Pages

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Chảy máu chất xám – vấn đề của Đông Nam Á

Liệu các nước ASEAN có nên mãi phụ thuộc vào nhân công giá rẻ và để tuột mất nguồn chất xám của mình sang các nước phát triển?


Katherin Choy là đại diện của Hội sinh viên Malaysia tại Victoria. (ABC)

Đó là vấn đề mà Katherin Choy từ Đại học Melbourne, chọn để trình bày trong tham luận tại Diễn đàn Thanh niên Đông Nam Á tại Australia vừa qua.
Thủ lĩnh của hội sinh viên Malaysia cho biết qua nghiên cứu cô nhận thấy kinh tế Đông Nam Á không thể phụ thuộc vào lao động phổ thông giá rẻ. Nếu các nước Đông Nam Á tăng trưởng kinh tế ổn định trong nhiều thập kỷ qua do luôn nhận được nguồn đầu tư dồi dào và xuất khẩu tốt thì hiện nay đang phải đối diện với tình trạng kinh tế phát triển chậm do sản xuất đình trệ. Theo cô, chính lao động có trình độ cùng các nghiên cứu đột phá và công nghệ, sáng tạo mới là chìa khóa đẩy các nước trong khu vực tiến về phía trước.



“Có thể nhìn vào Hàn Quốc. Làm sao họ có thể đạt được mức sống như vậy? Đó là nhờ nền chính trị ổn định, các chính sách kinh tế đổi mới mang lại nguồn đầu tư dồi dào, cơ sở hạ tầng, các nghiên cứu và dự án phát triển giúp giữ chân nhân tài, biến họ thành nội lực để phát triển đất nước,” cô nói.
Katherine chia sẻ cô đã tìm hiểu cách thức mà nhiều nước thực hiện để tận dụng và bảo vệ nguồn chất xám của mình và thấy rằng việc trở về quê hương làm việc trực tiếp không hẳn đem lại lợi ích tốt nhất.
“Rất nhiều người hãy còn giữ suy nghĩ cũ là chỉ có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước khi trở về làm việc trực tiếp.
“Trung Quốc chẳng hạn áp dụng chương trình cho phép sinh viên Trung Quốc ở lại nước ngoài để thu thập các kiến thức và thiết lập quan hệ với các trung tâm tại nước sở tại nhằm tăng cường trao đổi kiến thức đặc biệt trong lĩnh vực R&D (Nghiên cứu và phát triển).
“Điều này cho phép Trung Quốc tham gia vào các nghiên cứu mà tại thời điểm đó nước này không có đủ điều kiện tiến hành nhưng sau đó lại có thể thu nhận được kiến thức và công nghệ.”
Nếu Trung Quốc tận dụng mạng lưới chất xám trong lĩnh vực học thuật tại nước ngoài, thì Katherin cho biết Ấn Độ lại tìm cách khuyến khích nguồn kiều hối từ các doanh nghiệp Ấn ở nước ngoài bằng các quy định về luật và thuế. Các chuyên gia Ấn có thể mở doanh nghiệp tại Silicon Valley nhưng tận dụng được nguồn lao động gia công tại Ấn Độ. Những doanh nghiệp có quan tâm với cả Mỹ và Ấn Độ này chính là lực đẩy đưa nguồn ngoại tệ và công nghệ về Ấn Độ.
Một bài học mà Kathrine nhận thấy từ chính sách của Philippines là việc cho phép giữ hai quốc tịch cũng là một cách cho phép người di dân giữ mối liên kết của mình với quê hương và quốc gia mình hiện sinh sống.
Tại Malaysia, quê hương của Katherine, chính phủ đưa ra chính sách đặc biệt để lôi kéo nhân tài như áp dụng mức thuế cá nhân 15% trong 5 năm cho người trở về Malaysia làm việc, họ cũng được miễn thuế đối với tất cả tài sản mang theo. Nếu gia đình của lao động có trình độ trở về Malaysia là người nước ngoài, họ sẽ được chấp nhận là thường trú nhân trong vòng sáu tháng kể từ ngày nộp đơn. Họ cũng được miễn thuế khi mua xe hơi được sản xuất hay lắp ráp nội địa.
Với tham luận tại diễn đàn lần này, Katherine hi vọng có thể chia sẻ nghiên cứu của mình với các bạn bè trong khu vực và mong rằng các chính phủ ASEAN có những chính sách tốt hơn để thu giữ nhân lực có trình độ trong khu vực./ABC

Không có nhận xét nào: