Pages

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Vũ khí kinh tế


Kinh%20te.jpg
Tổng Thống Obama tổ chức họp báo trên sân Tòa Bạch Ốc, sau lưng là trực thăng đang chờ sẵn.

Hôm thứ Năm 20 tháng 3, trước khi bay xuống Florida tham dự một cuộc vận động tài trợ ứng cử (fund-raising), Tổng Thống Obama gặp phóng viên truyền thông ngay trên sân cỏ Bạch Cung để loan báo trận tấn công thứ nhì nhắm vào những nhân vật cự phú và thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông trừng phạt những người này về tội đồng lõa với ông Putin xâm lược Ukraine, chiếm Crimea.


Phóng viên Mark Landler của tờ The New York Times viết: “Cuộc họp báo được tổ chức vội vã, với chiếc trực thăng chờ cất cánh ngay sau lưng ông, khiến những điều tổng thống Obama công bố mang tính khẩn trương của một biện pháp chiến tranh, nhằm đáp ứng tình hình đang biến chuyển trên chiến trường Ukraine.”
Súng chưa nổ mà cuộc xâm lược đã thành công, Nga đã chiếm Crimea; nhưng lại đang khựng đứng tại đó, chịu đựng cuộc phản công bằng bom kinh tế của Mỹ.
Trong danh sách những nhân vật Hoa Kỳ vừa chọn để dội bom kinh tế lên đầu, có ông Sergei B. Ivanov, tham mưu trưởng của Putin, ông Gennady N. Timchenko, một nhà tỉ phú Nga nhiều liên hệ với ông Putin, và ông Yuri V. Kovalchuk, nhân vật “tay hòm, chìa khóa” của nhiều lãnh tụ Nga, kể cả ông Putin.
Obama còn nói ông đang tự chế – chỉ sử dụng những biện pháp trừng phạt cá nhân – nhưng nếu những biện pháp này chưa đủ để khuyến cáo Nga, có thể ông phải tấn công vào những mục tiêu lớn hơn trong kỹ nghệ dầu và khí đốt của Nga. Ông hy vọng sẽ không phải sử dụng đến những biện pháp đó, để không gây tổn thất quá lớn cho Nga, và tạo xáo trộn thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu phải sử dụng đến những biện pháp này mới ngăn chặn được cuộc tấn công Ukraine, ông sẽ không ngần ngại.
Nói cách khác, kỳ vương Obama cho đối thủ biết trước, nếu con chốt đỏ cứ lầm lũi vượt biên, sang sông, ông sẽ gài thế song xa, đưa Putin vào thế bí.
Viên chức hành pháp nói thêm là đợt tấn công kinh tế thứ nhì, tuy chỉ nhắm vào những nhân vật thân cận của ông Putin, nhưng mang tầm vóc nặng hơn những đòn kinh tế tấn công Iran năm ngoái, khiến nước này phải ngồi vào bàn thương thuyết.
Trả đòn, Nga công bố trừng phạt 9 chính khách Hoa Kỳ, trong số có chủ tịch Hạ Viện John A. Boehner, trưởng khối đa số Thượng Viện, Harry Reid, nghị sĩ John McCain, và 3 cố vấn thân tín của ông Obama.
Obama nói, “Toàn bộ những trừng phạt kinh tế này đều do viên chức Nga tự lựa chọn, Hoa Kỳ chỉ bắt họ trả giá cho hành động xâm lược của họ. Hoa Kỳ đã cảnh cáo họ trước, giờ này họ mới thấy là chúng ta không nói suông.”
Đợt trừng phạt đầu tiên xẩy ra vào ngày thứ Hai 17/3. Khi công bố biện pháp tấn công kinh tế nhắm vào những cá nhân có trách nhiệm trong việc xâm lược Ukraine, ông Obama nói là ông sẽ leo thang, hay xuống thang trừng phạt tùy theo phản ứng của người Nga. Giờ này – chỉ 48 tiếng đồng hồ sau lần đầu công bố trừng phạt – ông gia tăng số người bị phạt, và đe còn mở rộng mục tiêu oanh tạc rộng hơn nữa, nếu cần.
Một viên chức hành pháp nói, “Sự trừng phạt chuyển từ những viên chức chính phủ sang đám tay chân của ông Putin; trong những người bị trừng phạt đợt sau có nhiều tay kinh tài của Putin.”
Hành pháp Mỹ dùng đợt trừng phạt kinh tế thứ nhì để đối phó với việc Nga chuyển quân đến sát biên giới Đông và Nam của Ukraine, sẵn sàng vượt biên giới để chiếm thêm nhiều vùng đông cư dân gốc Nga trú ngụ; Nga muốn leo thang chiến tranh, tổng thống Obama vẫn gạt bỏ giải pháp tiếp cứu quân sự.
Giới chiến lược đánh giá đợt trừng phạt thứ nhì là chính xác như một cuộc truy kích bằng drones, chỉ nhắm vào túi tiền của những kẻ thân tín với Putin chứ không gây tổn hại cho quần chúng Nga. Ông Anders Aslund – nhân vật lão thành của Viện Peterson for International Economics – chuyên nghiên cứu về tình hình kinh tế thế giới nhận định: “Tổn thất gây ra không đáng kể trên tầm vóc quốc gia, nhưng rất lớn đối với một cá nhân, hay một tổ chức; những cá nhân và tổ chức này lại kề cận với ông Putin.
Nếu Âu Châu phối hợp biện pháp trừng phạt với Hoa Kỳ, và nếu Hoa Kỳ nới rộng biện pháp trừng phạt qua địa hạt năng lượng thì kết quả sẽ rất lớn.” Nhưng trừng phạt chưa leo thang, Obama vẫn cho đối phương có thời giờ để tỏ thái độ: chọn hòa bình hay hay tiếp tục chọn con đường xâm lược.
Danh sách do bộ Ngân Khố còn có tên 16 viên chức cao cấp và tổng giám đốc những Công Ty Quốc Doanh, những nhân vật này đều có liên hệ cố cựu với ông Putin; một số cũng đang bị Liên Âu trừng phạt.

Bốn nhân vật mới trong danh sách phạm nhân là những người đã thu hoạch tài sản lớn lao nhờ có liên hệ với chính quyền Nga; ngoài 2 ông Timchenki và Kovalchuk, là anh em ông Arkady và Boris Rotenberg, cả hai cùng giầu bạc tỉ và cùng được chính phủ Nga cho lãnh mối thầu kiến trúc khu Thế Vận Hội Sochi trị giá $7 tỉ mỹ kim.
Một ngân hàng cỡ trung -Bank Rossiya- cũng bị Bộ Ngân Khố Mỹ trừng phạt, vì tỉ phú Kovalchuk nắm nhiều cổ phần nhất; Bank Rossiya không được tiếp tục chuyển ngân bằng trị giá Mỹ kim nữa, và toàn bộ tài khoản của ngân hàng này ký thác trong hệ thống ngân hàng Âu Châu đều bị phong tỏa.
Obama tuyên bố trong cuộc họp báo tốc hành là ông không chủ trương tấn công toàn diện vào nền kinh tế Nga; giới chuyên viên kinh tế cũng tin là ông chưa sử dụng đòn tối độc đó, chưa gây tổn thất cho hệ thống kỹ nghệ gồm những cơ xưởng năng lượng, kim khí, hầm mỏ, và dịch vụ tài chánh. Ông tuyên bố, “Viên chức Nga phải thấy là càng leo thang chiến tranh, họ càng đưa Nga vào thế bị cô lập nhiều hơn.”
Cân nhắc lợi hại, các chuyên viên kinh tế cho rằng hậu quả cuộc tấn công của Obama sẽ rất nhỏ cho nền kinh tế Hoa Kỳ, vì tầm vóc khiêm tốn của kinh tế Nga, và mật độ doanh thương Nga-Hoa Kỳ cũng không quan trọng lắm.

Viên chức Bộ Ngân Khố cho biết đã ghi nhận được những tín hiệu cho thấy Nga thấm đòn tấn công kinh tế; một trong những tín hiệu này là tổ chức đánh giá Standard & Poor vừa định giá kinh tế Nga xuống mức âm -negative; đồng ruble của Nga cũng đã tuột giá trầm trọng. Tỉ phú Timchenko còn loan báo bán gần như toàn bộ cổ phiếu trong tổ chức doanh nghiệp Gunvor Group cho giám đốc điều hành của tổ chức này, để tránh hậu quả trừng phạt kinh tế.
Phản ứng của Nga đối với đòn kinh tế thứ nhì là vừa bất bình vừa khinh thị; ngoại trưởng Sergey V. Lavrov tuyên bố, “Những biện pháp trừng phạt này phạm pháp, vì thiếu căn bản pháp lý quốc tế; không đạo luật nào cho ông Obama được làm như ông đang làm.”
Phát ngôn viên của Putin, ông Dmitri S. Peskov, đe dọa Mỹ là họ cũng sẽ có biện pháp trả đũa và những biện pháp này sẽ đến rất nhanh, Mỹ không phải chờ đợi lâu.
Một trong những nhân vật bị trúng bom kinh tế – ông Vladimir I. Yakunin, tổng giám đốc sở Hỏa Xa Nga – nói với hãng thông tấn Interfax, “Thật đáng trách là Hoa Kỳ, quốc gia tự xưng là dân chủ, lại sử dụng những đòn trừng phạt như vậy đối với việc làm lương thiện của Nga.”
Trong 2 cuộc điện đàm với ông Putin trước khi cuộc xâm lược Crimea xẩy ra, chắc chắn Obama đã cảnh cáo Putin về những biện pháp trừng phạt bằng vũ khí kinh tế của Mỹ, và về chiến thuật trừng trị đích danh từng cá nhân, mà ông đã sử dụng để truy kích đích danh, và loại từng tên lãnh tụ al-Qaeda ra khỏi vòng chiến.
Nga không là mục tiêu thí điểm để Obama trắc nghiệm công dụng của vũ khí kinh tế; ông đã thử nghiệm thành công loại vũ khí này với Iran. Nga cũng không giúp Obama thử nghiệm chiến thuật tấn công đích danh, và loại từng thủ lãnh địch; Obama đã dùng chiến thuật này đánh tê liệt tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Đối thủ tương lai của Hoa Kỳ – Trung Cộng – đang theo dõi cuộc chiến tranh xâm lược chiếm Crimea không đổ máu của Nga, và cuộc phản công không nổ súng của Mỹ để hoàn chỉnh chiến lược mở rộng lãnh thổ về hướng Nam, sát nhập vùng Cao Nguyên Việt Bắc vào lãnh thổ Tầu.
Hai con cá mà xếnh xáng Tập Cận Bình đang rình bắt bằng cả 2 tay là vừa chiếm được lãnh thổ Việt Nam, vừa tiếp tục bán tạp hóa cho Wal Mart. Họ Tập đang học tập kinh nghiệm của Putin – biết sợ, và biết cách tránh né vũ khí kinh tế.

NGUYỄN ĐẠT THỊNH

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Obama kiêm tốn quá , tụi độc tài không ngán đâu ... chúng có nhiều núi tiền để rải rát khắp nơi , cấm vận kở ghẻ như vậy không có đường .!. toàn thế giới văn minh cùng hiệp lực cấm vận . nhất tài sản Putin..