Nước Pháp nói các điều kiện hiện giờ ‘không phù hợp’ để bàn giao chiếc thứ nhất trong hợp đồng bán hai chiến hạm đổ bộ tấn công lớp Mistral cho Nga.
Văn phòng Tổng thống Francois Hollande nói nguyên do là các hành động gần đây của Moscow ở miền đông Ukraine.
‘Không là thảm họa’Cho đến gần đây Pháp vẫn bất chấp sức ép từ các nước đồng minh yêu cầu ngừng bàn giao tàu chiến với lý do họ phải tôn trọng một hợp đồng đã ký kết.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov nói quyết định của Pháp sẽ không làm chậm lại kế hoạch cải cách các lực lượng vũ trang của Moscow.
“Mặc dù việc này chắc chắn là không dễ chịu và làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ với các đối tác Pháp của chúng tôi, việc hủy bỏ hợp đồng này sẽ không là thảm họa đối với công cuộc hiện đại hóa (quân đội) của chúng tôi,” ông Borisov được hãng tin Nga Itar-Tass dẫn lời nói.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin viết trên mạng xã hội Twitter lời cảm ơn đến các nhà lãnh đạo Pháp về ‘quyết định có trách nhiệm’ mà ông nói rằng ‘có ý nghĩ quan trọng đối với việc vãn hồi hòa bình ở châu Âu’.
Chiếc Vladivostok, chiếc đầu tiên trong hai chiếc tàu mẹ chở trực thăng, theo dự kiến sẽ được bàn giao cho Nga vào cuối tháng 10 năm nay.
Chiếc thứ hai có tên là Sevastopol sẽ được chuyển giao cho Nga vào năm tới mặc dù thông cáo của ông Hollande không đề cập gì đến chiếc này.
Tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral có thể chở được tối đa 16 chiếc trực thăng hạng nặng cùng với bộ binh và xe thiết giáp.
Nếu được bàn giao đúng như kế hoạch thì chúng sẽ giúp cải thiện đáng kể năng lực tác chiến cả thủy lẫn bộ của quân đội Nga.
Tuy nhiên, văn phòng của ông Hollande hôm thứ Tư ngày 3/9 nói những tuyên bố mới đây của các Tổng thống Nga và Ukraine về khả năng một lệnh ngừng bắn là ‘không đủ để Pháp xúc tiến việc bàn giao’.
“Tổng thống nền cộng hòa đã quyết định rằng mặc dù có triển vọng ngừng bắn vốn vẫn chưa được xác nhận và triển khai nhưng các điều kiện để Pháp có thể cho phép bàn giao chiếc tàu sân bay trực thăng đầu tiên không hội đủ,” thông cáo từ văn phòng Tổng thống Pháp cho biết.
Nato tập trận
Trước đó, Pháp nói rằng các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu không thể áp dụng cho hợp đồng bán tàu Mistral vốn có hiệu lực từ trước và rằng Pháp sẽ chịu thiệt hại nặng nếu hủy hợp đồng.
Thỏa thuận này trị giá khoảng 1,6 tỷ Mỹ kim.
Trong một diễn biến khác, Ba Lan đã thông báo chi tiết về các cuộc tập trận vào cuối tháng ở Ukraine.
Một thông báo của Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết cuộc tập trận này sẽ có sự tham gia của hàng trăm binh sỹ từ các nước Nato bao gồm cả Mỹ.
Trước đó hôm 3/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông đã đồng ý một ‘tiến trình ngừng bắn’ với người tương nhiệm Nga Vladimir Putin.
Về phần mình, ông Putin nói ông hy vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình trước ngày 6/9 khi các đại diện của Nga, Ukraine và phiến quân gặp nhau ở Minks, thủ đô Belarus, để đàm phán.
Phiến quân thân Nga nói họ ủng hộ đề xuất của ông Putin nhưng họ không tin tưởng ông Poroshenko sẽ duy trì lệnh ngừng bắn.
Hiện không rõ liệu hai bên có tuân thủ một lệnh ngừng bắn nào trên thực địa hay không.
Trong lúc này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tìm cách trấn an các quốc gia vùng Baltic rằng họ sẽ được Nato bảo vệ và rằng Washington sẽ sát cánh cùng Ukraine.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày trước khi hội nghị Thượng đỉnh Nato khai mạc ở xứ Wales, Anh quốc. Các nhà lãnh đạo Nato dự diến sẽ bàn thảo cách ứng phó trước sự can dự của Nga vào tình hình Ukraine.
Hợp đồng lớn nhất
Hơn 2.600 dân thường và binh lính đã bỏ mạng và hơn một triệu người đã rời bỏ nhà cửa kể từ khi giao tranh bùng nổ ở miền đông Ukraine hồi tháng Tư khi phe ly khai thân Nga tuyên bố độc lập.
Moscow đã liên tục bác bỏ các cáo buộc của phương Tây và Chính phủ Ukraine rằng họ đưa quân và khí tài quân sự vào lãnh thổ Ukraine để hỗ trợ cho phiến quân vốn đã giành ưu thế trước quân đội chính phủ trong thời gian gần đây.
Jonathan Marcus, phóng viên quốc phòng và ngoại giao của BBC, bình luận:
“Khi cuộc khủng hoảng leo thang ở miền đông Ukraine và khi mà sự dính líu quân sự trực tiếp của Nga đã trở nên trắng trợn thì sức ép trên vai Chính phủ Pháp càng dâng cao hơn bao giờ hết buộc nước này phải ngừng bán hai chiến tàu đổ bộ tấn công hiện đại cho Nga.
Hoa Kỳ và một số nước lâu nay đã nói rất rõ ràng thái độ của họ. Tuy nhiên thỏa thuận này giúp làm hạ nhiệt căng thẳng với Moscow xung quanh cuộc chiến ở Syria và thủy thủ đoàn Nga của chiếc Vladivostok vốn đã được đưa vào chạy thử đã đến Pháp để bắt đầu được huấn luyện.
Đây là hợp đồng bán vũ khí lớn nhất của phương Tây cho Nga và việc trì hoãn nó – các điều khoản cụ thể của việc hoãn hợp đồng vẫn chưa rõ ràng – rõ ràng là một cái tát vào mặt Nga trước thềm Thượng đỉnh Nato.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét