Chuyến đi Bắc Kinh của ông Lê Hồng Anh đã gây ra những suy đoán là Việt Nam và Trung Quốc đang tiến tới trong những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ sau nhiều tháng căng thẳng leo thang.
Tuần trước, một viên chức cấp cao của đảng Cộng Sản Việt Nam đã đến Bắc Kinh để tìm cách xoa dịu những mối căng thẳng phát sinh từ vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Theo tường thuật của thông tín viên Marianne Brown của đài VOA tại Hà Nội, căng thẳng giữa đôi bên vẫn còn âm ỉ, 3 tháng sau khi Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan khổng lồ ở ngoài khơi Việt Nam.
Chuyến đi Bắc Kinh của một viên chức cấp cao của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã gây ra những sự suy đoán là hai nước đang tiến tới trong những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ sau nhiều tháng căng thẳng leo thang.
Ông Lê Hồng Anh đã về nước hôm thứ tư sau chuyến đi hai ngày ở Trung Quốc, nơi ông hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo Tân Hoa Xã, tại cuộc gặp gỡ này ông Tập Cận Bình nói rằng “không thể xua đuổi láng giềng đi nơi khác và hai người láng giềng đối xử tốt với nhau là phù hợp với lợi ích của đôi bên.”
Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ theo chiều hướng “phát triển ổn định”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết như thế tại cuộc họp báo thường lệ hồi tuần trước.
"Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan hồi tháng 5 tại vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền đã làm tăng mạnh sự xích mích giữa đôi bên vì vụ tranh chấp lâu năm ở Biển Đông. Hành động đó của Trung Quốc làm bùng ra những vụ biểu tình chống Trung Quốc tại nhiều nơi ở Việt Nam. Một số khu công nghiệp đã có những vụ bạo động gây chết người."
Đến ngày 15 tháng 7, Trung Quốc đã rút giàn khoan đi nơi khác trước kế hoạch đã định, trong lúc một cơn bão lớn sắp kéo đến.
Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát tình hình Việt Nam của Đại học New South Wales ở Australia, cho rằng chuyến đi của ông Lê Hồng Anh là phần đầu của cuộc “vật tay” giữa hai nước về vấn đề Biển Đông.
"Chuyến viếng thăm của ông Lê Hồng Anh đã mở ra các kênh liên lạc. Chúng tôi thấy những nhân vật cấp thấp hơn đang tìm kiếm cơ hội giao tiếp. Trung Quốc đã nhận lời xin lỗi. Chúng tôi thấy cả hai bên đang tìm cách để có thể khắc phục vấn đề này mà không phải nhượng bộ quá nhiều."
Một số chuyến viếng thăm Việt Nam của các giới chức cấp cao của Mỹ, kể cả Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân Martin Dempsey, gây ra những sự suy đoán là Việt Nam muốn thắt chặt quan hệ với Mỹ để tìm cách đương cự với người hàng xóm khổng lồ ở phương bắc. Ngoại trưởng Aán Độ mới đây đã tới thăm Việt Nam và theo lịch trình Tổng thống Pranab Mukherjee sẽ đến Hà Nội vào tháng 9.
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng trước, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho biết ông tin là có sự ủng hộ đối với đề nghị nới lỏng các hạn chế về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Theo giáo sư Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam của Đại học Thành phố Hồng Kông, nếu kế hoạch bán vũ khí sát thương được xúc tiến thì đó là một biểu tượng của sự thay đổi thật sự trong các mối quan hệ Việt-Mỹ. Ông nói thêm như sau.
"Tôi nghĩ có một điều không nên xem thường là Việt Nam sẽ có được những lợi ích đáng kể từ những thông tin tình báo và kiến thức chuyên môn của Mỹ về những vấn đề hải dương."
Giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam đang cố gắng đa phương hóa như một cách để “mặc cả” với Trung Quốc.
"Trung Quốc không ngớt cảnh báo Việt Nam chớ nên xích lại quá gần với Mỹ, nhưng điều đó không ngăn được Việt Nam xích lại gần hơn với Nhật, là điều mà họ đã làm rồi, và với Ấn Độ nếu họ sẵn sàng tham gia cuộc chơi."
Trong lúc một số người tỏ ý hoan nghênh chuyến đi thăm Bắc Kinh của ông Lê Hồng Anh, đa số các nhà quan sát vẫn có thái độ dè dặt. Giáo sư London cho biết ông tin là không ai ở Việt Nam nghĩ rằng tình hình hiện nay của quan hệ Việt-Trung là tốt đẹp và không thể nào có thể nói chắc là quan hệ đang được cải thiện.
"Nói cho cùng, ông Anh là đại diện của Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải đại diện Việt Nam, và cách làm việc của Trung Quốc là nói một đàng làm một nẻo và người Việt Nam hiểu rõ như vậy."
Ông London cho biết một đặc tính quan trọng của mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là những cuộc thảo luận được tiến hành sau những cánh cửa khép kín, cho nên không thể biết được là công việc giữa hai nước thật sự là như thế nào.
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét