Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Campuchia ngày càng thân Trung Quốc


Khi lãnh đạo các quốc gia châu Á Thái bình dương tới Campuchia tuần này, họ, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Obama, được chào đón nồng nhiệt. Nhưng người bạn thân thiết lâu năm của Phnom Penh vẫn là Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên ông Obama đến với Campuchia, là tổng thống đương nhiệm đầu tiên đến quốc gia này. Còn với ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc, thì Campuchia đã là bạn thân, với 15 năm quan hệ ngoại giao, viện trợ, tín dụng và đầu tư.“Campuchia hiểu rằng Trung Quốc là người đem lại lợi ích lớn nhất cho họ trong nhiều năm qua”, Li Mingjiang, nghiên cứu viên về chính sách của Trung Quốc tại Học viện nghiên cứu quốc tế Singapore, nói.

Điều này giúp cho Trung Quốc có một đồng minh vững chắc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh Mỹ ráo riết trở lại châu Á Thái bình dương. Do ASEAN ra quyết định trên cơ sở đồng thuận, tức là mỗi một quốc gia đều có quyền phủ quyết, thì việc có một người bạn thân trong Hiệp hội chính là vũ khí của Trung Quốc trong việc giành ảnh hưởng đối trọng với Mỹ trong khu vực này. Mỹ đang không chỉ củng cố mối quan hệ với các đồng minh truyền thống như Thái Lan hay Singapore mà còn đẩy mạnh liên hệ với những nước nghèo hơn, điển hình là Myanmar. (Đọc thêm: Trung Quốc đổ tiền vào Thái Lan)
Campuchia, cũng như các nước láng giềng là Myanmar và Lào, từ lâu là các bên hưởng lợi từ nỗ lực củng cố quan hệ với láng giềng và nước đang phát triển của Trung Quốc trong những năm gần đây. Từ năm 2006, các công ty Trung Quốc đầu tư 8,2 tỷ USD vào Campuchia, bỏ xa nước đứng thứ nhì là Hàn Quốc với 3,8 tỷ, và cách hàng cây số so với mức của Mỹ 924 triệu USD. Các con số này được cung cấp bởi Ủy ban đầu tư Campuchia. Từ năm 1992, Bắc Kinh cung cấp cho Phnom Penh 2,1 tỷ USD viện trợ và tín dụng để phát triển nông nghiệp và hạ tầng. Campuchia sử dụng số tiền đó đã xây được hơn 2.000 km cầu và đường.
Đầu tư của Trung Quốc đã làm thay đổi bộ mặt Campuchia. Tại tỉnh Kampong Svay, cách Phnom Penh 125 km về phía bắc, một con đường dài 128 km trải nhựa asphalt nối miền trung và bắc Campuchia, giảm thời gian đi lại và tăng đáng kể lượng lưu thông. Tại lễ khánh thành con đường, thủ tướng Campuchia Hun Sen ca ngợi việc Trung Quốc cho vay số vốn cần thiết trị giá 52 triệu USD.
“Con đường mới giúp ích nhiều cho việc kinh doanh của tôi. Tôi cảm ơn Trung Quốc”, ông Ly Sokha, một người bán hàng 45 tuổi, nói. Doanh thu bình quân hàng ngày từ quầy hàng nhỏ bán bia lon và xăng của ông tăng gấp đôi, lên 25 USD, kể từ khi có đường mới.

Con đường mới do Trung Quốc xây dựng ở Campuchia. Ảnh: WSJ.
Bắc Kinh cho biết viện trợ là để giúp Campuchia phát triển. Campuchia là quốc gia đứng gần chót bảng tính về thu nhập bình quân đầu người, 830 USD. Khoảng 30% trong 14,5 triệu dân sống dưới mức nghèo khổ.
Dấu ấn ngày càng lớn của Trung Quốc ở ASEAN xảy ra đồng thời với những căng thăng trong khu vực. Các nhà phân tích cho rằng Campuchia là nước mà Trung Quốc gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Trung Quốc đang có các tranh chấp về chủ quyền với nhiều nước trong Đông Nam Á, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Hồi tháng 7, các nước ASEAN đã không thể ra tuyên bố chung sau một cuộc họp ở cấp cao, điều chưa từng có trong lịch sử 45 năm tồn tại. Bất đồng xảy ra khi các thành viên không nhất trí được với Campuchia về cách đề cập tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc.
Tại cuộc họp cấp cao cuối tuần trước ở Phnom Penh, khi đại diện nước chủ nhà nói rằng ASEAN đã đạt đồng thuận về việc không “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông, tổng thống Philippines Aquino đã xin ngắt lời để nói rằng không có sự đồng thuận nào hết. Philippines và nhiều nước ASEAN muốn có giải pháp đa phương, còn Bắc Kinh muốn giải quyết song phương với từng nước có tranh chấp.
Mối quan hệ thân thiết giữa Bắc Kinh và Phnom Penh bắt đầu từ cuối những năm 90, khi ban lãnh đạo Campuchia củng cố vị thế vững chắc sau một chính biến. Mới đây Năm 2009, Campuchia nhận viện trợ 1,2 tỷ USD, nhiều hơn cả con số của 17 năm trước đó cộng lại.
“Chính phủ Campuchia nhận viện trợ của Trung Quốc mà không bị kèm thoe các điều kiện khác”, Douglas Clayton, viên chức cấp cao của Leopard Capital, công ty đầu tư tư nhân chuyên khai phá các thị trường mới, nói. “Điều này cũng cho phép Campuchia không lệ thuộc vào những tổ chức phi chính phủ và các nước phương tây, vốn thường chỉ trích” về các vấn đề như nhân quyền, lạm quyền hay tham nhũng.
Bắc Kinh hiện hỗ trợ 19 dự án phát triển ở Campuchia – trong đó có các công trình đường và điện – với tổng giá trị 1,1 tỷ USD. Từ năm 2002, Trung Quốc trở thành một trong năm khách hàng thương mại lớn nhất của Campuchia. Các công ty tư nhân Trung Quốc cũng nhảy vào thị trường láng giềng. Huawei Technologies đã đầu tư hàng trăm triệu đô la cho mạng lưới viễn thông Campuchia. Nhiều hãng của Trung Quốc cũng tham gia công nghiệp may mặc, ngành xuất khẩu rất quan trọng của Campuchia, và nhiều hãng đang ngắm nghía các nguồn năng lượng mới ở Campuchia.
Dù gặp một số khó khăn nhất định do bị cáo buộc xâm phạm môi trường hay các vấn đề khác, mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc chắc chắn sẽ lâu dài. Một trong các lý do là chính phủ của ông Hun Sen, thủ tướng Campuchia từ năm 1985, được kỳ vọng sẽ thắng trong cuộc bầu cử năm tới, và được số đông dân chúng ủng hộ.
“Ông Hun Sen khôn khéo lấy nước này làm thế cân bằng với nước khác”, chuyên gia phân tích Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu châu Á ở Singapore, nhận xét. “Chừng nào ông Hun Sen còn tại vị, chúng ta sẽ thấy ông ấy làm việc đó lâu dài, và có thể thấy mối quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc tiếp tục phát triển”.
Ánh Dương (theo WSJ)

Không có nhận xét nào: