Pages

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Mỹ xem Trung Quốc dùng sức mạnh thế nào

Bà Claire A. Pierangelo, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Ảnh: Lê Anh Dũng

"Vấn đề ở đây không phải là việc Trung Quốc nổi lên như một cườngquốc, mà là Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh của cường quốc như thếnào." - bà Claire A. Pierangelo, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. 


Chiều 1/11, Bà Claire A. Pierangelo, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã có buổi tọa đàm với VietNamNet về cuộc bầu cử Mỹ năm 2012 đang diễn ra gay cấn, cũng như về con đường phía trước của siêu cường này trong 4 năm tới. Trân trọng gửi tới quý độc giả nội dung buổi tọa đàm.


Đất nước của người nhập cư
Nhà báo Huỳnh Phan: Cảm ơn bà đã dành thời gian cho độc giả VietNamNet. Chỉ còn vài ngày nữa, nước Mỹ sẽ đứng trước quyết định về vận mệnh của nước mình trong 4 năm tới, ai sẽ là gương mặt của nước Mỹ trong thời gian này.
Câu hỏi đầu tiên dành cho bà: Trong bối cảnh hiện nay, với những vấn đề về kinh tế, xã hội, vai trò quốc tế của Mỹ thì người Mỹ hiện quan tâm nhiều nhất đến vấn đề nào. Và trong các cuộc tranh luận vừa qua thì ứng cử viên nào đáp ứng được mong mỏi của người dân nhiều nhất?
Bà Claire A. PierangeloCâu hỏi của anh rất hay, có lẽ tôi sẽ cố gắng trả lời phần nào. Phần còn lại chúng ta sẽ phải đợi đến thứ 3.
Tôi nghĩ rằng cử tri của Mỹ chắc cũng không khác cử tri ở những nơi nào khác trên thế giới. Điều mà họ quan tâm nhất không phải riêng trong cuộc bầu cử này mà trong bất cứ cuộc bầu cử nào đó là sức mạnh của nền kinh tế, khả năng tìm được những công việc tốt, khả năng nuôi sống gia đình và giáo dục con cái.
Việc Hoa Kì tham gia vào công việc thế giới, họ cũng quan tâm việc nước Mỹ giao tiếp và tương tác với các nước khác trên thế giới như thế nào, điều mà họ muốn đó là nước Mỹ phải làm được những điều tốt cho thế giới.
Khi mà nói về điều làm việc tốt thì cả 2 ứng cử viên họ đều nói rằng nước Mỹ cần phải là đối tác tốt đối với các nước và tăng cường mối quan hệ với các nước để đảm bảo rằng chúng tôi làm việc với các đối tác để tạo ra một thế giới ổn định thịnh vượng không chỉ cho nước Mỹ mà cho cả thế giới.
Tôi không thể nói thay cho nhân dân Mỹ được, mà nhân dân Mỹ sẽ tự nói lên tiếng nói của mình vào ngày thứ 3 mà chúng ta sẽ biết được rằng ai là người mà đáp ứng được tốt những kì vọng của cử tri Mỹ. Đó chính là câu trả lời cho phần thứ 2 trong câu hỏi của anh.
Nhà báo Huỳnh Phan: Trong chiến dịch vận động tranh cử lần này, dường như cả hai ứng cử viên bằng các cách khác nhau đều muốn cải thiện Luật Nhập cư của Mỹ. Vậy chính sách này của Mỹ liệu có phải là một cách hồi phục lại nền kinh tế Mỹ với chi phí thấp nhất, bởi thu hút được những nhân tài, những người được đào tạo tốt từ những vùng khác nhau trên thế giới, nhất là châu Á, thay vì phải nuôi 1 em bé từ nhỏ cho đến 18 tuổi. Thành công của Tổng thống Obama, thứ nhất ở việc ông được bầu trong nhiệm kỳ 1, thứ 2 là những gì ông thể hiện trong nhiệm kỳ vừa rồi dường như là một gương rất tốt về những thành công, đặc biệt trong số những thanh niên châu Á, chẳng hạn, và rất nhiều người đang học tập và làm việc ở Mỹ.
Bà Claire A. Pierangelo: Chính sách nhập cư của Mỹ là chủ đề mà không chỉ hai ứng cử viên tập trung vào mà nó là điều mà hầu hết người Mỹ rất quan tâm. Trước hết tôi cũng xin nói rõ thêm với anh về chính sách nhập cư của Mỹ kể từ khi đất nước chúng tôi ra đời cho đến nay.
Chính sách nhập cư của chúng tôi luôn là chính sách cởi mở, mang lại cơ hội không chỉ trong lĩnh vực việc làm mà còn cho những người tìm kiếm tự do tôn giáo, tín ngưỡng và các quyền tự do khác. Và chính sách nhập cư của chúng tôi cũng là để họ có thể nhập cư cả gia đình, cũng như cho những người có tay nghề cao hoặc chưa hề được đào tạo. Nó đã tồn tại trong lịch sử hơn 200 năm của đất nước chúng tôi.
Hiện nay đối tượng nhập cư nhiều nhất vào Mỹ là những người có họ hàng ở Mỹ hoặc sống lâu năm ở Mỹ. Hàng năm chúng tôi có 480 ngàn trường hợp nhập cư đoàn tụ gia đình. Tiếp đến là nhập cư làm việc. Với đối tượng vào làm việc, chia làm nhập cư lâu dài, vĩnh viễn (lên tới 150 ngàn mỗi năm) và nhập cư tạm thời. Nói chung tùy vào trình độ tay nghề chuyên môn của họ, nhưng nói chung với đối tượng nhập cư lâu dài đều đòi hỏi tay nghề cao. Nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng có những tiêu chuẩn để cho nhập cư những người có tay nghề thấp hơn.
Ngoài ra cũng khuyến khích nhập cư những thủ lĩnh tôn giáo, những người hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, các nhà đầu tư. Ngoài ra cũng cấp visa tạm thời cho hàng trăm ngàn người đến làm việc tạm thời.
Một điều cũng rất quan trọng trong chính sách nhập cư của chúng tôi là tạo cơ hội cho những người tị nạn để nhập cư vào Mỹ vì muốn bảo vệ họ, tị nạn chính trị hoặc phải trốn chạy sự ngược đãi hoặc không thể trở về đất nước do các nguyên nhân khiến họ không an toàn. Số này hàng năm có khoảng 80 ngàn.
Đó là cách nước Mỹ tiếp nhận người nhập cư, và chúng tôi luôn hoan nghênh những người nhập cư cho dù họ có tay nghề hay không. Và chính sách của chúng tôi cơ bản là không thay đổi.
Trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, cả 2 ứng cử viên, Tổng thống Obama và nghị sĩ Mitt Romney đều nói đến cần có cải cách để hệ thống hiệu quả hơn và đáp ứng tốt hơn đối với những người nhập cư cần visa để làm việc. Họ cũng nói đến cách thức củng cố hệ thống để người nhập cư tuân thủ luật pháp, tôn trọng quy định. Ngoài ra một vấn đề 2 ứng cử viên cũng tranh luận là cách thức xử lý những người đã ở Mỹ nhưng chưa có giấy đầy đủ, đó là những người nhập cư bất hợp pháp nhưng hiện đang sinh sống tại Mỹ. Như vậy điểm lại chúng ta thấy có 3 điểm trong chính sách nhập cư các ứng cử viên tranh luận với nhau.
Tất nhiên cũng có những người nói Mỹ cần gia tăng cấp visa cho sinh viên ở Mỹ để tận dụng họ luôn, vì họ đã được đào tạo tốt nhưng sau đấy lại phải về nước vì ko có visa làm việc. Nhưng thực ra một trong những triết lý của chúng tôi làm sao giúp mọi người thế giới đến Mỹ học tập rồi quay lại phục vụ quê hương. Đã có những tranh luận rất thú vị về các vấn đề này.
Trong câu hỏi của anh có phần hỏi có phải nước Mỹ muốn có người nhập cư để đỡ tốn tiền nuôi con em nhưng thực ra hiện nay người nuôi con tôi là tôi, không phải Chính phủ.
Nhà báo Huỳnh Phan: Có một độc giả khác hỏi rằng nhiều người Mỹ gốc Á nói chung và người Mỹ gốc Việt nói riêng là một bộ phận quan trong trong xã hội Mỹ. Theo bà họ quan tâm đến gì trong bầu cử này?
Bà Claire A. Pierangelo: Quay lại với hệ thống của chúng tôi. Một khi bạn là công dân của Mỹ không chỉ có quyền đi bầu cử, bỏ phiếu mà bạn còn có quyền tranh cử, có thể trở thành nhà chính trị, có thể nắm quyền.
Chỉ có 2 việc đòi hỏi người làm 2 việc đó phải là công dân của Mỹ đó là Tổng thống và Phó Tổng thống còn bất cứ công việc khác chỉ cần bạn là công dân Mỹ chứ không nhất thiết phải sinh ra ở Mỹ.
Có một điều thú vị ta đang thấy hiện nay đó là trong cộng đồng người Mỹ gốc Á họ đang ngày càng chiếm nhiều công việc trong các vị trí của Chính phủ cũng như các nhà Chính trị gia. Cách đây 20 năm, ta thấy khối người nói tiếng Tây Ban Nha họ đã gia tăng sự tham gia vào chính trường và các công việc của Chính phủ và đến thời điểm hiện nay chúng tôi đang thấy sự gia tăng về mặt đó của người gốc Châu Á.
Ở những bang cụ thể như California, Texas, NewYork có nhiều người Mỹ gốc Việt, gốc Hàn, gốc Trung Quốc hoặc đại loại người Mỹ gốc Á, họ cũng đã tham gia vào Chính phủ, chính trị. Chúng tôi đang thấy nhiều người Mỹ gốc Việt Nam tham gia vào Chính phủ, chính trị.
Tôi không nói thay họ nghĩ gì, nhưng tôi đã tiếp xúc và đã nghe trao đổi của họ thì tôi nghĩ rằng họ quan tâm vào những vấn đề như sau:
Rất nhiều người Châu Á đã đến Mỹ với tư cách là người nhập cư, họ đã hưởng lợi và thích thú về sự cởi mở công khai về các lợi ích về kinh tế, giáo dục, có thể kiếm sống để nuôi gia đình, hưởng lợi và thích thú sự tự do ở Hoa Kì và đó là những điều quan trọng.
Ở nhiều cộng đồng người nhập cư chúng tôi cảm nhận rằng cách nhìn nhận rằng họ cho rằng các giá trị của Mỹ đều rất quan trọng, họ muốn nước Mỹ tiếp tục đóng vai trò là người đứng ra giúp đỡ thế giới để giữ vững nhân quyền, sự tự do về chính trị, về kinh tế.
Những người nhập cư cũng muốn nước Mỹ duy trì hệ thống nhập cư cởi mở, tự do và công bằng. Họ nhắc nhở chúng tôi nhớ rằng nước Mỹ là đất nước của những người nhập cư.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhà báo Huỳnh Phan: Bà có nói trong việc đào tạo người sang Mỹ học rồi trở về phục vụ đất nước, chẳng hạn như với học bổng Fulbright, có nhiều quan chức VN như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hay các bộ trưởng như Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các thứ trưởng, hoặc các nhà nghiên cứu.... Bà tiếp xúc với họ thì cảm thấy những người đã có cơ hội đi học ở Mỹ có gì khác với những người chưa được đào tạo tại Mỹ?
Bà Claire A. Pierangelo: Một câu hỏi thú vị. Với những người anh nêu ra, như Phó Thủ tướng hay Bộ trưởng Ngoại giao, thú thực tôi không biết họ trực tiếp. Nhưng tôi biết nhiều sinh viên Fulbright, cũng như các sinh viên tại các trường cộng đồng, đại học hoặc cấp cao hơn như bằng thạc sĩ.
Điều quan trọng hàng đầu đối với những người từng đi học nước ngoài khi về nước là họ mang về những kinh nghiệm rộng lớn hơn, những kiến thức về thế giới và họ có thể đưa ra những kiến thức chuyên sâu về những việc ở nơi khác được xử lý thế nào, nghĩa là mang về các cách làm tốt ở nơi khác.
Và điều đáng ngạc nhiên là những người đi học ở Mỹ về là họ kể khi học ở Mỹ họ gặp rất nhiều người không phải Mỹ và trải nghiệm của họ là trải nghiệm quốc tế, chứ không chỉ là trải nghiệm về Mỹ. Như vậy khi họ trở về thì họ trở về không phải với những cách thức giải quyết vấn đề kiểu Mỹ mà là các kiến thức, khả năng giải quyết các vấn đề khác nhau.
Và rất nhiều người trở về VN rất hạnh phúc về quê hương, đem kiến thức để phục vụ quê hương. Và đó là những điều chúng tôi muốn thấy.
Nhà báo Huỳnh Phan: Tôi có câu hỏi nhỏ liên quan đến vấn đề nhập cư. Thứ nhất, với chính sách nhập cư này, với các nhóm nhập cư khác nhau, nhu cầu việc làm ở Mỹ hàng năm tăng rất nhiều. Điều đó liệu có tạo ra sức ép trong đàm phán thương mại quốc tế hay không? Chẳng hạn ngày xưa với Hiệp định thương mại song phương, rồi quá trình VN gia nhập WTO, và hiện nay là quá trình đàm phán về đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP. Thế thì luôn luôn có sức ép của các nhóm lợi ích hoặc các nhóm thua thiệt với đoàn đàm phán để làm sao việc làm của nước Mỹ không bị mất, chẳng hạn trong 1 ngành rất rõ như dệt may. Vì vậy tôi muốn hỏi những mối liên quan giữa tình hình nhập cư hàng năm, nhu cầu việc làm liên quan đến chính sách thương mại của Mỹ, các đàm phán quốc tế?
Bà Claire A. Pierangelo: Câu trả lời của tôi là không. Hai vấn đề này được xử lý riêng rẽ ở Mỹ. Như tôi đã nói, vấn đề nhập cư là vấn đề có tính chất rộng lớn hơn, bao trùm hơn.
Vấn đề ở đây không phải là chúng tôi đang cấp Visa cho những người VN sang làm việc ở Mỹ và chiếm mất việc làm trong ngành như dệt may. Bản chất vấn đề là những người trong ngành dệt may đang tìm cách bảo vệ việc làm của họ.
Về các hiệp định thương mại, ví dụ hiệp định thương mại song phương BTA hoặc hiệp định gia nhập WTO, hay TPP, thì các nước đàm phán với nhau làm sao để thực hiện các hiệp định này nhưng họ làm theo cách thức công bằng, tự do, minh bạch. Và hai bên cùng nhau đàm phán để cùng nhau tìm ra cách để mở cửa thị trường, tạo ra các cách tiếp cận thị trường công bằng và không gây bất lợi cho bên kia. Vì vậy những tác động của hiệp định thương mại đối với Mỹ hay Việt Nam hay bất cứ nước nào cũng đều phải được xem xét cẩn thận.
Tôi muốn ví dụ về hiệp định thương mại song phương giữa Mỹ và VN. Trước khi có hiệp định này, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước là khoảng 400 triệu đô la. Hiện nay đã là 22 tỷ đô la. Trong số đó VN xuất sang Mỹ giá trị hàng hóa 18 tỷ, Mỹ là 4 tỷ.
Như vậy chúng ta thấy sự phát triển thương mại tăng trưởng, phát triển không làm mất việc làm ở cả Mỹ cũng như VN, ngược lại còn tạo thêm việc làm. Đó là trách nhiệm của các nhà đàm phán làm sao để tạo ra được việc, cơ hội, không gây thiệt hại cho cả 2 bên.
Như vậy hiệp định thương mại song phương BTA đã làm được điều đó cũng như các hiệp định gia nhập WTO của các nước thành viên. Cũng như TPP cũng sẽ làm được điều đó.
Không ai bị ép buộc đi bỏ phiếu
Nhà báo Huỳnh Phan: Có một độc giả trẻ hỏi thế này, trong những lần bầu cử trước, lần bầu cử cuối năm 2008 tôi nhận thấy rằng cử tri trẻ lười đi bâu cử, chỉ đến năm 2008 có nhân tố mới là ông Obama với câu nổi tiếng là Change we need thì cử tri trẻ mới có sự quan tâm trở lại và họ đi bầu khá nhiều, Năm nay có vẻ như không có nhân tố mới nào, Obama cũng là gương mặt quen thuộc, đối thủ của ông cũng không tạo ra sự mới mẻ. Làm thế nào để kéo cử tri đi bầu, thường ở VN chúng tôi có Đoàn thanh niên cộng sản lo việc này. Vậy ở Mỹ liệu có tổ chức nào tương tự hoặc một cách thức nào tương tự để làm vậy không?
Bà Claire A. Pierangelo: Câu hỏi thú vị nhưng tôi không đồng ý với cách phân tích trong câu hỏi. Trong bất cứ cuộc bầu cử nào cũng luôn có sự quan tâm rất to lớn của cử tri trẻ tuổi.
Theo như tôi nhớ kể từ thập niên 60 của thế kỉ trước đã có sự quan tâm rất lớn của cử tri trẻ bởi vì trong một cuộc bầu cử luôn có nhiều vấn đề liên quan đến hoặc mối quan tâm của cử tri trẻ.
Ở Mỹ đi bầu cử là một quyền, không ai bị ép buộc là phải đi bỏ phiếu.
Tôi nhớ ở Mỹ có những tổ chức gọi là tổ chức ở cấp cơ sở họ có những nỗ lực, những chương trình để khuyến khích cử tri hoặc nâng cao nhận thức cho cử tri đi bầu. Tôi nhớ kênh MTV có những nỗ lực để thúc giục các bạn trẻ đi bầu trong ănm 1996, 2000, 2008 đều có những chương trình phát sóng. Các trường đại học cũng có những chương trình để vận động các bạn trẻ đi bầu cử. Bản thân các tổ chức chính trị, đảng phái cũng có những nỗ lực riêng để vận động cử tri đi bầu. Chúng ta sẽ thấy vào ngày thứ 3 tới sẽ rất đông đảo cử tri trẻ đi bầu, cũng như trước đó có các cuộc vận động mạnh mẽ, to lớn đối với những người trẻ tuổi đi bầu.
Ở nước Mỹ không có một tổ chức do Chính phủ điều hành để thúc giục người dân đi bầu.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Đối tác trưởng thành
Nhà báo Huỳnh Phan: Mỹ và VN đang tiến tới quan hệ đối tác chiến lược. Chẳng hạn qua những động thái gần đây về phía Mỹ qua việc tăng cường quan hệ kinh tế thương mại thông qua việc khuyến khích VN tham gia đàm phán TPP. Những lúc có vẻ như VN cảm thấy có sự ngại ngùng vì luôn có những phái đoàn của Mỹ sang đây để động viên VN nên tiếp tục hay giải quyết những vấn đề quá khư như dự án tẩy rửa dioxin ở Đà Nãng vừa rồi hoặc chuyến thăm lần thứ 4 của tàu USNS Mercy, Ngoại trưởng Clinton cũng 2 lần thăm VN và khẳng định lập trường thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam của Mỹ. Nhưng dường như có cái gì đó vẫn còn thiếu để 2 nước có thể đẩy nhanh tiến trình này, thì theo bà phía VN thiếu gì hoặc phía Mỹ đã đủ quan tâm đến VN chưa và nếu tái cử liệu Tổng thống Obama có thăm VN không?
Bà Claire A. Pierangelo: Trong bất cứ mối quan hệ nào bạn cũng muốn một đối tác tốt, ổn định, đáng tin cậy và có thể phụ thuộc được. Điều này đúng với việc chúng ta tìm người bạn, bạn đời hay quan hệ giữa hai nước.
Khi Việt Nam trở nên ngày càng trưởng thành như một nền kinh tế, như một đất nước, như là 1 thành viên đóng góp vào cộng đồng quốc tế thì VN cũng sẽ trở thành một đối tác vững mạnh hơn, đáng tin cậy hơn.
Hiện nay quan hệ giữa Hoa Kì và VN đã trải qua 18 năm kể từ khi 2 nước bình thường hóa. Chúng ta đã làm việc nhiều với nhau về rất nhiều vấn đề kể cả những vấn đề riêng của VN cũng như những vấn đề quốc tế.
Khi Hoa Kì nhìn VN thì chúng tôi thấy VN là một đối tác của tương lai. Quan hệ đối tác chiến lược là một khuôn khổ sẽ đưa cả Hoa Kì và VN đi vào tương lai như những đối tác của nhau. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên hay mới mẻ. Đó là công việc của những nước họ làm với nhau khi họ là những đối tác trưởng thành của nhau.
Khi quan hệ của chúng ta mới bắt đầu thì những lĩnh vực làm việc cùng nhau còn hạn chế, chủ yếu là về kinh tế và những vấn đề của quá khứ, vấn đề chiến tranh. Nhưng VN và Hoa Kì không còn là 2 đất nước của 18 năm về trước nữa. Chúng ta cần cùng nhau nhìn vào tương lai 10 năm, 20 năm tới chúng ta sẽ như thế nào đối với nhau.
Đó là cách mà chúng tôi đang nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước và chúng tôi cũng hi vọng VN sẽ có cách nhìn tương tự như vậy để chúng ta định hướng được về quan hệ chính trị, kinh tế.
Tôi đã làm việc ở đây, cách đây 12 năm khi VN và Hoa Kì đàm phán hiệp định thương mại song phương BTA, lúc đó công việc rất khó khăn và nhiều người thấy công việc rất đáng sợ.
Người ta đã đặt câu hỏi là 2 nước liệu như thế nào trong tương lai và chúng ta đã giúp quan hệ tăng trưởng của chúng ta, và bây giờ thì ta đang nói về quan hệ đối tác chiến lược cũng như về hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP và đó là những công việc để chuẩn bị cho tương lai của hai nước. Tương lai không chỉ là những vấn đề về thương mại, kinh tế.
Về Tổng thống Obama, ví dụ như ông ấy thắng cử thì tôi cũng không nói thay cho ông ấy được. Nhưng nếu như VN và Hoa Kì kí được hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược cũng như hiệp định xuyên Thái Bình Dương thì tôi tin chúng ta có thể có được chuyến thăm của ông ấy.
Có thể điều tôi nói ra chỉ là nói đùa thôi nhưng nói một cách nghiêm túc thì Hiệp định TPP cũng như hiệp định về đối tác chiến lược là những trọng tâm trong nghị trình của chính quyền Obama và họ rất mong muốn đưa quan hệ Hoa Kì và Việt Nam tiến vào tương lai.
Nhà báo Huỳnh Phan: Đó có phải là giấc mơ kèm theo 2 điều kiện?
Bà Claire A. Pierangelo: Tôi không nói thay Tổng thống nhưng đó là mục tiêu của Tổng thống.
Trung Quốc sử dụng sức mạnh thế nào
Nhà báo Huỳnh Phan: Trong 3 cuộc tranh luận gay gắt trên truyền hình vừa rồi thì vấn đề Trung Quốc được nêu ra khá thường xuyên. Mối quan tâm của người Mỹ hiện nay ra sao và với sự thắng cử của 1 trong 2 người thì liệu chính sách của Mỹ với Trung Quốc liệu có khác nhau không?
Bà Claire A. Pierangelo: Cả 2 ứng cử viên hay Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton cũng đã nói mối quan hệ và sự hợp tác giữa Hoa Kì và Trung Quốc là điều bắt buộc phải có. Chúng tôi phải hợp tác với Trung Quốc để giải quyết nhiều các thách thức, không chỉ là giữa 2 nước mà là những thách thức mang tính đa phương, nhũng thách thức trên thế giới.
Vấn đề ở đây không phải là việc Trung Quốc nổi lên như một cườngquốc, mà là Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh của cường quốc như thếnào.
Từ Tổng thống Obama, đến Phó Tổng Thống Bidden cho đến Ngoại trưởng Clinton đều nói rằng chúng ta cần phải làm nhiều việc để hợp tác cùng nhau. Thiết lập sự hợp tác cũng như tôn trọng lẫn nhau không phải chỉ quan trọng đối với Hoa Kì và Trung Quốc mà còn quan trọng đối với tất cả các nước khu vực này.
Hoa Kì cũng là một đất nước của Thái Bình Dương, nhiều khi người ta quên rằng là chúng tôi cũng thuộc khu vực Thái Bình Dương. Bản thân Tổng thống Obama cũng đã nhấn mạnh Hoa Kì sẽ đóng vai trò to lớn hơn trong khu vực Thái Bình Dương.
Tuyên bố đó không phải là một lời đe dọa, chúng tôi vẫn thường khẳng định như vậy. Chúng tôi sẽ hợp tác với Trung Quốc, khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như với thế giới. Nhưng VN cũng biết rõ công việc này không hề dễ dàng.
Chúng ta nghe thấy trong cuộc thảo luận đó là cách xử lí, giải quyết những thách thức trong công việc trong việc quan hệ với Trung Quốc cho dù đó là chính trị hay quan hệ thương mại, kinh tế. Làm sao Trung Quốc phải là một đối tác có trách nhiệm trên quốc tế cũng như làm việc, hợp tác với Mỹ để giải quyết những vấn đề về thương mại, hiệp định WTO, giải quyết những công việc trên trường quốc tế, xây dựng một thế giới hòa bình ổn định.
Nhà báo Huỳnh Phan: Theo bà Trung Quốc đã đủ chin chắn và trách nhiệm?
Bà Claire A. Pierangelo: Tôi nghĩ rằng Trung Quốc và Mỹ đang hợp tác để giải quyết các vấn đề về an ninh, khu vực, WTO và tất cả chúng ta đều có thể nỗ lực để làm việc tốt hơn.
Chúng ta cũng sắp kết thúc cuộc trực tuyến này. Tôi xin cảm ơn lời mời của các bạn và chúng ta thấy rằng ngày thứ 3 ở Mỹ, tức ngày thứ 4 ở VN sẽ là một ngày đáng ghi nhớ, thú vị. Chúng ta không thể biết được ai thắng nhưng chúng ta sẽ biết được tiếng nói của người dân Mỹ. Đây là một quá trình thú vị, 4 năm diễn ra một lần. Tôi xin mời các bạn cho dù là độc giả của VNN hay các cán bộ nhân viên, phóng viên, biên tập viên của VietNamNet cùng chúng tôi theo dõi kết quả bầu cử vào sáng ngày thứ 4 giờ VN. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ tại trung tâm Hoa Kì ở phố Ngọc Khánh, chúng ta sẽ biết kết quả cuộc bầu cử như thế nào. Ở VN đi trước giờ Mỹ nửa ngày nên chúng ta không phải thức cả đêm mà đến sáng thứ 4 là chúng ta đã biết kết quả rồi. Chúng tôi mong có sự tham gia của các bạn ở trung tâm Hoa Kì. Chúng tôi sẽ mở cửa từ 9h đến 12h sáng để theo dõi kết quả bầu cử.
Nhà báo Huỳnh Phan: Cảm ơn bà đã dành thời gian cho độc giả VietNamNet.
Nguồn: Tuanvietnam

Không có nhận xét nào: