Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

HRW nói VN dùng côn đồ trấn áp nhân quyền

Cảnh sát Việt Nam đối mặt với những người ủng hộ ông Lê Quốc Quân tại phiên xử ông hồi tháng Hai năm 2014

Công an Việt Nam bị cáo buộc làm ngơ trước những vụ hành hung các nhà hoạt động

Giám đốc Á châu của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vừa lên tiếng cáo buộc Việt Nam dùng côn đồ để trấn áp nhân quyền.
Trong bài viết đăng trên trang The Diplomat hôm 27/10, ông Brad Adams mở đầu với những câu:

"Điều gì tệ hại hơn, bị bỏ tù hay bị đánh đập? Đây là câu hỏi mà các nhà hoạt động ở Việt Nam cân nhắc vào Ngày Nhân quyền Quốc tế trong tháng này.
"Chính quyền Việt Nam đã bỏ tù người dân vì khác chính kiến trong hơn nửa thế kỷ qua. Gần đây chính quyền cố thuyết phục các chính phủ và các nhà ngoại giao rằng họ đã độ lượng hơn và chỉ ra rằng các vụ bắt những người chỉ trích đã giảm đi."
Mặc dù vậy ông Adams nói ít nhất 29 nhà hoạt động và blogger trong đó có hai blogger có tiếng, Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Quang Lập đã bị bắt trong năm 2014.
Nhưng cáo buộc chính của bài viết là chính quyền ở Hà Nội đã dùng côn đồ để trấn áp những người mà họ không bỏ tù.
"Côn đồ, có vẻ như là nhân viên chính quyền mặc thường phục, đã bắt đầu tấn công những người bất đồng chính kiến, thường là [tấn công] công khai, mà hoàn toàn không chịu hậu quả gì.
"Gần đây nhất, hôm 9/12, blogger Nguyễn Hoàng Vi ở thành phố Hồ Chí Minh đang đi về nhà thì bị một nhóm nam và nữ giới chặn được, túm tóc và đấm túi bụi.
"Hàng chục người trong đó có cả các nhân viên an ninh của chính quyền đóng bên ngoài nhà Vi đã đứng nhìn và không can thiệp.
"Khi một lái xe taxi định chở Vi tới bệnh viện thì lực lượng an ninh can thiệp và đòi đưa cô về nhà."
Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc về chuyện họ trấn áp những người bất đồng chính kiến.

'Xô đẩy Tổng lãnh sự'

Ngoài vụ việc đối với blogger Nguyễn Hoàng Vi, ông Brad Adams cũng nêu những vụ trấn áp với hình thức tương tự đối với blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Huỳnh Ngọc Tuấn và Huỳnh Trọng Hiếu.
Bênh cạnh đó là những cuộc tấn công khác nhắm vào các nhà hoạt động Trần Thị Thúy Nga và Trương Minh Đức.
Ông Adams cũng nói ngay cả Tổng Lãnh sự Pháp ở thành phố Hồ Chí Minh cũng bị xô đẩy khi ông tới nơi diễn ra một vụ chạm trán giữa các nhà hoạt động và côn đồ.


Vị Giám đốc Á châu của Human Rights Watch viết:
"Không ai bị buộc tội trong những vụ này. Hầu hết các vụ tấn công xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật và trước mặt những người khác.
"Cảnh sát mặc sắc phục không can thiệp, nhiều khả năng vì họ tin rằng những kẻ tấn công là nhân viên chính quyền.
"Toan ngăn chặn các cuộc tấn công, đúng ra là một quyết định duy nhất đúng về mặt nghề nghiệp và đạo đức đối với một cảnh sát, lại quá mạo hiểm và có thể làm họ mất việc hoặc tệ hơn."
Cuối bài ông Adams nói cho dù châu Âu và Nhật Bản muốn tăng cường buôn bán và Hoa Kỳ muốn có quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam để đối trọng với Trung Quốc, họ cũng "cần nhớ rằng các chính phủ tốt nhất và ổn định nhất là các chính phủ tạo không gian an toàn cho tự do ngôn luận chứ không phải các chính phủ đánh đập hay bỏ tù những người bày tỏ chính kiến."
Human Rights Watch và một số tổ chức theo dõi nhân quyền khác từng bị Việt Nam liệt vào các tổ chức "có dụng ý xấu" đối với chính quyền Hà Nội.

Không có nhận xét nào: