Cơ quan điều tra thuộc Công an TP Hà Nội tối 31/10 vừa chính thức ra quyết định khởi tố hai bị can trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thẩm Mỹ viện Cát Tường, bị khởi tố hai tội danh 'Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác' và tội 'Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt'.TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan, truyền thông trong nước đưa tin.
Cả hai tội danh trên lần lượt nằm trong điều 242 và điều 246 Bộ luật Hình sự, có mức án tối đa tổng cộng là 20 năm tù.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đã quyết định khởi tố nhân viên bảo vệ của Thẩm mỹ Viện Cát Tường tên Đào Quang Khánh, vì hành vi 'Xâm phạm thi thể'.
Hai ông Tường và Khánh đã bị công an bắt khẩn cấp hôm 22/10 và cùng ngày, công an đã khởi tố vụ án "giết người, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm".
Tuy nhiên trong khởi tố bị can không có các tội này. Mức cao nhất cho tội giết người là tử hình.
Cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy xác bà Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân bị cho đã thiệt mạng khi tới thẩm mỹ viện Cát Tường để hút mỡ và làm phẫu thuật nâng ngực.
Ông Nguyễn Mạnh Tường thú nhận đã ném xác bà Huyền xuống sông sau khi bà tử vong.
Tội danh 'có thể thay đổi'
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 1/11, Luật sư Ngô Thế Thêm, thuộc Văn phòng Luật sư Doanh Gia, đoàn luật sư Hà Nội, nói tội danh của ông Nguyễn Mạnh Tường có thể được thay đổi trong quá trình điều tra, vì hiện tại, thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
"Từng giai đoạn điều tra nhất định thì ta có những chứng cứ nhất định để quy thành tội nọ, tội kia," ông nói.
"Sau khi thu thập tài liệu chứng cứ đầy đủ mà thấy rằng không đúng tội này thì cơ quan điều tra có thể kết áp dụng các tội khác."
"Trong trường hơp cơ quan điều tra có kết luận về một tội nào đó, rồi chuyển sang cho Viện Kiểm sát, và Viện Kiểm sát đề nghị truy tố đi nữa, thì tòa án sau khi xem xét thấy rằng cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát định tội chưa đúng thì cũng có thể yêu cầu điều tra, thực hiện lại cho đúng."
"Thế nên sự đánh giá ở thời điểm hiện tại không có nhiều ý nghĩa cho việc định tội sau này."
"Tùy từng cấu thành của từng loại tội phạm, nhưng rõ ràng nếu chưa thấy hậu quả chết người xảy ra, tức là về mặt thực tế, chưa tìm thấy xác nạn nhân, thì cũng khó có thể kết luận."
"Việc xác định tội xâm phạm thi thể thì cũng khó, vì chưa tìm thấy thi thể đâu."
Kiểm điểm cá nhân, tập thể
Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/11, UBND Hà Nội vừa có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc, các báo trong nước đưa tin.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, được báo điện tử Dân Trí dẫn lời trong tin đăng ngày 30/10 nói quận này "đang xem xét kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân nhiều cán bộ để có hình thức xử lý tương xứng."
Đài tiếng nói Việt Nam trong tin đăng ngày 30/10 cho biết Thẩm mỹ viện Cát Tường được UBND quận Hai Bà Trưng cấp giấy kinh doanh ngày 3/5/2013, trong đó ghi rõ ngành nghề kinh doanh là 'dịch vụ khám chữa ngoại khoa và phẫu thuật tạo hình', nhưng lại chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép hoạt động.
Nhận xét về trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vụ án này, luật sư Ngô Thế Thêm nói "đây là trách nhiệm về quản lý", tuy nhiên "chế tài trong việc quản lý thì không cụ thể."
"Có nghĩa là các cơ quan nhà nước đều có chế tài là không làm thì phải chịu trách nhiệm"
"Nhưng trách nhiệm đó quy thành vật chất hay bằng tinh thần công tác, nghiệp vụ, thì không cụ thể," ông nhận định.
Vụ án chấn động dư luận trong nước vì tính chất tàn nhấn trong hành động của một bác sỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét