Trụ sở của Bộ Ngoại giao Nga
|
“Với việc tìm cách kết thúc năm cũ bằng một nốt nhấn chống Nga mạnh mẽ, Washington đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các công dân và tổ chức của Nga. Điều đó tạo ra ấn tượng rằng một người nào đó ở Mỹ đang thật sự khát khao muốn phá hủy nền tảng mối quan hệ song phương Nga-Mỹ, cố tìm cách tạo ra những cái cớ mới để đạt được mục tiêu này”, nhà ngoại giao của Nga cáo buộc.
“Bởi vì rõ ràng việc Mỹ đưa 4 quan chức Nga và cái gọi là ‘Danh sách Magnitsky’ là hành vi có những động cơ chính trị chứ hoàn toàn không phải quan tâm đến số phận của người luật sư đã chết thảm. Washington một lần nữa lại dùng đến tiêu chuẩn kép, đưa ra nhu cầu về vấn đề nhân quyền để chống lại chúng ta trong khi đồng thời nhắm mắt làm ngơ trước tình hình thực tế trong vấn đề nhân quyền ở ngay nước Mỹ - nơi các cơ quan bí mật của Mỹ đến tận gần đây vẫn được quyền áp dụng các biện pháp tra tấn thời trung cổ và cảnh sát vẫn giết người mà chưa kết tội chỉ bởi vì họ có màu da khác”, phát ngôn viên Lukashevich cho biết.
Theo ông Lukashevich, “Mỹ đang cố gắng áp đặt hệ thống pháp luật riêng của nước này lên toàn bộ thế giới và chỉ đạo, đưa ra các điều kiện cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, không có biện pháp gây áp lực nào có tác dụng với nước Nga”.
“Hơn nữa, các hành động của Mỹ thách thức triển vọng của mối quan hệ hợp tác song phương cũng như trong việc giải quyết các tình hình quanh chương hạt nhân của Iran, cuộc khủng hoảng ở Syria và các vấn đề quốc tế nghiêm trọng khác. Washington có thể thấy chúng tôi đã không và sẽ không để yên cho những bước đi thiếu thân thiện đó mà không tung đòn đáp trả”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Washington đã đưa vào Danh sách Magnitsky hàng loạt quan chức Nga, theo đó, những quan chức này sẽ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt về visa và tài chính theo Dự luật Magnitsky. Dự luật Magnitsky được Tổng thống Barack Obama ký hồi cuối năm 2012. Dự luật Magnisky được đặt theo tên của luật sư Sergei Magnitsky - người đã chết trong nhà tù ở Moscow cách đây 4 năm. Dự luật Magnitsky nhằm vào các quan chức Nga bị cho là có dính líu đến cái chết của luật sư Magnitsky. Các quan chức này bị cấm không được xin visa vào Mỹ và bị phong tỏa tài sản ở Mỹ nếu có.
Luật sư Magnitsky bị bắt vì những cáo buộc gian lận thuế sau khi tố cáo một nhóm quan chức Nga biển thủ 230 triệu USD tiền công quỹ. Ông này chết sau 11 tháng giam giữ trước khi xét xử. Cái chết của luật sư Magnitsky là do các vấn đề sức khỏe nhưng hội đồng nhân quyền của điện Kremlin năm 2011 cho biết, ông này đã bị tra tấn vài giờ trước khi chết. Những người ủng hộ luật sư Magnitsky cho rằng, vụ án chống lại ông này đã bị dựng lên để trả thù việc ông phanh phui về số tiền 230 triệu USD bị biển thủ.
Việc Mỹ thông qua Dự luật Magnitsky đã từng gây ra một cơn sóng gió khá lớn trong quan hệ Nga-Mỹ hồi cuối năm 2012. Trong hai năm qua, Mỹ tiếp tục gây sức ép với Nga trong vấn đề liên quan đến vị luật sư nói trên.
Trong khi Nga đưa ra tuyên bố cứng rắn với Mỹ trước thềm năm mới 2015 thì giới chức Mỹ lại đưa ra phát biểu có phần dịu nhẹ với Nga.
Lầu Năm Góc: Mỹ, NATO không muốn gây căng thẳng với Nga
Washington và NATO không tìm kiếm sự đối đầu với Nga nhưng cũng sẽ không nhượng bộ trong các nguyên tắc quốc tế quan trọng đối với an ninh Mỹ và Châu Âu, phát ngôn viên Lầu Năm Góc - Trung tá Vanessa Hillman cho biết khi bình luận về học thuyết quân sự mới của Nga.
"Mỹ đang xem xét học thuyết quân sự mới của Nga. Cả Mỹ cũng như đồng minh NATO đều không phải là một mối đe dọa đối với Nga, và trong hơn 2 thập kỷ qua, NATO đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác với Nga. Mỹ và NATO không tìm kiếm sự đối đầu với Nga”, ông Hillman hôm qua đã khẳng định như vậy.
Vị phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nhấn mạnh, các hành động mà Nga bị cáo buộc ở Ukraine đã thách thức viễn cảnh về hòa bình ở Châu Âu đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận mà tất cả các bên đã đạt được ở thủ đô Minsk của Belarus.
"Nga có trách nhiệm phải thực thi đầy đủ luật pháp quốc tế và các nghĩa vụ cũng như trách nhiệm quốc tế. Chúng tôi sẽ không nhượng bộ trong vấn đề trật tự quốc tế dựa trên luật pháp cũng như các nguyên tắc đối với an ninh ở Châu Âu và phần còn lại của Bắc Mỹ, trong đó NATO đóng một vai trò then chốt", ông Hillman nói thêm.
Phương Tây và Kiev đang đổ lỗi, cáo buộc cho Nga về việc can thiệp vào tình hình nội bộ ở Ukraine, cung cấp sự hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine và thậm chí là dính líu quân sự trực tiếp vào cuộc nội chiến ở Ukraine. Moscow kiên quyết bác bỏ những cáo buộc trên. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang đẩy mối quan hệ Đông-Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh và điều đó khiến Nga mới đây đã đưa NATO vào danh sách những mối đe dọa hàng đầu đối với nước này./Vân Linh (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét