Pages

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Về vai trò ASEAN và Biển Đông



BienDong.Net: ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông và đoàn kết mang lại thành công ngoại giao.
Các diễn đàn khu vực ASEAN tạo cơ hội rất tốt để thảo luận và tìm giải pháp cho cuộc xung đột này.
Khi ASEAN đoàn kết đưa ra lập trường chung, tiếng nói của tổ chức khu vực này có trọng lượng, được lắng nghe, được xem trọng. Khi ASEAN bị li gián và phân hóa, tiếng nói ASEAN bị suy yếu, bị nước lớn chi phối.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, ASEAN không phải là một thế lực chính trị độc lập, mà là công cụ đối kháng của hai siêu cường. Khi đó, ASEAN chỉ là một đối tác nhỏ, phục vụ cho mục tiêu chiến lược của Mỹ. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, sự có mặt quân sự và ảnh hưởng chính trị của hai siêu cường Mỹ, Xô ở Đông Nam Á đột ngột giảm đi. Nga rút khỏi căn cứ quân sự Cam Ranh và ngừng viện trợ cho Việt Nam. Mỹ cũng rút khỏi các căn cứ quân sự ở Philippines, chấm dứt sự đóng quân của Mỹ ở Đông Nam Á. ASEAN có được không gian làm chủ nền ngoại giao của mình. Nhưng đồng thời, ở Đông Nam Á/Biển Đông cũng xuất hiện khoảng trống quyền lực.

alt
Lễ thượng cờ tại trụ sở ASEAN tại Indonesia

Ở Đông Nam Á từng bước hình thành cục diện kiềm chế nhau giữa các nước lớn Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Kiểu cơ cấu quyền lực kiềm chế lẫn nhau của các nước lớn nói trên đã tạo cơ hội ngoại giao cho ASEAN đóng vai trò của người phối hợp và cân bằng tương đối trung lập. ASEAN đã nắm lấy cơ hội, đảm nhận vai trò người chủ đạo, tạo bước ngoặt lớn về địa vị của ASEAN. Các nước lớn lại tự nguyện chấp nhận cho nhóm nước nhỏ giữ vai trò chủ đạo. Một lý do sâu xa là một nhóm các nước vừa và nhỏ, liên kết một cách lỏng lẻo trong một tổ chức khu vực không thể tạo thành bất cứ mối đe dọa nào đối với vai trò các nước lớn. Đồng thời tùy vào năng lực của mình mà tác động đến tổ chức này. Với vai trò này, ASEAN thực hiện chiến lược cân bằng nước lớn, đã góp phần tích cực cho sự ổn định và phát triển của khu vực. Tới năm 1991, ASEAN thiết lập cơ chế đối thoại với các nước lớn, lần lượt với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước lớn khác; đề xướng và chủ đạo Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); khởi xướng Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu; chủ đạo khuôn khổ hợp tác “ASEAN+3” (Trung-Nhật-Hàn). Mấy năm gần đây, ASEAN lại mở rộng khuôn khổ 10+3, rồi thành hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).
Khi bước sang thế kỷ 21, quyền “chủ đạo” khu vực của ASEAN bắt đầu chịu những thách thức tiềm ẩn, trước hết do tầm quan trọng về địa-chính trị của Trung Quốc trên toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương tăng mạnh.
Một số quốc gia Đông Nam Á bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền biển đảo hoan nghênh Mỹ “trở lại châu Á” như lực lượng đối trọng và cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc. Mặt khác, bất đồng trong nội bộ ASEAN cũng xuất hiện, do những lợi ích của các nước có biển và đất liền không giống nhau. Họ lại chịu sự tác động của chiến thuật bẻ bó đũa từng chiếc và “chia để chiếm” của Trung Quốc, cũng như của sức mạnh ngoại giao tiền bạc. Những nước có tranh chấp Biển Đông mong muốn thúc đẩy đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề này, nhưng các nước không bị tranh chấp trực tiếp sẵn sàng đi với Trung Quốc để hưởng lợi an ninh, kinh tế, thương mại.
ASEAN đã đóng vai trò chủ động trong vấn để Biển Đông
Hoạt động ngoại giao của ASEAN qua 20 năm trong vấn đề Biển Đông phản chiếu sự vận động của tổ chức này, mặt mạnh, điểm yếu và giới hạn của tổ chức khu vực này, cũng như khả năng “kháng bệnh” của ASEAN trước sự tấn công của các tác nhân bên ngoài.
Lập trường chung đầu tiên của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông được  thể hiện trong Tuyên bố ASEAN của các ngoại trưởng tổ chức này về Biển Đông, đưa ra tại Manila năm 1992. Bản Tuyên bố này đề cập 5 nguyên tắc đối với vấn đề Biển Đông: (1) Nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết mọi vấn đề chủ quyền và tài phán ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình và không sử dụng vũ lực. (2) Kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tạo bầu không khí thuận lợi cho giải pháp cuối cùng đối với các tranh chấp. (3) Kêu gọi tìm kiếm khả năng hợp tác ở Biển Đông liên quan đến giao thông hàng hải, bảo vệ môi trường biển, điều phối các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, các nỗ lực chống cướp biển và cướp có vũ trang cũng như sự hợp tác chống buôn bán ma tuý. (4) Kiến nghị các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á để làm cơ sở cho việc lập Bộ Quy tắc ứng xử quốc tế ở Biển Đông. (5) Mời tất cả các bên liên quan tham gia Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông. Điều đáng kể, tại văn kiện chính thức này khẳng định nhận thức của ASEAN rằng “mọi diễn biến bất lợi ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực”. Xét từ diễn biến các sự kiện Biển Đông 20 năm qua có thể thấy, chưa văn kiện nào của ASEAN hay giữa ASEAN với Trung Quốc vượt qua được sự sắc bén của văn kiện này.
Thông cáo chung năm 1993 của Hội nghị Bộ trưởng ASAN cũng đề nghị “tất cả các bên liên quan trực tiếp tuân theo các nguyên tắc” của Tuyên bố Manila 1992. Nhưng các nỗ lực phòng ngừa của ASEAN không thể ngăn chặn được chiến thuật “sự đã rồi” của Trung Quốc tại đảo đá Vành Khăn (Mischief Reef) diễn ra hai năm sau đó.
Sự kiện năm 1995 Philippines  phát hiện ra một công trình của Trung Quốc tại đảo đá Vành Khăn, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế do Philippines kiểm soát, đã thúc đẩy ASEAN tìm kiếm  các sáng kiến  nhằm ngăn ngừa tranh chấp tại Biển Đông leo thang thành xung đột. Từ đó đã thúc đẩy ý tưởng về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, được nêu trong Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 29, Jakarta, tháng 7/1996. Tuyên bố viết: “Các Bộ trưởng Ngoại giao bày tỏ lo ngại về tình hình tại Biển Đông và nhấn mạnh rằng nhiều vấn đề tồn tại vẫn là mối quan tâm lớn của ASEAN… Các Bộ trưởng ủng hộ ý tưởng xây dựng một bộ quy tắc ứng xử khu vực cho Biển Đông, tạo nền tảng cho ổn định lâu dài tại khu vực và tăng cường hiểu biết giữa các nước đòi hỏi chủ quyền”.
Cuộc đấu tranh ngoại giao liên tục của ASEAN diễn ra vào thời điểm Trung Quốc thúc đẩy “ngoại giao xung quanh” để ổn định môi trường chiến lược phục vụ 4 hiện đại hóa, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của Bắc Kinh. Đây là giai đoạn Trung Quốc “cần” tranh thủ ASEAN. Điều này dẫn tới một giải pháp thỏa hiệp về Biển Đông vào năm 2002 tại Phnom Penh.
Nguyễn Ngọc Trường

Không có nhận xét nào: