Pages

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Trung Quốc đang tự chặt đứt tay mình

Chiến hạm lớp Darussalam của Brunei
Chưa cần sự hiện diện của Mỹ, Philippines cũng sẽ không bị bỏ lại một mình, không phải đơn độc trong cuộc chiến

Chống kẻ xâm lấn.
Khu vực biển Đông là vùng biển được các nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.
Nếu như so sánh tương quan lực lượng thì rõ ràng Trung Quốc giữ vị trí độc tôn tại vùng lãnh hải này, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc muốn làm gì cũng được.
Liên tiếp những vụ “đụng chạm” trên biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia thuộc Đông Nam Á kể từ đầu năm 2011 đã khiến cho vùng biển được đánh giá có vị trí chiến lược quan trọng này luôn “sôi sùng sục”.

Mặc dù, đa phần các vụ việc xảy ra chưa dẫn đến xung đột công khai nhưng những mâu thuẫn thì vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Do đó, ở đây vẫn tiềm ẩn một ngọn lửa âm ỉ cháy, chỉ trực có một ngọn gió sẽ lan thành một đám cháy lớn.
Tại các vùng biển tranh chấp mà cả Bắc Kinh lẫn các quốc gia Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền, các tàu đánh cá của ngư dân luôn được tháp tùng cùng tàu quân sự của các quốc gia.
Song song với đó là những cuộc tập trận liên tục được các quốc triển khai nhằm phô trương thanh thế của mình và tạo áp lực lên đối phương.
Hiện tại, có 4 quốc gia Đông Nam Á có “mâu thuẫn” với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, ngoài ra Indonesia, Singapore tất nhiên cũng sẽ không đứng ngoài bởi họ cũng có những lợi ích nhất định trên vùng biển này.
Trong quá khứ, mặc dù có những tranh chấp nội bộ diễn ra giữa một vài quốc gia trong khu vực, nhưng đến thời điểm hiện nay có lẽ các quốc gia Đông Nam Á đã ý thức được việc “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” để cùng lên tiếng phản đối lại cường quốc Trung Quốc.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự Nga và Châu Âu thì họ nhận thấy: Trung Quốc đang dùng chính sách “chia để trị” để áp dụng lên việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông. Bởi hơn ai hết, Trung Quốc biết rất rõ sức mạnh tổng hợp của các quốc gia Đông Nam Á.
Một khi tất cả các quốc gia Đông Nam Á có quyền lợi trên biển Đông bắt tay với nhau thì chưa cần tới Mỹ, Australia, Nhật Bản,... can thiệp thì Trung Quốc đã nắm chắc phần yếu thế.
“Chúng tôi nhận thấy, đang có một xu hướng mới diễn ra khi ngày càng có nhiều quốc gia khối ASEAN và các nước láng giềng tham gia tập trận quân sự khu vực. Quả thật, điều này đã hạn chế phần nào sự bành trướng của Trung Quốc”, Tim Carter, một chuyên gia quân sự Mỹ nhận định.
Trong trường hợp Trung Quốc quyết chống lại các quốc gia Đông Nam Á đến cùng, thì tất yếu, Mỹ sẽ không đứng ngoài cuộc chơi, chưa kể đến việc họ sẽ lôi kéo thêm lực lượng phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng vũ trang Hàn Quốc, Australia can dự.


Khinh hạm hiện đại lớp Gepard của Hải quân Việt Nam bắn tên lửa trên biển
Minh chứng cho điều này là việc Philippines và Mỹ mới đây đã từng ngỏ lời mời Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia vào cuộc tập trận quân sự thường kỳ “Balikatan 2012”.
Có thể nhận thấy trong bối cảnh tình hình căng thẳng đang gia tăng trên biển Đông thì động thái này khiến nhiều người cảm thấy quan ngại.
Quả thật nếu xảy ra chiến sự trên biển Đông thì có lẽ Trung Quốc sẽ không chỉ phải đối đầu với 3 quốc gia mà con số này có thể tăng lên gấp đôi, đến lúc đó thì cho dù Trung Quốc có tiềm lực quân sự hùng hậu đến đâu thì cũng không dễ giành được lợi thế.
Đầu năm nay, Australia đồng ý cho Mỹ triển khai thêm lực lượng thủy quân lục chiến và ném bom chiến lược ở đảo Darwin.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc, Philippines tại biển Đông ngày càng gay gắt.
Quả thật, Australia đang đảm nhận vai trò bàn đạp quân sự để kìm hãm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Căn cứ quân sự của Mỹ ở Darwin sẽ nằm ngoài tầm tiếp cận của tên lửa đạn đạo Trung Quốc.
Đồng thời, Hải quân Mỹ có thể tự do kiểm soát hoạt động tàu thuyền trong vùng biển Đông và qua eo biển Malacca.
Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đang ở thế khó trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu không có đường lối chiến lược phù hợp, ưu tiên đối thoại hơn đối đầu thì Trung Quốc sẽ bị rơi vào tình trạng bị cô lập.
Nếu có một bước đi sai lầm trên biển Đông thì vô hình chung Trung Quốc đã tự chặt đứt tay mình và tạo cơ hội đẩy các quốc gia ASEAN “ngả” dần về phía Mỹ, đến lúc đó Trung Quốc có hối hận thì cũng đã quá muộn...

Nguồn: Thái Yên/ Phunutoday

Không có nhận xét nào: