Pages

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Tường lửa của TQ ‘bị phản tác dụng’

TQ chặn các trang web xã hội như
Facebook, Twitter…
Google có thể khai trương ổ cứng ảo Google Drive vào cuối tuần trước, nhưng khoảng 500 triệu người sử dụng internet tại Trung Quốc có thể không bao giờ có cơ hội dùng thử.
Điều đó có nghĩa là Google Drive nằm cùng danh sách một loạt các dịch vụ khác bị cấm ở quốc gia cộng sản như YouTube, Google +, Twitter, Dropbox, Facebook và Foursquare.

Khi hãng này kiểm tra các vấn đề kỹ thuật từ phía họ, họ không thấy lỗi nào, người phát ngôn của Google nói với BBC.
“Nếu mọi người không thể truy cập được Google Drive ở Trung Quốc … thì đó là vấn đề cần phải nêu với các nhà chức trách Trung Quốc,” ông nói.
Thực ra việc hạn chế dường như do Bắc Kinh cản trở, nhưng điều đó không gây ngạc nhiên, giới phân tích nói.

Chính phủ Trung Quốc nổi tiếng là không ưa một số các trang web phương Tây và các dịch vụ trực tuyến, chủ yếu họ nhắm tới các trang mạng xã hội và các trang web chia sẻ video có thể có tác động ở diện rộng đối với “cộng đồng”, Duncan Clark, Chủ tịch BDA China, một tư vấn công ty ở Bắc Kinh, cho hay.
“Đó là việc kiểm soát – và nhà chức trách Trung Quốc muốn kiểm soát chặt chẽ nội dung trang web, họ thích làm việc với các nhà cung cấp nội dung internet trong nước, là các công ty mà họ có thể dựa vào vì các công ty này tự kiểm duyệt nội dung”, ông Clark nói thêm.
Lỗ hổng tường lửa

Các trang mạng xã hội tại TQ phải tự kiểm duyệt nội dung để tránh bị rắc rối với chính quyền.
Và để thực hiện việc kiểm soát này, chính phủ Trung Quốc giám sát chặt chẽ lượt truy cập internet trong nước và tất cả nội dung web bên ngoài mà người trong nước đọc được.
Đại Tường lửa (Great Firewall) của Trung Quốc sử dụng một số công cụ.
Tất cả lượng truy cập vào Trung Quốc đi qua một số lượng nhỏ các cổng, tạo điều kiện cho chính phủ có cơ hội để kiểm soát thông tin.
Nếu một trang web không nằm trong danh sách đen nhưng URL của trang – địa chỉ trang web – có chứa một từ bị cấm, trang web có thể bị chặn và điều này cũng có thể xảy ra nếu một từ khóa bị cấm nằm trên bất kỳ đâu trên trang mà một người dùng đang xem.
Việc kiểm duyệt có thể được thực hiện một cách tinh tế hơn – ví dụ bằng cách lọc các bài viết với từ khoá bị cấm trên các trang mạng xã hội và xóa các ý kiến ngay sau khi ‎các ý kiến này được đăng trên các trang microblogging.
Tuy nhiên, tường lửa Trung Quốc cũng có lỗ hổng.
Chẳng hạn như vào tháng Hai tài khoản Google + của Tổng thống Mỹ Barack Obama bị ngập lụt các ý kiến từ Trung Quốc, sau khi có lúc tường lửa tạm thời cho phép người dùng Trung Quốc có thể truy cập vào mạng xã hội.
Vượt tường lửa
“Tường lửa không hoàn hảo, thực ra có nhiều lỗ hổng,” ông Hamid Sirhan, một chuyên gia chiến lược của công ty truyền thông xã hội FreshNetworks ở London nhận xét.
“Để vượt tường lửa, người dùng mạng Trung Quốc sử dụng proxy”, ông nói.

Trang mạng làm tại TQ có hàng trăm triệu người dùng.
Đôi khi Bắc Kinh sẽ chặn truy cập đến một trang web thuộc danh sách đen chính phủ đưa ra.
Nhà chức trách cũng có thể ngăn chặn việc tìm kiếm các tên miền nhất định, thông qua việc báo lỗi “không tìm thấy trang web” trên màn hình của người dùng.
Phần mềm đặc biệt như JonDonym, Tor và Ultrasurf giúp người sử dụng web để vượt tường lửa của chính phủ Trung Quốc.
Mặc dù đối với những người thạo kỹ thuật thì việc vượt tường lửa để vào các trang web và các dịch vụ phương Tây bị cấm là việc có thể thực hiện được, đa số người Trung Quốc thấy dùng các trang làm tại trung quốc là chấp nhận được.
Và có rất nhiều trang dạng này. Trung Quốc nổi tiếng với việc nhân bản các trang web phương Tây, với một khác biệt quan trọng: đó là các trang web này là tự kiểm duyệt và tuân thủ luật lệ chính phủ.
Hạn chế của chính phủ về các dịch vụ web nước ngoài chỉ giúp các công ty trong nước phát triển mạnh, ông Clark từ công ty BDA China cho hay.
Ví dụ, khi YouTube bị chặn, trang web video hàng đầu của Trung Quốc Youku phát triển mạnh.
Sino Weibo, phiên bản tương tự như trang Twitter nhưng làm tại Trung Quốc đã có 300 triệu người sử dụng, tức là có số người dùng nhiều gấp hơn hai lần số người dùng trang Twitter.
Với việc truy cập trang tìm kiếm thông tin Google bị cản trở do gặp phải tường lửa của Trung Quốc, trang Baidu Tieba thống trị lưu lượng tìm kiếm tại Trung Quốc mà không hiển thị bất kỳ kết quả tìm kiếm nào gây bất tiện cho chính phủ Bắc Kinh.
Baidu có thể không cho phép bạn tìm hiểu về vụ đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, và nhiều thông tin khác bị kiểm duyệt, nhưng trang này sẽ cung cấp những nội dung phù hợp với hầu hết các hạng mục nào khác người ta tìm kiếm.
Mèo và chuột

Người sử dụng tại TQ không truy cập được Google Drive
Dịch vụ cho người dùng lưu trữ dữ liệu trên mạng là Wangpan của Baidu, khai trương chỉ vài tuần trước khi Google ra mắt Google Drive, đánh bại Google bằng cách cho người dùng 25GB dung lượng lưu trữ miễn phí – tức là tương đương với Skydrive của Microsoft và nhiều hơn 5 lần so với dung tích 5GB miễn phí của Google.
Mặc dù cấm các công ty nước ngoài có thể tạo điều kiện ngắn hạn cho các doanh nhân công nghệ cao của Trung Quốc, việc làm này có thể làm tổn hại tới Trung Quốc về lâu dài, ông Clark nói.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty Trung Quốc muốn thành công trên phương diện toàn cầu?” ông hỏi.
“Chúng ta đều biết rằng Trung Quốc là phân xưởng sản xuất hàng hóa của thế giới, nhưng nay Trung Quốc đang cố gắng thay đổi để tiến xa hơn trong thiết kế, và chính phủ muốn có ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài nhằm để Trung Quốc tham gia trong các ngành công nghiệp toàn cầu .
“Chính phủ đang tập trung hơn vào những mối quan tâm ngắn hạn về kiểm soát và dường như không suy nghĩ về lâu dài”
Duncan Clark, Chủ tịch BDA China
“Vì vậy, nếu các công ty này được bảo vệ ở trong nước ở mức như vậy thì về lâu dài có nghĩa là họ không thể có khả năng hoạt động được ở nước ngoài.
“Nhưng chính phủ đang tập trung hơn vào những mối quan tâm ngắn hạn về kiểm soát và dường như không suy nghĩ về lâu dài.”
Và Bắc Kinh cũng nên cảnh giác với sự bất mãn trong tương lai có thể có trong cư dân mạng Trung Quốc, ông nói thêm – không chỉ vì họ không được phép truy cập vào Google và các trang web phương Tây khác mà cũng bởi vì sự kiểm duyệt ở trong nước.
Khi nhà chức trách gần đây vô hiệu hoá chức năng bình luận trên các trang microblog trong nước, họ chỉ có thể khống chế được trong ba ngày và sau đó đã để dịch vụ này hoạt động lại bình thường.
Nhà nước và cư dân mạng Trung Quốc đã và đang chơi một trò chơi mèo và chuột “, ông Clark nói.
“Sẽ rất thú vị xem ai sẽ giành chiến thắng mặc dù tôi không nghĩ rằng Bắc Kinh sớm sẵn sàng nhượng bộ”.

Không có nhận xét nào: