Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

'Đảng CS cần xoay trục về phía nhân dân'

Lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc
Để thoát khỏi 'định hướng' của Trung Quốc, lãnh đạo VN nên 'xoay trục' về với nhân dân, theo nhà quan sát.
Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải 'xoay trục' về phía nhân dân và dân tộc để giải quyết các mối mâu thuẫn 'nội bộ lãnh đạo' và 'thoát ra khỏi định hướng' của Trung Quốc , theo ý kiến của giới phân tích từ trong nước.
Trao đổi với BBC hôm 27/12/2014 từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết của Việt Nam, nói:

"Bây giờ để có ứng xử tử tế, đàng hoàng, nhân văn với nhau, giống như minh triết của Việt Nam 'Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn'...
"Thì chỉ có điều kiện xoay trục về nhân dân, xoay trục về dân tộc, thì chúng ta có thể tìm mọi phương sách, tìm mọi giải pháp vừa đúng đắn, tiến bộ, nhân văn, để đối xử với nhau trong nội bộ của dân tộc.
"Đấy là cái mà chúng tôi nghĩ rằng phải tiến tới một cách, một suy nghĩ như vậy, thì mới xử lý được mọi mâu thuẫn, giàn xếp được êm thấm mọi mâu thuẫn, mọi khác biệt, đấy là vấn đề lớn phải đặt ra."
Bình luận của nhà nghiên cứu minh triết Việt Nam được đưa ra ngay sau khi một lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc, ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Chính hiệp TQ, mới hoàn tất chuyến thăm ba ngày, từ ngày 25 tới 27/12/2014, gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam từ Tổng bí thư, tới Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ.
Hôm thứ Bảy, tờ Xinhuanet.com, trang tin điện tử thuộc Tân Hoa Xã của Trung Quốc, dẫn lời ông Du, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tổng kết chuyến thăm Việt Nam của ông này.
"Chuyến thăm này của tôi tới Việt Nam, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Tổng bí thư Tập Cận Bình yêu cầu, nhằm mục đích nâng cao hiểu biết song phương, xây dựng đồng thuận và thúc đẩy tiến bộ trong các quan hệ Trung - Việt theo đúng hướng."
Tân Hoa Xã cũng trích lời ông Du Chính Thanh về quan điểm của Trung Quốc trong xử lý mối quan hệ mà gần đây đã bị căng thẳng do việc Trung Quốc đưa dàn khoan HD-981 vào khu vực Hoàng Sa, cũng như kiên cố hóa nhiều công trình trên các khu vực mà Việt Nam nói là Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
"Vấn đề về biển là một vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi các thương lượng để quản lý và kiểm soát các khác biệt," ông Du được hãng thông tấn Trung Quốc dẫn lời nói.
"Ngoại giao bắc loa có thể chỉ gây ra những bất định trong công luận, điều mà cả hai bên cần phải tránh."
Hôm thứ Sáu một cựu quan chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam, người từng làm việc tại Trung Quốc trong nhiều năm, nói với BBC:
"Trung Quốc đang muốn hạ dọng và thay đổi chiến thuật, nhưng chiến lược của họ là không đổi. Họ vẫn rắp tâm gặm nhấm biển Đông, tiếp tục chủ nghĩa Bá quyền nước lớn.
"Luận điệu của họ có thể thay đổi, nhưng bản chất mưu đồ của họ thì vẫn như cũ," nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính nói.

'Ẩn số Trung Quốc?'

Lãnh đạo Trung Quốc
Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nhấn manh quan hệ hợp tác chặt chẽ với TQ là 'cơ hội'.
Hôm 27/12, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu thuộc Ban Dân vận Trung ương nói với BBC về tính toán của ông Tập Cận Bình và dàn lãnh đạo Trung Quốc trong đối sách hiện nay với Việt Nam.
Nhìn lại hệ thống chính sách và chiến lược đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, ông nói:
"Những điều mà Trung Quốc hiện nay họ đang làm là một ẩn số, Trung Quốc đang là một ẩn số. Nhưng cái lộ rõ để cho người ta thấy thì nó thể hiện chủ nghĩa bá quyền Đại Hán, mà con đường, phương thức vẫn là Đế quốc Chủ nghĩa.
"Dùng bạo quyền để mở rộng biên giới, mở rộng vùng ảnh hưởng, mở rộng cái thể địa chính trị mới bằng con đường như thế.
"Cho nên đối với Việt Nam thì làm gì? Họ đánh phía Bắc, họ nuôi dưỡng Pol Pot ở phía Nam, rồi họ chiếm Hoàng Sa, rồi họ chiếm Gạc Ma, chiếm Bãi Chữ thập, rồi họ xây dựng ở đấy những hòn đảo chìm bây giờ trở thành những đảo nổi và họ biến thành căn cứ quân sự.
"Tôi tin rằng họ cũng đang âm thầm để tạo ra một cái gọi là vùng ADIZ (Vùng nhận diện phòng không) mới ở tại Biển Đông, sau khi họ đã làm ở Biển Hoa Đông, thì họ đang âm thầm làm việc này.
"Nếu họ vẫn theo đuổi nền tảng chính trị như hiện nay, tức là một Đảng Cộng sản độc tài, độc quyền, rất sơ cứng, rất bạo lực, thì chắc chắn họ vẫn theo phương thức Đế quốc Chủ nghĩa, để hành xử, chứ chưa có thể có một tinh thần đưa giá trị tư duy mềm mại, uyển chuyển, nhân văn, dân chủ, tiến bộ vào trong đời sống chính trị của nước họ."
Theo nhà nghiên cứu, hiện nay rõ ràng Trung Quốc theo một thể chế chính trị 'bị lên án' về mặt lịch sử.
Ông Nguyễn Khắc Mai nói tiếp: "Họ đang theo một thể chế chính trị về mặt lịch sử đã bị lên án, đã phá sản, còn sự cố níu giữ thì chắc chắn về mặt thời gian không thể bền vững được.
"Tôi tin rằng nhân loại cũng như Trung Quốc sẽ thay đổi, mà hiện nay họ phải tích tụ những nhân tố mới, trong xã hội để mà thay đổi; chưa có những nhân tố mới và chưa có lực lượng xã hội mới, thì có tể nói Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đi theo con đường cũ như thế. Mà như thế là hành xử theo cái nếp đã có sẵn rồi.
"Ở trong nước thì chẹt những phe phái mà nó lộ liễu, quá tham nhũng, để đề cao uy tín của nhóm cầm quyền mới, như kiểu của Tập Cận Bình chống tham nhũng, 'đánh hổ, đánh ruồi', siết chặt, họ nêu lên 7 phương châm về mặt tư tưởng, cấm bảy điều không được nói, không được phê phán, chỉ trích v.v... Siết chặt lĩnh vực tư duy, ngôn luận và tinh thần.
"Còn ở phía ngoài thì họ kích động tinh thần dân tộc Đại Hán, để nuôi dưỡng một đầu óc Đại Hán trong dân Trung Quốc... muốn cho Trung Quốc vươn lên thành ra nhân tố hàng đầu lãnh đạo Thế giới, thành một siêu cường thống trị trước mắt khu vực xung quanh châu Á và sau đó lan tỏa ra thế giới."

'Không thể theo đuôi'

Tập Cận Bình
Ông Du Chính Thanh nói ông được Tổng Bí thư Tập Cận Bình giao nhiệm vụ sang VN lần này, theo Tân Hoa xã.
Bình luận về phát biểu của ông Du Chính Thanh tuyên bố muốn đưa quan hệ "Trung - Việt" trở lại "theo đúng hướng", mà như theo một số ý kiến quan sát là thực ra 'Trung Quốc muốn nắn đường lối của Việt Nam", ông Khắc Mai nêu quan điểm về việc làm thế nào để Việt Nam cần độc lập hơn và không 'theo đuôi'.
Ông nói: "Thế còn nếu cứ theo đuôi một phía nào đấy, thì chắc chắn là mình không thể xử lý một cách đàng hoàng, đúng đắn mọi vấn đề trong mối quan hệ dân tộc được.
"Cho nên tôi hy vọng nhân dân Việt Nam sẽ có một trưởng thành mới và muốn như thế, phải phát huy tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do học thuật, mà mấy hôm nay người ta đang nói tới phải 'Đổi mới mô hình' của Hội đồng Lý luận Trung ương, nói như thế, nhưng không thấy mô hình mới như thế nào.
"Tôi nghĩ rằng nên như thế này là tất cả các dân tộc trưởng thành trên thế giới hiện nay, họ có một phương thức ứng xử thành nề nếp, thành quy luật, là mọi vấn đề, mọi công việc, đầu trên hết thì phải là nhóm tinh hoa, nhóm trí tuệ, nhóm trí thức bàn luận.
"Mà ở Việt Nam nói là bàn cho 'nát nước', nước mà cũng phải nát, tức là bàn đến nơi đến chốn, sau đó thì nhóm chính trị, nhóm doanh nhân, nhóm quản lý mới tiếp nhận những kiến thức ấy để đưa vào chính sách, để đưa vào đường lối, chủ trương, vào công việc của mình.
"Thì Việt Nam hiện nay đang làm ngược, tức là lấy nhóm chính trị để làm mọi việc, còn giới tinh hoa, giới trí thức trở thành con ngựa chạy lẽo đẽo thau sau.
"Mình đang làm trái ngược, cho nên muốn giải quyết tất cả mọi vấn đề, kể cả để xử lý sau này đối với những người mà có công, có tội như thế nào cho nó rất đàng hoàng, thì cái ấy phải đề cao sức làm việc của giới tinh hoa, giới trí thức. Thì chúng tôi thấy đấy là con đường."
Hôm thứ Bảy, bình luận về phát biểu chấn chỉnh quan hệ Việt - Trung đi 'đúng hướng' của Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc tại Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nhà phân tích chính trị, xã hội, bình luận:
"Câu đúng hướng của ông Du Chính Thanh có thể làm cho người ta suy nghĩ rằng theo phía Bắc Kinh, thì có điều gì không đúng hướng chăng? Hay là Bắc Kinh muốn có một sự chấn chỉnh gì đó chăng? Và Bắc Kinh đặt vấn đề là đúng hướng hay không đúng hướng."
Còn một nhà quan sát khác, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, nguyên Vụ Phó Ban Biên giới Chính phủ cũng nêu câu hỏi với BBC:
"Đúng hướng thì đúng hướng nào? Đúng hướng theo hướng mà họ áp đặt thì theo tôi đây vẫn là một xu thế. Tức là bằng hình thức nhẹ nhàng cố tỏ thiện chí, nhưng tôi tin chắc rằng họ vẫn kiên định đường lối của họ trong quan hệ mang tính chất nước lớn áp đặt đối với Việt Nam.
"Và lần này có thể nói một nhân vật có thể nói là cao cấp nhất trong thời gian gần đây sang Việt Nam, tiếp sau chuyến thăm của ông Bộ trưởng Ngoại giao, tôi tin rằng gọi là chuyến thăm nhưng tính chất của chuyến thăm, theo tôi đánh giá, nó gây tính chất áp lực về chính trị đối với Việt Nam," ông Giao nhận xét.
Lãnh đạo Việt Nam - Trung Quốc
Bản thân Trung Quốc đang đi theo một hệ thống thể chế 'lỗi thời' và bị lịch sử 'lên án', theo nhà nghiên cứu.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bản chất của Tàu cộng là áp đặt VN là nô lệ của tàu cộng ,bá́n chất VC là làm tay sai cho tàu nên giới trí thức nhìn xa hiểu rộng có góp ý CS cũng kg nghe lời bằg bố ghẻ nó nói đâu .Cái gì nó làm xấu xa ghê tởm nó đều đổ tội cho dân hết nó là con quái thú kg phải con người mang dòng máu Lạc Hồng Cần phải tiêu diệt nó là chính thôi.