Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Khát Vọng Dân Tộc


Việt Nam cần có dân chủ và nhân quyền.Đơn giản là thế.
Đó là cách cư xử tử tế, là thái độ tôn trọng đồng bào mình, nơi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền lên tiếng trước những hưng vong của đất nước — chứ không phải kiểu cai trị độc đảng miệt thị rằng dân tộc này còn thấp dân trí và rằng đất nước này cần kềm kẹp để biết thế nào là thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Quốc Hội khóa này có ai nói được tiếng nói đó không?
Hình như chỉ mới chút xíu thôi, chỉ nói dè dặt thôi. Đó là nhận xét của một số trí thức quốc nội.

Trên trang Bbauxite VN (http://boxitvn.blogspot.com) qua bài viết tựa đề “Khát vọng của cả dân tộc” của Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, đã cho thấy có một vài tiếng nói trong Quốc Hội yêu cầu cần có dân chủ trực tiếp (phổ thông đầu phiếu), yêu cầu lập Tòa án Bảo Hiến, yêu cầu trưng cầu dân ý về Hiến Pháp (gọi là quyền phúc quyết), yêu cầu phải cho dân quyền làm chủ đất đai.
Bài viết như sau:
“Sáng ngày 16/11/2012, anh bạn tôi – người Hà Nội – vốn là bạn học cùng khóa với tôi hồi lớp 10, năm 1964-1965 ở Trường Phổ thông III, Hà Nội B –  gọi điện thoại bảo tôi nên tìm mua ngay tờ báo Tuổi trẻ. Ngay trang nhất có bài “Khẳng định mạnh mẽ quyền con người”
Tôi thật sự bất ngờ và đồng thời cảm thấy hạnh phúc khi đọc đi đọc lại những lời phát biểu vàng ngọc của các vị đại biểu Quốc hội sau:
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội):
- “…tôi cho rằng cần quy định rõ quyền dân chủ trực tiếp, đó là quyền bầu trực tiếp Chủ tịch nước”.
Đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) cũng cho rằng:
- “… nên thành lập Hội đồng Hiến pháp hoặc có thể thành lập cơ quan tách khỏi Quốc hội, như thành lập Tòa án Hiến pháp, bởi Quốc hội là cơ quan ban hành Hiến pháp, pháp luật nên không thể vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Đại biểu Ya Duck (Lâm Đồng):
- “đề nghị quy định rõ nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp”.
Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) đề nghị:
- Quy định rõ trong Hiến pháp quyền được sở hữu tư liệu sản xuất là đất đai của con người.
Những đề nghị của các vị dù rằng còn lẻ loi nhưng các vị đã tặng cho cả dân tộc những tia sáng đầu tiên để có thể hy vọng và mong chờ một mùa xuân mới.
Mọi sự yếu kém của xã hội Việt Nam hôm nay về kinh tế, đạo đức cũng như sức mạnh bảo vệ biển đảo… đều bắt nguồn từ những quy chuẩn trong quản trị xã hội mà nền tảng của nó là Hiến pháp. Chính sự tùy tiện từ bỏ Hiến pháp lập nước 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa các mâu thuẩn nội bộ Việt Nam vào vòng xoáy ngày càng gay gắt.
Người Việt Nam rất cần một bản Hiến pháp tiến bộ để con người có thể thương yêu con người, mọi người có thể bình đẳng trong mưu sinh và làm giàu ngay trên Tổ quốc Việt Nam.
D.M.D.”
Tại sao những quyền đơn giản như thế, hầu hết thế giới đều có, riêng tại Việt Nam thì không?
Cũng trên mạng Bauxite VN ngày 21-11-2012, một lá thư của bà Ngô Thị Hồng Lâm, ký ngày 18-11-2012 đề gửi ông Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, để nêu lên chuyện cô Anna Huyền Trang tố cáo rằng, vào lúc 10h30 sáng ngày 30.10.2012, cô cùng 1 người bạn trai đang đi dạo ở công viên 30/4,  tới trước Dinh Độc Lập (cùng với bao người dân khác trong thành phố) thì Công an bỗng ngăn lại xét hỏi giấy tờ riêng cô Anna Huyền Trang và bạn của cô, ngay sau đó dùng bạo lực bắt cóc cô và bạn của cô lên xe chờ sẵn, cả hai cùng bị đưa về đồn công an phường Cầu Kho quận 1, Sài Gòn, chia ra 2 nơi khác nhau để tra vấn.
Lá thư của bà Ngô Thị Hồng Lâm nói rằng “Ở đồn công an này, công an đã hiện nguyên hình là những tên mafia tấn công dân lành bằng cách nhục mạ, sỉ nhục xúc phạm những người công giáo và còn thách đố nhau “cưỡng hiếp” cô gái này trắng trợn giữa thanh thiên bạch nhật…”
Thư viết thêm:
“Còn người bạn trai của Anna Huyền Trang thì họ cũng đưa về cùng đồn CA phường Cầu Kho, (giam ở một phòng khác). Đưa vào đến nơi, các công an viên liền đánh phủ đầu nhằm tạo áp lực, gây hoang mang và răn đe với ý đồ (mày hãy ngoan ngoãn trả lời những câu hỏi của bọn tao, nếu không là no đòn).
Người bạn ấy hỏi các công an viên: “Tại sao lại đánh tôi, tôi làm điều gì sai, các anh không tôn trọng pháp luật à? Tại sao lại bắt tôi một cách vô cớ như vậy?”
Thì một công an viên giọng nói côn đồ trả lời: “Bọn tao thích đánh thì bọn tao đánh, thích bắt ai là bọn tao bắt. Pháp luật là bọn tao, bọn tao là pháp luật”.
Các công an viên xúm nhau khống chế, lấy giấy tờ tùy thân, điện thoại, khám xét người và lục tung balo cá nhân của bạn ấy. Lấy được chiếc điện thoại rồi họ bắt đầu lục lọi trong máy và lần mò ra facebook account của bạn này sau đó truy cập vào in các bài viết từ facebook ra, cứ mỗi bài thì họ lại hỏi có phải bài này của mày không? Kèm với câu hỏi là một trận đánh đấm túi bụi của công an với người công dân bạn của Anna Huyền Trang.
Đến tối thì họ thả anh ta về và theo đến tận nơi tạm trú của anh, dùng sức ép đe dọa buộc người chủ nhà phải chấm dứt việc cho anh thuê trọ và buộc anh phải đi ra khỏi nơi trọ ngay trong đêm tối 30/10/2012…
…Là một người (có chồng là 1 cựu tù chính trị Côn Đảo 20 năm) đã nhiều năm làm công tác về nhà tù, công việc đã cho tôi có nhiều cơ hội hỏi chuyện những cựu nữ tù cùng các cán bộ cách mạng từng bị giam trong nhà tù của chế độ Sài Gòn, thì hầu hết các chị đều khẳng định: không hề có chuyện hãm hiếp cưỡng dâm nữ tù của những nhân viên ở Trung tâm Thẩm vấn quốc gia ở cấp Trung ương [Chính phủ Việt Nam Cộng hòa] đối với chị em phụ nữ . Mặc dù tính mạng chị em nằm trong tay họ, nhưng họ làm việc rất đúng pháp luật của 1 quốc gia có nền pháp trị.
Tôi được biết giới chức cao cấp hữu quyền trong ngành Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa thường đi giám sát bất ngờ công việc giam nhốt và điều tra can phạm Việt Cộng. Những hành vi của giới thuộc cấp vi phạm nội lệnh ban hành đều bị nghiêm trị đích đáng.
Tất nhiên tư thế đối kháng giữa 2 bên tham chiến là điều hiển nhiên, tôi không bàn luận trong thư này gửi Ông.
Vẫn còn  đây tên tuổi của những nữ tù Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Lập Quốc, Võ Thị Thắng, Hồng Nhật. v.v… là những nhân chứng sống của sự xử sự minh bạch, công minh, thi hành nghiêm túc luật pháp quốc gia của Chính quyền Sài Gòn, không hề có chuyện cưỡng hiếp đối với những nữ tù chính trị. Càng không có chuyện các nữ cảnh sát quốc gia Việt Nam Cộng hòa lột trần truồng các can phạm Việt Cộng để khám xét nhu các nam, nữ cảnh sát công an ở Đồn Công an phường Cầu Kho đã lột áo và lột quần của Anna Huyền Trang để nhục mạ cô ấy…”(hết trích)
Cũng cần ghi nhận thêm về tình hình pháp trị “before and after 1975” (trước và sau 1975) qua lời cựu sinh viên đấu tranh Hạ Đình Nguyên qua bài tựa đề “Phương Uyên, tôi có thể làm gì cho em?” đã kể lại:
“…Tôi nhớ tại Tối Cao Pháp viện, Tổng thống VNCH – Nguyễn Văn Thiệu, đã đích thân đến Tòa án can thiệp, tranh luận tay đôi với Viện trưởng Nguyễn Minh Tiết, rằng cần phải kết án 21 SV trong số 42 SVHS đã bị bắt vừa qua là Việt Cộng, vì có bằng chứng minh bạch. Ông Viện trưởng Tiết đã cương quyết bác bỏ, vì sự tra tấn dã man là bằng chứng của ép cung, lời cung đã khai không còn giá trị. Thế là hầu hết đã được trả tự do ngay sau phiên tòa. Trong đó có một số anh chị có vai trò trong tổ chức Thành đoàn Cộng Sản. Dù các anh chị ấy có lập trường kiên định, một lòng trung thành với con đường lý tưởng đã chọn, song không khỏi ghi nhớ về tính cách của một vị quan tòa, và nguyên tắc, dù chưa phải là thực chất của một thể chế dân chủ, nhưng ở đó có một số điểm tựa để cho người dân tin cậy, là hệ thống luật pháp về dân sự, dù thời điểm đó đang là chiến tranh.”(hết trích)
Và bây giờ, có nói về nhân quyền hay dân chủ, cũng là dè dặt nói, dù là trong tòa nhà Quốc Hội, tại sao vậy? Có phải vì các đại biểu Quốc hội đều biết rằng Đảng CSVN cai trị với bàn tay sắt, sẽ bóp nghẹt mọi tiếng nói dị biệt? Bóp nghẹt, bất kể rằng, khát vọng dân tộc là dân chủ và nhân quyền…

Không có nhận xét nào: