Pages

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Dân đến Ðại Sứ Quán Mỹ ở Hà Nội kêu oan

Nhân viên Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội gặp gỡ những người dân oan đến nhờ giúp đỡ.
Hơn 20 người đã kéo đến Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để nhờ giúp đỡ. Ðây là những người từ nhiều vùng, miền khác nhau ở Việt Nam, từng đổ về Hà Nội kêu oan.

Ðây là lần đầu tiên những nạn nhân của tệ quan liêu, tham nhũng ở Việt Nam tìm đến một cơ quan ngoại giao của nước ngoài để nhờ giúp đỡ. Một số blogger cho biết, Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã cử nhân viên ra gặp gỡ những người kêu oan, nhờ giúp đỡ.

Sau khi nhân viên của Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội quay vào, công an đã đổ đến, ép dân lên xe buýt, chở về Hà Ðông, nơi có Văn Phòng Tiếp Dân của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng và Nhà nước.

Nhiều năm nay, thân nhân những người bị bắt oan, bị kết án oan, những người bị cưỡng đoạt đất đai, tài sản trái pháp luật, những người bị trù dập vì tố cáo tham nhũng,... đã hợp thành một lực lượng gọi là “dân oan.”

Việt Nam có sẵn hệ thống giải quyết khiếu nại, tố cáo ở tất cả các ngành, rải đều từ trung ương đến địa phương nhưng gần như hệ thống này không làm gì cả. Cũng vì vậy, “dân oan” từ khắp nơi đổ về Hà Nội để kêu oan ở các cơ quan đầu não của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, Quốc Hội, Chính phủ.

Thường thì những lá đơn kêu oan của dân chúng không “thấu” đến đâu cả. Cũng vì vậy, “lực lượng dân oan” càng lúc càng đông và chuyện kêu oan song chẳng có ai giải oan đã trở thành một vấn nạn xã hội tại Việt Nam.

Cuối năm ngoái, trong “Báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo 2012,” chính phủ Việt Nam cho biết, các cơ quan hành chính đã tiếp khoảng 349 ngàn lượt khiếu nại, tố cáo. Trong đó, 80% số vụ có “nguồn gốc” từ đất đai.

Hồi trung tuần Tháng Tư năm nay, Thanh Tra Chính Phủ Việt Nam loan báo, tình hình khiếu nại, tố cáo “có chiều hướng diễn biến phức tạp,” số lượt “khiếu kiện đông người” gia tăng. Riêng quý một của năm 2013, có 104 lượt “khiếu kiện đông người” với “thái độ gay gắt.”

Vào thời điểm đó, ông Huỳnh Phong Tranh, Chánh thanh tra Chính phủ vừa thừa nhận, có những vụ khiếu nại kéo dài tới 35 năm, vừa tuyên bố cần “cưỡng chế những đoàn khiếu nại đông người quá khích” vì có “màu sắc chính trị.”

“Những đoàn khiếu nại đông người” càng lúc càng nhiều và để giữ thể diện, chính quyền Việt Nam đã chuyển “Văn Phòng Tiếp Dân của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng và Nhà nước” từ trung tâm thành phố Hà Nội tới một nơi hẻo lánh ở tỉnh Hà Ðông.

Trong vài tháng qua, chính quyền Việt Nam liên tục bị chính phủ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế chỉ trích vì xâm hại các quyền cơ bản của con người, vi phạm các cam kết với cộng đồng quốc tế về bảo vệ nhân quyền.

Hồi đầu tháng này, lên tiếng trong một buổi điều trần về tình hình hình nhân quyền tại Việt Nam do Hạ Viện Hoa Kỳ tổ chức, ông John Sifton, đại diện Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, nhấn mạnh: “Cần hành động ngay cho nhân quyền ở Việt Nam.” Theo ông Sifton, cần xem thu hồi đất đai một cách tùy tiện là một hình thức xâm hại nhân quyền.

Sau đó ít ngày, tại một buổi điều trần khác về quan hệ với Việt Nam, Dân Biểu Ed Royce, chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ, yêu cầu, chính phủ Hoa Kỳ cần phải chứng minh là các cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam đã đạt được những tiến bộ hoặc kết quả cụ thể.

Chưa rõ sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam và những lời kêu gọi, yêu cầu gia tăng áp lực, buộc chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền có tạo ra sự hy vọng nào nơi lực lượng dân oan hay không (?). Song sau các diễn biền vừa kể, lần đầu tiên, những người dân oan ở Việt Nam đã kéo tới một cơ quan ngoại giao ở Hà Nội để nhờ giúp đỡ.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: