Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Kêu gọi của ông Tập Cận Bình ngay lập tức đã khiến đã khiến nước láng giềng Ấn Độ “dậy sóng”. Dù sự thân thiện có thể được nhận thấy giữa ông Tập và Thủ tướng Ấn Độ Modi trong chuyến công du vừa qua của ông tới Ấn Độ, nhưng nghị kỵ vẫn tiếp tục dâng cao do liên quan đến căng thẳng ở vùng biên giới Ladakh giữa quân đội hai nước.
Theo các nguồn tin, sau khi trở về từ chuyến công du Ấn Độ, hôm chủ nhật vừa qua Chủ tịch Trung Quốc đã triệu tập 15 tướng lĩnh cấp cao tới Bắc Kinh, yêu cầu các tướng lĩnh quân đội phải “hiểu hơn về tình hình an ninh trong nước và quốc tế”.
Sau đó, trong cuộc thăng chức ngày 23/9 cho 3 tướng quân đội, được cho là thân cận với ông Tập, Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu quân đội “nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu và khả năng chiến thắng trong một cuộc chiến khu vực trong thời đại công nghệ thông tin”.
Không chỉ nhắm vào Ấn Độ?
Tuyên bố đã gióng lên hồi chuông nghi ngại khắp Ấn Độ: Liệu nó có phải là nhằm vào Ấn Độ? Ngoài ra, Ấn Độ cũng lo ngại liệu mệnh lệnh có phải do chính ông Tập với tư cách là chủ tịch Quân ủy trung ương hay là do chính quân đội Trung Quốc đưa ra.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cần phải đặt tuyên bố trên của ông Tập trên nhiều khía cạnh. Đầu tiên, Ấn Độ không phải là nước duy nhất có vấn đề với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang có căng thẳng về lãnh thổ với Nhật Bản và hai nước Nhật-Trung còn có có những khúc mắc do lịch sử để lại. Căng thẳng giữa Trung-Nhật đã khiến Nhật gần đây phải lần đầu tiên sau nhiều năm tăng chi tiêu quân sự và xét lại những giới hạn về quân sự mà hiến pháp hòa bình của nước này quy định.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có một loạt vấn đề với Hàn Quốc cũng như với Triều Tiên, quốc gia mà Bắc Kinh đã hỗ trợ rất nhiều. Cùng lúc, không ai có thể quên được vụ đối đầu giữa Trung-Mỹ năm 1996 về vấn đề Đài Loan. Giới phân tích cho rằng căng thẳng bấy lâu giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan luôn tự động kéo người Mỹ “vào cuộc”.
Hơn nữa, giới phân tích cũng nhận định thế giới không thể quên căng thẳng gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc khi Bắc Kinh kéo giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 vào sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Một điều cần lưu ý là ông Tập nhắc tới “chiến tranh khu vực”, tức không chỉ là một cuộc xung đột giữa hai nước, mà nhiều khả năng là có sự tham gia của nhiều nước. Vì vậy, mà giới phân tích cho rằng khả năng “chiến tranh khu vực” kiểu này có thể xảy ra ở Biển Đông hoặc Hoa Đông hơn là biên giới Trung-Ấn.
Chỉ là “khua chiêng gõ trống”?
Cũng có ý kiến cho rằng có khả năng tuyên bố chỉ là nhằm “khua chiêng gõ trống”. Câu nói “giành chiến thắng trong các cuộc chiến khu vực trong kỷ nghiên công nghệ thông tin” đã trở thành học thuyết tiêu chuẩn của quân đội Trung Quốc từ đầu những năm 1990, được đề cập thường xuyên trong các cuộc họp quân sự và trong cả sách trắng quốc phòng của Trung Quốc.
Đây cũng không phải là lần đâu tiên ông Tập đưa ra kêu gọi như trên. Ngay sau khi lên nắm quyền, vào tháng 12/2012, ông đã dùng những lời kêu gọi tương tự đối với binh sỹ ở Quảng Châu.
Taylor Fravel, chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ, cho biết với tờ India Today của Ấn Độ rằng: “Ngôn ngữ của ông Tập…đã được dùng để miêu tả mục tiêu chiến lược quân sự của Trung Quốc”.
“Trong cách tiếp cận chiến lược quân sự của quân đội Trung Quốc, khái niệm một cuộc chiến địa phương không khắc tới bất kỳ nước nào. Thay vào đó, nó chỉ chỉ ra đây là một kiểu chiến tranh diễn ra trong thời gian giới hạn và vì một mục đích riêng biệt”, ông nói.
“Đây là tuyên bố thường thấy mà bất kỳ chủ tịch Quân ủy trung ương nào khi gặp các đại diện của quân đội”, Srikanth Kondapalli, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc khác và là giáo sư Nghiên cứu Trung Quốc tại đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ, nhận định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng cho rằng việc liên hệ tuyên bố của ông Tập với vấn đề biên giới Ấn Độ “là sự phỏng đoán vu vơ”.
Tác giả Pathikrit Payne của tờ One India của Ấn Độ cho rằng cũng có khả năng ông Tập không nhắm tới Ấn Độ hay Biển Đông, mà nhắm tới căng thẳng đang gia tăng ở Trung Đông, khi những mạng lưới khủng bố cấp tiến như “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đang lan rộng và bản thân Trung Quốc cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy của các vụ tấn công có liên quan đến người Hồi giáo ở Tân Cương.
Trung Quốc không có đủ sức phát động một cuộc xung đột?
Hơn nữa, cả Trung và Ấn đều là những nền kinh tế và thị trường lớn nhất thế giới và luôn là tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Ấn Độ cần một lượng đầu tư lớn, bao gồm cả từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng cần thị trường Ấn Độ để giảm phụ thuộc vào phương Tây, hiện đang phát triển trì trệ.
Dựa vào sự phụ thuộc lớn của nước này vào các thị trường xuất khẩu, bất kỳ cấm vận quốc tế nào với Trung Quốc cũng có thể khiến nước này trả giá đắt về mặt kinh tế.
Dựa vào sự phụ thuộc về kinh tế và đầu tư ngày càng lớn, dựa vào tính nhạy cảm lớn của các thị trường toàn cầu, giới phân tích nhận định Trung Quốc không thể đủ sức khởi động một cuộc xung đột chứ chưa nói đến một cuộc chiến./Theo Vũ Quý (Dân trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét