Pages

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Nhật-Trung : Tranh chấp bám rễ quanh quần đảo Senkaku


Tàu hải giám Trung Quốc chạy gần các tàu tuần duyên Nhật tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu hải giám Trung Quốc chạy gần các tàu tuần duyên Nhật tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.
REUTERS/Kyodo/Files
Báo Libération ra ngày hôm nay 13/08/2013 đặc biệt quan tâm đến vụ tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư qua bài viết : « Tranh chấp bám rễ tại vùng quần đảo Senkaku ». Libération nhận định căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo đã leo thêm một nấc mới vào thứ tư tuần trước khi lần đầu tiên kể từ tháng 9, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã hiện diện 28 giờ liền cạnh quần đảo Senkaku.

Báo Libération gọi đây là trò chơi mèo bắt chuột không có hồi kết giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Bài báo thuật lại sự kiện ba hoặc bốn tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào khu vực quần đảo Senkaku và bị Nhật xem là xâm phạm lãnh thổ quốc gia. Bị yêu cầu phải lùi ra xa, phía Trung Quốc trả lời lại qua điện đài bằng hai thứ tiếng Hoa và Nhật rằng quần đảo này thuộc chủ quyền Trung Quốc với cái tên là Điếu Ngư và sau đó rút lui.
Theo Libération, quần đảo này – với năm đảo nhỏ, đầy tiềm năng khoáng sản tự nhiên và nguồn cá dồi dào – chịu sự quản lý của Nhật từ năm 1895 và từ nhiều thập niên nay, đã trở thành món mồi béo bở mà Trung Quốc và Đài Loan muốn thâu tóm.
Ngày 06/08 vừa qua, Tokyo đã cho thấy sức mạnh của mình bằng việc cho hạ thủy chiếc tàu khu trục đầu tiên được đặt tên là Izumo. Đây là chiếc chiến hạm lớn nhất (có chiều dài 248m) do Nhật Bản chế tạo kể từ sau Đệ nhị Thế chiến và sẽ chỉ thực sự đưa vào sử dụng vào năm 2015. Thế nhưng, theo tờ báo Pháp, việc Nhật tung ra chiếc tàu này trong bối cảnh một tuần lễ khá căng thẳng thì chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa.
Khi cho hạ thủy chiếc tàu, Tokyo khẳng định rằng chiếc Izumo chỉ dành cho công tác kiểm soát vùng biên giới trên biển, chống tàu ngầm và cứu hộ trong trường hợp thiên tai. Thế nhưng, Bắc Kinh cáo buộc Tokyo là đã cho đóng một chiếc tàu sân bay trá hình. Đồng thời, việc loan báo thành lập một lực lượng đặc biệt gồm 600 người nhằm giám sát và bảo vệ quần đảo Senkaku càng làm cho chính quyền Trung Quốc dị ứng và lên án đà « quân sự hóa » của Nhật Bản.
Ông Jean-Vincent Brisset, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp IRIS nhận xét : « Đả kích Nhật cũng như chống nạn tham nhũng là hai đề tài được dân Trung Quốc tán thành, cho phép che mắt dân chúng trên một số vấn đề thực sự nóng bỏng như kinh tế và ô nhiễm. Thế nhưng, Chủ tịch Tập Cận Bình, mặc dù phải trấn an những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước ; nhưng vẫn cố gắng tạo cho Trung Quốc dáng vẻ một nước bình thường ».
Phía Bắc Kinh thì đang tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các quốc gia láng giềng. Cuối tháng 7, Trung Quốc đã kết hợp nhiều đơn vị hải quân, dưới một tên gọi duy nhất là « lực lượng tuần duyên ». Cách gọi này cho phép Bắc Kinh trang bị cho lực lượng này các loại vũ khí hạng nhẹ như súng vòi rồng và súng tiểu liên. Đây là một sự leo thang làm tăng mối lo ngại là tình hình sẽ xấu đi thêm.
Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan tư vấn chiến lược quốc tế Nhật Bản CNC Japan cho rằng : « Có rất ít khả năng Trung Quốc sẽ dùng đến vũ lực sắp tới để củng cố việc bảo vệ quần đảo trong bối cảnh Hoa Kỳ nhiều lần cho thấy ý định sẽ bảo vệ Nhật Bản ».
Ông Jean-Vincent Brisset nhận định : « Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là tàu Nhật Bản và Trung Quốc vô tình va chạm vào nhau và làm cho hàng chục người chết. Tình hình khi đó có thể chuyển biến rất nhanh vì cả Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không kiềm chế được các thành phần dân tộc chủ nghĩa trong nước mình. Ỏ cả hai phía, người dân đều sẵn sàng lao vào cuộc chiến ».
Theo thăm dò do tổ chức phi chính phủ Nhật Bản Genron và nhật báo Trung Quốc China Daily công bố tuần trước, 90% người Trung Quốc không có thiện cảm với người Nhật và ngược lại.
Trong bối cảnh đó, Libération ghi nhận : Từ một tháng nay, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe luôn luôn nhắc lại : « Nhật luôn muốn đối thoại, thẳng thắn và vô điều kiện ». Theo ông Jean-Vincent Brisset, nếu Nhật Bản và Trung Quốc ký hiệp định tối thiểu cho phép đánh cá như Nhật Bản và Đài Loan đã từng ký với nhau, thì đó sẽ là một bước tiến nhỏ dẫn tới sự hòa dịu.
Ông nói tiếp : « Ta cũng có thể tưởng tượng ra việc thành lập một cực nghiên cứu hải dương học với việc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) gửi đến nơi một số khoa học gia râu ria xồm xoàm, và điều đó sẽ làm căng thẳng giảm bớt. Khi có mặt người lớn, trẻ con sẽ không dám đánh nhau ».
Kinh tế Nhật : Tăng trưởng quý II yếu kém
Cũng liên quan đến Nhật Bản nhưng các nhật báo hôm nay khá quan tâm đến nền kinh tế Nhật qua bài viết trên báo Le Monde mang tựa : « Tăng trưởng Nhật yếu ớt ở quý II bất chấp các nỗ lực của Thủ tướng Abe ». Theo tờ báo, Thủ tướng Abe đang cân nhắc xem có nên tăng thuế tiêu thụ hay không để giảm nợ công. Thế nhưng, điều này gây lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Theo bài báo, hiện nay Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề nợ công. Theo số liệu ngày 9/08, lần đầu tiên, con số này đã đạt mức 7.800 tỷ euro. Con số này sẽ tăng đến 250% GDP vào năm 2013, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI. Vào thứ năm 8/08 vừa qua, chính phủ đã thông qua một kế hoạch giảm chi tiêu 8.000 tỷ yên (62 tỷ euro) trong hai năm tới.
Quyết định tăng thuế tiêu thụ vẫn chưa được chính phủ của ông Abe xác định. Ông Abe lo ngại sẽ gây ra sự suy thoái như lần tăng thuế tiêu thụ trước đây vào năm 1997.
Để giảm thâm hụt, chính phủ Nhật sẽ nhắm đến giảm chi tiêu xã hội, đang tăng 1000 tỷ hàng năm do tình trạng dân số già đi và tài trợ cho các chính quyền địa phương. Thế nhưng, báo Le Monde nhận định, đó là những chủ đề nhạy cảm, bởi vì người già và nông dân là những thành phần ủng hộ chính phủ của ông Abe.
Bên cạnh đó, báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến kinh tế Nhật qua bài viết : « Các doanh nghiệp đang dè chừng chính sách Abenomics ». Theo báo Les Echos, mức độ tăng trưởng chậm lại ở 0,6% vào quý II. Các tập đoàn Nhật có vẻ chưa được chính sách khôi phục kinh tế của thủ tướng Abe thuyết phục. Để chiêu dụ giới doanh nghiệp, Thủ tướng Abe hứa hẹn sẽ đưa ra các cải cách cơ cấu nhưng hiện nay vẫn chưa có dự án nào cụ thể.
Đợt baby-boom bất ngờ tại Vương Quốc Anh
Nhìn sang Vương Quốc Anh, báo Le Monde hôm nay nhận định : Anh đang trẻ hóa dân số. Từ tháng 6/2011 đến 2012, nước Anh đã xảy ra hiện tượng baby-boom, tức là nhiều trẻ sơ sinh được sinh ra. Với 813.200 trẻ được sinh ra, đây là đợt tăng dân số cao nhất từ năm 1972, theo số liệu được Cơ quan Thống kê quốc gia (ONS) đăng vào ngày thứ sáu 9/08/2013. So sánh với các nước láng giềng, dân số Anh tăng hơn cả Pháp và Đức trong cùng kỳ.
Nguyên do dẫn đến hiện tượng baby-boom, trước tiên hết là nhập cư, động lực chính của hiện tượng này. Sinh sản tăng nhanh là do các bà mẹ gốc châu Phi và Ấn Độ sinh nhiều.
Theo Johnathan Portes, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế Xã hội thì lợi ích của hiện tượng baby-boom về lâu về dài là không thể chối cãi được, bởi vì các trẻ sinh ra ngày hôm nay sẽ góp phần đóng góp vào ngân sách quốc gia, chi trả lương hưu trí và các dịch vụ công cộng trong tương lai.
Thế nhưng, ý kiến trên trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Migration Watch, một hiệp hội cánh hữu chống lại tình trạng nhập cư. Đối với tổ chức này thì « việc dân số trẻ đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu về nhà ở, trường học và bệnh viện. Chính quyền cần chống lại nạn nhập cư tràn lan ».
Đảng của Thủ tướng Anh David Cameron cam kết giảm số người nhập cư ngoài Châu Âu xuống còn 100.000 người/năm từ nay đến 2015. Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Nội vụ đã tung ra một chiến dịch quảng cáo mang tên « Go Home », khuyến khích người cư trú bất hợp pháp trở về quê quán của họ, nếu không, sẽ bị bắt hoặc bị đày. Nhiều người cho đây là kỳ thị chủng tộc.
Nguy cơ rửa tiền tại các vườn nho Pháp
Nhìn sang thời sự tại Pháp, những năm gần đây, người Trung Quốc và người Nga ồ ạt sang Pháp mua lại các vườn nho. Hôm nay, báo Le Figaro quan tâm đến tình hình này qua bài viết : « Nguy cơ rửa tiền tại các vườn nho Pháp ».
Tracfin, cơ quan thông tin tài chính trực thuộc bộ Kinh tế nhằm chống nạn rửa tiền, bắt đầu tấn công vào lĩnh vực trồng nho để điều tra về nạn rửa tiền. Theo một nguồn tin từ Bộ Kinh tế, các công chứng viên hoặc các ngân hàng đã thông báo cho Tracfin các nguồn tài chính không giải thích được khi đồng tiền đi từ nước này sang nước khác. Tracfin cho biết, trên 27.000 bảng kê khai hàng năm – bị nghi ngờ là rửa tiền – mà Tracfin nhận được, có đến hàng chục bảng có liên quan đến lĩnh vực trồng nho.
Thế nhưng, trên các đường phố của thành phố Bordeaux, nơi có nhiều vườn nho, thì không hề có tí đồn đãi nào về nạn rửa tiền. Một giáo sư dạy đại học cho biết : « Tôi chưa bao giờ nghe thấy những vụ đầu tư mờ ám ». Giám đốc bảo tàng rượu vang tại Bordeaux và đồng thời là chủ một cửa tiệm tại Trung Quốc hùng hồn tuyên bố : « Tôi biết rất nhiều chủ người Trung Quốc tại Bordeaux. Sự đầu tư của họ là trong sạch ». Một người khác kể lại : « Rất khó chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc vì phải qua nhiều thủ tục. Do đó, tôi không nghĩ là có khả năng rửa tiền. Còn đối với người Nga thì hơi khó vì không bao giờ biết được đồng tiền đến từ đâu ».
Tracfin khuyến khích các công chứng viên và các ngân hàng thận trọng hơn đối với các giao dịch chuyển tiền đối với các chủ sở hữu trong lĩnh vực trồng nho và sản xuất rượu vang.
BlackBerry đầu hàng trước Samsung và Apple
Sự kiện nhà sản xuất điện thoại thông minh Canada BlackBerry đang gặp khó khăn và có khả năng sẽ phải chuyển nhượng tập đoàn được các nhật báo hôm nay đồng loạt quan tâm. Trên trang nhất báo Les Echos là dòng tựa : « BlackBerry đầu hàng trước Samsung và Apple ». Trang nhất phụ lục kinh tế trên tờ Le Figaro chạy tít : « Bị Samsung và Apple tiêu diệt, BlackBerry sẽ phải rao bán công ty ».
Theo báo Les Echos, nhà tiên phong Canada trong việc chế tạo điện thoại thông minh đã thừa nhận các thất bại về mặt chiến lược. Thị phần của BlackBerry chỉ còn là 3%. Ban quản trị của BlackBerry bắt đầu cân nhắc đến khả năng hợp tác, sáp nhập hoặc bán công ty.
Báo Le Figaro thì cho biết tập đoàn công nghệ Canada, BlackBerry, đã thông báo rằng các thành viên trong ban quản trị điều hành công ty đã thống nhất, và đi đến quyết định thành lập riêng một « uỷ ban đặc biệt » để tìm ra những « phương án thay thế chiến lược » trong việc giúp cải thiện và nâng cao giá trị của công ty. Theo đó, những « phương án thay thế chiến lược » này sẽ bao gồm khả năng liên kết, sáp nhập với công ty khác, hoặc thậm chí là bán toàn bộ tài sản và bán toàn bộ công ty.

Không có nhận xét nào: