Thủ tướng Việt Nam hẹn trả lời bằng văn bản về “ung nhọt tham nhũng” với lý do không đủ thời gian khi trả lời chất vấn của Quốc hội.
Ông Nguyễn Tấn Dũng có một giờ đồng hồ để trả lời câu hỏi của 14 đại biểu trong chiều ngày 21/11.
Tuy vậy, với một số câu hỏi khác, trong đó có liên quan tham nhũng, ông Nguyễn Tấn Dũng nói sẽ “trả lời bằng văn bản và đăng công khai” trên trang web Chính phủ.Vị Thủ tướng ưu tiên trả lời về tình hình kinh tế, nợ đọng văn bản, các dự án lọc hóa dầu, tranh cãi về thủy điện.
Người theo dõi phiên này có thể thấy Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trước đó đã nhắc Thủ tướng là thời gian sắp hết để ông Hùng còn tổng kết.
Trước phần trả lời chất vấn, ông Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo giải trình về tình hình kinh tế, xã hội khoảng nửa tiếng, nhưng vấn đề tham nhũng không được nhắc đến.
‘Cắt bao nhiêu ung nhọt?’
Có hai người trong số 14 đại biểu đặt câu hỏi về tham nhũng cho ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Lê Như Tiến, Đại biểu tỉnh Quảng Trị, muốn Thủ tướng “cho biết trách nhiệm giải trình và trách nhiệm người đứng đầu của mình trước Quốc hội về kết quả phòng, chống tham nhũng”.
"Kể từ khi Quốc hội giao trọng trách là người đứng đầu vào ngày 27/6/2006 đến nay trải qua gần 2 nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt quốc nạn tham nhũng?"
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Quảng Trị
Ông Tiến đã nhắc lại sự kiện Thủ tướng tiếp xúc với cử tri ở Hải Phòng vào năm nay khi ông Dũng mô tả điều ông gọi là “Thất thoát ở các tổng công ty và tập đoàn là ung nhọt trong một cơ thể, dù đau xót cũng phải cắt bỏ”.
Đại biểu tỉnh Quảng Trị hỏi: “Kể từ khi Quốc hội giao trọng trách là người đứng đầu vào ngày 27/6/2006 đến nay trải qua gần 2 nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt quốc nạn tham nhũng?”
Bà Nguyễn Thị Khá, từ Trà Vinh, đặt vấn đề “các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua báo chí và người tố giác, sự phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn hạn chế”.
“Số tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng chỉ đạt khoảng 20%, có vụ chỉ 10% là vì sao?”
“Sắp tới Thủ tướng có giải pháp gì đột phá quyết liệt khắc phục hạn chế nêu trên, đặc biệt là 10 vụ đại án tham nhũng đã, đang và sắp đem ra xét xử.”
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành một tiếng trả lời các vấn đề khác.
"Sắp tới Thủ tướng có giải pháp gì đột phá quyết liệt khắc phục hạn chế nêu trên, đặc biệt là 10 vụ đại án tham nhũng đã, đang và sắp đem ra xét xử"
Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Trà Vinh
Đến cuối phần trả lời, ông nói các câu hỏi khác sẽ được “trả lời bằng văn bản và đăng công khai” trên trang web Chính phủ.
Cùng ngày, trang web chính phủ đăng các ý kiến của cử tri Việt Nam khen ngợi Thủ tướng.
Tuy vậy, trang này cũng dẫn lời ông Trần Văn Đông, nguyên đại biểu Quốc hội đã nghỉ hưu ở Đà Nẵng, nói chống tham nhũng là “tâm tư của nhiều cán bộ hưu trí “.
Ông Đông nói việc chống tham nhũng “cần phải thực hành quyết liệt hơn nữa”.
Các câu hỏi về trách nhiệm chống tham nhũng của người đứng đầu Chính phủ làm người ta nhớ lại câu hỏi của BấmĐại biểu Dương Trung Quốcđặt cho Thủ tướng cách đây khoảng một năm.
"Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật, chứ không chỉ là lời xin lỗi....Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho sự tiến bộ của Chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?", Đại biểu Dương Trung Quốc hỏi.
Dự án thủy điện
Một vấn đề gây tranh cãi những ngày gần đây là việc các địa phương “bức xúc vì việc thủy điện xả lũ không báo trước khiến người dân không kịp trở tay”, theo lời đại biểu Trần Thị Dung, Điện Biên.
Đại biểu Đỗ Văn Đương, TP. HCM, cũng “đề nghị Thủ tướng nói rõ hơn việc xả lũ thủy điện không đúng quy định”.
Thủ tướng Việt Nam trả lời “thủy điện cũng đã đóng góp rất quan trọng vào đảm bảo điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội”.
Nhưng ông thừa nhận “một số tồn tại, hạn chế yếu kém cả trong quy hoạch cả trong lập dự án, thẩm định, phê duyệt dự án, cả trong thi công xây dựng dự án”.
Nói về việc xả lũ, ông Dũng trả lời: “Phải công khai cho nhân dân biết quy trình vận hành, không phải đợi tới khi có lũ, tới mùa cạn kiệt mới thông báo.”
Ông hứa hẹn: “Ai làm không đúng thì phải xử lý nghiêm, tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý hành chính kinh tế, cả về hình sự nếu như thiếu trách nhiệm, nếu cố ý làm trái thì xử theo đúng quy định của pháp luật.”
‘Ổ trứng lọc dầu’
Một câu hỏi được ông Dũng dành thời gian trả lời chi tiết là của đại biểu Hà Sỹ Đồng, Quảng Trị.
Ông Đồng nói dư luận dùng từ “ổ trứng” để cáo buộc nhiều tỉnh không có dầu, nhưng vẫn được cấp phép xây dựng nhà máy lọc dầu.
Thủ tướng Dũng cho biết hiện Việt Nam có 6 dự án lọc hóa dầu nằm trong quy hoạch, gồm các nhà máy ở Dung Quất, Nghi Sơn, Phú Yên, Long Sơn, Cần Thơ và Nam Vân Phong.
Theo vị Thủ tướng, còn có một dự án khác tại tỉnh Bình Định, do một tập đoàn của Thái Lan đang xin.
Ông Dũng đã đồng ý cho nhà đầu tư làm báo cáo tiền khả thi để Việt Nam xem xét bổ sung vào quy hoạch lọc hóa dầu.
Thủ tướng Việt Nam nói chính phủ “kiểm soát chặt chẽ” các dự án này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét