Pages

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

“GIẤC MƠ TRUNG HOA” VÀ CUỘC TRANH ĐOẠT BIỂN ĐÔNG


BienDong.Net: Xét từ góc độ văn hóa chính trị nước lớn truyền thống của Trung Quốc, không mấy khi một vấn đề địa chính trị cục bộ như Biển Đông lại liên quan đến một chủ thuyết quốc gia như “Giấc mơ Trung Hoa” mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đưa ra sau khi lên nắm quyền lực tối cao tại Trung Quốc.
Thế mà Biển Đông lại có liên quan tới chủ thuyết đó, ít nhất trên hai phương diện.
Kể từ khi trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình bắt đầu chính thức đề cập đến “Giấc mơ Trung Hoa”. Khái niệm này trừu tượng và sự trừu tượng được tạo ra một cách có ý thức. Nhưng đôi lần chính ông Tập Cận Bình nêu ra một số nội hàm cụ thể. Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (BFA) năm 2013, ngày 7/4, Chủ tịch nước Trung Quốc nói: “Vào giữa thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến và hòa hợp, cụ thể là, sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hòa sẽ thành hiện thực”.

“Giấc mơ Trung Hoa” bản chất là một khẩu hiệu nhằm tập hợp lực lượng trong nước vào lúc nền kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn khó khăn, thử thách mới và to lớn. Sau khi tăng trưởng đạt đến đỉnh điểm vào năm 2007, kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển chậm lại. Vào lúc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu nổ ra từ mùa thu năm 2008, những gói kích thích kinh tế lớn mà chính phủ Trung Quốc đưa ra đã duy trì nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định với tốc độ khá cao trong tình hình kinh tế toàn cầu tụt dốc không phanh. Các liều kích thích kinh tế trong giai đoạn này nhằm đạt được một mục tiêu quan trọng là giữ cho nền kinh tế ổn định trước Đại hội ĐCSTQ 18, phần nào phản ánh tư duy nhiệm kỳ. Nhưng các gói kích thích tài chính tiền tệ đã để lại hàng loạt hậu quả tiêu cực về nợ xấu, nhiều ngành sản xuất cung vượt quá cầu do sản lượng dư thừa và làm sâu sắc thêm các bất cập về cơ cấu kinh tế. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc hiện nay đang đối mặt với những sức ép lớn từ bên trong và bên ngoài, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và căng thẳng xã hội leo thang. Một trong vấn đề sống còn nhưng hết sức nan giải là cải cách cơ cấu kinh tế nhằm tạo ra sự phát triển bền vững.
Trước tình hình đó, để đoàn kết trong đảng và tạo sự nhất trí xã hội, ổn định lòng dân, đồng thời kích thích chủ nghĩa dân tộc nước lớn, ông Tập Cận Bình kêu gọi mọi người Trung Quốc hướng tới “Giấc mơ Trung Hoa” nhằm thực hiện sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.
Một trong những nội hàm của giấc mơ đó là xây dựng Trung Quốc thành một “cường quốc biển”. Theo một ước lệ, một cường quốc biển phải có ít nhất 3 triệu km2. Tính theo Công ước Luật biển quốc tế 1982, Trung Quốc chỉ có khoảng hơn 1 triệu km2 biển. Trung Quốc phải làm sao kiếm thêm được ít nhất 2 triệu km2 nữa? Biển Hoa Đông là một dải biển hẹp, rộng không quá 400 hải lý. Tại đây, người Trung Quốc không những phải đối mặt với với hải quân hiện đại của Hàn Quốc và Nhật Bản mà đàng sau hai nước này là lực lượng mạnh của Mỹ. Sức mạnh hải quân của các quốc gia này vượt trội so với hải quân Trung Quốc về chất lượng cũng như số lượng.
Tính đi tính lại, Trung Quốc xem Biển Đông là cơ hội làm ăn lớn. Tranh đoạt Biển Đông là quốc sách hàng đầu của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ thời ông Giang Trạch Dân trở đi. Nhưng đến thời ông Tập Cận Bình thì chiến lược tranh đoạt Biển Đông được đẩy lên mức cao chưa từng thấy. Ông Tập Cận Bình trong 6 tháng đầu cầm quyền đã hai lần viễn du phương Nam và đặt chân đến Biển Đông. Đó là điều đặc biệt ít xẩy ra tự cổ chí kim. Các hoàng đế Trung Hoa từng nhiều lần hạ du Giang Nam, nhưng đến thăm Biển Đông, mà người Trung Quốc gọi là Nam Hải, thì chưa có tiền lệ nào. Hải Nam - điểm tận cùng của lãnh thổ đế chế Trung Hoa, trong nhiều thế kỷ bị xem là “Nam hoang”.
Trong chuyến thăm địa phương đầu tiên của nhà lãnh đạo này sau khi lên cầm quyền, vào tháng 12/2012, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Hạm đội Nam Hải. Và trên một trong các tàu chiến của Hạm đội này, ông Tập đề cập đến “Giấc mơ Trung Hoa”, khi nói chuyện với các thủy thủ: “Giấc mơ này có thể nói là giấc mơ về một quốc gia hùng mạnh. Đó là giấc mơ về một quân đội hùng mạnh”.
Lần tiếp theo, vào dịp dự Diễn đàn Bác Ngao, ông Tập lại thăm tàu chiến và tàu đánh cá. Ông khuyến khích ngư dân Trung Quốc ở Hải Nam và Quảng Đông tích cực ra khơi, “đánh được nhiều cá lớn”.
Không nói thì cũng rõ, khi lãnh đạo tối cao nói một, ắt địa phương ra sức làm mười. Hải quân và các lực lượng chấp pháp, cùng ngư dân của Trung Quốc càng đẩy mạnh tranh chấp, đẩy mạnh khai thác Biển Đông. Đến cuối tháng 7 vừa rồi, Cục hải dương nhà nước Trung Quốc (SOA) hoàn thành việc tái cơ cấu, tích hợp chức năng của các cơ quan “chấp pháp” cũ, như Cục hải giám, lực lượng tuần duyên thuộc Bộ Công an, lực lượng thực thi luật pháp nghề cá trực thuộc Bộ Nông nghiệp và lực lượng cảnh sát biển thuộc Tổng cục hải quan... Theo báo Quân giải phóng Trung Quốc, SOA sẽ được trang bị các thiết bị, bao gồm cả vũ khí. Giới quan sát cho rằng các hoạt động tuần tra trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông sắp tới sẽ thiên về vũ lực hơn. Bên cạnh đó, các nhà đương cục Trung Quốc ở Hải Nam ra sức củng cố và khai thác Hoàng Sa của Việt Nam như một cứ điểm trọng yếu ở Biển Đông.
Đầu năm 2013, Trung Quốc vướng vào vòng lao lý với nước láng giềng chung Biển Đông là Philippines. Điều Trung Quốc lo ngại nhất ấy là từ vụ khiếu kiện của Philippines, Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển của Liên hợp quốc có thể đưa ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò phi pháp mà Trung Quốc đưa ra. Đường lưỡi bò này bao trùm một diện tích hơn 2 triệu km2 Biển Đông, cộng với những vùng biển ở Hoàng Hải, biển Hoa Đông mới có thể khớp với diện tích cần thiết để thực hiện giấc mộng trở thành “cường quốc biển”.
Ở một phương diện thứ hai, lòng dân Trung Quốc đang ngày càng không yên. Trung Quốc là một quốc gia trở nên giàu có nhưng một bộ phận lớn dân chúng vẫn nghèo khó. Sự phân chia lại của cải và các cải cách nhằm bảo đảm công bằng xã hội luôn húc đầu vào bức trường thành của các tập đoàn lợi ích. Thế thì giới cầm quyền dựa vào đâu để duy trì quyền lực và giữ “ổn định xã hội”? Một trong các công cụ ấy là quân đội.
Vai trò quân đội được đề cao thì ngân sách quân sự càng tăng, dù 23 năm qua (trừ 2010) đã liên tục đạt hai chữ số; và theo Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI), ngân sách này tăng gấp ba lần trong 10 năm qua, hiện nay tương đương với tổng chi phí quốc phòng của Pháp, Nhật Bản và Anh và lớn hơn ngân sách quốc phòng 12 nước Châu Á cộng lại... Binh chủng nào cũng cạnh tranh để có phần bánh lớn hơn trong ngân sách quốc phòng và hải quân chiếm “phần bánh sư tử”. Ngoài hải quân, các lực lượng “chấp pháp” dân sự và bán quân sự trên biển cũng tích cực hoạt động, mở rộng quy mô đội tàu và tần suất hoạt động. Đó đều vì lợi ích cục bộ của họ.
Vì vậy, từ Hoàng Hải qua biển Hoa Đông tới Biển Đông đâu đâu cũng thấy các lực lượng trên biển của Trung Quốc ra sức gây sự với các nước láng giềng. Càng tích cực gây sự, thành tích càng lớn, có như vậy mới bảo đảm phần bánh ngân sách hiện tại, đồng thời làm cho phần bánh này lớn hơn trong tương lai.
Giới lãnh đạo tại Bắc Kinh dung túng và khuyến khích các hoạt động gây căng thẳng của hải quân và các lực lượng biển cũng là một cách hướng sự chú ý của dư luận ra bên ngoài, cũng là một cách kích động chủ nghĩa dân tộc nước lớn Trung Hoa. Các vùng biển bao bọc Trung Quốc trở thành nơi tạo ra một kiểu xung đột cục bộ có tính thường trực để hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài. Đó cũng chính là một trong các mục tiêu của “Giấc mơ Trung Hoa”.
2013 là năm Trung Quốc tập trung đả kích và cô lập Philippines. Không ai lạ gì chiến lược bẻ bó đũa từng chiếc của Trung Quốc. Nếu họ đè bẹp được ý chí của người Philippines, họ sẽ làm như vậy với các quốc gia biển láng giềng khác. Ngoại giao Trung Quốc tích cực hoạt động ở Đông Nam Á, tạo ra “bình mới” khi nói nhiều về thiện chí Trung Quốc thực hiện DOC và thương lượng COC. Nhưng thực tiễn quá khứ cho thấy các hoạt động ngoại giao cũng chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận, câu giờ và tiếp tục chia rẽ ASEAN.
Lãnh đạo Trung Quốc nêu “Giấc mơ Trung Hoa”, đó là nhằm duy trì chính thể cầm quyền của họ. Lớp người giàu có ở Trung Quốc có một giấc mơ khác, đó là duy trì các đặc quyền đặc lợi và các lợi ích tập đoàn của họ. Tầng lớp thanh niên có một giấc mơ khác, đó là có việc làm và cơ hội tiến thân. Còn người nông dân và dân nghèo thành thị chỉ mong đủ ăn, đủ mặc, tuổi già không bị bỏ rơi.
Với các mâu thuẫn nội tại, “Giấc mơ Trung Hoa” khó mà hiện thực. Cũng như các nỗ lực thôn tính Biển Đông đang tạo ra những mầm họa lâu dài cho chính sách đối ngoại và sự ổn định của Trung Quốc, trong đó có việc nó ngày càng lôi cuốn các nước lớn can dự vào một vùng biển nằm tại sườn phía nam của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: