Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Phát hành sách về Trần Huỳnh Duy Thức


Ông Trần Huỳnh Duy Thức
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị án tù 16 năm
Phong trào Con Đường Việt Nam cho biết sách “BấmTrần Huỳnh Duy Thức và Con đường nào cho Việt Nam” vừa được phát hành dưới dạng ebook.
Ông Thức, một trong các nhà bất đồng chính kiến được biết đến nhiều ở Việt Nam, hiện đang thực hiện án tù nặng nề 16 năm vì tội Hoạt động Lật đổ.

Cuốn sách được phát hành miễn phí từ ngày 10/6 dưới dạng ebook nhân dịp một năm phong trào này được thành lập và bốn năm kể từ ngày ông Thức bị bắt, thông cáo cho biết.
Trong một thông cáo báo chí, đại diện phong trào Con Đường Việt Nam cho biết cuốn sách bao gồm phần lớn nội dung tác phẩm "Con Đường Việt Nam” mà ông Thức đã tham gia biên soạn, cũng như những tư liệu về ông Thức do gia đình ông này cung cấp.

Được biết việc phát hành ebook này không theo quy trình xuất bản thông thường do Nhà nước quy định.
Con Đường Việt Nam là phong trào đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam do nhà bất đồng chính kiến Lê Thăng Long khởi xướng tháng 6/2012 sau khi ông ra tù.
Lúc đó ông Long nói ông thay mặt ba bạn tù cùng bị xét xử trong vụ án Hoạt động Lật đổ năm 2010 để khởi xướng phong trào.
Theo thông cáo báo chí, nội dung cuốn sách mới phát hành "gồm các bài viết, nhận định, đánh giá, dự đoán về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, các nguy cơ cho tương lai của dân tộc và con đường đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng, tiến đến phát triển bền vững trên nền tảng quyền con người".
"Không chỉ là các bài viết được Trần Huỳnh Duy Thức và những thành viên nhóm nghiên cứu Chấn đã viết trong gần hai năm trước khi bị chính quyền bắt giam ..., cuốn sách còn công bố lần đầu tiên nội dung của gần 50 trang giấy được Trần Huỳnh Duy Thức viết tay trong tù và được các bạn tù lén chép đem ra ngoài."
Nhóm nghiên cứu Chấn hoạt động thời đó do ông Thức chủ trì.

Doanh nhân thành đạt

Ông Trần Huỳnh Duy Thức nguyên là Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI, bị bắt vào ngày 24 /5/2009, với tội danh ban đầu được nói là "trộm cắp cước điện thoại" nhưng sau đó bị chuyển sang điều tra vi phạm Điều 88 Bộ Luật hình sự, Tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN.
Bị bắt cùng đợt với ông Thức còn có các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long.
Tội danh của các ông này sau đó bị chuyển sang thành Hoạt động lật đổ, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, là tội nặng hơn.
"Sách gồm các bài viết, nhận định, đánh giá, dự đoán về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, các nguy cơ cho tương lai của dân tộc và con đường đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng..."
Thông cáo của Con Đường Việt Nam
Ngày 20/01/2010, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án từ 5 năm tới 16 năm tù giam, thêm từ 3 tới 5 năm quản chế tại gia cho các bị cáo trên, trong đó riêng ông Thức bị lãnh án cao nhất, 16 năm tù giam.
Tòa phúc thẩm hôm 11/05/2010 quyết định giữ nguyên bản án này. Gia đình ông Thức cũng từng hai lần có đơn kêu oan những đều không mang lại kết quả gì.
Ông Lê Thăng Long sau đó đã ra tù tháng 6/2012, sớm trước thời hạn 6 tháng và ông Lê Công Định cũng đã được trả tự do hồi 6/2 năm nay, sớm một năm.
Hai ông Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung hiện vẫn đang thực hiện án tù.
Những năm đầu thập niên 2000, công ty điện thoại internet do ông Trần Huỳnh Duy Thức thành lập và điều hành đã được coi là điểm sáng trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam, có nhiều bước đột phá, đầu tư sang các nước trong khu vực và Hoa Kỳ.
Tổng giám đốc Trần Huỳnh Duy Thức cũng nổi bật với các ý kiến phê bình những rào cản từ phía các cơ quan quản lý viễn thông đối với sự phát triển của ngành công nghệ cao này.
Sau khi ông Thức bị bắt trong năm 2009, nhiều tờ báo Việt Nam trích nguồn từ nhà chức trách cho rằng tin ông Trần Huỳnh Duy Thức "đã có quan hệ mật thiết" với luật sư Lê Công Định và một nhân vật chính trị ở nước ngoài là ông Nguyễn Sỹ Bình, vốn từng bị bắt rồi được thả trong thập niên 90.
Bài trên Hà Nội Mới lúc đó nhắc đến "loạt tài liệu do Trần Huỳnh Duy Thức biên soạn có nội dung bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước..."

Không có nhận xét nào: