Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Quốc hội VN tổng kết bỏ phiếu tín nhiệm


Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội VN
Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Việt Nam
Các cuộc thăm dò tín nhiệm do Quốc hội Việt Nam thực hiện với các quan chức dân cử trong hệ thống hội đồng nhân dân các cấp và các chức danh cao cấp được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cho thấy có ít quan chức bị tín nhiệm thấp.
Trong lúc đó, BBC nhận các nguồn tin nói việc lấy phiếu tín nhiệm với giới chóp bu trong Đảng Cộng sản sẽ không xảy ra tại Hội nghị Trung ương tháng 10, khác với dự kiến ban đầu.



Các cuộc bỏ phiếu cho thấy có một tỷ lệ rất thấp các quan chức quốc hội và lãnh đạo địa phương có tỷ lệ tín nhiệm thấp, theo trang tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, hôm thứ Năm:
Tổng kết công tác lấy phiếu tín nhiệm hôm 12/9, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam cho rằng các cuộc thăm dò tỏ ra "công khai, minh bạch, nghiêm túc và dân chủ".
"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không có người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” vượt trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội," tờ Bấmbáo điện tử của Chính phủ cho hay.
Ở cấp Tỉnh, chỉ có 2 trường hợp quan chức có kết quả thăm dò thấp, trong khi ở cấp huyện, có 12 quan chức có kết quả thấp.
Hội đồng nhân dân tại 63 tỉnh, thành đã lấy phiếu tín nhiệm với 907 người, và chỉ có hai người 'tín nhiệm thấp' và 689 đạt 'tín nhiệm cao'.
Riêng ở cấp xã, hay còn gọi là cấp cơ sở, trên tổng số gần 53 nghìn người được lấy thăm dò, chỉ có 396 người có “tín nhiệm thấp”.
Các cuộc lấy tín nhiệm được Quốc hội Việt Nam tiến hành trong hệ thống nội bộ của mình, tuy không có kết quả thăm dò, kiểm chứng độc lập, song cũng xuất hiện ý kiến phê phán, chỉ trích chất lượng và cách làm của Quốc hội.

'Bất hợp lý'

"Chẳng hiểu tín nhiệm cao là thế nào và cũng không thể đánh giá, so sánh giữa 2 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm vì có quá nhiều tiêu chí."
Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Hôm thứ Năm, Báo Đầu tư dẫn lời giới chức cấp cao ở Quốc hội cho rằng việc thăm dò tín nhiệm với nhiều vị trí 'dân cử' như cách làm hiện tại của Quốc hội là vô nghĩa vì những người này không chịu trách nhiệm cá nhân, trong khi về cách làm, các tiêu chí thăm dò có thể là rối rắm.
“Những người giữ chức danh dân cử 'nói theo nghị quyết, làm theo nghị quyết, phát biểu theo nghị quyết' không chịu trách nhiệm cá nhân trước nhiệm vụ được giao và cũng không trực tiếp ra các quyết định, chỉ thị nên không nhất thiết phải lấy phiếu tín nhiệm”, ông K'so Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội được dẫn lời nói.
Theo ông Phước, với các quan chức trong hệ thống dân cử, chỉ nên "lấy phiếu tín nhiệm khi anh mắc khuyết điểm, sai phạm, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước.”
Về các tiêu chí thăm dò, ông Phước được dẫn lời cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức là 'tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp' là không cần thiết.
Tờ báo dẫn lời của ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng có bất hợp lý trong các tiêu chí và cách đánh giá.
"Chẳng hiểu tín nhiệm cao là thế nào và cũng không thể đánh giá, so sánh giữa 2 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm vì có quá nhiều tiêu chí,” ông Hiện được trích lời nói.
Tờ này còn dẫn lời của một Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Huỳnh Ngọc Sơn, cho rằng cần cải tổ phương pháp đánh giá.
“Đi tiếp xúc cử tri, cử tri bảo, sử dụng 3 tiêu chí trong lấy phiếu tín nhiệm là dĩ hòa vi quý. Vì tính toán trên phương diện toán học thì gần như không có trường hợp nào đạt phiếu tín nhiệm thấp quá 2/3 (mức để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm). Vì vậy, chỉ nên sử dụng 2 tiêu chí là tín nhiệm và tín nhiệm thấp," Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ quan điểm.

Phiếu tín nhiệm trong Đảng?

Trong khi đó, một số nguồn tin nói với BBC rằng có thể kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm với các lãnh đạo cao nhất trong Đảng sẽ không diễn ra tại Hội nghị Trung ương 8 trong tháng 10.
Hồi tháng Sáu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri ở Hà Nội rằng Ban Chấp hành Trung ương sẽ lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng bí thư trở xuống.
Ông Trọng nhấn mạnh đây là việc làm "cần thiết" và kết quả lấy phiếu sẽ được "công khai" cho người dân.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được cho rằng sẽ diễn ra tại Hội nghị Trung ương 8 trong tháng 10.
Tuy vậy, tin tức mới nhất từ Hà Nội nói có thể kế hoạch này sẽ bị hoãn lại.
Ý định để Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với cả Tổng Bí thư và các thành viên Bộ Chính trị được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là bước đi "tạo được uy tín của Đảng, tạo được lòng tin của đảng viên và quần chúng".
Tuy vậy, nếu quả thực kế hoạch này bị trì hoãn trong tháng 10, nó dường như cho thấy Đảng không muốn việc lấy phiếu sẽ dẫn đến xáo trộn nhân sự trong thời điểm hiện nay.

Không có nhận xét nào: