Tổng Bí thư: “Chia ba mức tín nhiệm không phải là thủ thuật”
(Dân trí) - Trước những băn khoăn của cử tri vì sao lấy phiếu tín nhiệm lại chia làm ba loại tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây không phải là thủ thuật hay tính toán không trong sáng để cuối cùng hòa cả làng…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình |
Ngày 28/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số một, thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình báo cáo kết quả kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XIII. Nội dung trao đổi ý kiến của 12 cử tri phần lớn tập trung đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Vì sao không sử dụng hai loại phiếu cho ngắn gọn?
Mở đầu phần trao đổi ý kiến, cử tri Võ Trọng Hốt (phường Trúc Bạch) cho rằng, kỳ họp Quốc hội vừa qua thể hiện tính dân chủ cao. Điều đó được minh chứng rất rõ qua việc Quốc hội đã lấy phiếu tính nhiệm 47 chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn. Điều quan trọng hơn nữa là kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai. “Điều này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm toàn diện hơn đối với các vị đã được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào vị trí lãnh đạo đất nước”, cử tri Hốt đánh giá.
Cử tri Trần Toại (phường Cống Vị) nhận thấy, trong đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, số thành viên Chính phủ có phiếu tín nhiệm thấp đều ở những bộ, ngành rất quan trọng như ngân hàng, giáo dục, y tế, xây dựng… Ông Toại thẳng thắn đề nghị Tổng Bí thư và Quốc hội đánh giá chất lượng bộ máy Hành pháp hiện nay và vì sao tất cả những bộ, ngành lớn lại có phiếu tín nhiệm thấp? Đến nay Quốc hội đã phân tích nguyên nhân những vị trí có phiếu tín nhiệm thấp hay chưa, liệu có phải do năng lực, đạo đức hay do các nguyên nhân khác? Vì theo ông Toại có làm như vậy mới đưa ra được biện pháp giúp họ nâng cao mức tín nhiệm trong đợt lấy phiếu tiếp theo.
Kỳ họp Quốc hội vừa qua có sự tiến bộ rất nhiều là cảm nhận của cử tri Lương Quân Ngọc (phường Trung Trực). Tuy nhiên, điều ông Ngọc còn băn khoăn là tại sao lấy phiếu tín nhiệm lại phân ra làm ba loại tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. “Tôi cho rằng lần sau lấy phiếu tín nhiệm chỉ cần đánh giá được hay không được chứ không nên phân làm ba loại nữa!”, ông Ngọc nêu.
Theo cử tri Nguyễn Hữu Thứ, nhân dân rất mừng vì Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn. Vì theo ông Thứ có làm như vậy lãnh đạo ở các vị trí chủ chốt mới biết được tín nhiệm của cử tri, đại biểu dành cho mình. Nhưng cũng như ông Ngọc, ông Thứ cũng băn khoăn việc lấy phiếu tín nhiệm chia làm ba loại. “Nay Quốc hội sử dụng hai công đoạn (hai loại phiếu) cho ngắn gọn được không”, ông Thứ đề nghị.
Theo cử tri Trương Đức Ngãi (phường Cống Vị), các chức danh có phiếu tín nhiệm thấp là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với hệ thống lãnh đạo cấp trên. Ngoài ra, ông Ngãi đề nghị thời gian tới cho cử tri thể hiện sự tín nhiệm đối với đại biểu Quốc hội do mình bầu ra. Lý do cử tri Ngãi đưa ra là vì ông biết không ít đại biểu Quốc hội khi ứng cử thì rất hăng hái, hứa thật nhiều nhưng khi trúng cử thì thờ ơ với công việc.
Cái chính là cảnh tỉnh, răn đe
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích rõ từng ý kiến về lấy phiếu tín nhiệm mà cử tri quận Ba Đình quan tâm. Đầu tiên, về lấy phiếu tín nhiệm được chia làm ba loại phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, Tổng bí thư cho rằng: “Đây là sáng kiến của Việt Nam, ở các nước người ta là bỏ phiếu tín nhiệm, nói chính xác hơn là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Theo Nghị quyết Trung ương 4 chúng ta là lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm, cũng là một cách để xem anh làm việc đã được lòng dân chưa, được lòng cử tri chưa, được lòng đại biểu Quốc hội hay chưa. Ở đây không phải chỉ có Quốc hội mà các cơ quan Đảng cũng phải lấy phiếu tín nhiệm để anh kịp thời chấn chính lại mình nếu phiếu tín nhiệm chưa được cao hoặc thấp. Đó cũng là sự cảnh tỉnh, cảnh cáo, răn đen nhắc nhở”.
Tổng Bí thư cho biết, ngay cả trong quá trình thảo luận ở Quốc hội cũng vẫn có ý kiến nên chia làm hai loại một là tín nhiệm hai là không tín nhiệm. Nhưng khi bỏ phiếu các đại biểu đã chọn ba loại. “Đây không phải là thủ thuật hay tính toán không trong sáng để cuối cùng hòa cả làng. Thực ra, đây là thăm dò tín nhiệm và là một kênh để góp phần đánh giá cán bộ chứ không phải hoàn toàn có tính chất quyết định nhưng nó rất quan trọng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho biết cái chính của việc lấy phiếu tín nhiệm là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn ngừa. Từ đó, để những vị trí có phiếu tín nhiệm thấp phải hết sức cố gắng.
Trước những băn khoăn của cử tri về những bộ ngành chủ chốt nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bản thân câu hỏi của cử tri đã là câu trả lời. Trong kết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nói rõ kết quả đó là cơ bản sát với tình hình kinh tế - xã hội, tình hình đất nước hiện nay. “Điều đó cũng phản ánh đúng ngành bị dân than phiền nhiều nhất thì phiếu thấp như ngân hàng, giáo dục, y tế… Nhưng cũng có ý kiến cho rằng mấy lĩnh vực đó khó quá, quay kiểu nào, cựa kiểu nào cũng vướng thế này thế khác”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Trước các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thời điểm lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nhiều người hết sức hồi hộp. Hơn nữa, việc lấy phiếu tín nhiệm tất cả các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn từ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng đến các Bộ trưởng, trưởng ngành là điều hiếm có nước nào làm được cùng lúc. Sắp tới đến Trung ương Đảng cũng phải lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng Bí thư trở xuống; các cấp ủy và HĐND cũng vậy.
Quang Phong
(Dân trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét