Pages

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

VN gần chót bảng về tự do báo chí


Các cơ quan báo chí chính thống của VN ký thỏa thuận hợp tác
Freedom House đánh giá báo chí Việt Nam
bị Đảng kiểm soát sâu rộng
Việt Nam xếp gần cuối bảng trong tổng số 197 nước được khảo sát về tự do báo chí trên toàn thế giới, theo phúc trình thường niên của tổ chức Freedom House (Ngôi nhà tự do) được công bố thứ Ba ngày 1/5.
Theo đó, nước này đồng hạng với các nước Bahrain, Lào, Ả Rập Saudi và Somalia ở vị trí 182.

Tính trong tổng số 197 nước thì nền tự do báo chí của Việt Nam chỉ xếp trên Miến Điện, Trung Quốc, Syria, Cuba, Guinea xích đạo, Iran, Belarus, Eritrea, Uzbekistan, Turkmenistan và Bắc Hàn.

Phúc trình của Freedom House, tổ chức có trụ sở tại Washington, phân loại các quốc gia ra làm ba nhóm: có tự do, tự do một phần và hoàn toàn không có tự do báo chí.
Việt Nam nằm trong nhóm nước không có tự do báo chí vốn chiếm 30% tổng số các quốc gia được khảo sát.
Bản phúc trình này được đưa ra chỉ 2 ngày trước Ngày tự do báo chí thế giới do Liên Hiệp Quốc đánh dấu vào ngày thứ Năm 3/5.
Nếu tính theo khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì Việt Nam chỉ đứng trước Miến Điện, Trung Quốc và Bắc Hàn và đồng hạng với nước láng giềng cộng sản Lào.
“Khu vực châu Á có quốc gia đội sổ, Bắc Hàn, cũng như một vài quốc gia hạn chế truyền thông khác như Trung Quốc, Lào và Việt Nam,” bản phúc trình viết.
“Tất cả những quốc gia này đều có sự kiểm soát báo chí sâu rộng của Đảng và Nhà nước.”

Trung Quốc và Miến Điện

Bản phúc trình này đề cập kỹ đến trường hợp của Trung Quốc, quốc gia lớn nhưng xếp hạng kém về tự do báo chí.
“Chính quyền (Trung Quốc) ngăn chặn truyền thông đưa tin về các cuộc nổi dậy của người dân tại Trung Đông và Bắc Phi, tiếp tục phong tỏa các mạng xã hội nước ngoài như Twitter và thắt chặt kiểm soát với các bài báo điều tra vào trước thời điểm nhạy cảm chuyển giao lãnh đạo vào năm 2012,” bản phúc trình viết.
Các tờ báo chủ yếu của Việt Nam
Mặc dù có số lượng lớn báo chí, Việt Nam vẫn bị đánh giá là không có tự do báo chí
“Các chỉ thị chi tiết của Đảng cộng sản mà các biên tập nhận được mỗi ngày cũng hạn chế đưa các tin liên quan đến bệnh tật, các thảm họa môi trường, những tù nhân bị chết khi đang bị cảnh sát giam giữ và chính sách đối ngoại cũng như các vấn đề khác.”
Bản phúc trình cũng cho biết trong thời gian qua hàng chục cây viết và các nhà hoạt động thu hút đông đảo cộng đồng Internet đã bị mất tích, bị tra tấn khi giam giữ và trong một số trường hợp bị kết án nhiều năm tù sau khi nhiều thông điệp ẩn danh lan truyền trên mạng kêu gọi làm một cuộc cách mạng giống như Tunisia ở Trung Quốc.
Riêng về trường hợp Miến Điện, nước từng đứng áp chót trong cuộc khảo sát cách đây hai năm, Freedom House đánh giá nước này đã có sự cởi mở quan trọng vào năm 2011 và nhờ đó điểm số về tự do báo chí của họ cũng được cải thiện nhiều.
Các diễn biến tích cực ở nước này, theo bản phúc trình, bao gồm thả các cây viết blog bị cầm tù, nới lỏng kiểm duyệt, các vụ việc sách nhiễu hoặc tấn công nhà báo giảm nhiều, sự gia tăng số lượng báo chí tư nhân và việc một số nhà báo lưu vong có thể trở về nước.

Hoa Kỳ xuống hạng

Trên phạm vi toàn cầu, ba quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia là Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển là những nước có nền báo chí tự do nhất trên thế giới.
Hầu hết các quốc gia nắm giữ những vị trí đầu trên bảng xếp hạng đến từ châu Âu.
Hoa Kỳ bị đánh tụt xuống hạng 22 trong năm nay do cách hành xử mạnh tay của cảnh sát nước này đối với các nhà báo đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối ‘Chiếm phố Wall’ trong năm 2011, Freedom House cho biết.
Trước đó, hồi tháng Giêng năm nay thì tổ chức Nhà báo không biên giới cũng giảm thứ hạng của Hoa Kỳ từ 20 xuống đến vị trí 47 về tự do báo chí cũng với lý do tương tự.
Ý là trường hợp quốc gia Tây Âu hiếm hoi không nằm trong nhóm có tự do báo chí.
Nhà báo Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ
Một số nhà báo Việt Nam đã vướng vòng lao lý
Freedom House đánh giá Ý chỉ ‘có tự do phần nào’ do ảnh hưởng sâu rộng của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đối với truyền thông.
Trong khi đó, cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập đã giải phóng cho báo chí ở một số nước như Ai Cập, Tunisia và Libya.
“Môi trường báo chí vừa được mở ra ở các quốc gia như Tunisia và Libya... có vai trò trọng yếu đối với tương lai phát triển dân chủ ở khu vực và cần phải được bảo vệ và nuôi dưỡng,” Chủ tịch Freedom House David J. Kramer nói.
Trong tổng số 197 quốc gia được khảo sát, có 66 nước được xếp hạng ‘có tự do’, 72 nước ‘tự do một phần’ và 59 nước ‘không có tự do báo chí’.
Tuy nhiên, do sự hiện diện của Trung Quốc, một trong những quốc gia đàn áp báo chí tinh vi nhất, nên tính trên bình diện toàn cầu thì có đến 40,5% dân số thế giới sống trong môi trường không có tự do báo chí so với 14,5% dân số ở chiều ngược lại.
Freedom House là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1941 chuyên tiến hành các hoạt động nghiên cứu và cổ súy dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền.
Bản phúc trình cũng lưu ý xu hướng báo chí ngày càng tự do trên thế giới thể hiện trong các kết quả khảo sát qua từng năm: số lượng quốc gia bị đánh giá là không tự do đã giảm từ 86 vào năm 1981 xuống còn 59 nước vào năm 2011.

Không có nhận xét nào: