Pages

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Thiên An Môn, hồi ức bị cấm đoán


Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 : Cảnh tượng sau vụ đàn áp Thiên An Môn do hãng AP lưu lại (64memo.com)

Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 : Cảnh tượng sau vụ đàn áp Thiên An Môn do hãng AP lưu lại (64memo.com)
“Thiên An Môn” hay “Cách mạng văn hóa” cho đến giờ vẫn là những chủ đề thời sự “cấm kỵ” trên báo chí lẫn trên văn đàn tại Trung Quốc. Mặc dù các sự kiện đó đã trôi qua mấy thập niên nay rồi, nhưng vẫn còn rất nhiều nhân sĩ trí thức khao khát được nói lên sự thật về những gì mà họ đã chứng kiến.

Thế nhưng, đối với chính quyền Bắc Kinh, đó lại là những chủ đề rất nhạy cảm, thậm chí là nguy hiểm, vì nó có thể khơi dậy lại những lời kêu gọi dân chủ hóa, như những gì đã xảy ra trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Chính vì thế, có rất nhiều văn sĩ trong nước đã phải cầu viện đến các nhà xuất bản nước ngoài như Hồng Kông hay Pháp để có thể phơi bày những sự thật mà họ muốn nói. 
Le Monde chạy tựa “Thiên An Môn, hồi ức bị cấm đoán”. Tờ báo cho biết gần đến ngày 04/6, tất cả những gì có liên quan đến con số “sáu bốn” (do người Trung Quốc để tháng trước ngày), những con số gợi nhắc lại sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989 đều bị cấm tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Còn đối với nhà văn Lưu Tâm Vũ (Liu Xinwu), ngày 04/06 “sẽ luôn là một ngày cực kỳ đau buồn vì đó cũng là ngày sinh nhật” của ông. Lưu Tâm Vũ vừa cho xuất bản tác phẩm “Tôi sinh ngày 04/06”, một quyển sách dày đến 1000 trang nhằm đề tặng “các sinh viên, thị dân và những người lính đã ngã xuống trong đêm 04/6/1989. Một cái chết lẽ ra không thuộc về định mệnh của họ”, do nhà xuất bản Pháp Gallimard phát hành vào tháng ba năm nay.
Tâm sự với phóng viên thường trực của Le Monde ngay trong chính căn hộ của mình tại Bắc Kinh, ông rất khao khát hồi phục lại sự thật của một quá khứ đau thương. Ông nói “Tất cả những ai đã nếm trải qua giây phút đó lẽ ra phải được viết lại một cách tự do và công bố những gì mà họ muốn”.
Đối với Lưu Tâm Vũ, bổn phận viết hồi ký là một nhiệm vụ khẩn cấp, nhằm dự báo trước các thảm kịch trong quá khứ quay trở về. Điều trớ trêu là tác phẩm “Tôi sinh ngày 04 tháng 06” lại không được phép xuất bản tại Trung Quốc.
Theo báo Le Monde, các tác phẩm có liên quan đến ngày 04 tháng 06 đều bị chính quyền giám sát chặt chẽ. Như trường hợp nhà thơ Liệu Diệc Vũ, hiện đang sống lưu vong tại Đức. Ông này đã bị cầm tù nhiều năm chỉ vì cho đăng bài thơ “Đại thảm sát”.
Ông Từ Hữu Ngư, triết gia Trung Quốc, một trong những người đi tiên phong trong việc viết ký ức trong một thảm kịch khác, cuộc “Cách mạng văn hóa” nhận định “Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc nào cũng chụp mũ thành công vài kẻ làm vật tế thần cho các thảm kịch mà Trung Quốc đã trải qua. Có rất ít người xem đảng là một tên tội phạm. Thế nhưng, ngày 04/06 vẫn là một lãnh vực mà người dân cho rằng có một món nợ máu”.
Bài viết cho rằng ngày càng có nhiều nhân sĩ trí thức Trung Quốc cầu viện đến việc xuất bản ở ngoài nước nhằm thoát lên được một luồng tư tưởng khác với truyền thống và cho thấy một cái nhìn về lịch sử không mang màu sắc chính trị. Còn theo như cách nói của ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình đang bị cầm tù, đây cũng là một cách thức để “lật đổ hệ thống dối trá với sự thật”.
Le Monde liệt kê một lọat các tên tuổi văn học Trung Quốc ở trong nước như, nhà báo kiêm sử gia Dương Kế Thằng phải nhờ đến một nhà xuất bản tại Hồng Kông để phát hành quyển sách “Những tấm bia mộ”. Một tác phẩm điều tra về nạn đói xảy ra vào cuối những năm 1950, làm thiệt mạng khoảng 36 triệu người dân.
Nhà văn Diêm Liên Khoa, với tác phẩm “Bốn quyển sách” cũng được xuất bản tại Hồng Kông. Quyển sách phản ảnh một trường đoạn lịch sử cận đại Trung Hoa đó là những trại lao động dành cho kẻ trí thức “tư sản” có từ năm 1957.
Hay như tác phẩm “Trung Quốc trong mười từ” của nhà văn Dư Hoa, nói về sự kiện Thiên An Môn năm 1989, được nhà xuất bản Actes Sud của Pháp phát hành vào năm 2010.
Trong đó đỉnh điểm của những vòng trấn áp chính là cuộc Cách mạng Văn hóa (giai đoạn 1966-1976). Về thảm kịch này, phải kể đến giải Nobel Văn học năm 2000, nhà văn người Pháp gốc Hoa Cao Hành Kiện, với tác phẩm “Sách về một người đàn ông đơn độc”. Một tác phẩm cho đến giờ vẫn chưa được phép phát hành tại Trung Quốc.
Từ những tổng quan về các tác phẩm văn học bị cấm đoán đó, Le Monde nhận thấy rằng sở dĩ có chiếc mũ chụp lên hồi ức Thiên An Môn là vì: cái bóng của nó đã trở nên quá nặng nề những năm gần đây đến mức mà nhiều lời kêu gọi dân chủ hóa đã tái trỗi dậy.
Nhà văn Lưu Tâm Vũ tự tin khẳng định rằng, phiên bản “ngày 04 tháng 06” ấn bản tại Hồng kông chắc chắn là sẽ làm khuấy động cộng đồng mạng Trung Quốc. Ngay chính trên trang blog của mình, ông đã viết rằng “Hồi ức cần được duy trì. Một trong những nguồn cung cấp cho nó có lẽ chính là sự can đảm”.
Fukushima : Tepco có thể kiệt quệ vì tiền bồi thường
Mây đen vẫn tiếp tục bao trùm lên tập đoàn điện lực Tepcotại Nhật Bản như là trời u ám tại Paris trong những ngày gần đây. Libération cho tập đoàn đang phải liên tục đối mặt với hàng núi đơn kiện đòi bồi thường, với tổng mức kinh phí có thể lên đến hàng chục tỷ euro.
Theo Libération, Tepco đang bị vòng đai pháp lý và tài chính vây hãm. Mỗi ngày tập đoàn này phải đối phó với nhiều đơn đòi bồi thường mới. Hôm qua, thứ sáu 31/05/2013, tập đoàn Tepco đã phải xin thêm chính phủ 600 tỷ yên (4,6 tỷ euro) để đối phó với những yêu sách bồi thường ngày càng lớn.
Ngoài những đơn kiện đến từ người dân quanh khu vực, tờ báo còn liệt kê nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác, trong đó, có tập đoàn điện lực Tohoku (20 tỷ yên) và hợp tác xã Nanohana vùng Chiba (gần 23 triệu yên) để bù đắp vào những khoản thất thoát và chi trả các chi phí thử chất phóng xạ.
Đáng chú ý, khoảng 100 binh sĩ Mỹ đến hỗ trợ công tác cứu hộ khi xảy ra thảm họa vừa đệ đơn kiện lên tòa án California đòi bồi tường 2 tỷ đô-la. Họ cho rằng Tepco có lẽ đã dối họ về những rủi ro mà họ mang phải.
Theo ước tính tạm thời, số tiền bồi thường mà Tepco đã chi ra tính từ năm 2011 đã lên đến gần 2300 tỷ yên cho các cá nhân và nhiều doanh nghiệp. Trong đó, một phần lớn số tiền này đến từ ngân khố nhà nước, do Tepco đã bị quốc hữu hóa nhằm tránh tình trạng phá sản.
Không chỉ bị tấn công từ bên ngoài, công ty điện lực Tokyo còn bị chính các cổ đông kiện vì tội thiếu trách nhiệm. Một nhóm cổ đông của Tepco gồm 42 người đã đâm đơn kiện 27 nhà lãnh đạo của Tepco ra tòa tại Tokyo khi cho rằng dàn lãnh đạo đã đánh giá quá thấp hiểm họa tsunami và công tác chuẩn bị để giải quyết một tai nạn nghiêm trọng như vậy.
Các cổ đông này đã yêu cầu tập đoàn khai thác điện hạt nhân Tokyo phải bồi thường một khoản tiền kếch sù 5500 tỷ yên. Bởi vì số cổ phiếu mà họ nắm trong tay giờ trở thành một mớ giấy lộn vô giá trị. Đối với họ, “tiền bạc không còn quan trọng nữa. Quan trọng là cần phải đến hỗ trợ các nạn nhân và buộc Tepco phải nói lên sự thật”.
Tờ báo kết luận, nếu như vậy thì tương lai mù mịt của tập đoàn này sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm hai năm nữa. Và kể từ khi xảy ra thảm họa, Tepco đã đi hết từ mất mát này đến mất mát khác.
Nợ công đè nặng chính sách vực dậy kinh tế Nhật
Cũng tại Nhật Bản, nhưng tờ nhật báo thiên hữu Le Figaro lại quan tâm đến lãnh vực kinh tế. Thời gian gần đây, kinh tế xứ sở Mặt trời mọc bắt đầu có tín hiệu khởi sắc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF một mặt ca ngợi chính sách kinh tế của thủ tướng Shinzo Abe (được mệnh danh là Abenomics). Mặt khác, tổ chức này cũng cảnh giác Tokyo những điểm yếu của chính sách do các khoản nợ công còn quá lớn.
Tờ báo viết “Abenomics” có hiệu quả đấy nhưng rủi ro không phải là không có. Theo bản báo cáo thường niên được công bố hôm qua tại Tokyo, IMF đánh giá cao các kết quả đạt được trong chính sách kinh tế của ông Shinzo Abe.
Nhìn chung, các hoạt động kinh tế có phần khởi sắc. Sản xuất công nghiệp tăng lên do mức xuất khẩu cũng tăng. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn chựng lại ở mức 4,1%, mức thấp nhất từ bốn năm nay. Tiêu thụ hộ gia đình cũng tăng lên và tình trạng giảm phát cũng bắt đầu chựng lại.
Thế nhưng, bản báo cáo của IMF lo ngại về nợ công khổng lồ của Nhật Bản. Theo đánh giá của tổ chức này, nợ tại Nhật có thể chiếm đến 245% của tổng sản phẩm quốc nội. IMF cho rằng trong những tháng sắp đến ToKyo vẫn nhanh chóng đưa ra các chính sách cải cách cho tăng trưởng và chính sách điều chỉnh tiền tệ để giúp cho chiến lược kinh tế của ông Shinzo Abe có thể đi đến thành công.
Cuối cùng, về chính sách giảm giá đồng yên, IMF cho rằng chính sách “không gây ra vấn đề” nếu như chính sách này vẫn được hỗ trợ bằng các cải cách cơ cấu thật sự.
Xét xử Khmer Đỏ : góc nhìn từ phía thẩm phán
Trở lại với nhật báo Libération, trong mục tạp chí « đọc sách », tờ báo giới thiệu với độc giả một quyển sách của ông Marcel Lemonde mang tựa đề “Un juge face aux khmers rouges”, trình bày cảm nhận từ phía người cầm cân nảy mực trong quá trình xét xử Khmer Đỏ về tội diệt chủng.
Libération viết rằng, khi đọc tác phẩm của Lemonde, người ta hiểu ngay là hành trình hình thành nước Dân chủ Kampuchéa – tên gọi chính thức của nước Cam Bốt trong suốt thời kỳ Pol Pot cai trị giai đoạn 1975-1979, là một hành trình đầy tai họa và thảm khốc. Do đó, việc xét xử Khmer Đỏ không thể nào được tiến hành theo một quy trình bình thường mà phải thông qua một tòa án quốc tế đặc biệt (CETC).
Là thẩm phán trong giai đoạn 2006-2010, ông Lemonde đã miêu tả tỉ mỉ những trở ngại hay những điều bất tiện khó nói ra trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa. Một mặt, ông phải tiến hành bắt giữ các vị chức sắc thời Pol Pot (như Ieng Sary, Khieu Samphan, Nuon Chea, Ieng Thirith). Mặt khác, ông phải điều đình với chính quyền và Liên Hiệp Quốc sao cho phiên tòa được diễn ra suôn sẻ.
Đối với Lemonde, không có gì là dễ dàng trong suốt cuộc phiêu lưu này. Đổi lại, ông lại cảm thấy rất tự hào đã “không bán đứng linh hồn” trong suốt quá trình diễn ra phiên xử cho đến ngày ông từ giã phiên tòa đặc biệt vào năm 2010.
Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị chuẩn bị cho sự kế tục
Liên quan đến thời sự Anh Quốc, Le Figaro nhận thấy là “Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đang chuẩn bị cho sự kế tục”. Theo quan sát của nhiều chuyên gia phân tích, Nữ hoàng bắt đầu rút lui để trao bớt quyền hành lại cho thái tử Charles và các thành viên khác trong hoàng tộc.
Cách đây một tháng, nhân phiên khai mạc long trọng của phiên họp Thượng viện, đi kèm theo Nữ hoàng Elizabeth đệ II và công tước Edimbourg còn có thái tử Charles và công nương Camilla. Hình ảnh trên phát đi một thông điệp rất rõ ràng cho toàn vương quốc. Một hình thức đồng điều hành không chính thức đang diễn ra trong hoàng gia.
Nhất là, vào tháng 11 năm nay, Nữ hoàng Anh quốc sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh khối Thịnh vượng chung Anh (Commonweath) tại Sri Lanka. Thái tử Charles sẽ thay thế bà đến dự hội nghị. Điện Buckingham giải thích là “Nữ hoàng cần phải giảm bớt các chuyến công du xa xôi”.
Thế nhưng, theo Le Figaron, chính bản thân Nữ hoàng cũng nhận thức được rằng sắp đến lúc bà phải rời ngai vàng. Cho nên tuy không nói ra, bà bắt đầu tiến hành từ từ công việc chuyển tiếp quyền lực. Các nhà quan sát cũng nhận thấy rằng, thời gian gần đây Nữ hoàng ít khi xuất hiện trước công chúng. Bà chỉ đến Luân Đôn ba lần trong tuần. Phần lớn thời gian bà ngự tại điện Windsor.
Theo nhận định chung của các chuyên gia, việc Nữ hoàng cử hoàng tử xứ Galles đến thượng đỉnh Commnweath chứng tỏ Nữ hoàng cảm nhận được là Charles và Camilla đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận quyền hành.
Lầu Năm Góc và đồng đô-la Wall Street
Tình dục, tiền bạc và quyền lực. Mối liên kết xưa như trái đất này cung cấp không biết bao nhiêu cảm hứng cho các nhà làm phim. Thế nhưng, lần này, thực tế vượt qua cả các kịch bản nổi tiếng nhất của Hollywood.
Chắc hẳn độc giả ai cũng còn nhớ vụ tai tiếng ngoại tình khiến ông trùm ngành tình báo Mỹ CIA David Petraeus phải từ chức. Những tưởng sự việc xảy ra buộc ông phải về hưởng cảnh an nhàn trước tuổi. Vậy mà gần đây báo chí Hoa Kỳ tiết lộ vài tháng sau khi từ chức, cựu trùm lãnh đạo CIA được bổ nhiệm lãnh đạo một trong những quỹ đầu tư đầy quyền lực nhất tại Wall Street.
Theo tiết lộ của tờ Wall Street Journal, được phụ san kinh tế báo Le Monde trích dẫn lại, David Petraeus sẽ lãnh đạo cơ quan KKR Global Institut, với nhiệm vụ nghiên cứu về sự cân đối của các nền thị trường lớn, vai trò của ngân hàng trung ương và các rủi ro đến từ các nước mới trỗi dậy.
Tờ báo nhận định các kinh nghiệm và các mối quan hệ trên toàn cầu và với các tập đoàn lớn của Mỹ mà ông có được mới chính là điều khiến cho Wall Street phải thèm đến rõ dãi.
Bài viết nói rõ là KKR có tổng trị giá 76 tỷ đô-la chuyên về các hoạt động mua lại doanh nghiệp bằng LBO, tức là mua lại doanh nghiệp với chi phí tốn kém thấp nhất.
Theo Le Monde, dường như có mối liên hệ ngầm giữa Wall Street và Lầu Năm Góc. Không chỉ có ở Mỹ mà ngay cả tại châu Âu cũng vậy. Các cơ sở tài chính và các ngân hàng thương mại thường tuyển dụng công khai các cựu quan chức tình báo cũ để khai thác tối đa tài xử sự của họ.
Le Figaro trong mục “Câu chuyện trong ngày” cũng đề cập đến chủ đề qua bài viết đề tựa “Gián điệp, hãy đứng lên và gia nhập làng tài chính”.
Tờ báo cho hay là không chỉ có cựu trùm tình báo CIA Mỹ gia nhập lãnh vực tài chính, mà còn có cả cựu tình trùm báo MI5 uy tín của Anh quốc, anh em kết nghĩa của “MI6” của James Bond. Ông Jonathan Evans cũng vừa có chân trong hội đồng quản trị của ngân hàng HSBC.
Theo Le Figaro, sở dĩ HSBC tuyển dụng vị cựu quan chức cao cấp ngành tình báo Anh này là nhằm mục đích khôi phục lại hình ảnh bị hoen ố sau vụ chính quyền Hoa Kỳ xử phạt 2 tỷ đô-la cách đây 6 tháng. HSBC bị tố cáo là đã có hoạt động giao dịch rửa tiền cho các tổ chức mafia Mêhicô.

Không có nhận xét nào: