Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Phía tả của cỗ xe cầu hiền


Để Luật Thủ đô không trở thành cơ hội trục lợi, khu vực cần chấn chỉnh nhất phải là khu vực hành chính. Bởi đối với các “đồng chí” ở khu vực này, thủ khoa, hay nhân tài, cũng chỉ là một cái tên người đang chăm chắm với cái hộ khẩu
Tháng 8-2008, Trong lễ tuyên dương thủ khoa các trường ĐH, một nữ thủ khoa đã cắc cớ hỏi rằng: Thủ khoa xuất thân tỉnh ngoài có mong muốn được ở lại cống hiến cho Hà Nội có được hỗ trợ về chỗ ở không?  PGĐ Sở Nội vụ Nguyễn Thị Vinh gãi đầu mà rằng: Theo chính sách chung của TP, kể cả công chức cũng chưa được hỗ trợ về nhà ở.

Ngẫm ra từ thủa Thủ đô được giải phóng năm 54 của thế kỷ trước, chuyện “nhà cho giáo sư Ngô Bảo Châu” có lẽ chỉ là cá biệt của cá biệt. Vả lại đây cũng là câu chuyện “cầu hiền” tầm cỡ Chính phủ. Câu hỏi nhà, vì thế, hơi thừa, hơi thô.
Mua nhà ở Hà Nội cực đắt. Và với tình trạng “hưởng 85% lương, 1 năm tập sự” như tất tật những “phi thủ khoa” khác, các thủ khoa kiếm được cái nhà từ đồng lương có lẽ khó gấp nhiều lần việc giải được… bổ đề cơ bản. Bằng chứng: Đến lương cỡ thứ bộ trưởng 40 năm còn chưa mua được căn nhà thu nhập thấp huống hồ…thủ khoa! Có thể chuyện cái nhà/đồng lương cũng là lý do cho tình trạng trong  suốt 10 năm qua, gần 1.100 thủ khoa được vinh danh nhưng chỉ có vài chục người trong số đó về làm việc tại các cơ quan của Hà Nội.  Sự thể còn thê thảm đến mức, năm 2010, Thành phố tuyển dụng 4 thủ khoa vào làm việc tại Sở Tư pháp, Sở TTTT, Nhà hát Chèo và UBND huyện Ba Vì. Nhưng cũng chỉ ngay sau đó, ¾ người đã chuyển công tác.
Nhân tài không phải chỉ là những thủ khoa. Cũng như điều mà các thủ khoa “ngoại tỉnh” quan tâm không chỉ là “cái nhà Hà Nội”. Chúng ta đang nói đến cái barie trở ngại: Đó là cách thức trọng dụng, ứng xử.
Hôm qua, Luật Thủ đô đã được thông qua trong sự sung sướng của các vị dân biểu Hà Nội. Nhưng việc có tới 106 vị ĐBQH “nói không”, 11 vị không “vote” với các điều kiện siết nhập cư đang cho thấy đây là những quy định không được “tâm phục khẩu phục”.
Xét ở giác độ “trải thảm đỏ”, những quy định kiểu thế này càng làm cho “phía tả của cỗ xe cầu hiền” ngày càng phải “chăm chắm”.
Có một người mà báo chí đã “quên” không phỏng vấn. Đó là ĐBQH, bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Không rõ “Thái thú Đà Nẵng”, nơi cũng từng có nghị quyết “siết nhập cư” có vote cho Hà Nội?! Nhưng có một điểm rõ là nghị quyết của Đà Nẵng không cào bằng tất cả như Luật Thủ đô của Hà Nội. Bởi Đà Nẵng chỉ siết với những người nhập cư không có nghề nghiệp, với những người từng tiền án tiền sự đầy mình.
Có lẽ, Đà Nẵng hôm qua cũng nín thở nhìn bảng điện tử nhảy tỷ lệ bấm nút. Luật Thủ đô được thông qua, nhiều khả năng sẽ mở ra tiền lệ siết nhập cư bằng cách quy định ngặt nghèo và mức phạt “đặc thù” cho các thành phố khác, mà nhãn tiền là Đà Nẵng, là TP HCM. Nhưng nếu làm không khéo, trước hết là Hà Nội sẽ chảy máu chất xám đáng lẽ họ sẽ có.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị hôm qua đã nói đến câu chuyện cần làm, chuyện “không say sưa với niềm vui luật được thông qua”. Ông nêu đột phá bằng việc “Chấn chỉnh kỷ cương” khi “rất nhiều người chưa có ý thức xứng đáng là công dân Thủ đô”. Điều đó có cần thiết không? Rất cần thiết. Nhưng , để Luật Thủ đô không trở thành cơ hội trục lợi, khu vực cần chấn chỉnh nhất phải là khu vực hành chính. Bởi đối với các “đồng chí” ở khu vực này, thủ khoa, hay nhân tài, cũng chỉ là một cái tên người đang chăm chắm với cái hộ khẩu.
Luật Thủ đô không phải là cây đũa thần. Luật Thủ đô cần có quá trình. Và việc siết nhập cư cũng phải đi liền với siết kỷ cương trong việc siết nhập cư. Có lẽ chỉ có như thế thì Thủ đô mới không chảy máu chất xám, mới không là biểu hiện của căn bệnh thành tích về mặt thống kê.

Không có nhận xét nào: