Pages

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Báo chí Trung Quốc lo sợ kế hoạch “Trở lại châu Á tập 2” của Mỹ


(Petrotimes) - Sau khi Tổng thống Obama tái cử, chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ về cơ bản không có sự thay đổi lớn, nhưng các bước tiến đang được thúc đẩy nhanh hơn.
Đó là nhận định của báo Thái Dương (HongKong, Trung Quốc) ra ngày 24/11. Theo đó, báo này cho biết trong nhiệm kỳ hai của ông Obama, tình hình khu vực Đông Á dự kiến sẽ có thay đổi lớn, tần suất và cường độ đối kháng Trung-Mỹ cũng sẽ tăng mạnh.
Trong tháng 11/2011, hàng loạt chính khách Mỹ dồn dập tiến hành các chuyến thăm tới khu vực Thái Bình Dương, đáng chú ý là sau khi liên nhiệm, chuyến thăm đầu tiên của ông Obama là tới châu Á, một động thái thể hiện rõ quyết tâm “trở lại châu Á” của Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu của Obama, chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ mới ở giai đoạn “bài binh bố trận, sắp xếp vị trí các quân cờ”; trọng tâm của toàn bộ chiến lược được đặt vào việc tạo dựng dư luận, khơi lên các điểm nóng, tạo sự ly gián giữa Trung Quốc với các nước xung quanh; bố trí quân sự cũng chỉ ở thời kỳ quy hoạch và diễn tập.

Theo Thái Dương, trong nhiệm kỳ hai của mình, Obama sẽ đi sâu vào việc thực hiện quy hoạch, bố trí, thắt chặt vòng vây đối với Trung Quốc. Cùng với việc thúc đẩy toàn diện sự hiện diện và can thiệp về quân sự, chính trị và kinh tế, Mỹ sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng “NATO phiên bản châu Á” với hạt nhân là Mỹ-Nhật-Hàn và Australia. Tờ báo này dẫn chứng rằng cách đây không lâu, Nhật Bản đã cử quan chức của Cục Phòng vệ tới làm việc tại Lầu Năm Góc của Mỹ, trong khi một sĩ quan cấp tướng của Australia cũng đã được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ, một hành động tương đương với việc thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến liên hợp.
Về mặt kinh tế, báo Thái Dương dự báo, Mỹ cũng sẽ tăng cường thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tới đây sẽ là giai đoạn kết nạp Nhật Bản và Hàn Quốc; sử dụng các hàng rào như bảo hộ mậu dịch ngăn cản sự thâm nhập thị trường Mỹ của các mặt hàng Trung Quốc, chuyển thị phần tại thị trường Mỹ cho Ấn Độ và các nước Đông Nam Á; đồng thời cũng tăng nhanh việc rút vốn khỏi Trung Quốc, chuyển dịch ngành chế tạo từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á...
Đặc biết nhấn mạnh về mặt chính trị, báo Thái Dương cho rằng trong "đòn kế tiếp", Mỹ sẽ thông qua kế hoạch dân chủ hóa châu Á để phát động "cuộc tấn công dân chủ" đối với Trung Quốc. Mỹ đã giành thắng lợi ở Myanmar, làn sóng phòng trào dân chủ hóa châu Á này sẽ từng bước lan rộng tới các nước láng giềng của Trung Quốc và tiến tới tác động tới Trung Quốc. Thực tế tại Trung Quốc hiện nay cũng có những người cổ súy cho dân chủ kiểu Mỹ. Khi bầu không khí này phát triển đến một mức nào đó, Trung Quốc tất sẽ có sự thay đổi lớn về chính trị.
Mỹ từng dùng chiêu bài tương tự để đối phó với Liên Xô trước đây. Sau khi lợi dụng tổ chức NATO bao vây Liên Xô, Mỹ dùng phương thức “diễn biến hòa bình” bắt đầu từ các nước vệ tinh xung quanh Liên Xô, từng bước làm tan rã hệ thống. Nay, Mỹ cũng tái áp dụng chiêu thức đó để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, do bị cản trở bởi mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, nên Mỹ hiện chưa dám hành động khinh suất, chỉ là ngấm ngầm chuẩn bị, kiên trì đợi thời cơ để ra đòn quyết định.
Đối với đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ năm của Trung Quốc, làm thế nào hóa giải một cách khéo léo sự bao vây của Mỹ thực sự là một vấn đề hóc búa. Theo Thái Dương, trong 10 năm qua, Trung Quốc cơ bản áp dụng thế phòng thủ, thông qua thế tấn công tiền bạc như mua các khoản nợ của Mỹ hoặc mua máy bay Boeing của Mỹ để hóa giải sự "ức hiếp" từ phía Mỹ. Tuy nhiên, các chiêu thức này của Trung Quốc đến nay cũng cùng đường, không còn mấy tác dụng, ngược lại còn bị Mỹ trực tiếp ép chặt môi trường khu vực xung quanh của Trung Quốc.
Theo báo Thái Dương, để phá vỡ sự bao vây của Mỹ, Trung Quốc đã đến lúc phải dũng cảm “tuốt gươm” đối mặt với Mỹ; đồng thời cũng cần "nổi lửa" tại khu vực sân sau của Mỹ hoặc tại những nơi Mỹ có lợi ích chiến lược; làm sao để Mỹ không thể rút hoàn toàn ra khỏi các khu vực như Iraq hay Afghanistan, tiếp tục hao tiền tốn của, từ đó không thể thực hiện chiến lược “trở lại châu Á” theo kế hoạch.
H.Phan (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào: