngày 2 tháng 5, 2012.

Cuộc họp gián tiếp nói lên sự âu lo của nhà cầm quyền Việt Nam trước phản ứng chống đối của dân chúng khắp nơi đối với các vụ cưỡng chế, cướp đất đai tài sản của nông dân.


Hàng ngàn vụ khiếu kiện tập thể và biểu tình chống lại các vụ giải tỏa rồi đền bù bằng những số tiền tượng trưng xảy ra trên cả nước. Rất nhiều người đã bị bắt giữ khi chống lại các vụ cưỡng chế. Có người đã bị lực lượng cưỡng chế đánh thương tích trầm trọng rồi chết ít ngày sau đó.

Nói trong cuộc họp ngày 2 tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các địa phương khi cưỡng chế “không được dùng quân đội” và cũng “không được dùng vũ khí”. Nhưng cảnh sát cơ động dùng gậy đánh dân thì gậy có phải là võ khí hay không nếu những cái gậy đó gây thương tích trầm trọng và làm chết người?

Ngày cưỡng chế ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24 tháng 4 năm 2012 vừa qua, lực lượng của nhà nước đông tới 3,000 người đã bắt rất nhiều đạn khói, bắn súng AK chỉ thiên và dùng gậy đuổi đánh 300 dân bị cướp sản nghiệp. Những hình ảnh này được ghi lại bằng đoạn video clip phổ biến trên YouTube.

Trước đó, hàng trăm cán bộ, công an và cả bộ đội cấp huyện đã được điều động đến cưỡng chế khu đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Ðoàn Văn Vươn vào ngày 5 tháng 1, 2012. Ðoàn người đông đảo như vậy chỉ để đối phó với một gia đình.

Trong khi đó, tin từ Blog của ông Nguyễn Xuân Diện cho hay, 5 người cuối cùng trong số 20 người dân huyện Văn Giang bị nhà cầm quyền bắt hôm cưỡng chế 24 tháng 4, 2012 đã được thả. Không có chi tiết cho biết những người này có bị ép “ký khống” một số tờ giấy và cam kết sẽ không khiếu kiện nữa hay không, như 15 người đã được thả trước.

Tại hội nghị kể trên, nói về sự khiếu kiện dằng dai của 528 vụ kéo dài trên cả nước về đất đai, ông Nguyễn Tấn Dũng báo động có thể “gây mất ổn định xã hội”. Ông chỉ nhắc nhở nhà cầm quyền, các cơ quan của nhà nước “từ quy hoạch đến đề ra các phương án thu hồi đất, đền bù, tái định cư phải làm đúng pháp luật và sát thực tế, chăm lo đời sống nhân dân”. Ðể được như vậy, “phải có người dân tham gia bàn bạc dân chủ, công khai theo đúng quy trình, để có sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị”. Nhưng trong thực tế, đều thấy ngược lại.

Trên báo VietNamNet ngày 3 tháng 5 năm 2012, ông Ðặng Ngọc Dinh, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Cộng Ðồng (CECODES) gián tiếp nói ra cái thực trạng của các vụ quy hoạch đất đai, thực hiện các dự án xây cất ở Việt Nam từ làm sân gôn đến xây dựng chung cư, thương xá là nhà nước “trải thảm đỏ” rước các nhà đầu tư thì lại “trải thảm gai” cho giới nông dân, và ngay cả một số cư dân tại các đô thị.

Ông Vũ Mão, nguyên chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, phát biểu trên báo Dân Việt ngày 13 tháng 2, 2012 rằng “Luật Ðất Ðai” hiện hành của chế độ “lắm kẽ hở nên nhiều người lợi dụng”.

Trong cuộc họp ngày Thứ Hai vừa qua với ông Dũng, phó thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh thú nhận “nguyên nhân khiếu nại, tố cáo chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người bị thu hồi còn bất cập, chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường với giá trị thường hoặc giá nhà đầu tư bán, nhiều cán bộ lợi dụng, tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh”.

Tình trạng này không có gì mới mà đã kéo dài suốt nhiều năm qua chứng tỏ quan chức các cấp vẫn được dung dưỡng để tiếp tục.

Cuộc khảo cứu về tham nhũng trong lãnh vực hành chánh công được công bố sáng 3 tháng 5, 2012 cho thấy đa số người dân không được biết về các vụ “quy hoạch” đất đai cho tới khi họ biết thì không còn cự cựa được nữa.

Bản phúc trình nói tình trạng “thiếu công khai, thiếu minh bạch trong quy hoạch đất đai và mức độ đền bù quá thấp” là đầu mối của sự đối đầu giữa người dân và chế độ. (T.N.)

Không có nhận xét nào: