Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Lời thú tội vô tình


Nguyễn Dư (Danlambao) - Cách nay cũng mấy năm, lúc còn là bộ trưởng thông tin văn hóa, ông Lê Doãn Hợp có nói rằng cho tự do báo chí nhưng phải đi theo lề. Ông lấy trường hợp tham gia giao thông đem so sánh với tự do báo chí, rồi ông phán đại khái rằng: khi tham gia giao thông, không đi theo lề phải là không đúng luật, là ngược chiều, là phạm pháp.

Không hiểu sao, ông là bộ trưởng văn hóa thông tin mà kiến thức nghèo nàn, thiếu hiểu biết, mâu thuẫn đến mức độ kỳ khôi như vậy! Nếu có hiểu biết, ông không thể nào đem vấn đề tự do báo chí ra mà so sánh với giao thông được. Bởi lẽ: nói về báo chí, văn hóa, thông tin là nói về tư tưởng, mà tư tưởng là đa chiều thì làm sao có "lề phải" và "lề trái" cho được! Chắc có lẽ ông nghĩ là ở Việt Nam khi tham gia giao thông, người ta chạy... đa chiều, loạn xạ; nạnh ai nấy chạy nên ông mới dám đem ra so sánh cái kiểu như thế.

Lần này, ông trả lời phỏng vấn trên báo Tamnhin.net, nhìn chung thì cũng vẫn là tư tưởng cũ lập lại, cũng quá nhiều mâu thuẫn. Một mặt thì cổ vũ cho tự do báo chí, mặt khác thì thì quản lý, định hướng, giáo dục... Nói cho ông Doãn Hợp biết: trường hợp giao thông, người ta nhìn thấy rất là cụ thể, rõ ràng; có thể cảm nhận một cách tương đối chính xác thì còn có thể quản lý được. Thế mà giao thông ở Việt Nam, bao nhiêu năm trời nay chính quyền còn bó tay, tìm đủ mọi phương cách mà không quản lý nổi huống hồ chi đi định hướng báo chí, kiểm soát tư tưởng (theo như ông nhà báo Tưởng Năng Tiến thì kiểm soát, quản lý báo chí chẳng khác nào đi buộc cẳng chim trời).

Cái nội dung ông trả lời phỏng vấn mới đây nó lẩn quẩn loanh quanh, kiến thức cỡ như một em học sinh trung học thôi cũng có thể nói và trả lời được rành rọt. Nhưng cái mà tôi muốn nhắm đến và thắc mắc là với một cương vị chủ tịch hội truyền thông số Việt Nam mà sự hiểu biết và tầm nhìn chỉ cỡ bấy nhiêu thôi sao, khi ông bảo rằng: "... anh viết đúng và góp ý chân thành phải được tôn vinh, nhưng nếu lợi dụng dân chủ để làm những điều không đúng thì cần phải được uốn nắn, thậm chí phải được giáo dục và được luật pháp can thiệp"!

Xin hỏi nhỏ ông Hợp: Viết như thế nào thì mới gọi là viết đúng và góp ý chân thành? Có phải khi nào đảng cho phép thì là đúng phải không ông? Thí dụ như người ta gọi Tư Sâu là thuộc hạng "Những tên quì gối lưng cong". Gọi như thế thì có viết đúng và góp ý chân thành chưa? Hay là viết theo cái lối đó cần phải được uốn nắn và phải nhờ luật pháp can thiệp? Rồi gọi như thế thì có qui vào cái tội lợi dụng quyền tự do dân chủ chưa hả ông?

Ở một đoạn khác, trong lúc phỏng vấn, ông Hợp nói lên quan điểm của ông là khuyến khích viết blog chứ không cấm đoán bởi vì xã hội thông thoáng tư tưởng là xã hội tốt. Nếu thế thì tại sao phải bày đặt ra "lề phải" và "lề trái" để làm gì; rồi còn uốn nắn, giáo dục; rồi còn luật pháp can thiệp nữa!? Thế mới là mâu thuẫn -ma lanh như con nít ranh- một cách ác ôn đấy chứ, phải không ông Hợp!?

Ông Hợp biết là người ta chọn báo chí để đọc thì cũng giống như chọn các món ăn. Ông đưa ra thí dụ món này món nọ để người ta tự chọn lựa món nào hợp thì ăn, không hợp thì thôi. Nghe ông nói tự do cái kiểu đó mà mắc ham!

Nhưng tôi hơi thắc mắc ở cái chỗ ông là chủ tịch hội truyền thông số, tức là ông nắm về báo chí truyền thông mạng Internet, thế mà ở Việt Nam kiểm soát, quản lý khắt khe, người ta còn gọi là dựng bức tường lửa thì làm sao có điều kiện để dân đọc báo mạng có cơ hội chọn lựa giống như khi đi chọn cho mình các món ăn được!? Lấy cái gì mà chọn với lựa hả ông?!

Một mâu thuẫn khác nữa khi ông bảo: "Con người có trong tay một chiếc điện thoại di động là có cả thế giới, thế giới trong lòng bàn tay và thế giới trên đầu các ngón tay". Câu này thì chính xác. Trong khi đó ở một đoạn khác thì ông bảo, đại khái: Những người ở Mỹ đã mấy chục năm, chưa về nước lần nào thì làm sao viết về Việt Nam chính xác cho được.

Nói đến chuyện này thì em xin có ý kiến "bác" Hợp ạ! "Bác" nói thế thì trật lất rồi nhé! Thú thật với "bác", trường hợp này là trường hợp của em nên em rành lắm. Em không cần phải về Việt Nam mà em còn biết rõ tỏng tòng tong cái tình hình xã hội Việt Nam còn hơn là người trong nước; biết hơn cả "bác" nữa kìa! Người trong nước kể cả "bác" bị uốn nắn, giáo dục, bưng bít, che đậy; luật pháp kiếm cớ can thiệp, riết rồi con người ta chỉ còn muốn tự mình bịt tai, bịt mắt, bịt mồm là xong, để cho yên chuyện thôi đấy mà.

Đọc toàn bài phỏng vấn, người ta mới nhận ra rằng ông Hợp không phải không có chút hiểu biết về tầm quan trọng của báo chí trong vấn đề mở mang kiến thức, trong vấn đề chống tham nhũng. Nhưng kẹt nổi ông là chủ tịch hội truyền thông số của đảng nên ông lý "loạn" loanh quanh, lẩn quẩn chỉ để bao che cho cái độc tài, gian trá trong việc quản lý truyền thông số một cách độc đoán. Ông "cố đấm ăn xôi", nói lấy được nên mới mâu thuẫn, câu trước đá câu sau; tự ông vô tình thú tội về vấn đề Việt Nam không có tự do ngôn luận. Mạng Internet ở Việt Nam bị kiểm duyệt, quản lý mà ông là chủ tịch của hội truyền thông số, tức là ông cũng chính là một trong những thủ phạm gây ra.


Không có nhận xét nào: