VNTB: Kết thúc năm 2014, không những không "kết thúc thắng lợi đàm phán TPP", Việt Nam dường như còn phải quay trở về vạch xuất phát 'từ sợi trở đi' - như một thừa nhận gián tiếp mới đây của Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng trong trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ.
'Xuất xứ hàng hóa' được xem là một trong những rào cản lớn nhất đối với Việt Nam trên con đường không hoa hồng đến TPP, cùng với hàng loạt tồn đọng khác như sở hữu trí tuệ, nhãn mác, cải cách doanh nghiệp nhà nước, và đặc biệt là yêu cầu về tự do cho công đoàn độc lập và quyền lợi của người lao động từ phía các nước chính yếu trong khối TPP.
Tiêu chí không thay đổi của khối TPP là muốn tham gia vào khối này, Việt Nam bắt buộc phải giảm mạnh cơ chế nhập khẩu nguyên liệu và bán thành phẩm từ những nước ngoài TPP như Trung Quốc, thay vào đó phải nhập khẩu từ các nước trong khối TPP.
Nhưng trong thực tế, môt số ngành kinh tế Việt Nam đã phụ thuộc quá nặng nề vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Không hẳn như con số 50% nhập khẩu do ông Vũ Huy Hoàng công bố, ngành dệt may Việt Nam có thể đã rất thường phải nhập đến 70% hoặc hơn nguyên phụ liệu từ quốc gia 'môi hở răng lạnh' - theo một số ước tính độc lập. Một số doanh nghiệp còn nói thẳng là nếu ngưng nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc chỉ chừng vài ba tháng, họ sẽ khó tồn tại được.
Quá khó để điều chỉnh cơ chế nhập khẩu nguyên phụ liệu, Việt Nam chỉ còn cầu cạnh đến cơ chế "linh hoạt' và 'quy chế thị trường hoàn chỉnh' mà Mỹ và các nước trong TPP dành cho. Nhưng muốn đạt được nguyện vọng này, Hà Nội tự thân lại phải đạt được 'những tiến bộ có thể chứng minh được' về nhân quyền và dân chủ - một vấn đề rất quan trọng nhưng đã chỉ được họ đáp ứng một cách quá sơ sài trong những năm qua. Vào thời gian cuối năm 2014, lại có thêm hai blogger bất đồng chính kiến là Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập bị bắt giam. Riêng ông Lập còn bị khởi tố điều 88 'tuyên truyền chống nhà nước' - một điều luật mơ hồ mà lâu nay đã tưởng như không còn bị ngành công an và kiểm sát lạm dụng.
Hiện tượng dễ nhận ra là trong khoảng 3 tháng qua, triển vọng TPP lại trở nên mờ mịt đối với Nhà nước Việt Nam. Giờ đây, ngay cả những quan chức lạc quan nhất trong đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cũng chỉ hy vọng "sẽ kết thúc trong năm 2015' chứ không xác quyết 'ngay trong 2013' hay 'quyết tâm trong 2014' như trước đây. Rõ ràng thái độ không minh bạch và thiếu tôn trọng nhân quyền của Hà Nội đã không khiến phương Tây mở lòng.
'Deadline' TPP vào tháng 2/2015 cũng vì thế đang có khuynh hướng trở thành một khái niệm trừu tượng. Bây giờ, chẳng còn mơ màng về 'cú hích' nào đó, giới quan chức đàm phán TPP của Việt Nam có thể sẽ phải đánh vật với những điều kiện đầu tiên của TPP như 'từ sợi trở đi'...
-----------------------------------------
TTCT - Sau cuộc gặp lãnh đạo các thành viên TPP tại Bắc Kinh tháng trước, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết vướng mắc lớn nhất về vấn đề xuất xứ hàng hóa trong TPP, bao gồm hàng dệt may, đã tìm được một công thức “về cơ bản có thể gặp nhau được”.
Công nhân thao tác trên máy kéo sợi tại Nhà máy Sợi chỉ may Phong Phú - Ảnh: Thanh Đạm |
Điều này là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tạo thuận lợi cho những chuỗi cung ứng giữa các nước TPP.
TPP đã đạt được một số tiến bộ
Chiến thắng của phe liên minh cầm quyền LDP tại Nhật hôm 14-12 dấy lên hi vọng Tokyo có thể tập hợp đủ vốn chính trị cho những nhượng bộ quan trọng trong đàm phán TPP lúc này. Khúc mắc lớn nhất trong đàm phán lúc này vẫn là giữa Mỹ và Nhật, đặc biệt liên quan đến vấn đề thuế nông nghiệp và ôtô - cả hai đều mang tính chính trị rất lớn trong nội bộ Nhật.
Việc liên minh cầm quyền thắng lớn đảm bảo cho ông Abe có thời gian ổn định tương đối dài để tiến hành những nhượng bộ khó khăn cho TPP. Ngoài ra, do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm 2016, cuộc đàm phán trong năm sau sẽ chịu ảnh hưởng nhiều của diễn biến trên chính trường Mỹ.
Trước đó, vòng đàm phán sáu ngày hồi tuần trước ở Washington DC đã đẩy các nước TPP gần nhau hơn. Các nguồn tin nói đàm phán sẽ được tiếp tục vào đầu tháng 1-2015. Jiji Press trích các nguồn tin nói các nước đã đạt được một số tiến bộ về bảo vệ môi trường và hạn chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước.
Các nền kinh tế mới nổi hi vọng sẽ đạt được một số ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn đầu. Các nước cũng đồng ý sẽ phối hợp đối với các vấn đề môi trường và lao động. Dù vậy, các nước vẫn còn cách biệt về quyền sở hữu trí tuệ và thuế. Phát biểu tuần trước tại Hiệp hội Xuất khẩu Mỹ, Tổng thống Obama nói giờ khả năng kết thúc TPP đã cao hơn 50-50.
Hiện các nước hi vọng sẽ công bố được một thỏa thuận sơ bộ vào đầu năm sau. Mỹ và các nước mới nổi vẫn khác biệt về vấn đề bảo vệ bản quyền, nhất là của ngành dược. Đàm phán được tổ chức theo nhóm các nước có liên quan từng vấn đề chứ không còn đàm phán cả 12 nước.
|
Trong góc nhìn của tôi, một số điều khoản của TPP sẽ đẩy Việt Nam đi đúng hướng, vì đó là những điều khoản thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế và đem lại đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng như dệt may.
Về dệt may, Mỹ vẫn yêu cầu nguyên tắc “từ sợi trở đi” (yarn-forward), đòi hỏi sợi và các nguyên liệu phụ phải được sản xuất ở các nước TPP để sản phẩm cuối cùng được hưởng quy chế miễn thuế.
Việt Nam giờ là nhà sản xuất dệt may lớn nhưng thường là người ghép những sản phẩm cuối cùng trong khi việc dệt, nhuộm... được làm ở các nước khác. Khoảng 50% nguồn nguyên liệu, sản phẩm của Việt Nam là từ Trung Quốc, nước nằm ngoài TPP.
Theo điều khoản “yarn-forward” thì vải từ Trung Quốc sẽ không được hưởng quy chế miễn thuế hoàn toàn. Đoàn đàm phán Việt Nam đang thúc đẩy cho nguyên tắc “cắt và may” (quần áo cắt và may thành thành phẩm cuối cùng trong một nước TPP sẽ được hưởng quy chế như các sản phẩm sản xuất trong TPP).
Nhưng liệu đây có phải là chính sách tốt hay không?
Điều quan trọng cần nhớ là Việt Nam sẽ thật sự giành được gì từ TPP? Là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hầu hết hàng xuất khẩu Việt Nam đã đến các thị trường lớn với mức thuế thấp hoặc hoàn toàn không phải chịu thuế.
Và giờ dù đang ở mức thuế tương đối cao, hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam tới Mỹ - thị trường lớn nhất trong TPP - vẫn đang tăng trưởng ở mức cao (khoảng 15% trong năm ngoái theo Phòng Thương mại Mỹ) và chiếm khoảng 10% tổng nhập khẩu may mặc của Mỹ. Do vậy, giảm thuế dù quan trọng nhưng không nên là động lực chính cho đàm phán của Hà Nội.
Các ảnh hưởng khác của TPP có ý nghĩa hơn nhiều. Chẳng hạn, điều mà mọi người vẫn nói TPP đưa ra những yêu cầu với Việt Nam về cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước - vốn đang ngốn lượng vốn lớn nhưng hiệu quả không cao - một việc mà ai cũng biết là phải làm nhưng rất khó.
Đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp thì dẫn tới lạm phát, một trong những vấn đề lớn đối với người lao động Việt Nam cũng như cho phát triển kinh tế. TPP vì vậy sẽ là cú thúc từ bên ngoài để thực hiện cải cách này.
Động lực từ bên ngoài này là một trong những ảnh hưởng quan trọng của TPP. Và chúng ta đừng quên rằng thương mại chỉ là một mặt của TPP, mặt khác quan trọng hơn chính là đầu tư.
Trong nhiều năm, Chính phủ Việt Nam thường phàn nàn về việc tỉ lệ nội địa thấp trong các sản phẩm xuất khẩu. Việt Nam thường giữ được quá ít phần giá trị thặng dư từ xuất khẩu vì phần lớn thiết bị, nguyên liệu đều được xuất khẩu rồi được lắp ráp bởi nhân công giá rẻ, sau đó cho lên tàu gửi đi xuất khẩu.
Đây là vấn đề thật sự. Nếu không thể nâng cấp bậc thang giá trị, Việt Nam sẽ mắc kẹt trong vòng xoáy của bẫy thu nhập trung bình - một thuật ngữ mỹ miều - để nói rằng lương công nhân sẽ chẳng thể tăng nhiều nếu lý do duy nhất để các nhà máy đầu tư sản xuất chỉ là vì nhân công rẻ.
Nếu không muốn tiếp tục “rẻ” trong các thập kỷ tới, Việt Nam cần tăng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu, trong chất lượng sản phẩm và số lượng xuất khẩu.
Trong ngành dệt may, điều đó có nghĩa là không chỉ cắt vải từ nước ngoài và may ghép lại thành thành phẩm cuối cùng, mà phải sản xuất được vải trong nước. Nền công nghiệp may mặc của Việt Nam đang phát triển.
Ngân hàng Thế giới báo cáo trong năm 2013 cho thấy khoảng 145 xưởng quay sợi, 401 xưởng may và 105 xưởng dệt kim đang có trên khắp cả nước. Phòng Thương mại Mỹ ước tính các tập đoàn dệt may trong TPP đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào thị trường Việt Nam để đón đầu hiệp định.
Các nhà đầu tư này chọn Việt Nam vì họ nhận ra rằng theo quy định “từ sợi trở đi”, họ buộc phải sản xuất vải trong TPP hoặc là phải trả thuế khi xuất hàng vào Mỹ, Canada hay các thị trường TPP khác. Và do ngành dệt may đã chấm Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho sản xuất, các nhà sản xuất sợi về logic sẽ muốn ở ngay thị trường này.
Với nguyên tắc “từ sợi trở đi”, Việt Nam sẽ tiếp nhận nguồn vốn đầu tư đáng kể vào ngành dệt của mình. Do đây là mảng cần rất nhiều nguồn vốn và ở mức cao hơn trong bậc thang giá trị, sự phát triển của họ sẽ giúp rất nhiều trong việc cải thiện hiệu suất lao động và tạo việc làm trong các ngành có giá trị thặng dư cao hơn.
Ngược lại, nếu ở lại với nguyên tắc “cắt và may”, các nhà sản xuất sợi có thể lựa chọn đơn giản là tiếp tục ở lại Trung Quốc, tiếp tục xuất vải sang Việt Nam để tận dụng nhân công rẻ mà muốn làm công việc dễ là cắt và khâu. Đồng thời với đó là nhận khoản tiền ít ỏi hơn.
Điều rõ ràng là Việt Nam cần đàm phán một giai đoạn chuyển giao. Các bạn sẽ không thể chuyển từ nhập khẩu một nửa nguồn nguyên liệu của mình sang nền sản xuất chủ động nguồn nguyên liệu chỉ trong một đêm. Nhưng giai đoạn chuyển tiếp như vậy dễ đàm phán hơn là tranh cãi về nguyên tắc “từ sợi” hay là “cắt và may”.
Tuy nhiên giai đoạn chuyển giao này chỉ nên ngắn để có thể tạo cú thúc mạnh nhất cho các nhà đầu tư chuyển sang đầu tư sản xuất nhanh chóng cho Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng bày tỏ sự ngưỡng mộ với mô hình phát triển của Hàn Quốc. Và đây chính là điều Hàn Quốc đã làm: đặt những mục tiêu vừa tầm nhưng cũng rất thử thách đối với các ngành công nghiệp của chính họ trong khi đàm phán các hiệp định thương mại. Điều này đủ thúc đẩy họ phát triển sản phẩm của họ và tạo ra các công xưởng ở tầm cỡ thế giới thật sự.
Nguyên tắc “từ sợi trở đi” của TPP có thể là liều thuốc đắng ban đầu, nhưng chính là liều thuốc mà Việt Nam cần cho một hệ thống sản xuất dệt may hoàn chỉnh từ sản xuất sợi đến sản phẩm cuối cùng.
___________
(*): Thomas Jandl làm việc tại MRTJ Asia Consultants và là chuyên gia về lợi thế đầu tư ở các tỉnh tại Việt Nam. Ông nguyên là phó giáo sư và là học giả tại American University ở Washington DC.
Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét